Nói với con về Tổ QuốcTừ blog của nhà báo tự do Xuân Bình
Hôm nay con là người trẻ tuổi nhất trong đoàn biểu tình phản đối TQ xâm lược Việt Nam. Lần đầu tiên con đi biểu tình. Lần đầu tiên bố muốn dạy con bài học về tình yêu Tổ Quốc.Bố định sẽ viết “ Tổ Quốc” sau khi xem xong chương trình thời sự của VTV để nghe ngóng động thái chính thức từ phía chính phủ sau sự kiện này.
Vẫn biết là là vô vọng và đến cuối chương trình không hiểu sao bố đã thiếp đi (Con vẫn biết là bố chưa bao giờ đi ngủ sớm)... Hình như bên tai bố còn vẳng tiếng ông phó thủ tướng kêu gào đội mũ bảo hiểm để…bảo trọng?!
Thật hãi hùng trong giấc mơ bố nhìn thấy có hai Tổ Quốc. Một Tổ Quốc của bố con mình. Nơi có đảo Ngọc Vừng với lũ chim ruồi có mỏ nhọn và rất dài. Nơi có bầy cá nhiều màu bơi tung tăng dưới biển Ninh Vân.
Nơi chúng mình có những lần trượt cát vô cùng lý thú ở mũi Né. Nơi có Đà Lạt mây bay lẫn trong bờm ngựa…
Còn một Tổ Quốc khác của các chú công an, những người lạnh lùng nhìn những người đi biểu tình như tội phạm. Những người xua đẩy bố con mình ra khỏi vỉa hè 46 Hoàng Diệu, một con đường mang danh một người dân Việt đã tuẫn tiết khi đất nước bị nạn ngoại xâm. Chúng ta đã bị đẩy khỏi đường biên của tình yêu nước bằng những lời quát tháo, hích đẩy và cả những lời nói ngớ ngẩn. Một
chú mắt trợn ngược nói như quát: Chỉ có các ông các bà biết yêu nước? Yêu nước phải đúng pháp luật chứ!?
Bố tiếc cho thái độ ứng xử của những người ra lệnh và những người chỉ biết thừa lệnh. Để có uy quyền như cảnh sát Anh ( một nước dân chủ và giàu có) hay đàng hoàng như quân cảnh Nepal (một quốc gia đói nghèo, độc tài) cũng cần phải mất nhiều thời gian.
Nhưng mà thôi Phim ạ, chuyện đó nhỏ, chúng ta bỏ qua. Hôm nay bố muốn trao đổi với con về Tổ Quốc- Chiến Tranh và Thái độ của chúng ta.
Dân tộc Việt Nam
Bố không nhớ rõ ai đó đã từng ví dân tộc ta như nàng Kiều. Nay ngã vào tay Sở Khanh, mai không thoát Tú Bà, mốt thoảng qua chút danh giá Từ Hải… Một số kiếp trầm luân đầy ô nhục. Chúng ta từng chịu 1000 năm Bắc thuộc, hơn một trăm năm Pháp thuộc và hơn nửa thế kỷ bị Trung cộng, Nga Xô, Mỹ xâu xé. Thế hệ ông bà con từng cay đắng vì câu thơ: "Nếu lịch sử chọn ta làm điểm tựa". Ôi sao có một thời người ta ngây thơ, hồn nhiên đến vậy.
Ít nhất thì cũng phải để cho những kẻ xâm lược hiểu rằng đi cướp đất không phải là việc thò tay vào túi quần đùi.
Thực lòng bố nhìn đất nước ta mấy chục năm qua thật giống như những quân cờ trong cuộc chơi của những đại bá mà thôi. Những quân cờ trong bàn cờ bố con mình vẫn chơi sau mỗi bữa ăn. Những quân cờ chẳng thể tự nó làm nên chiến thắng.
Chúng ta có Tổ Quốc. Chúng ta phải gìn giữ nó. Nhưng chúng ta đừng điên khùng hoằng dương thần chiến tranh. Nói như nhà thơ Nguyễn Duy, người thua trận đầu tiên luôn là người dân chúng ta. Huân chương ái quốc thì đỏ rực trên ngực những người… xa trận mạc, không bao giờ gần mũi tên hòn đạn. Máu ở đây còn hoa ở đâu?
Trên blog của mình chú Huy Đức có đưa ra bài học Thái Lan một dân tộc tự hào là không phải đương đầu những đế quốc to. Bố đã từng mua cho con những robot rất đẹp trên đường Rama 2, con đường mang tên ông vua mở đầu cho lịch sử của dân tộc Thái với những hòa ước Bồ, Hà, Anh. Lịch sử dân tộc Thái hôm nay được viết lên từ hòa bình.
Vậy bố viết những dòng chữ này có gì mâu thuẫn với việc đưa con đi biểu tình không? Câu trả lời là : Không!
Lúc này đây, dù ông Lê Dũng có nói chúng ta tụ tập, hoạt động chưa có phép thì chúng ta phải có tiếng nói, hành động của mình để có áp lực cho bản thân và cả cộng đồng cùng tìm kiếm những giải pháp tốt nhất trong việc bảo vệ chủ quyền đất nước. Ít nhất thì cũng phải để cho những kẻ xâm lược hiểu rằng đi cướp đất không phải là việc thò tay vào túi quần đùi.
Biểu tình để làm gì?
Cuộc chiến bảo vệ chủ quyền chắc sẽ cam go lâu dài và chẳng dễ dàng chút nào. Chúng ta đi biểu tình để ít nhất cũng “hiểu” và… “cảm thông” với những “khó khăn” trong nội bộ những người cầm quyền. Có nhóm thân Mỹ. Có người thân Trung cộng. Có những người trong số họ đang được chính Trung cộng bảo hiểm cho chiếc ghế quyền lực. Ở Bắc Hàn có người trong số họ còn cầm văn bản và đọc ê a câu: “Nhân dịp này tôi đề nghị chúng ta nâng cốc”.
Hàng trăm người đã tới tham gia biểu tình Có những người thật tươi tắn ở xứ Phù Tang khi khói hương chưa tan lạnh trên nấm mồ bao người xấu số ở cầu Cần Thơ. Có người còn lên truyền hình đổ vấy cho phương pháp tính toán sai về mức độ của tình trạng lạm phát …Những người này hạnh phúc thật.
Chắc vợ con họ chẳng bao giờ phải đi chợ với cái đầu đầy toan tính, với cái miệng leo lẻo mặc cả như mẹ của con. Chúng ta đi biểu tình cũng là để có cơ hội bộc lộ rõ mình hơn.
Bố dốt tiếng Anh. Trước khi viết khẩu hiệu bố đã cẩn thận gọi điện cho một chú giỏi tiếng Anh để biên tập lại. Vậy mà chúng ta đã viết gì? "Truong Sa- Hoang Sa of Viet Nam".
Khi hình ảnh của chúng ta được pốt lên không biết bao tờ báo và blog thì cũng là lúc bố cay đắng, nhục nhã khi đọc được một comment: đại diện cho trí thức VN là thế này sao? Chúng ta kém cỏi từ câu nói, từ chữ viết. Chúng ta thua ngay từ những phút khát khao chiến thắng nhất.
Vậy là bài học đầu tiên bố con mình phải học là tự nhìn nhận lại bản thân, nhìn nhận lại Tổ Quốc, nhìn nhận lại phép hành xử của kẻ yếu trong thời loạn lạc. Khi thiếu tri thức, nghèo tiền bạc chúng ta phải nhẫn nhục nhiều, nhiều năm để học cách chiến thắng thôi con ơi! Khi viết đến đây bố đọc được lời một số người kêu gọi chiến đấu hay loan tin họ đã đánh sập một vài trang web của Trung cộng.
Con có đồng tình không? Riêng bố thì không!
Đau thương và mất mát Bố nhớ lại những ngày đau thương năm 1979. Bao người dân đã gục ngã trước mũi súng kẻ thù. Ở hậu phương bọn học sinh như bố và tất cả mọi người cứ hát váng bài ca "Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới..." Đài tiếng nói VN phát đi phát lại "Sức mạnh của người VN chúng ta" - bài xã luận đăng trên báo Nhân Dân của ông Hoàng Tùng.
Cần phải học cách để trở thành một dân tộc lớn. Lúc đó chúng ta sẽ tính sổ Tam Sa mà không phải đổ máu dân đen.
Bố không kìm được nước mắt khi nhớ lại bác Minh con đã khóc khi kể về những người đồng đội trong hải đoàn của bác đã chết thảm trước đại pháo của hải quân Trung cộng ở Trường Sa năm 1988. Kể từ đó đến nay, hải quân ta vẫn không đủ sức vượt qua hình ảnh của những tấm bia tập trận của hải quân Trung cộng.
Làm sao để họ không bắt nạt khi mình thua kém về mọi điều? Đã đánh phải thắng. Đánh để thua thì chỉ nướng dân chứ không phải là yêu nước. Con hãy tự nghĩ về việc cần làm của mình.
Bản thân bố sẽ tiếp tục đi Trung Quốc nhiều hơn để hiểu vì sao Trương Khiên mở đường sang Tây vực? Vì sao Trịnh Hòa vượt Ấn Độ Dương? Vì sao Lý Bạch viết thơ... say? Sáu năm qua bố đã đi từ Thượng Hải qua Cam Túc Đôn Hoàng, từ đáy bể tắm của hoàng hậu Trung Hoa tới đỉnh Everest, từ hạ nguồn
tới thượng nguồn Hoàng Hà hay nhiều điểm quan trọng của Vạn Lý Trường Thành...
Bố luôn tự hào là một trong những nhà báo có nhiều bài viết nhất về văn hóa Trung Quốc. Cần phải học cách để trở thành một dân tộc lớn. Lúc đó chúng ta sẽ tính sổ Tam Sa mà không phải đổ máu dân đen. Phải tìm mọi cách để dụ người Tàu vào một thế trận nào mà ở đó sức mạnh của người VN chúng ta là vượt trội!
Bài học ấy ông Lý Thường Kiệt vẫn để lại ở gần đền bà chúa Kho nơi gia đình mình hay đi lễ. Bài học ấy ông Trần Hưng Đạo còn cất dưới đám cỏ bên bờ sông Lục Đầu Giang nơi con vẫn hay vầy bùn mỗi lần bố con mình đi Kiếp Bạc. Bài học ấy ông Trần Khánh Dư vẫn để lộ trong những con sóng vỗ mạn tàu những lần bố con mình lang thang Vân Đồn...
À tí nữa thì quên, thứ bảy tuần trước chúng mình đạp xe một vòng quanh hồ Tây. Chúng mình đọc lại rất nhiều tư liệu lịch sử. Con có kế nào như Khổng Minh Không lấy hết đồng đen của Tàu đúc một cái chuông xong rồi lùa con trâu đại bá xuống đáy hồ Tây chơi một lần cho đã. Học xong bài đi rồi nghĩ kế nhá! Bố đợi!