Search

31.5.11

Dạy con sống chỉ biết nghĩ lợi cho bản thân mình

Phanblogs“Ăn coi nồi, ngồi coi hướng” là cách ứng xử trong giao tiếp sao cho có văn hóa, lịch sự từ xưa đến nay trong gia đình lẫn ngoài xã hội của người Việt. Ở trong nhà này thì không phải vậy, đơn giản và bình thường nhất là chuyện ăn uống cũng phải thể hiện sự “trí thức”, “khôn” hay “ngu”. Người chồng luôn dạy con món ăn gì thì phải giành ăn nước hầm, món ăn gì thì phải giành ăn phần cái. Ví dụ: canh chân giò heo hầm ngó sen phải ăn nước hầm vì chất bổ đã tan hết vào nước, sườn heo chiên phải lựa miếng sườn non, cơm thì phải ăn cơm mới nấu (không bao giờ ăn cơm nguội ngày hôm qua dù có hấp nóng lại) mới là “ăn khôn”, và ông chồng “làm gương” trước trong nhà cho hai con thấy. Con nít lại khoái nhai mấy món giòn giòn sần sật, khoái gặm chân giò hầm… nên khi bọn trẻ muốn ăn trái lại lời ba theo ý thích của chúng thì bị ba mắng té tát tại chổ rằng “ăn ngu”…
Chia sẻ
Trong khi nước Nhật đang oằn mình chịu đựng sự tàn phá của thiên tai khốc liệt với tình trạng không điện, không nước sạch, không thực phẩm giữa thành phố hoang tàn đổ nát và tuyết giá, một bạn đọc đã gởi đến báo Dân Trí (17/03/2011) câu chuyện cảm động về bài học làm người. Tôi xin trích một đoạn quan trọng nhất:
“…Nhìn thấy em nhỏ lạnh, tôi mới cởi cái áo khoác cảnh sát trùm lên người em nhỏ. Vô tình bao lương khô khẩu phần ăn tối của tôi bị rơi ra ngoài, tôi nhặt lên đưa cho em và nói: “Đợi tới phiên của con chắc hết thức ăn, khẩu phần của chú đó, chú ăn rồi, con ăn đi cho đỡ đói”. Cậu bé nhận túi lương khô của tôi, khom người cảm ơn. Tôi tưởng em sẽ ăn ngấu nghiến ngay lúc đó nhưng không phải, cậu bé ôm bao lương khô đi thẳng lên chỗ những người đang phát thực phẩm và để bao lương khô vào thùng thực phẩm đang phân phát rồi lại quay lại xếp hàng.
Ngạc nhiên vô cùng, tôi hỏi tại sao con không ăn mà lại đem bỏ vào đó. Cậu bé trả lời: “Bởi vì còn có nhiều người chắc đói hơn con. Bỏ vào đó để các cô chú phát chung cho công bằng chú ạ”.”
Từ xưa, người Việt đã có truyền thống “Lá lành đùm lá rách”, “Bầu ơi thương lấy bí cùng/Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”… cho thấy “ham ăn hốt uống”, tham lam, ích kỷ… vốn không phải là bản chất của người Việt; nhưng không có nghĩa là tất cả mọi người đều có tinh thần sẳn sàng chia sẻ cho đồng bào khi gặp hoạn nạn, khó khăn, thế nên dân gian mới có thêm câu: “Ăn cổ đi trước, lội nước đi sau”, các cụ thì nói văn vẻ hơn rằng: “Trường đồ tri mã lực, cựu xử kiến nhân tâm” (Đường dài mới biết sức ngựa, ở lâu mới biết rõ lòng người).
Em bé 9 tuổi người Nhật không phải mới sinh ra đã biết hành xử một cách nhẫn nại, chấp nhận gian khổ, đòi hỏi công bằng và tinh thần hy sinh vì người khác, mà đó là kết quả của quá trình giáo dục nhân cách con người (không phải nhồi nhét kiến thức khoa học) của gia đình em, nhà trường em đang học và xã hội Nhật (những người lớn em gặp hằng ngày). Khâm phục người Nhật bao nhiêu thì tôi lại lấy làm buồn cho cách dạy con của người Việt mình bấy nhiêu.
Vợ chồng bạn tôi luôn tự hào mình là thành phần trí thức. Vợ cũng tốt nghiệp đại học Luật như số đông dân Sài Gòn hiện nay nên lúc nào mở miệng ra cũng thích nói pháp luật và công bằng xã hội. Chồng tuy không có cái bằng cấp nào cả, chưa viết được bài văn ngắn nào ra hồn nhưng lại thích chê tất tần tật người khác là “ngu” (kể cả nhà văn Kim Dung ở Hồng Công lẫn thi hào Nguyễn Du của Việt Nam), thích giảng giáo lý (Công giáo) cho người khác nghe. Thôi thì dù cho ông chồng đi tu không thành “chánh quả” mà mới sáng “tu” chiều đã “hú” (hí) thì cũng coi như có kiến thức sau vài năm sống và học tập ở nhà dòng, coi như “có công” đem lời Chúa đến cho mọi người.
“Ăn coi nồi, ngồi coi hướng” là cách ứng xử trong giao tiếp sao cho có văn hóa, lịch sự từ xưa đến nay trong gia đình lẫn ngoài xã hội của người Việt. Ở trong nhà này thì không phải vậy, đơn giản và bình thường nhất là chuyện ăn uống cũng phải thể hiện sự “trí thức”, “khôn” hay “ngu”. Người chồng luôn dạy con món ăn gì thì phải giành ăn nước hầm, món ăn gì thì phải giành ăn phần cái. Ví dụ: canh chân giò heo hầm ngó sen phải ăn nước hầm vì chất bổ đã tan hết vào nước, sườn heo chiên phải lựa miếng sườn non, cơm thì phải ăn cơm mới nấu (không bao giờ ăn cơm nguội ngày hôm qua dù có hấp nóng lại) mới là “ăn khôn”, và ông chồng “làm gương” trước trong nhà cho hai con thấy. Con nít lại khoái nhai mấy món giòn giòn sần sật, khoái gặm chân giò hầm… nên khi bọn trẻ muốn ăn trái lại lời ba theo ý thích của chúng thì bị ba mắng té tát tại chổ rằng “ăn ngu”.
“Tre non dễ uốn”, qua 10 tuổi trở lên là hai đứa trẻ thuần thục lời dạy của ba mẹ. Đến giờ cơm chúng ngồi chờ cha mẹ dọn cơm, trên mâm có món gì ngon nhất hai đứa đồng loạt gắp hết vào tô của mình, không hề mời ba mẹ, bà ngoại, dì dượng lẫn khách khứa (nếu có), có hôm còn cãi vã nhau um sùm vì đứa này gắp được thức ăn ít hơn đứa kia. Đáng lẽ cơm cũ chia đều ra mỗi người một chén ăn hết rồi mới ăn cơm mới nấu thì người cha và hai đứa con luôn luôn thản nhiên giành phần ăn cơm mới, người vợ tiếc của nên lúc nào chị cũng là người ăn cơm cũ của ngày hôm qua. Những lúc có mặt tôi cùng ăn, chị xới cơm nóng vào chén tôi, nhìn chị ngồi trệu trạo với tô cơm nguội (không hấp) vun chùn trước mặt, tôi từ chối rằng “thích ăn cơm nguội cho đỡ nóng” để “ăn tiếp” chị, chớ cơm nguội hôm qua mang ra ăn thì “ngon” cái nỗi gì.
Trẻ con rồi sẽ lớn lên, rời xa dần cha mẹ và gia đình để sống với bạn bè, với bên vợ (bên chồng), và giao tiếp với đủ thành phần xã hội. Liệu “người dưng nước lã” có ai đủ kiên nhẫn và hy sinh để lúc nào nhường nhịn cho con của anh chị “ăn khôn” còn họ thì phải “ăn ngu”? Người ta có thể vì lịch sự, vì lý do khác nên không xổ toạc ra lúc ấy, nhưng chắc chắn khó có lần thứ 2, lần thứ 3… và cũng không thể thiếu lời dè bỉu, chê bai sau lưng: “Mặt đẹp mà vô duyên, không biết ăn trông nồi, ngồi trông hướng” đính kèm.
Dạy con sống chỉ biết nghĩ lợi cho bản thân mình
Có lần, chị tự hào kể cho tôi nghe rằng con bé nhà chị học giỏi Toán, bạn cùng lớp của nó gọi điện thoại đến nhà nhờ nó giúp làm bài tập thì con bé từ chối và từ đó không thèm nghe điện thoại của bạn nữa. Chị kết luận rằng con chị làm như vậy là “khôn”, “Tụi nó ngu thì tụi nó ráng chịu, ai rảnh đâu mất công học rồi chỉ lại cho tụi nó”. Rồi chị còn hứng chí kể thêm rằng có đứa bạn gái rất thích chơi với con bé nhà chị, cái cặp của con bé nhà chị nặng lắm, vậy mà ngày nào nó cũng đón con chị ở chân cầu thang để xách cặp dùm con chị 2 tầng lầu lên tới lớp học dù con bé kia chẳng phải “lực sĩ” gì, nếu không muốn nói là nó ốm nhỏ người hơn con gái chị. May mắn là chị khen con gái chị “khôn” khi biết nhờ bạn xách cặp dùm mà chưa “tặng” cho đứa bé gái tội nghiệp kia chữ “ngu”. Tôi muốn với chị: “Bạn bè phải có qua có lại mới toại lòng nhau” nhưng e chị lại nói “Mày ngu” nữa thì bỏ mẹ.
Thằng bé em tính tình lại khác con chị, vô tư và tốt bụng với bạn bè hơn. Nó không học ở “trường giàu”, bạn nó phần lớn con nhà lao động nghèo. Trong lớp bạn nó thiếu giấy, thiếu bút nó thường cho mượn (và cho luôn). Bị mẹ mắng té tát: “Đồ ngu. Nó học thì nó tự đi mua xài, sao mày lấy cho nó?” thì thằng bé ấp úng “bào chữa” rằng nó “bán” chớ không phải “cho”, nhưng chẳng khi nào thấy nó thu được tiền “bán hàng” bao giờ. Có lần, cô giáo phân công mỗi tổ làm một bài tập về file trình chiếu, nhà có computer nên nó xung phong nhận làm cho cả tổ. Vậy là thằng bé cũng bị mẹ mắng “ngu” nữa, “Tụi nó không làm thì cả tổ chịu mất điểm, chớ đâu phải riêng một mình mày mà mày nhào vô hứng. Máy tính tao sắm bằng tiền chớ bộ máy chùa à?”. Nó lại cúi mặt ấp úng: “Con làm một lần này thôi mà, không làm nữa đâu”.
Dạy con sống chỉ biết nghĩ lợi cho bản thân mình, không giúp đỡ, không chia sẻ với bạn bè hay người xung quanh như vợ chồng bạn tôi, dù hai cháu bé có một kho kiến thức khoa học đầy đầu, nhưng với lối sống ích kỷ thì sau này lớn lên hai cháu có trở thành người hữu dụng hay chỉ là gánh nặng cho xã hội?
Tạ Phong Tần



19.5.11

Kỹ năng giật Title báo chí

Phanblogs
Chuyện vui kể rằng, trong Ngày hội các Biên tập-Phóng viên Báo chí không chuyên lần nọ, có tổ chức cuộc thi để tìm ra "Thần tượng phóng tin Việt Nam Idol 2010". Chủ điểm đưa ra là Các cách thi triển công phu phóng tin, ví dụ đưa ra là từ một vụ "trọng án" trong Văn học xưa như Chí Phèo đâm chết Bá Kiến. Hàng loạt các anh tài từ rất nhiều cơ quan Báo chí lớn như Mương Phò, Cống thông tin Dinh Me, VN Bốc Phét, Dâm Trí, Tin láo 24h, PLXH-Phơi L Xả Hơi.. cùng nhau hồ hởi tranh tài với đúng những sở trường mà mình đang có được. Và dưới đây là bản Tổng hợp kết quả:

Phèo


Nở

1. Chuyện anh Chí đâm chết Bá Kiến, có thể "thi triển" các tựa đề:

Kinh hoàng vụ sát hại trưởng thôn tại làng Vũ Đại

Say rượu, đâm chết cán bộ thôn

Đã tìm được kẻ giết trưởng thôn làng Vũ Đại

Bi kịch làng Vũ đại – trưởng thôn bị giết tại nhà

Kẻ giết trưởng thôn Bá Kiến là người cùng làng

Nghi phạm giết trưởng thôn là người đã có tiền án

Trưởng C.A làng Vũ Đại: Chúng tôi đang tiếp tục điều tra


2. Sau đó, có thể khai thác chuyện anh Chí với chị Nở trong vườn chuối:

Sốc với hình ảnh giới trẻ công khai tình yêu trong vườn chuối

Có hay không vụ hiếp dâm trong vườn chuối

Vừa ra tù đã phạm tội hiếp dâm

Đau lòng người đàn bà dở bị cưỡng bức

Chân dung kẻ đồi bại tại làng Vũ Đại

Đã xác định được kẻ hiếp dâm chị N.

Vụ lạm dụng tình dục ở làng Vũ đại – công an thôn vào cuộc


3. Tiếp tới, ngay lập tức chuyển sang các nội dung:

Phát sốt vì bộ ảnh cực "nóng" của Thị Nở

Bé Nở "lạ lẫm" trong trang phục tứ thân

Thị Nở vai trần đi vo gạo

Thị Nở thổ lộ về mối tình đầu

Thị Nở e ấp bên người "đặc biệt"

Thị Nở hot với yếm đào bên bờ sông

Thị Nở: Anh ấy không phải là đại gia

Thị Nở: Giữa tôi và anh Chí chỉ là mối quan hệ cùng thôn
Đôi lứa


Thị Nở: Còn quá sớm để nói về chuyện yêu

Lộ ảnh sốc Chí Phèo & Thị Nở trên facebook

Chí Phèo: Tôi chỉ coi em Nở như em gái

Những bóng hồng trong cuộc đời anh Chí

Rộ tin đồn Bá Kiến là người thứ 3

Dàn sao nông dân "kute" làng Vũ Đại cùng chúc mừng cho bé Nở
Sao
Xôn xao đoạn ghi âm đêm hẹn hò của chị Nở và anh Chí tại vườn chuối

Chí Phèo & Thị Nở: đẳng cấp chuyện tình Titanic


4. Nếu "có tầm nhìn" thì đi ngang sang các đề tài:

Cảnh tỉnh về lối sống buông thả của 1 bộ phận thanh niên nông thôn

Nói về vấn nạn lạm dụng tình dục ở nông thôn

Có hay không việc cần thiết đưa giáo dục giới tính về nông thôn

Tình trạng thất nghiệp ở nông thôn và các hệ lụy xã hội
 
5. Hoặc xoáy sang các chủ đề hút khách:

Rượu, cháo hành (không thịt) và câu chuyện an toàn tình dục

Rượu và chuối xanh: Thần dược của tình yêu !

Cháo hành có phải là phương pháp phục hồi hữu hiệu sau khi làm chuyện ấy?


6. Và cuối cùng là "vét máng":

Làng Vũ Đại ngày ấy và bây giờ

Lật lại Hồ sơ vụ án Chí giết Kiến

Những chuyện chưa kể về anh Chí Phèo

Lương y Phạm Thị Hồng nghi ngờ Chí "còn nguyên": có không chuyện tình Vườn chuối?


17.5.11

Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa

Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa

Bần thần hương huệ thơm đêm
khói nhang vẽ nẻo đường lên niết bàn
chân nhang lấm láp tro tàn
xăm xăm bóng mẹ trần gian thuở nào

Mẹ ta không có yếm đào
nón mê thay nón quai thao đội đầu
rối ren tay bí tay bầu
váy nhuộm bùn áo nhuộm nâu bốn mùa

Cái cò... sung chát đào chua...
câu ca mẹ hát gió đưa về trời
ta đi trọn kiếp con người
cũng không đi hết mấy lời mẹ ru

Bao giờ cho tới mùa thu
trái hồng trái bưởi đánh đu giữa rằm
bao giờ cho tới tháng năm
mẹ ra trải chiếu ta nằm đếm sao

Ngân hà chảy ngược lên cao
quạt mo vỗ khúc nghêu ngao thằng Bờm...
bờ ao đom đóm chập chờn
trong leo lẻo những vui buồn xa xôi

Mẹ ru cái lẽ ở đời
sữa nuôi phần xác hát nuôi phần hồn
bà ru mẹ... mẹ ru con
liệu mai sau các con còn nhớ chăng


Nhìn về quê mẹ xa xăm
lòng ta - chỗ ướt mẹ nằm đêm mưa
ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa
miệng nhai cơm búng lưỡi lừa cá xương


Saigon, Mùa thu 1986 


11.5.11

Nhạc Baroque giúp thông minh hơn


 Phanblogs-Tiến sĩ Georgi Lozanov, nhà tâm lý học nổi tiếng người Bulgaria, từng thực hiện một nghiên cứu trong đó ông cho những tình nguyện viên vừa học ngoại ngữ vừa nghe thể loại nhạc Baroque (nhạc Baroque là thể loại nhạc cổ điển thịnh hành vào thế kỷ 17-18 với các nhạc sĩ lỗi lạc như Bach, Vivaldi, …) với nhịp điệu 60 nhịp một phút. Sau một ngày học ngoại ngữ, những học sinh này sẽ trải qua một bài kiểm tra. Kết quả cho thấy cho thấy chỉ trong một ngày các đối tượng nghiên cứu có thể học số lượng từ đến 1000 từ mà bình thường phải mất một học kỳ mới học được. Hơn thế nữa, những học sinh trên có thể nhớ đến 92% những gì đã được học. Chỉ bằng việc lắng nghe nhạc Baroque khi đang học, thời lượng cần thiết để thông thạo một ngoại ngữ được giảm từ 2 năm xuống 30 ngày. Và những sinh viên tham gia nghiên cứu trên có khả năng nhớ những từ mình đã học thậm chí sau 4 năm mà không cần ôn tập.

Nhạc Baroque giúp thông minh hơn

Những tập đoàn khổng lồ như IBM và Shell, cùng với một loạt các trường trung học và đại học nổi tiếng, đã và đang sử dụng âm nhạc để giảm thời lượng học và tăng cường khả năng truy xuất thông tin. Việc nghe nhạc còn làm tăng khả năng và năng suất làm việc một cách đáng kể. Nghiên cứu cũng cho thấy nghe nhạc Mozart và những bản nhạc Baroque giúp sinh viên cảm thấy bình tĩnh, tập trung hơn, và tăng cường khả năng trí tuệ.

Nhạc Baroque có những tác dụng cụ thể nào về mặt sinh lý học? Khi chúng ta lắng nghe theo nhịp điệu đều đặn của thể loại nhạc này, 60 nhịp một phút, nhịp tim, huyết áp và sóng não đều thư giãn theo điệu nhạc. Nhịp tim chậm lại, huyết áp giảm đi, sóng não beta giảm 6% trong khi sóng não alpha (thích hợp cho học tập và trí nhớ) tăng 6%. Âm nhạc giúp bạn đi vào trạng thái thư giãn nhưng tỉnh táo (relaxed alertness) – trạng thái tối ưu cho học tập và làm việc.

Sau đây là những liệt kê những bản nhạc có tác dụng hỗ trợ, kích thích việc học tập, nghiên cứu và làm việc. Bạn hãy khởi đầu buổi học bằng việc (1) thư giãn cả về mặt thể chất lẫn tinh thần, (2) lắng nghe những bản nhạc này với âm lượng vừa phải, phù hợp với chính bạn.
Nghe những thể loại nhạc thích hợp sẽ mang đến cho bạn nhiều lợi ích khác nhau. Sau đây là một số tác dụng tích cực mà âm nhạc đem đến và đã được nhiều nghiên cứu khoa học chứng minh:

- tăng trí nhớ
- tăng sự tập trung
- giúp bạn sáng tạo hơn
- giảm stress
- tăng chỉ số thông minh IQ
- giúp cơ thể mau hồi phục
- giúp học sinh giỏi ghi điểm cao hơn trong các kỳ thi
- kích thích cả hai bán cầu não (não trái và não phải) khi học tập
Nhạc Baroque giúp thông minh hơn


List 1 vài tác giả Baroque và tác phẩm :

1. J.S. BACH
- Suite 3 (Air on a G String)
- Concerto for Oboe in D Minor op-9
- Concerto in D Minor for 2 violins
- Fantasy in G Major, Fantasy in C Minor and Trio in D Minor, Canonic Variations and Toccata
- Prelude in G Major


2. VIVALDI

- Four Seasons, Spring, Largo
- Concerto in C Major for Piccolo
- Flute Concerto no. 3 in D Major
- Five Concertos for Flute and Chamber Oschestra

3. PACHELBEL

- Canon in D Major
- Canon from Canon and Gigue

4. MOZART

- Concerto no. 21 in C Major, K.467
- Clarinet Concerto in A Major
- Concerto for Violin and Orchestra
- Concerto no. 7 in D Major
- Symphony in D Major (Haffner)
- Symphony in D Major (Prague)
- Concerto for Violin and Orchestra in A Major no.5
- Symphony in A Major no. 29
- Symphony in G Minor no. 40

5. BEETHOVEN

- Piano Concerto no. 5 in E-flat
- Symphony no. 6 (Pastorale)
- Concerto for Violin and Orchestra in D Major, op. 61
- Concerto no. 5 in E-flat Major for Piano and Oschestra, op. 73 (Emperor)
- Concerto no. 5 in E-flat Major for Piano and Orchestra no.5 in B-flat Major

6. SCHUBERT
- Octet in F Major, D. 803

7. TCHAIKOVSKY
- Concerto no. 1 in B-flat Minor for Piano and Orchestra

(theo Accelerated Learning, tác giả Colin Rose)

Trong số trên, theo kinh nghiệm bản thân, hai tác phẩm đem lại hiệu quả tốt nhất là Canon in D Major của Pachalbel và Air on a G string của Bach.
link download 
download Nhạc Baroque

10.5.11

Thiền

Thiền
Phanblogs index here






Ten Principles To The Zen Of Attraction
  1. Promise Nothing
    Just do what you most enjoy doing.
    Hidden benefit: You will always over-deliver.
  2. Offer Nothing
    Just share what you have with those who express an interest in it.
    Hidden benefit: Takes the pressure off of wanting other people to see you as valuable or important.
  3. Expect Nothing
    Just enjoy what you already have. It’s plenty.
    Hidden benefit: You will realize how complete your life is already.
  4. Need Nothing
    Just build up your reserves and your needs will disappear.
    Hidden benefit: You boundaries will be extended and filled with space.
  5. Create Nothing
    Just respond well to what comes to you.
    Hidden benefit: Openness.
  6. Hype Nothing
    Just let quality sell by itself.
    Hidden benefit: Trustability.
  7. Plan Nothing
    Just take the path of least resistance.
    Hidden benefit: Achievement will become effortless.
  8. Learn Nothing
    Just let your body absorb it all on your behalf.
    Hidden benefit: You will become more receptive to what you need to know in the moment.
  9. Become No One
    Just be more of yourself.
    Hidden benefit: Authenticity.
  10. Change Nothing
    Just tell the truth and things will change by themselves.
    Hidden benefit: Acceptance.



Bạn là người não trái hay não phải ?

Phanblogs


Bộ não

Theo các kết quả nghiên cứu, bán cầu não trái điều khiển nửa thân người bên phải, bán cầu não phải thì ngược lại. Bán cầu não trái có vai trò chính chỉ các kỹ năng nói, viết, tính toán, tư duy và phán đoán; còn bán cầu não phải đóng vai trò chủ đạo quyết định sự khéo léo, óc thẩm mỹ, khả năng cảm thụ âm nhạc, tình cảm, lòng say mê… Như vậy, mỗi bán cầu não đảm trách những nhiệm vụ cụ thể, riêng biệt và khi được phát triển, sẽ đem lại những bộ kỹ năng hoàn toàn khác nhau.

Các thiên tài âm nhạc như Vagner, Mozart, Schubert, Tchaikovsky và Liszt đều có khuôn mặt kiểu bên trái. Kết quả điều tra tại một nhà hát ca kịch ở Niu-oóc cho thấy, 98% diễn viên ở đây đều là người có kiểu mặt bên trái. Phần lớn các nhạc công, ca sĩ ngôi sao nhạc Jazz, nhạc pôp cũng vậy. Vì bán cầu não phải điều khiển tình cảm , cảm xúc .

Người kiểu mặt bên phải cũng có những điểm trội độc đáo. Nổi bật nhất là tư duy lý tính nhạy bén. Trong đời thường, đa số chúng ta có khuôn mặt kiểu này. Thí dụ Anh-xtanh và nhiều nhà khoa học, toán học khác. Vì não trái điểu khiển khả năng suy luận và logic.

Dưới đây là 2 bài test đơn xem bạn là typ người nào, não trái hay não phải của bạn phát triển hơn ?!

Bài 1
Trước tiên hãy quan sát hình trên và xác định xem nó đang quay theo chiều thuận hay ngược chiều kim đồng hồ.


 Sẽ có 3 trường hợp xảy ra khi bạn xem tấm hình ở trên:

1. Ngược: Bạn luôn luôn hoặc trong đa số trường hợp thấy cô gái quay ngược chiều kim đồng hồ. Điều này có nghĩa là bạn sử dụng não trái nhiều hơn (hay bạn là người thiên về não trái).

2.Thuận: Bạn luôn luôn hoặc trong đa số trường hợp thấy cô gái quay theo chiều kim đồng hồ. Điều này có nghĩa là bạn sử dụng não phải nhiều hơn (hay bạn là người thiên về não phải).

3.Bạn thấy cô gái lúc quay chiều này lúc quay chiều kia. Điều này có nghĩa là bạn sử dụng đều cả não trái và não phải.

Bài 2

Với mỗi câu nhận xét, nếu bạn thấy phù hợp với tính cách của mình, hãy khoanh tròn vào. Mỗi câu tương ứng với một đáp án. Ví dụ câu 1 tương ứng với (R), tức là thuận não trái. Sau 14 câu, bạn tổng hợp lại xem số khoanh tròn (L) nhiều hơn hay (R) nhiều hơn. Nếu (L) nhiều hơn tức là tư duy não trái của bạn phát triển hơn, và ngược lại.

1. Tôi thường hay trễ hẹn. (R)

2. Khi trò chuyện, tôi thiên về ngôn ngữ cử chỉ. (R)

3. Tôi ước lượng thời gian rất chính xác. (L)

4. Khi mua một món đồ gì mới, tôi đều đọc kỹ hướng dẫn sử dụng. (L)

5. Tôi sẽ làm việc hiệu quả hơn nếu nghe nhạc hoặc radio. (R)

6. Tôi thấy việc nhớ tên dễ hơn nhiều so với nhớ mặt. (L)

7. Khi ai đó hỏi tôi điều gì, tôi hay ngoẹo đầu về bên trái. (R)

8. Tôi thích đặt ra cái đích cho tương lai và tìm cách tổ chức thời gian làm việc hợp lý.(L)

9. Tôi hay mơ mộng lắm.(R)

10. Tôi luôn cố gắng giải quyết mọi vấn đề rắc rối bằng cách liên hệ nó với những kinh nghiệm trong quá khứ. (R)

11. Tôi thường chú ý tới nội dung câu nói hơn là cách diễn đạt. (L)

12. Tôi phân tích vấn đề một cách kỹ lưỡng và trước khi đưa ra một quyết định quan trọng. (L)

13. Với tôi, bàn làm việc bừa bãi là dấu hiệu của thiên tài. (R)

14. Khi có quá nhiều việc phải làm, tôi thường chọn việc dễ hơn để làm trước.(L)

Nếu bạn có nhiều câu (L) hơn tức là tư duy não trái phát triển hơn não phải. Tuýp người có tư duy não trái phát triển hơn giỏi phân tích, biết ráp nối vấn đề một cách linh hoạt. Họ thích giải quyết vấn đề dựa trên tính logic hơn là dựa vào trực giác. Đây là tuýp người giao tiếp tốt, luôn biết tạo niềm tin cho người khác nhờ khả năng thuyết phục tuyệt vời của mình.

Ngược lại, khi so với bảng kết quả, nếu bạn có nhiều câu R hơn, bạn là người có tư duy não phải phát triển hơn não trái. Đây là tuýp người có trực giác nhạy bén, giàu trí tưởng tượng và sáng tạo. Họ thích nhìn vấn đề một cách cục diện thay vì chú ý tới tính tiểu tiết của vấn đề. Hầu hết tuýp người này đều thích tự do, sống thoáng và bốc đồng, họ rất ghét bị bó hẹp thời gian. Tuy nhiên, họ lại thấy khó khăn để diễn đạt bằng lời các ý tưởng của mình.

Ghi chú: 2 bài kiểm tra đơn giản này chưa được chứng minh bằng khoa học một cách chính xác cụ thể. Vì thế, chúng tôi khuyên độc giả chỉ nên dùng nó để tham khảo và giải trí mà thôi. Bộ não con người cực kì phức tạp nên sẽ rất khó lòng có được một bài kiểm tra nào nói đúng 100% não người hoạt động thế nào.

(Nguồn: ue-global.com)


Lạm phát là gì ?

Phanblogs

Trong kinh tế học, lạm phát là hiện tượng giảm mãi lực của đồng ...





Điều này cũng đồng nghĩa với “vật giá leo thang”, giá cả hàng hóa, dịch vụ tăng cao khiến với cùng một số lượng tiền, người tiêu thụ mua được ít hàng hóa hơn hoặc phải trả một giá cao hơn để hưởng cùng một dịch vụ. Một khái niệm khác về lạm phát là khối lượng tiền được lưu hành trong dân chúng tăng lên do nhà nước in và phát hành thêm tiền vì những nhu cầu cấp thiết (chiến tranh, nội chiến, thâm thủng ngân sách v.v...). Trong khi đó, số lượng hàng hoá không tăng khiến dân chúng cầm trong tay nhiều tiền quá sẽ tranh mua khiến giá cả tăng vọt có khi đưa đến siêu lạm phát. Những ví dụ cùng cực nhất của siêu lạm phát đã xảy ra tại Đức trong những năm đầu thập niên 1920 khi tỉ lệ lạm phát lên tới 3.25 x 106 mỗi tháng, có nghĩa là giá cả tăng gấp đôi mỗi 49 tiếng đồng hồ hoặc tại Hungary sau Thế chiến thứ hai với tỉ lệ lạm phát 4.19 x 1016 (giá cả tăng gấp đôi mỗi 15 giờ đồng hồ).


Để đo lường tỉ lệ lạm phát, người ta thường dùng hai chỉ số:


• Chỉ số giá cả sản xuất PPI (Producer Price Index).

Đây là chỉ số giá thành sản xuất của một số mặt hàng và dịch vụ tiêu biểu. Mang so sánh với thời kỳ trước để tính ra tỉ lệ tăng giảm như thế nào. Chỉ số PPI tuy có thể là dấu báo hiệu hiện tượng lạm phát nhưng chưa hẳn lạm phát sẽ bắt buộc phải xảy ra.


• Chỉ số giá cả tiêu thụ CPI (Consumer Price Index).

Chỉ số giá cả của một số nhu yếu phẩm và dịch vụ tiêu biểu. Chỉ số CPI cho biết tỉ lệ lạm phát thật sự đang xảy ra khi so sánh với thời kỳ trước đó. Ảnh hưởng của lạm phát đối với nền kinh tế Lạm phát khó có thể là một điều tốt lành cho nền kinh tế trừ trường hợp ở mức độ nhẹ và trong tầm kiểm soát của chính phủ. Ví dụ, hàng năm chính phủ có thể phát hành thêm một lượng tiền mới để tiêu xài cho những chương trình công cộng hoặc giải quyết thiếu hụt ngân sách khiến đồng tiền được xoay vòng tạo ra thêm của cải, trực tiếp đẩy cao tổng sản lượng quốc dân GDP (Gross Domestic Product) lên thêm một mức. Dĩ nhiên nếu quá đà sẽ có nguy cơ gây ra lạm phát nặng hoặc siêu lạm phát và làm các hoạt động kinh tế sẽ bị tê liệt. Nhiều người quan niệm việc chính phủ in thêm tiền trong giới hạn cho phép của nền kinh tế là một hình thức thu “thuế lạm phát”. Chính phủ sử dụng khoản phụ trội này để quân bình ngân sách với hi vọng sang năm kinh tế tiếp tục phát triển sẽ được nộp ngân sách nhiều hơn. Một chút lạm phát cũng khiến doanh nghiệp kiếm thêm lợi nhuận vì thông thường từ khâu nhập nguyên liệu (giá trước lạm phát) đến lúc hoàn thành sản phẩm bán được cao giá hơn cũng tốt thêm cho doanh vụ.

Ngoài những trường hợp kể trên, bao giờ lạm phát cũng có ảnh hưởng xấu đối với kinh tế. Tỉ lệ lạm phát bao nhiêu là vừa phải cũng tùy thuộc vào tình hình phát triển kinh tế của từng nơi, đặc điểm của nền kinh tế của từng quốc gia khác nhau. Theo lẽ thông thường thì tỉ lệ lạm phát nếu giữ được ở mức thấp hơn tỉ lệ phát triển kinh tế thì là điều tốt. Do đó, các quốc gia đang ở giai đoạn kinh tế cất cánh (tỉ lệ phát triển xấp xỉ 10%) có thể chấp nhận một tỉ lệ lạm phát cao hơn các quốc gia đã phát triển (tỉ lệ phát triển dưới 5%).

Nguyên nhân đưa đến lạm phát

Có nhiều trường phái kinh tế khác nhau đưa ra các lý thuyết về nguyên nhân đưa đến lạm phát, trong số đó trường phái Neo-Keynesian có vẻ được chấp nhận hơn cả với “mô hình tam giác” nói lên ba dạng lạm phát chính và những nguyên nhân của nó:

• Lạm phát do nhu cầu tăng (Demand-pull inflation).

Lạm phát do nhu cầu sản xuất và dịch vụ (gọi chung là Tổng Thu Nhập Quốc Dân GDP) tăng trong khi tỉ lệ thất nghiệp còn thấp. Còn gọi là Phillips Curve - đường cong Phillips. Nói cách khác là khi nhu cầu kinh tế tăng mà thị trường lao động bị hạn chế sẽ gây lạm phát.

• Lạm phát do đột biến giá cả (Cost-push inflation).

Giá cả một số nguyên vật liệu trọng yếu, ví dụ giá dầu hoả, tăng cao bất thường có thể đưa đến lạm phát vì hiện tượng dây chuyền, các mặt hàng khác sẽ tăng theo.




• Lạm phát sẵn có tự nhiên (Built-in inflation).

Lạm phát sẵn có, liên quan đến hiện tượng “vòng xoắn giá/lương” (price/wage spiral) nghĩa là hiện tượng công nhân luôn luôn muốn được trả lương cao hơn (dĩ nhiên rồi), chủ bắt buộc phải trả thêm vì không tìm đâu ra công nhân nữa, kinh tế phát triển nên ai cũng có công ăn việc làm cả rồi. Người chủ muốn chuyển chi phí phụ trội này qua người tiêu thụ nên tăng giá sản phẩm lên. Công nhân, đồng thời là người tiêu thụ, thấy giá lên lại đòi lương cao hơn nữa. Cái vòng luẩn quẩn này cuối cùng gây ra lạm phát. Cả ba dạng này có thể cộng hưởng và tạo ra mức lạm phát hiện hành của nền kinh tế của một quốc gia.

Tác hại của lạm phát đối với kinh tế

Đối với các quốc gia đang phát triển, tác hại dễ thấy nhất là lạm phát phủ định (negate) tăng trưởng kinh tế nếu bằng hay cao hơn tăng trưởng kinh tế. Ví dụ theo World Factbook, nếu một nền kinh tế tăng trưởng kinh tế ở mức 8.4% nhưng tỉ lệ lạm phát lên tới 8.3%. Như vậy, trung bình người dân có thu nhập cao hơn 8.4% nhưng đời sống sinh hoạt mắc hơn 8.3% cùng thời kỳ thì coi như cũng không tích lũy được gì. Tiêu chuẩn đời sống không được cải thiện bao nhiêu. Nếu không có biện pháp ngăn chận, lạm phát sẽ làm tê liệt dần bộ máy kinh tế vì doanh nhân sẽ không thiết tha hoạt động sản xuất nữa vì không có lợi nhuận. Tâm lý chung sẽ chỉ mua bán “chụp giựt” và chuyển tài sản thành kim loại quý hay ngoại tệ mạnh để tránh lạm phát. Điều này rõ ràng không có lợi cho sự xoay vòng của đồng tiền để phát triển nền kinh tế.

Đối với các quốc gia công nghiệp (industrialized countries) mà xã hội đã chuyển qua dạng xã hội tiêu thụ rồi thì lạm phát tác hại theo một qui trình 3 bước:

- Lạm phát (inflation)

- Giảm phát (deflation)

– Suy thoái kinh tế (economic recession).

Lạm phát không kiểm soát nổi sẽ đưa đến tình trạng giá thành các mặt hàng tăng cao. Giá hàng hóa lên cao sẽ làm giảm nhu cầu tiêu thụ. Hàng hoá trở nên dư thừa và ế ẩm. Để sống còn, công ty sản xuất phải chịu lỗ, hạ giá bán và thu nhỏ hoạt động lại. Một số hãng xưởng sẽ phải đóng cửa và công nhân bị sa thải ra làm nhu cầu chung về tiêu thụ lại càng giảm nữa. Đến đây bắt đầu giai đoạn giảm phát. Hàng hoá sẽ xuống giá cho đến khi nào tìm được một sự quân bình mới giữa cung cầu. Lúc đó kinh tế đi vào giai đoạn suy thoái và tiêu chuẩn sống (standards of livings) của người dân bị giảm sút. Sự tác hại của lạm phát đối với kinh tế sau một thời gian âm ỉ có tính cách bùng nổ như một cơn bệnh cấp tính. Điển hình nhất là cơn đại khủng hoảng kinh tế 1929 tại Mỹ. Chỉ trong một một ngày, giá trị thị trường chứng khoán Mỹ bị mất đi gần một nửa và kinh tế Mỹ bước vào một giai đoạn suy thoái thảm não kéo dài gần hai thập niên sau đó.
Cách chống đỡ lạm phát theo kiểu Mỹ
• Giao quyền hạn cho Cục Dự trữ Liên Bang (Federal Reserves) còn gọi là Ngân Hàng Alan Greenspan - Cái tên gắn liên với FED

• Trung Ương (Central Bank) nhiệm vụ theo dõi tình hình phát triển kinh tế và lạm phát để kịp thời đề ra những biện pháp thích nghi. Vũ khí chính của Cục Dự trữ Liên Bang (FED) là lãi suất cho vay. Khi nào muốn kích thích kinh tế thì giảm lãi xuất xuống. Ngược lại khi thấy có dấu hiệu lạm phát thì tăng lãi xuất, kềm hãm sản xuất lại, không để lạm phát có cơ hội phát triển. Một biện pháp khác của FED là tăng hay giảm lưu lượng (liquidity) đồng dollar đang lưu hành trong dân chúng. Khi cần rút bớt lưu lượng tiền, FED sẽ bán đấu giá trái phiếu kho bạc (bonds) của chính phủ nhiều hơn. Khuynh hướng tự nhiên là sẽ giảm hoạt động kinh tế vì các nhà đầu tư giữ công khố phiếu để lấy lời, không sẵn tiền để hoạt động sản xuất nữa.
Ngược lại khi muốn kích thích kinh tế, FED có thể thu mua trái phiếu và tung thêm tiền vào lưu lượng sẵn có.

• Mở rộng thị trường lao động bằng cách đưa ra nước ngoài (outsource) một số kỹ nghệ không có tính cách quốc phòng.
• Thỏa hiệp giữa các nghiệp đoàn chủ nhân và thợ thuyền về lương để đôi bên cùng có lợi, phần nào ổn định mặt chi phí về lương (cộng thêm phúc lợi có thể chiếm đến ¾ giá thành sản phẩm tại Mỹ).
• Ổn định các khu vực nóng để kiểm soát các nguồn nguyên liệu tối cần thiết như dầu hỏa, than mỏ.
• Giữ gìn trật tự toàn cầu, không để những đột biến chính trị và khủng bố làm mất ổn định khu vực.
Lạm phát ở Việt Nam có những nét “đặc thù”, và do đó cần những chính sách ứng phó phù hợp

Báo cáo nghiên cứu mới nhất của các chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội đã đưa ra những kiến giải đáng chú ý về tình hình lạm phát tại Việt Nam.

Trong báo cáo nhan đề “Nguồn gốc lạm phát ở Việt Nam giai đoạn 2000-2010: Phát hiện mới từ những bằng chứng mới”, các tiến sĩ kinh tế Nguyễn Thị Thu Hằng và Nguyễn Đức Thành thuộc VEPR cho biết lạm phát ở Việt Nam có những nét “đặc thù”, và do đó cần những chính sách ứng phó phù hợp.

“Chính phủ phải kiên nhẫn”

Theo báo cáo này, thứ nhất, người Việt Nam có khuynh hướng lưu giữ ấn tượng về lạm phát trong quá khứ, đồng thời có kỳ vọng nhạy cảm về lạm phát trong tương lai. Đây là hai yếu tố đồng thời chi phối mức lạm phát hiện tại.

Điều này hàm ý rằng uy tín hay độ tin cậy của Chính phủ trong các chính sách liên quan đến lạm phát sẽ có vai trò to lớn trong việc tác động tới mức lạm phát hiện thời.

Ký ức hay ấn tượng về một giai đoạn lạm phát cao trong quá khứ thường chỉ bắt đầu mờ nhạt dần sau khoảng 6 tháng có lạm phát thấp liên tục và ổn định. Do đó, theo các tác giả, Chính phủ trước hết phải giữ được mức lạm phát thấp ít nhất trong vòng sáu tháng, qua đó dần lấy lại niềm tin của công chúng về một môi trường giá cả ổn định hơn.

“Chính phủ phải kiên nhẫn trong quá trình chống lạm phát. Sáu tháng có thể được xem như giới hạn thấp nhất cho nỗ lực duy trì môi trường lạm phát thấp của Chính phủ nhằm lấy lại niềm tin của công chúng, để công chúng cho rằng Chính phủ đang cam kết chống lạm phát một cách nghiêm túc, và do đó là cam kết xây dựng một môi trường vĩ mô ổn định”, báo cáo viết.

Thứ hai, khác với những giải thích thường xuyên của Chính phủ là lạm phát chủ yếu do các yếu tố bên ngoài như giá cả thế giới (nhập khẩu lạm phát), báo cáo cho rằng lạm phát ở Việt Nam có nguyên nhân chủ yếu từ nội địa. Thừa nhận rằng giá thế giới thực sự có ảnh hưởng lên giá sản xuất nhưng theo các tác giả thì hiệu ứng gây lạm phát theo kênh lan truyền từ giá sản xuất đến giá tiêu dùng phải mất vài tháng mới phát huy tác dụng.

Thứ ba, tốc độ điều chỉnh của thị trường tiền tệ và thị trường ngoại hối khi có biến động là rất thấp và thậm chí gần bằng không. Điều này cho thấy một khi các thị trường này lệch khỏi xu hướng dài hạn, nền kinh tế sẽ mất rất nhiều thời gian để cân bằng trở lại dù Chính phủ có nỗ lực can thiệp về chính sách.

“Điều này có ý nghĩa quan trọng về chính sách kiểm soát lạm phát: các giải pháp nhằm ngăn ngừa với mục tiêu lạm phát rõ ràng sẽ có kết quả tốt hơn nhiều so với việc cố gắng xử lý lạm phát khi nó đã tăng lên. Đồng thời, phản ứng chính sách không phù hợp sẽ rất khó điều chỉnh trở lại và lạm phát sẽ kéo dài”, báo cáo viết.

Thứ tư, kết quả nghiên cứu cho thấy Chính phủ đã thực sự có những phản ứng chống lạm phát thông qua các chính sách tiền tệ và tài khóa, nhưng thường phản ứng chậm hoặc thụ động trong đa số trường hợp. Đối với chính sách tài khóa, có thể dễ dàng hiểu được điều này vì để thay đổi một kế hoạch tài khóa thường mất nhiều thời gian tranh luận, đạt tới sự nhất trí rồi thực hiện triển khai.

“Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là chính sách tiền tệ cũng tỏ ra được thực thi khá chậm trễ kể từ khi những tín hiệu đầu tiên của lạm phát xuất hiện. Điều này có thể được giải thích thông qua thực tế là ngay cả việc xác định và thừa nhận lạm phát cũng luôn là một vấn đề gây tranh cãi”.

Thêm vào đó, tại Việt Nam nhìn chung thường có khuynh hướng đổ lỗi cho lạm phát bắt nguồn từ những nguyên nhân “khách quan”, hay từ những nguồn gốc “bên ngoài”. Do đó, thường mất một thời gian để chuyển hóa nhận thức lạm phát từ công chúng thành nhận thức của nhà điều hành.

Ngay cả khi chính sách thắt chặt tiền tệ được thực hiện, thì thường mất khoảng 5 tháng nó mới phát huy tác dụng lên lạm phát. Như vậy, vào lúc đó, lạm phát đã cao được khoảng 7 đến 8 tháng. Quãng thời gian này đủ để tạo nên một ký ức về lạm phát và do đó việc kiềm chế lạm phát sẽ khó khăn hơn.

Không nên buông lỏng ổn định vĩ mô

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng trong các công cụ của chính sách tiền tệ, tăng lãi suất thường có hiệu ứng tức thời lên lạm phát, so với độ trễ dài hơn của chính sách thắt chặt tín dụng và tiền tệ. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng của thay đổi lãi suất lại khá nhỏ. Kết quả là, công cụ tiền tệ ở Việt Nam không hoàn toàn là một công cụ phản ứng nhanh và hiệu quả như vẫn tưởng.

Thứ năm, trái ngược với những nghiên cứu đã có, các tác giả cho rằng thay đổi tỷ giá cũng có tác động đáng kể làm tăng áp lực lạm phát.

Từ cuối năm 2008, Ngân hàng Nhà nước đã tiến hành phá giá nhiều hơn và với mức độ lớn hơn. Thêm vào đó, những biến động gần đây trên thị trường ngoại hối, đặc biệt là thị trường tự do, trong năm 2009 và 2010 do niềm tin của vào tiền đồng bị sụt giảm, do hoạt động đầu cơ và tình trạng Đô la hóa đã dẫn đến kỳ vọng về lạm phát trở lại của người dân tăng lên. Điều này có thể khiến cho tác động của tỷ giá đối với lạm phát tăng lên, như kết quả của nghiên cứu này cho thấy.

Cuối cùng, nghiên cứu không cho thấy tác động rõ ràng của thâm hụt ngân sách đối với lạm phát trong giai đoạn nghiên cứu. Điều này không có nghĩa là thâm hụt ngân sách không có ảnh hưởng đến lạm phát. Nguyên nhân của điều này là do việc tài trợ ngân sách thường có hai tác động trái chiều.

Một mặt, tài trợ ngân sách bằng việc gia tăng vay nợ của Chính phủ làm tăng lãi suất do nhu cầu vay cao hơn. Điều này cũng tương tự như chính sách tiền tệ thắt chặt và do đó góp phần giảm phần nào lạm phát. Mặt khác, tài trợ ngân sách thông qua việc tăng cung tiền (nếu có) cũng tương tự như chính sách tiền tệ mở rộng và gây áp lực lạm phát.

Từ những đặc điểm trên của lạm phát ở Việt Nam, các tác giả cho rằng Chính phủ nên có những cam kết mạnh mẽ trong việc chống lạm phát không chỉ khi lạm phát đang cao, mà còn phải có những cam kết duy trì lạm phát thấp ngay cả khi lạm phát đang khá thấp và ổn định.

“Tuy nhiên, thực tế cho thấy chiến lược này của Chính phủ thường rất khó được thực thi, vì Chính phủ thường có khuynh hướng ưu tiên tăng trưởng kinh tế nhiều hơn, và coi nhẹ việc giữ cho môi trường vĩ mô được ổn định”, báo cáo đưa ra nhận định trong phần kết luận.
Lạm phát
một trăm tỉ mua được 3 trái trứng vịt .

Ngày lãnh lương , toàn giấy nhỏ 1 trăm tỉ đô la phi châu ( năm 2011 ) bên Zimbabwe