Search

18.11.12

PHÁP LUẬT ĐẠI CƯƠNG


BÀI TẬP KỸ NĂNG 1

MÔN: PHÁP LUẬT ĐẠI CƯƠNG – LAW101



Câu 1 (6 điểm): Hãy phân tích các nội dung sau đây:
a) Vị trí, chức năng của Chính phủ
b) Cơ cấu tổ chức và hoạt động của Chính phủ
c) Mối quan hệ pháp lý giữa Chính phủ với Quốc hội
d) Nội dung các văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ ban hành.
Bài làm:
a) Vị trí, chức năng của Chính phủ
Chính phủ là cơ quan chấp hành của Quốc hội, cơ quan hành chính Nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Chính phủ thống nhất quản lý việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của Nhà nước; bảo đảm hiệu lực của bộ máy Nhà nước từ trung ương đến cơ sở; bảo đảm việc tôn trọng và chấp hành Hiến pháp và pháp luật; phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm ổn định và nâng cao đời sống vật chất và văn hoá của nhân dân.





b) Cơ cấu tổ chức và hoạt động của Chính phủ

Chính phủ gồm có Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng và các thành viên khác. Ngoài Thủ tướng, các thành viên khác của Chính phủ không nhất thiết là đại biểu Quốc hội.
Thủ tướng Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội và báo cáo công tác với Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước.
Chính phủ làm việc theo chế độ kết hợp trách nhiệm của tập thể với việc đề cao quyền hạn và trách nhiệm cá nhân của Thủ tướng và của mỗi thành viên Chính phủ.
Phiên họp của Chính phủ chỉ được tiến hành khi có ít nhất hai phần ba tổng số thành viên Chính phủ tham dự.
Trong các phiên họp thảo luận các vấn đề quan trọng được quy định tại Điều 19 của Luật này, các quyết định của Chính phủ phải được quá nửa tổng số thành viên Chính phủ biểu quyết tán thành.
Trong trường hợp biểu quyết ngang nhau thì thực hiện theo ý kiến mà Thủ tướng đã biểu quyết.




Chính phủ có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:
1- Lãnh đạo công tác của các Bộ, các cơ quan ngang Bộ và các cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân các cấp, xây dựng và kiện toàn hệ thống thống nhất bộ máy hành chính Nhà nước từ trung ương đến cơ sở; hướng dẫn, kiểm tra Hội đồng nhân dân thực hiện các văn bản của cơ quan Nhà nước cấp trên; tạo điều kiện để Hội đồng nhân dân thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn theo luật định; đào tạo, bồi dưỡng, sắp xếp và sử dụng đội ngũ viên chức Nhà nước;
2- Bảo đảm việc thi hành Hiến pháp và pháp luật trong các cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang và công dân; tổ chức và lãnh đạo công tác tuyên truyền, giáo dục Hiến pháp và pháp luật trong nhân dân;
3- Trình dự án luật, pháp lệnh và các dự án khác trước Quốc hội và Uỷ ban thường vụ Quốc hội;
4- Thống nhất quản lý việc xây dựng, phát triển nền kinh tế quốc dân; thực hiện chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia; quản lý và bảo đảm sử dụng có hiệu quả tài sản thuộc sở hữu toàn dân; phát triển văn hoá, giáo dục, y tế, khoa học và công nghệ, thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước;
5- Thi hành những biện pháp bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tạo điều kiện cho công dân sử dụng quyền và làm tròn nghĩa vụ của mình, bảo vệ tài sản, lợi ích của Nhà nước và của xã hội; bảo vệ môi trường;
6- Củng cố và tăng cường nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân; bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội; xây dựng các lực lượng vũ trang nhân dân; thi hành lệnh động viên, lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp và mọi biện pháp cần thiết khác để bảo vệ đất nước;
7- Tổ chức và lãnh đạo công tác kiểm kê, thống kê của Nhà nước; công tác thanh tra và kiểm tra Nhà nước, chống quan liêu, tham nhũng trong bộ máy Nhà nước; công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân;
8- Thống nhất quản lý công tác đối ngoại của Nhà nước; ký kết, tham gia, phê duyệt điều ước quốc tế nhân danh Chính phủ; chỉ đạo việc thực hiện các điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, lợi ích chính đáng của tổ chức và công dân Việt Nam ở nước ngoài;
9- Thực hiện chính sách xã hội, chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo;
10- Quyết định việc điều chỉnh địa giới các đơn vị hành chính dưới cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
11- Phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể nhân dân trong khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình; tạo điều kiện để các tổ chức đó hoạt động có hiệu quả.
Nhiệm kỳ của Chính phủ theo nhiệm kỳ của Quốc hội. Khi Quốc hội hết nhiệm kỳ, Chính phủ tiếp tục làm nhiệm vụ cho đến khi Quốc hội khoá mới thành lập Chính phủ mới.

c) Mối quan hệ pháp lý giữa Chính phủ với Quốc hội
Chính phủ là cơ quan chấp hành của Quốc hội
Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội và báo cáo công tác với Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước.
Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ, trước Quốc hội về lĩnh vực, ngành mình phụ trách.
Nhiệm kỳ của Chính phủ theo nhiệm kỳ của Quốc hội. Khi Quốc hội hết nhiệm kỳ, Chính phủ tiếp tục làm nhiệm vụ cho đến khi Quốc hội khoá mới thành lập Chính phủ mới.
Hàng quý, sáu tháng, Chính phủ gửi báo cáo công tác của Chính phủ đến Chủ tịch nước, Uỷ ban thường vụ Quốc hội. Tại kỳ họp giữa năm của Quốc hội, Chính phủ gửi báo cáo công tác đến các đại biểu Quốc hội. Trong kỳ họp cuối năm của Quốc hội, Chính phủ báo cáo trước Quốc hội về công tác của Chính phủ.
Khi Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội yêu cầu thì các thành viên của Chính phủ có trách nhiệm đến trình bày hoặc cung cấp các tài liệu cần thiết.
Thủ tướng Chính phủ hoặc thành viên của Chính phủ có trách nhiệm trả lời các kiến nghị của Hội đồng dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội trong thời hạn chậm nhất là mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được kiến nghị.
Thủ tướng Chính phủ hoặc thành viên của Chính phủ có trách nhiệm trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội theo quy định của Luật tổ chức Quốc hội.
Kinh phí hoạt động của Chính phủ do Quốc hội quyết định từ ngân sách nhà nước.

d) Nội dung các văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ ban hành:
Đình chỉ việc thi hành hoặc bãi bỏ những quyết định, chỉ thị, thông tư của Bộ trưởng, các thành viên khác của Chính phủ, quyết định, chỉ thị của Uỷ ban nhân dân và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trái với Hiến pháp, luật và các văn bản của các cơ quan Nhà nước cấp trên;
Đình chỉ việc thi hành những nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trái với Hiến pháp, luật và các văn bản của các cơ quan Nhà nước cấp trên, đồng thời đề nghị Uỷ ban thường vụ Quốc hội bãi bỏ;
Trình các dự án luật trước Quốc hội, dự án pháp lệnh trước Uỷ ban thường vụ Quốc hội và chương trình của Chính phủ về xây dựng luật, pháp lệnh với Uỷ ban thường vụ Quốc hội; ban hành kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật để thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước và để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất trong các văn bản quy phạm pháp luật của các bộ, cơ quan ngang bộ, Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân các cấp;
Thủ tướng Chính phủ ký các nghị quyết, nghị định của Chính phủ, ra quyết định, chỉ thị và hướng dẫn, kiểm tra việc thi hành các văn bản đó đối với tất cả các ngành, các địa phương và cơ sở.
Căn cứ vào Hiến pháp, luật và nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước, các văn bản của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ ra quyết định, chỉ thị, thông tư và hướng dẫn, kiểm tra việc thi hành các văn bản đó đối với tất cả các ngành, các địa phương và cơ sở.
Các nghị quyết, nghị định của Chính phủ, quyết định, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực thi hành trong phạm vi cả nước.
Nguồn tham khảo :
[1]. Khoa Luật, Đại học Kinh tế quốc dân. 2012. Giáo trình Pháp luật đại cương. Tái bản lần thứ 3, NXB Đại học Kinh tế quốc dân.
 [2]. Hiến pháp 1992, sửa đổi bổ sung năm 2001
 [3]. Luật tổ chức Quốc hội 2001, sửa đổi bổ sung năm 2007
 [4]. Luật tổ chức Chính phủ 2001

Câu 2 (2 điểm): Nhận định sau đây là đúng hay sai ? Vì sao?
"Bộ Kế hoạch và Đầu tư không phải là cơ quan thuộc Chính phủ".
Bài làm:
Nhận định trên là ĐÚNG vì :
·        Bộ kế hoạch đầu tư là 1 bộ thuộc danh sách 18 các bộ ngành trung ương hiện có tại Việt Nam.
·        Bộ Kế hoạch và Đầu tư được thành lập ngày 1 tháng 11 năm 1995, theo Nghị định số 75/CP của Chính phủ trên cơ sở hợp nhất Ủy ban Kế hoạch Nhà nước và Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư.
·        Theo điều 110 hiến pháp 1992  « Chính phủ gồm có Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng và các thành viên khác «   vì vậy mặc nhiên Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải là cơ quan của Chính phủ.
·        Điều 2 Nghị định số 36/2012/NĐ-CP của Chính phủ Bộ là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực trong phạm vi cả nước; quản lý nhà nước các dịch vụ công thuộc ngành, lĩnh vực.
·        Điều 22 Luật Tổ chức Chính phủ: Bộ, cơ quan ngang bộ là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với ngành hoặc lĩnh vực công tác trong phạm vi cả nước; quản lý nhà nước các dịch vụ công thuộc ngành, lĩnh vực; thực hiện đại diện chủ sở hữu phần vốn của nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước theo quy định của pháp luật."
·        Bộ do Quốc Hội quyết định thành lập, bãi bỏ theo quy định tại Điều 84 Hiến pháp 1992 (khoản 8) và Điều 2 Luật Tổ chức Chính phủ
·        Cơ cấu tổ chức của Chính phủ gồm: các Bộ và cơ quan ngang bộ (Điều 2 Luật Tổ chức Chính phủ)
·        Còn cơ quan thuộc Chính phủ do Chính phủ thành lập theo quy định tại khoản 7 Điều 19 Luật tổ chức Chính phủ
Vậy nói : "Bộ Kế hoạch và Đầu tư không phải là cơ quan thuộc Chính phủ". Là ĐÚNG.





Câu 3 (2 điểm): Nhận định sau đây là đúng hay sai ? Vì sao?
"Mọi hành vi trái pháp luật đều phải gánh chịu trách nhiệm pháp lý".
Bài làm :
Ý kiến trên là SAI
Chúng ta cần phân biệt rõ giữa hành vi vi phạm pháp luậthành vi trái pháp luật
Vi phạm pháp luật là hành vi trái pháp luật và có lỗi, do chủ thể có năng lực trách nhiệm pháp lý thực hiện, xâm hại đến các quan hệ xã hội được pháp luật bảo vệ.
Hành vi trái pháp luật là hành vi được thực hiện trái với những quy định của pháp luật. Như không làm những việc mà pháp luật yêu cầu, làm những việc mà pháp luật cấm, quá phạm vi cho phép của pháp luật
Về nguyên tắc, mọi hành vi vi phạm pháp luật đều phải chịu trách nhiệm pháp lý. Tuy nhiên trên thực tế, nếu có hành vi vi phạm pháp luật được thực hiện mà không biết ai là người đã thực hiện thì không thể truy cứu trách nhiệm pháp lý. Hoặc khi cơ quan nhà nước biết về hành vi vi phạm pháp luật thì đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm pháp lý thì người thực hiện hành vi vi phạm pháp luật không phải chịu trách nhiệm pháp lý nữa
• Vi phạm pháp luật phải là hành vi do người có năng lực trách nhiệm pháp lý thực hiện. Trong pháp luật, sự độc lập gánh chịu trách nhiệm pháp lý chỉ quy định đối với những người có khả năng tự lựa chọn được cách xử sự và có sự tự do ý chí, tức là người đó phải có khả năng nhận thức, điều khiển được hành vi của mình. Vì vậy, những hành vi mặc dù trái pháp luật nhưng do những người không có năng lực hành vi, người mất năng lực hành vi thực hiện thì vẫn không bị coi là vi phạm pháp luật.
• Vi phạm pháp luật là những hành vi trái pháp luật nhưng hành vi trái pháp luật đó phải chứa đựng lỗi của chủ thể của hành vi. Để xác định hành vi vi phạm pháp luật phải xem xét cả mặt chủ quan của hành vi, tức là xác định lỗi của họ là biểu hiện trạng thái tâm lý của người thực hiện hành vi đó. Trạng thái tâm lý đó có thể là cố ý hay vô ý. Lỗi là yếu tố không thể thiếu được để xác định hành vi vi phạm pháp luật. Nếu một hành vi trái pháp luật được thực hiện do những điều kiện và hoàn cảnh khách quan mà chủ thể hành vi đó không thể ý thức hoặc lường trước được thì họ không thể bị coi là có lỗi, và do đó không thể bị coi là vi phạm pháp luật.Có những trường hợp có vi phạm pháp luật nhưng chủ thể không phải chịu trách nhiệm pháp lý. Đó là những trường hợp chủ thể không có khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của mình như: mắc bệnh tâm thần ; chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự...Nhưng trên phương diện lý luận, thì đã có vi phạm pháp luật thì phát sinh trách nhiệm pháp lý. Còn thực tế chịu trách nhiệm hay thực hiện trách nhiệm hay không thì tùy từng hoàn cảnh cụ thể mà pháp luật sẽ có những chế tài cụ thể.
Vậy có thể nói : hành vi vi phạm pháp luật bao gồm hành vi trái pháp luật và phải chịu trách nhiệm pháp lý. Nhưng không thể nói ngược lại.
Vì vậy nhận định "Mọi hành vi trái pháp luật đều phải gánh chịu trách nhiệm pháp lý". Là SAI











Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Vui lòng viết Tiếng Việt. Có dấu.
Nhận xét luôn luôn được kiểm tra trước khi xuất bản. :). Vì vậy bạn đừng cố SPAM
Cảm ơn bạn