“Tiền Không Mua Được Gì? của Michael Sandel là một cuốn sách tuyệt vời và tôi khuyên tất cả các nhà kinh tế học nên đọc...
Cuốn sách đầy những ví dụ thú vị buộc bạn phải tư duy... Tôi đã đọc từ đầu đến cuối cuốn sách này trong chưa đầy hai ngày. Và tôi đã ghi chú vào sách nhiều hơn bất cứ cuốn sách nào tôi từng đọc trong nhiều năm qua”. Timothy Besley, Journal of Economic Literature
“Tuyệt vời, dễ đọc, được truyền tải một cách nhẹ nhàng, uyển chuyến, xen lẫn dí dỏm... một cuốn sách không thể không đọc về quan hệ giữa đạo đức và kinh tế”. David Aaronovitch, The Times (London) “Michael Sandel là một trong những nhà tư tưởng chính trị hàng đầu của thời đại chúng ta. Tôi khuyến khích mọi người đọc cuốn sách mới của Sandel, Tiền Không Mua Được Gì?
Đó là bản cáo trạng hùng hồn dành cho cái xã hội mà chúng ta đang trở thành, ở đó cái gì cũng có giá của nó”. Michael Tomasky, The Daily Beast “Một khảo luận sắc bén, được trình bày một cách khéo léo về những vấn đề lớn của đời sống”. Kirkus Reviews
LỜI GIỚI THIỆU
Chúng ta đã quen và bị thuyết phục bởi nền kinh tế thị trường: thông qua giá, thị trường điều phối tài nguyên quý hiếm để phục vụ xã hội một cách tốt nhất. Ai sẵn sàng bỏ nhiều tiền nhất để mua một cái gì đó sẽ là người sử dụng nó một cách hiệu quả nhất. Nhưng, sâu thẳm trong lòng mình, chúng ta cũng tin rằng tiền không thể mua được tất cả mọi thứ: nó không mua được danh dự, không mua được sự sống và cái chết. Nhưng đâu là ranh giới giữa những gì có thể mua được bằng tiền và những gì thì không. Chúng ta đã quen với việc những người mua vé máy bay có quyền lên máy bay trước mà không cần xếp hàng. Chúng ta cũng quen, tuy rằng cảm thấy khó chịu hơn, khi có người bỏ tiền để tranh giành cho được một chỗ trong trường tốt cho con mình đi học. Nhưng chúng ta rất khó chấp nhận khi người ta bỏ tiền để chen hàng cho người nhà mình vào phòng mổ cấp cứu. Chúng ta cũng rất khó chấp nhận khi người ta bỏ tiền ra để mua bộ phận trên cơ thể người khác hầu cấy vào cơ thể mình. Vậy thì đâu là ranh giới giữa những gì chúng ta chấp nhận để tiền có thể mua được và những gì thì không?
Trong Tiền Không Mua Được Gì?, tác giả cung cấp những cơ sở triết học, những lập luận căn bản để mỗi người trong chúng ta có thể xác định được ranh giới cho chính mình. Có những thứ mà khi ta coi nó như một mặt hàng có thể mua đi bán lại thì ta đã hủy hoại giá trị làm nên bản chất của nó. Đọc xong Tiền Không Mua Được Gì?, dù ta có không trả lời trọn vẹn được câu hỏi này, ít ra ta cũng nhận thức được rằng đặt ra câu hỏi này là vô cùng cần thiết. Nếu chúng ta không đặt câu hỏi, không tranh cãi để đi đến xác định một ranh giới mà toàn bộ cộng đồng, xã hội chấp nhận, thì rất có thể thị trường sẽ quyết định hộ chúng ta. Tôi thấy đây là một nhận định rất quan trọng của Michael Sandel. -Ngô Bảo Châu
GIỚI THIỆU VỀ THỊ TRƯỜNG VÀ ĐẠO ĐỨC
Có những thứ không thể mua được bằng tiền. Nhưng vào thời đại này, con số đó không nhiều. Ngày nay, hầu như cái gì cũng có thể mua bán được. Sau đây là một vài ví dụ:
• Nâng cấp phòng giam:
82 dollar một đêm. Ở Santa Ana, bang California và một vài thành phố khác, các tội phạm không liên quan đến bạo lực được phép trả tiền để hưởng điều kiện tốt hơn:
một phòng giam sạch sẽ, yên tĩnh, cách xa phòng giam của những tội phạm không trả tiền [1].
• Xe chỉ có một người chạy trên làn đường dành cho xe nhiều người:
8 dollar vào giờ cao điểm. Minneapolis và vài thành phố khác đang nỗ lực giảm ùn tắc bằng cách cho phép các xe ô tô chỉ có một người trả thêm tiền để đi vào làn đường dành cho xe có nhiều người. Mức giá thay đổi tùy theo tình trạng giao thông [2].
• Dịch vụ thuê phụ nữ Ấn Độ mang thai hộ:
6.250 dollar. Ngày càng nhiều cặp vợ chồng phương Tây muốn tìm người mang thai hộ đang hướng về Ấn Độ – nơi dịch vụ mang thai hộ là hợp pháp, giá cả lại chỉ bằng một phần ba so với ở Mỹ [3].
• Quyền nhập cư vào nước Mỹ:
500.000 dollar. Tất cả những người nước ngoài đầu tư 500.000 dollar vào Mỹ và tạo ra ít nhất mười việc làm ở nơi có tỷ lệ thất nghiệp cao đều được cấp thẻ xanh – giấy chứng nhận họ được phép cư trú vĩnh viễn trên đất Mỹ [4].
• Quyền được bắn một con tê giác đen – loài vật đang bị đe dọa:
150.000 dollar. Nam Phi bắt đầu cho phép các chủ trang trại chăn nuôi bán cho các thợ săn quyền được giết hại một số lượng tê giác nhất định để tạo động lực cho giới chủ trang trại tiếp tục nuôi và bảo vệ các loài động vật đang bị đe dọa [5].
• Số điện thoại bác sỹ riêng:
1.500 dollar trở lên một năm. Ngày càng nhiều bác sỹ muốn cung cấp dịch vụ “chăm sóc khách hàng” bằng cách cho bệnh nhân số điện thoại và hẹn khám ngay trong ngày với giá từ 1.500 đến 25.000 dollar một năm [6].
• Quyền được phát thải một tấn carbon vào bầu khí quyển:
13 euro (khoảng 18 dollar). Liên minh châu Âu đã thành lập thị trường phát thải carbon, trong đó các công ty được phép mua bán quyền phát thải [7].
• Cho con nhập học vào một trường đại học danh tiếng:
Mặc dù không nêu giá, nhưng ban lãnh đạo một số trường đại học hàng đầu tiết lộ với tạp chí Wall Street Journal rằng:
họ chấp nhận một số sinh viên không xuất sắc lắm vào học nếu cha mẹ của sinh viên này giàu có và sẵn lòng đóng góp một khoản tiền đáng kể cho trường [8].
Không phải ai cũng đủ tiền mua những thứ nói trên. Nhưng giờ đây có rất nhiều cách kiếm tiền mới mẻ. Nếu bạn cần tiền thì có thể thử một vài giải pháp mới lạ sau:
• Cho thuê trán (hoặc bộ phận khác trên cơ thể bạn) để làm quảng cáo:
777 dollar. Hãng hàng không New Zealand đã thuê 30 người để cạo tóc và xăm lên đầu họ dòng chữ:
“Bạn cần thay đổi? Hãy hạ cánh xuống New Zealand” [9].
• Đóng vai chuột bạch cho các công ty dược phẩm thử nghiệm tính an toàn của thuốc trên cơ thể người: 7.500 dollar. Mức giá có thể cao hoặc thấp hơn, tùy vào mức độ ảnh hưởng của quy trình thử nghiệm thuốc và sự khó chịu mà bạn phải chịu đựng [10].
• Đánh thuê ở Somalia hoặc Afghanistan: từ 250 dollar một tháng tới 1.000 dollar một ngày. Mức giá phụ thuộc trình độ, kinh nghiệm và quốc tịch [11].
• Xếp hàng ở Đồi Capitol để giữ chỗ cho những người vận động hành lang muốn tham gia phiên điều trần quốc hội: 15-20 dollar/giờ. Những người chuyên vận động hành lang trả tiền cho các công ty dịch vụ xếp hàng và các công ty này sẽ thuê những người vô gia cư và nhiều người khác để xếp hàng hộ [12].
• Nếu bạn là một học sinh lớp hai ở một ngôi trường dưới chuẩn ở thành phố Dallas, đọc một cuốn sách, bạn được 2 dollar. Để khuyến khích học sinh đọc sách, nhà trường sẽ trả tiền cho mỗi cuốn sách các em đọc [13].
• Nếu bạn bị béo phì, giảm được 6,5kg trong bốn tháng, bạn được 378 dollar. Các công ty bảo hiểm sức khỏe sẵn lòng trả tiền để tạo động lực cho bạn giảm cân cũng như có các thói quen sống lành mạnh khác [14].
• Mua bảo hiểm nhân thọ cho người ốm hoặc người già, nộp phí bảo hiểm hàng năm trong thời gian người đó còn sống rồi nhận tiền bồi thường khi người đó qua đời:
có khả năng lên tới hàng triệu dollar (tùy vào từng hợp đồng). Hình thức đánh cược vào tính mạng người lạ này đã trở thành một ngành kinh doanh trị giá 30 tỷ dollar. Người mà ta đánh cược càng sớm qua đời thì ta càng kiếm được nhiều tiền [15].
Chúng ta đang sống trong thời đại mà gần như mọi thứ đều có thể mua bán được. Trong hơn ba thập kỷ qua, thị trường – và các giá trị của thị trường – đã chi phối đời sống của chúng ta mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Chúng ta không hề cố ý làm như vậy. Mà nó tự xuất hiện, rơi xuống đầu chúng ta. Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, thị trường và tư duy thị trường chiếm ưu thế độc tôn, cũng dễ hiểu. Thực tế cho thấy không có phương thức tổ chức sản xuất và phân phối hàng hóa nào mang lại sự thịnh vượng, giàu có bằng thị trường. Và hiện tại, ngay cả khi có ngày càng nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng cơ chế thị trường để vận hành nền kinh tế thì vẫn có điều gì khác đang diễn ra. Các giá trị của thị trường đang ngày càng có vai trò lớn hơn trong đời sống. Kinh tế thống trị tất cả. Ngày nay, logic mua bán không chỉ còn áp dụng cho hàng hóa vật chất mà nó chi phối toàn bộ đời sống.
Đã đến lúc cần đặt câu hỏi: liệu chúng ta có muốn sống kiểu này không?
Sách đọc nhiều
Bài đọc nhiều