Search

23.4.17

Tên tôi là đỏ tác giả Orhan Pamuk

Phanblogs Đến đây các bạn đã đọc xong Tên tôi là Đỏ. Chúng tôi, những người dịch, vốn đã sống với tiểu thuyết này vài tháng để hoàn tất bản dịch, rất muốn bàn bạc trao đổi với quý bạn những suy nghĩ của mình, trong một nỗ lực thấu hiểu được tác phẩm với tư cách người đọc, chứ không phải với tư cách một nhà phê bình chuyên nghiệp.

Tên tôi là đỏ tác giả Orhan Pamuk
Tên tôi là đỏ tác giả Orhan Pamuk

Chúng tôi tin rằng (mà niềm tin thì không đòi hỏi phải chứng minh, nên rất mong các bạn lượng thứ cho chúng tôi việc chứng minh này) mọi sáng tác văn học và nghệ thuật đều có nhiều cách đọc, hiểu và lý giải khác nhau. Do đó, chắc chắn một kiệt tác như Tên tôi là Đỏ cũng vậy (nó là kiệt tác vì nó đủ thuyết phục và hấp dẫn đối với nhiều tầng lớp người đọc ở nhiều nền văn hóa khác nhau, Đông cũng như Tây). Nên chúng tôi tin rằng (lại “tin” nữa) tác phẩm này có thể có ba tầng ý nghĩa, hay ba cách đọc khác nhau. Và chúng tôi gọi “ba tầng” cho dễ hiểu chứ không có ý đồ cho rằng tầng này thâm sâu hơn tầng kia, nghĩa là, mỗi tầng đều có giá trị như nhau.

Tên tôi là đỏ Orhan Pamuk.doc


Tên tôi là đỏ Orhan Pamuk.pdf


Thứ nhất, bạn có thể xem nó như một tiểu thuyết hình sự. Xét cho cùng, tiểu thuyết hình sự không có gì là kém cỏi, hay thiếu tính văn chương, vì tác giả phải có tay nghề đủ cao để buộc người đọc lật sang trang kế tiếp cho đến hết cuốn sách, buộc người đọc phải suy nghĩ, lý giải (tức là “sống”), cùng nhân vật cho đến kết thúc. Nói cách khác, tiểu thuyết hình sự cũng khó viết như mọi loại hình tiểu thuyết khác, thậm chí còn khó viết hơn loại tiểu thuyết tự sự, với nhân vật xưng “tôi” (ngôi thứ nhất), và quyền tùy nghi phát biểu mọi điều mình nghĩ mà không cần chứng minh hay lý giải cho tác giả.

Tên tôi là Đỏ cũng kể về chuyện sát nhân (không chỉ một, mà là hai vụ sát nhân), quá trình điều tra, truy cứu, và sau cùng, tìm ra thủ phạm (nếu nhìn theo hướng này thì Tội ác và Trừng phạt của Dostoyevsky cũng là một tiểu thuyết hình sự). Cách kể chuyện theo lối tự thuật (account) của nhiều nhân vật đã cho phép tác giả mô tả suy nghĩ và diễn biến tâm lý của từng nhân vật mà không cần dựng lên tình huống làm lộ ra tâm lý đó, nghĩa là, tác giả có thể thọc lưỡi dao mổ xẻ của mình vào mỗi nhân vật, sâu hay nông tùy thích. Và cách kể chuyện đó dẫn dắt độc gia bóc trần từng lớp vỏ tâm lý, vì không hẳn mỗi nhân vật đều thú thật ngay từ dòng đầu những suy nghĩ của mình, cho đến khi nhận ra thực chất của mỗi nhân vật, và mỗi vấn đề theo những cách nhìn khác nhau.

Tiểu thuyết hình sự phải duy trì sự tò mò, căng thăng và hồi hộp của người đọc cho đến phút chót. Thậm chí, tiểu thuyết hình sự còn phải cung cấp cho người đọc một kết thúc có hậu (thí dụ như thiện thắng ác thua, kẻ tốt được tưởng thưởng và kẻ xấu bị trừng phạt, hay thủ phạm bị vạch mặt còn công an điều tra được vinh danh) phù hợp với cách nghĩ của mọi người (điều này lý giải tại sao một truyện hình sự, hay một truyện ma, dù rùng rợn tới đâu, cũng không gây đau tim và bất ngờ như một trận bóng đá). Tên tôi là Đỏ hội đủ những tiêu chuẩn trên. Nên các bạn đừng ngạc nhiên khi nhiều bài phê bình nhận định đã gọi tác phẩm này là “truyện hồi hộp” (thriller) hay “kỳ án” (mystery), có lẽ vì mục đích thúc đẩy độc giả tìm đọc tác phẩm này.

Không chỉ có vậy, Tên tôi là Đỏ còn là một tiểu thuyết lịch sử. Nó kể về một giai đoạn trong lịch sử nghệ thuật hội họa Thổ Nhĩ Kỳ (nên nhớ, Pamuk học kiến trúc trước khi viết văn, điều đó lý giải tại sao ông am tường nghệ thuật truyền thống Thổ Nhĩ Kỳ). Bối cảnh câu chuyện là cuối thế kỷ 16 (chính xác là năm 1591 như tác giả định rõ và Pamuk, trong nhiều lần trả lời phỏng vấn, đã kêu gọi độc giả đọc kỹ, và đọc lại nhiều lần, phần Niên biểu ở cuối sách).

Cuối thế kỷ 16 là giai đoạn suy tàn của nền tiểu họa Thổ Nhĩ Kỳ, hay nền hội họa Hồi giáo nói chung. Trong thế giới Hồi giáo, hội họa không được trọng vọng, thậm chí còn bị cấm đoán vì giáo lý đạo Hồi cấm tôn thờ ngẫu tượng (tức hình ảnh của thần thánh mang hình dáng con người). Từ thế kỷ 9 đến thế kỷ 16, hội họa Thổ Nhĩ Kỳ, dù đạt đỉnh cao và để lại nhiều tác phẩm có giá trị, vẫn chỉ đóng vai trò minh họa cho văn bản. Nhà thư pháp (người biết đọc biết viết và có thể chép lại cổ thư) luôn được coi là nghệ sĩ đích thực trong khi nhà minh họa chỉ vẽ tranh để thể hiện những cảnh trí hay chi tiết của câu chuyện được ghi trong cổ thư, và bị đánh giá thấp hơn. Ban đầu họ chỉ vẽ tranh ở phần lề trang sách, do đó họ được gọi là “tiểu họa” (những bức tranh cực nhỏ), rồi sau đó mới giành được quyền có tranh minh họa chiếm nguyên cả trang sách.

Do giáo luật cấm thờ ngẫu tượng, nên hội họa Thổ Nhĩ Kỳ không mang tính tả chân mà chỉ có tính ước lệ. Họ vẽ người có hình dáng người (nghĩa là có chân tay, mặt mũi, áo quần, vân vân, của con người, chứ không giống một ai cụ thể), và xác định đó là ai qua trang phục, màu sắc hay cử chỉ trong tranh. Từ Giáo luật này, các giáo sĩ suy ra rằng hội họa không được quyền sáng tạo (vì “sáng tạo” là độc quyền của Thượng đế) mà chỉ có quyền thể hiện những khái niệm, hay những câu chuyện, mà mọi người đều đã biết, qua những hình ảnh ước lệ, tựa như trong nghệ thuật “hát bộ” (không phải “hát bội”) của Việt Nam, một diễn viên kẹp một cây chổi giữa hai chân phải được hiểu là “một người đang cưỡi ngựa”, không cần biết người đó là vua quan hay thứ dân. Tư tưởng này đưa tới cách vẽ hoàn toàn mô phỏng theo những bậc thầy xưa chứ không dám tìm ra một phong cách mới, và điều đó được coi là duy trì, hay phát huy, truyền thống cổ, và là một việc làm “tốt hoặc hợp đạo giáo.” Cách vẽ này, tức cách vẽ của những bậc thầy xưa, cũng chẳng có gì sáng tạo mà chỉ là ít nhiều mô phỏng hoặc chịu ảnh hưởng hội họa Trung Hoa, vốn lan tới Tây Á theo sự bành trướng của để quốc Mông Cổ vào thế kỷ 12-13. Đó là cách vẽ không theo luật phối cảnh, vật ở gần hay ở xa đều giữ nguyên vai trò của nó chứ không thay đổi theo tầm nhìn gần hay xa. Đó là cách vẽ theo cái nhìn “Từ một đỉnh tháp,” giống như cách nhìn thế giới của Thượng đế, tức là “Nhìn từ trên cao.” quan điểm này được biện minh bằng lý luận rằng “nếu theo luật phối cảnh thì một thánh đường Hồi giáo, hay nhà vua, hay Thượng đế, khi ở xa, sẽ nhỏ hơn một con chó, hay thậm chí, nhỏ hơn một sợi lông chó. Và vẽ như thế là phạm thượng hoặc báng bổ.”.

Cuối thể kỷ 16, theo chân các nhà truyền đạo Thiên chúa giáo và những đội quân viễn chinh chiếm thuộc địa, hội họa Tây phương bắt đầu lan vào thế giới Hồi giáo, cụ thể là phong cách tả thực và luật phối cảnh. Thế là ở đây nảy sinh xung đột giữa Đông và Tây, tức giữa hai nền văn hóa, chủ đề chính của tiểu thuyết này. Các họa sĩ trong truyện bị giằng xé giữa hai lựa chọn: học theo phong cách Tây phương, hoặc tiếp tục đi theo truyền thống, và hai lựa chọn này còn nghiêm trọng hơn vì chúng gắn liền với ý thức tôn giáo (theo truyền thống nghĩa là tôn trọng giáo luật, còn theo phương Tây là trái giáo luật).

Dĩ nhiên, những người muốn học theo phong cách Tây phương cũng tìm được cơ sở lý luận, dựa vào tôn giáo, cho quyết định của mình.

Họ trích dẫn một câu trong kinh Koran: “Đông và Tây đều thuộc về Thượng đế”, để biện minh rằng vẽ theo kiểu nào cũng là thuận theo ý muốn của Thượng đế chứ không có gì là trái giáo luật cả.

Và theo quy luật tất yếu, cái mới sẽ thắng cái cũ. Nền hội họa phương Tây đã lấn át hội họa Hồi giáo (hay phương Đông) truyền thống và đẩy nó vào lịch sử, và từ thế kỷ 17 trở đi, nền tiểu họa, và cả hội họa Thổ Nhĩ Kỳ, bước vào buổi suy tàn và các họa sĩ Thổ bắt đầu vẽ theo phong cách Tây phương, cho đến tận hôm nay. Đó cũng là bi kịch xảy ra với các nhà tiểu họa trong tác phẩm này.

Ỏ tầng thứ ba, theo chúng tôi, Tên tôi là Đỏ chính là tiếng kêu bi thương của nghệ thuật trước những thế lực phi nghệ thuật. Nghệ thuật, và người làm nghệ thuật không còn được quyền là chính mình và phục vụ trước hết cho chính mình. Nghệ thuật, để tồn tại, phải phục vụ cho những thế lực phi nghệ thuật, có thể là thế quyền (vua chúa, những kẻ có quyền lực) hoặc thần quyền (như tôn giáo, guồng máy chế ngự tinh thần và tư tưởng của con người). Dĩ nhiên, nghệ thuật có thể phục vụ cho bất kỳ ai, bất kỳ thế lực nào hay chủ trương nào, để đổi lấy tiền bạc, những ưu đãi hay danh vọng cho người làm nghệ thuật. Nhưng đó, theo chúng tôi tin, không phải là vai trò hay nhiệm vụ duy nhất của nghệ thuật.

Nhưng thôi, chúng ta không nên rơi vào cuộc tranh luận muôn thuở và nhạy cảm, giữa “nghệ thuật vị nhân sinh hay nghệ thuật vị nghệ thuật”. Trong tác phẩm này, những nhà tiểu họa, tức những người làm nghệ thuật, đã sống, suy nghĩ và làm việc theo kiểu những người khác (cụ thể là giới thế quyền và thần quyền) đã suy nghĩ và làm việc. Họ không biết, và không có khả năng, suy nghĩ và sáng tạo độc lập với tư cách con người và tư cách nghệ sĩ. Và nói theo kiểu của Karl Marx và những tiền bối của ông, họ đã vong thân (đánh mất, hay bỏ quên, chính mình). Đó là tình trạng mà trong đó con người không hiểu mình là ai, đang giữ vai trò gì, và do đó phải hành xử ra sao, và con người đành rơi vào hoặc trôi theo, cung cách suy nghĩ và hành động của người khác của giai cấp khác, và thậm chí của kẻ thù của mình.

Các nhà tiểu họa trong đây đã yêu, ghét, vui, buồn, hay thậm chí giết nhau, không phải vì họ muốn như thế, mà hoàn toàn là do họ bị chi phối bởi một đạo giáo, triết lý, hay cách tư duy của người khác, hay cách nghĩ được xã hội thừa nhận.

Đến đây, xin bạn đọc cho phép tôi được kể một chuyện ngoài lề. Trong tác phẩm The Painted Bird (Con chim bị sơn), Zerzi Kosinski (nhà văn Ba Lan, 1933-1991) đã mô tả một thợ bẫy chim sống một mình trong rừng, và thú giải khuây của ông ta là lấy những con chim nhỏ, không bán được nhiều tiền, rồi phết sơn lên lông của chúng. Khi được thả ra, những con chim này liền cất tiếng kêu. Tiếng kêu đó thu hút đồng loại của nó, nhưng khi những con chim đồng loại tới gần, chúng lại rất đỗi hoang mang vì nghe tiếng kêu thì thấy quen thuộc, nhưng nhìn hình dáng thì rất xa lạ (trọng mắt mà rẻ tai). Sự hoang mang này đã đẩy một số con tấn công, và có khi giết chết, con chim bị sơn. Dĩ nhiên, bạn có thể kết luận rằng những con chim giết nhau vì khác biệt bề ngoài, nhưng tôi lại nghĩ rằng, ở một tầng ý nghĩa khác, Kosinski đã tạo nên một ẩn dụ tuyệt vời về kiếp vong thân, ở cả hai phía, không sơn và bị sơn.

Trở lại với Tên tôi là Đỏ, chúng tôi tin rằng Pamuk đã nhấn mạnh ý nghĩa này khi ông rất nhiều lần, mô tả tình yêu thương bạn bè và thầy trò giữa các bậc thầy tiểu họa, ngay cả khi họ quyết định giết nhau, qua lời tự thuật của kẻ sát nhân cũng như các nạn nhân của y. Nghĩa là, tuy rất thương nhau nhưng họ vẫn giết nhau, không phải vì họ muốn thế, mà bởi vì khác biệt trong tư duy và niềm tin tôn giáo, và dĩ nhiên cũng vì lòng vị kỷ, muốn bảo toàn sinh mạng hay những gì mình đã có được.

Đối mặt với bi kịch đó, người nghệ sĩ có những phản ứng riêng, có kẻ bỏ nghề hay làm những công việc nghệ thuật tầm thường để kiếm sống, như trang trí thảm, đồ gốm, hay chai lọ, và cực đoan hơn, tự đâm mù mắt mình để khỏi phải thay đổi phong cách hay sáng tác theo ý người khác, nhất là ý muốn của giới thống trị (như trường hợp Sư phụ Osman và Bihzad trong tác phẩm này). Ta hãy khoan phê phán việc làm đó là đúng hay sai, mà hãy cố hiểu tại sao họ làm như thế. Chi tiết này trong truyện không chỉ là sự kiện, mà còn là một biểu tượng, và qua đó, tác giả lại buộc ta tiếp tục suy nghĩ về kiếp vong thân của con người.

Tôi đã đọc, dịch và yêu mến tác phẩm này, rồi kính trọng cả tác giả vì những hiểu biết và tình cảm mà ông đã dành cho truyền thống văn hóa của đất nước Thổ Nhĩ Kỳ của ông. Chắc chắn rằng, qua tác phẩm của ông, độc giả thế giới đã được tiếp cận, thấu hiểu và yêu mến, dù ít hay nhiều, nền văn hóa Thổ cũng như cả nền văn minh Hồi giáo, dù rằng trong bối cảnh hiện đại, nền văn minh ấy đang bị gắn liền, hay gán ghép, một cách ít nhiều sai lạc, với những hành vi khủng bố.

Chúng tôi mong rằng các bạn sẽ xem đây là những ý nghĩ vụn vặt của một người đọc (chỉ là người đọc thôi) chứ không phải là nhà phê bình hay giảng dạy về lý luận văn học, nên do đó chúng tôi rất mong nhận được ý kiến trao đổi, chia sẻ hoặc phản bác của bạn đọc gần xa.

Tên tôi là đỏ Orhan Pamuk.doc


Tên tôi là đỏ Orhan Pamuk.pdf





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Vui lòng viết Tiếng Việt. Có dấu.
Nhận xét luôn luôn được kiểm tra trước khi xuất bản. :). Vì vậy bạn đừng cố SPAM
Cảm ơn bạn