Search

14.10.20

Kinh Lá rừng Simsapa

Kinh Lá rừng Simsapā (Tương ưng 56.31):

… Một thời, Đức Thế Tôn trú ở Kosambi, tại rừng Simsapā. Ngài lấy tay nhặt lên một ít lá Simsapā, rồi bảo các Tỳ khưu:

– “Này các Tỳ khưu, quý vị nghĩ thế nào, cái gì là nhiều hơn, số lá Simsapā mà Ta nắm lấy trong tay, hay số lá trong rừng Simsapā?”

– “Bạch Thế Tôn, số lá Simsapā mà Ngài nắm lấy trong tay thật là quá ít, còn số lá trong rừng Simsapā thật là quá nhiều.”

– “Này các Tỳ khưu, cũng giống như những gì Ta đã biết rõ mà không giảng dạy cho quý vị thật là quá nhiều; còn những gì mà Ta đã giảng dạy thật là quá ít. 
Tại sao Ta không giảng dạy tất cả những điều ấy? Bởi vì có những điều không liên hệ đến mục đích, không phải là căn bản cho đời sống thanh cao, không đưa đến yếm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Do vậy, Ta không giảng dạy những điều ấy.


… Một thời, Đức Thế Tôn trú ở Kosambi, tại rừng Simsapā. Ngài lấy tay nhặt lên một ít lá Simsapā, rồi bảo các Tỳ khưu:  – “Này các Tỳ khưu, quý vị nghĩ thế nào, cái gì là nhiều hơn, số lá Simsapā mà Ta nắm lấy trong tay, hay số lá trong rừng Simsapā?”  – “Bạch Thế Tôn, số lá Simsapā mà Ngài nắm lấy trong tay thật là quá ít, còn số lá trong rừng Simsapā thật là quá nhiều.”
Kinh Lá rừng Simsapa

“Này các Tỳ khưu, Ta giảng dạy những điều gì? ‘Ðây là Khổ’, là điều Ta giảng dạy. ‘Ðây là Khổ tập’, là điều Ta giảng dạy. ‘Ðây là Khổ diệt’, là điều Ta giảng dạy. ‘Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt’, là điều Ta giảng dạy.

“Nhưng tại sao Ta giảng dạy những điều ấy? Bởi vì những điều ấy liên hệ đến mục đích, là căn bản cho đời sống thanh cao, đưa đến yếm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Do vậy, Ta giảng dạy những điều ấy.

“Vì thế, này các Tỳ khưu, quý vị cần phải nỗ lực để biết rõ: ‘Ðây là Khổ’, 
  • cần phải nỗ lực để biết rõ: ‘Ðây là Khổ tập’, 
  • cần phải nỗ lực để biết rõ: ‘Ðây là Khổ diệt’, 
  • cần phải nỗ lực để biết rõ: ‘Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt’”.

Vài suy tư về bài Kinh Lá rừng Simsapa:

Kinh Lá rừng Simsapa
Kinh Lá rừng Simsapa



Trong bài kinh, Đức Phật nói rằng Ngài biết rất nhiều, về đời sống, về thế giới vũ trụ, về mọi sự việc trong thế gian, nhưng Ngài không truyền giảng tất cả những điều đó. Ngài không dạy chúng ta phải biết rõ tất cả mọi sự việc trên đời, bởi vì có những sự hiểu biết thật ra không liên hệ, không giúp ích chi cho con đường đưa đến giải thoát. Đây là điểm quan trọng mà hành giả trên con đường tu học cần phải ghi nhớ.

Những gì Ngài đã truyền giảng, như đã ghi lại trong Kinh tạng giáo điển – tạng Nikāya và tạng A-hàm – bao gồm các chủ đề quan trọng, cần thiết, quý giá để chúng ta tìm hiểu, suy tư, và áp dụng. Đây là một phước duyên to lớn cho chúng ta, khi hầu như toàn bộ giáo điển đó đã được các vị Tăng sĩ gìn giữ, lưu truyền qua nhiều thế hệ, và ngày nay chuyển dịch sang ngôn ngữ hiện đại để chúng ta học tập và ghi nhớ. Mặc dù một số bài kinh có nội dung giống nhau, có vẻ trùng lặp, nhưng điều đó chứng tỏ rằng các chủ đề đó quả thật là số lá rừng trong nắm tay để chúng ta chuyên chú, tập trung học tập.

Còn vô số lá cây trong rừng kia là những gì Đức Phật không truyền dạy cho các đệ tử của Ngài – mà ngày nay, chúng ta thường thấy chúng được thu gom vào trong kho tàng thư văn Phật giáo. Trong kho tàng bao hàm này, chúng ta thấy có rất nhiều luận giải, bình giải, giáo thuyết hậu kỳ của mọi trường phái, tông phái đã khai triển từ khi Đức Phật nhập diệt, kể cả các luận thuyết siêu hình, các lý thuyết về nhân tính, các phân giải tỉ mỉ về tâm thức và sự vận hành tâm, các cõi trời và nhiều phân hạng bồ-tát, các dạng thức trung chuyển khi tái sinh, các câu chú niệm huyền bí, các hình thức nghi lễ phức tạp, những luận giải vượt ngoài nội dung của các bài kinh giảng, v.v.

Không có nghĩa là các tài liệu đó hoàn toàn sai lạc hay hoàn toàn không có cơ sở. Tuy nhiên, dù chúng có đúng hay sai, cũng không có ích lợi chi cho con đường giải thoát. Nếu chúng quả thật có ích lợi cho sự tu tập, ắt hẳn Đức Phật đã giảng dạy cho hàng đệ tử của Ngài – vì Đức Phật tuyên bố Ngài đã giảng Chánh pháp rõ ràng, như một vị đạo sư với bàn tay mở rộng, không bí mật, không che giấu (Đại kinh Bát-niết-bàn, Trường bộ), và từ đó được ghi nhớ và truyền tụng trong các bài kinh, và được kết tập trong Kinh tạng.

Suy gẫm về các lời dạy của Đức Phật trong bài kinh Lá rừng Simsapā giúp ta tiết kiệm được thì giờ. Chúng ta không phí thì giờ để theo đuổi những câu hỏi vô ích. Chúng ta tránh được việc dính mắc vào các kiến giải hoang vu, không tưởng. Bài kinh nhắc nhở ta tập trung vào những lời dạy chính yếu của Đức Phật, và áp dụng chúng trong công phu tu tập. Chúng ta không cần phải tranh luận nhiều lý thuyết khác nhau, không cần phí thì giờ tìm hiểu chúng. Thì giờ là quý báu, đời sống rất ngắn ngủi, sinh được làm người là điều hiếm có, và ta phải biết sử dụng thì giờ và công sức cho có lợi lạc trên con đường tâm linh.

Khi ta hiểu rằng những gì không được Đức Phật truyền giảng khi Ngài còn tại thế là những gì không liên hệ đến mục đích giải thoát tối hậu, ta nhận ra ngay rằng không có những giáo thuyết bí mật, không có những giáo thuyết đã được giấu đi ở một thế giới nào đó để tái xuất hiện sau này, hoặc là giáo thuyết được Ngài truyền giảng ở một cõi trời nào đó, v.v. Đức Phật đã giảng như thật, như chân. Ngài đã giảng rõ ràng và đầy đủ cho chúng ta trên địa cầu này, cho những ai đến để nghe.

Đã có nhiều vị đệ tử của Ngài đã ghi nhớ, thông hiểu, tu tập, và nhập dòng thánh giải thoát – và ngay cả những vị này cũng chưa hẵn đã học hết toàn bộ Kinh tạng. Quên lãng các bài kinh giảng và tầm cầu các luận thuyết khai triển vượt qua những gì Đức Phật đã truyền dạy là không nhận thức được ý nghĩa sâu sắc của những điều Ngài đã thật sự chỉ dạy cho các vị thánh đệ tử đó.

Vì vậy, ta không cần phải vướng mắc vào các điều gì khác. Nhiệm vụ của chúng ta là thực hiện những gì đã được Đức Phật đã giảng rõ ràng trong bài kinh: “… Cần phải nỗ lực để biết rõ: Đây là khổ. Cần phải nỗ lực để biết rõ: Đây là nguồn gốc của khổ. Cần phải nỗ lực để biết rõ: Đây là sự diệt khổ. Cần phải nỗ lực để biết rõ: Đây là con đường tu tập để diệt khổ.” Những gì Đức Phật đã giảng dạy trong suốt 45 năm hoằng truyền Chánh pháp – từ bài kinh đầu tiên đến bài kinh cuối cùng – là liên hệ đến nhiệm vụ này, đó là thẩm thấu, thông hiểu, và thực chứng Tứ Diệu Đế. Những gì Ngài không truyền giảng, ta nên bỏ chúng lại trong rừng sâu.

Paul Chee-Kuan
(Bình Anson lược dịch, tháng 4-2008)
Nguồn: http://www.daophatngaynay.com/vn/kinh-dien/pali/3302-nam-la-trong-tay.html



12.10.20

Một ông chủ biết hết các kỹ năng từ làm content, chạy quảng cáo, OKR, làm SEO web

Một ông chủ biết hết các kỹ năng từ làm content, chạy quảng cáo, OKR, làm SEO web… có phải là ông chủ toàn diện? Biết hết những thứ đó kinh doanh có chắc thành công?


Tôi có khách hàng là bà chủ thương hiệu có tiếng về làm đẹp, gặp em lúc nào cũng hừng hực năng lượng. Luôn muốn trở thành đơn vị số 1 thị trường. Tay nghề của em thuộc loại đỉnh nhất Hà Nội, nhưng muốn phát triển thêm mảng truyền thông thương hiệu & nâng cao dịch vụ khách hàng.

Nghĩ rằng làm chủ thì phải quản mọi chuyện. Em đi học đủ thứ. Môn nào mới mới hay hay, thầy nào nổi nổi tiếng tiếng, em đều đến học. Học xong về áp dụng luôn, áp dụng không ổn thì đi học thầy khác. Em cho tôi xem 1 kho tàng slide đủ kiểu, từ chiến lược kinh doanh, chiến lược thương hiệu, chiến lược marketing, OKR các kiểu… được thiết kế rất chuyên nghiệp bài bản và hoành tráng. Tất nhiên chi phí không nhỏ.

Lần đó nghe Em kể đang thuê 1 chuyên gia hàng đầu về chiến lược Marketing, siêu nhân tick xanh uy tín, cả cộng đồng ngưỡng mộ. Tôi nghe thế đành lảng đi, nói chuyện qua quýt rồi về. Bao nhiêu năm đi thực thi các chiến lược của các chuyên gia kiểu này khiến tôi bất giác lạnh sống lưng nổi da gà và kinh nghiệm của tôi luôn là kính nhi viễn chi. Nhìn thấy họ nổi tiếng và giàu có thì thích nhưng làm việc chung thì tôi đứng xa.

Tôi bảo “Trường phái của bên anh hơi khác. Làm thương hiệu là đi từ trong ra ngoài và bắt đầu từ ông bà chủ. Không phải bắt đầu từ các chiến dịch chạy truyền thông hoành tráng!”

“Như vậy lâu lắm! Em muốn chạy phủ trên các kênh luôn. Cả FB, Youtube & Tiktok!”



Thực ra anh em của tôi có thể làm cả, nhưng khi khách hàng đang say men chiến thắng, chuẩn bị 1 tay san bằng tất cả, cân cả thế giới kiểu này, tôi biết chưa đến thời của mình! Nghĩ thế liền lảng chuyện đi, uống vội chai nước lavie rồi 2 anh em chào nhau về.

Bẵng đi mấy tháng. Hôm rồi thấy cô em gọi. Bảo anh Tuấn ơi a Tuấn, em vừa mới thay 1 loạt nhân sự mới rồi. Tôi hốt hoảng hỏi: Ủa Sao thế?

Nhân sự cũ không phù hợp với chiến lược kinh doanh và marketing của em. Bọn nó không thực thi được nên em cho nghỉ hết.

– Em cho nghỉ hay các bạn ấy tự nghỉ?
– Cả 2 ạ! Nhưng em tuyển được đội mới rồi anh
– Ủa vậy chuyên gia tích xanh của em đâu?
– Dạ mất mấy trăm triệu nhưng không ăn thua anh ạ!

Nói thật, tôi thà tin vào anh em chạy Ads, còn hơn tin vào các chiến lược gia marketing ở VN, những người mở miệng ra là hỏi USP, Chân dung, phân khúc, khách hàng mục tiêu? Customer insight? Chiến lược, Định vị?

Nhưng hỏi ngược lại insight của khách hàng đối diện đang nói chuyện với họ là gì thì họ sẽ chịu chết! Nếu như cả những người làm việc trực tiếp với họ, họ cũng không cách nào để hiểu được insight & khiến cho các mối quan hệ đó trở nên tốt đẹp hơn?

Chuyên gia không biết nhạc gì đang hot, phim gì đang hay, trend gì đang nổi, ngôn từ gì đang thịnh hàng thì có nên tin họ hiểu được đám đông mông lung vô định ngoài kia chứ?

Ít ra anh em chạy kỹ thuật sau bao lần thử sai họ cũng hiểu được khá rõ nhân khẩu, sở thích, hành vi và khi không thể tăng ngân sách, hoặc tìm mọi cách nhưng cứ tăng ngân sách là không còn hiệu quả nữa, họ biết rằng dung lượng và thị phần của mình đã chạm ngưỡng, muốn tăng volume lên phải làm cách khác.

Các ông bà chủ đừng chết vì quá ham hiểu biết!

Một ông chủ biết hết các kỹ năng từ làm content, chạy quảng cáo, OKR, làm SEO web… có phải là ông chủ toàn diện? Biết hết những thứ đó kinh doanh có chắc thành công?


Tôi chỉ ước sao ông bà chủ hiểu được sức mạnh đích thực khiến họ kinh doanh được đó là do bản lĩnh và ý chí, máu lửa và quyết tâm, sự đồng cảm, thấu hiểu người khác và khả năng ra quyết định 1 cách đầy nhạy bén nhưng chính xác trong điều kiện thiếu dữ kiện (mà hỏi họ thường nghĩ là ăn may, không có công thức cụ thể nào cả); khả năng xoay sở, vượt khó trong điều kiện nguồn lực thiếu thốn. Đó là tố chất khiến cho họ khác biệt so với các chuyên gia, vì vậy họ mới làm chủ được. Chuyên gia thì không.

Nguyên liệu đầu tiên để làm nên 1 sản phẩm đặc biệt đó là từ tinh thần, tư duy và năng lượng của ông chủ, nếu như không nắm bắt được điều này, thì chuyên gia hầu như không nắm bắt được bất kì điều gì của doanh nghiệp, và họ sẽ không thể nào hòa nhập được với Công ty, chiến lược họ đề ra, dẫu hay cũng sẽ không phù hợp với tính chất, quy mô và đặc thù của doanh nghiệp, dẫn đến chiến lược 1 đằng thực thi 1 nẻo, ông chủ luôn thấy thuê chuyên gia về không hiệu quả, dù chuyên gia đó trình độ có giỏi đến đâu.

Ông bà chủ là vật báu quý giá nhất của doanh nghiệp. Nếu không hiểu điều này thì không thể khai thác được bất kì điều gì của doanh nghiệp. Tôi đã gặp ở rất nhiều nơi, chuyên gia vào tư vấn chiến lược, viết sứ mệnh, tầm nhìn, giá trị cốt lõi, triết lý kinh doanh… rất hay, đúng form mẫu, nhưng lâu dần khi thực thi ông chủ thường ném nó trong tủ kính.

Vậy nên làm thế nào?


Chúng tôi đi bất kì doanh nghiệp nào để xây dựng thương hiệu, việc đầu tiên là tìm cách thấu hiểu và phát triển ông bà chủ. Không chỉ giúp họ phát triển bản thân, mà còn đưa họ lên 1 tầm cao mới, không trở thành KOL được thì cũng nhất định phải trở thành Influencer. Ít nhất là trong lòng nhân sự của họ.

Sau bao nhiêu năm đi support cho các ông bà chủ, chúng tôi hiểu rất rõ rằng, thành bại trong kinh doanh, mọi thứ chiến lược, mô hình, phương thức quản trị, triết lý khách hàng … đều phải được thiết kế xoay quanh cho phù hợp với năng lượng của Ông bà chủ. 

Ông chủ – Công ty – Nhân viên – Đối tác – Sản phẩm – Dịch vụ – Khách hàng đây chính là dòng chảy năng lượng! Muốn lấy khách hàng làm trung tâm ư? Không phải tại Việt Nam và chưa phải lúc này! Nếu ai làm được xin cho tôi gặp mặt?

Xây dựng thương hiệu phải đi từ INSIDE OUT (Từ trong ra ngoài) và luôn xuất phát từ việc LẤY ÔNG CHỦ LÀM TRUNG TÂM. Vì họ là con người như vậy, nên mới chọn nhân viên, sản phẩm dịch vụ, đối tác và khách hàng như thế. Ông bà chủ rời đi, tự nhiên người chủ khác sẽ điều chỉnh lại chiến lược, mô hình, văn hóa, phong cách lãnh đạo thậm chí cả sản phẩm, dịch vụ mới!

Việc tiếp theo là chúng tôi xin làm Admin của Fanpage để theo dõi và tìm hiểu khách hàng. Nếu như có cửa hàng, thì chúng tôi sẽ ngồi ở đó quan sát và trò chuyện.

Tôi có niềm tin chắc chắn rằng, để hiểu khách hàng thì phải đứng ở vị trí tiền tuyến. Nơi nào tiếp xúc với khách hàng nhiều nhất, đó là KÊNH PHÂN PHỐI thông tin và TRUYỀN THÔNG nhanh & rẻ nhất, cũng là nơi để LÀM THƯƠNG HIỆU và BÁN HÀNG hiệu quả nhất.

Nếu như ngay cả nhân viên tư vấn cho khách hàng cũng không cách nào hiểu được khách hàng và truyền tải được giá trị thương hiệu của ông bà chủ, của Công ty. Thì chúng ta đổ tiền vào các kênh khác để phủ liệu có ích gì?

Các ông bà chủ hãy cẩn thận với các chuyên gia chiến lược vẽ vời. Không thể có thương hiệu hàng đầu với đội ngũ 3 tháng 1 lần thay mới.

Sau mấy năm chuyên đi trực Fanpage để tìm hiểu khách hàng, xin đúc kết lại mấy điều giúp ông bà chủ hiểu hơn về cách để xây dựng thương hiệu từ nhân viên, cách để nhận biết 5 loại khách hàng và tương ứng với từng loại đó thì nên định vị sao cho thu hút.

________________________________________________

Tác giả: Phạm Thanh Tuấn