HẢI ĐẢO TỰ THÂN
“hãy sống nương tựa vào chánh pháp, chớ có nương tựa một cái gì khác, lấy chánh pháp làm hải đăng, lấy chánh pháp làm hải đảo.”
Tôi nhớ một đoạn kinh ngắn trước khi Đức Phật Niết-bàn, lúc đó sức khỏe Ngài yếu lắm. Dĩ nhiên thời gian đó Ngài dành trọn thời gian cho các đệ tử bằng những lời giáo huấn mà tôi nghĩ rằng có thể xem là cốt lõi của đạo Phật.
Trong những câu nói quan trọng nhất của Ngài :
“Này các Tỳ Kheo, chuyện của ta, ta đã làm xong rồi, vấn đề các ngươi còn ở lại, chuyện quan trọng nhất là các ngươi phải có một đời sống cho riêng mình, hãy sống nương tựa vào chánh pháp chớ có nương tựa một cái gì khác, lấy chánh pháp làm hải đăng, lấy chánh pháp làm hải đảo“.
Chánh pháp là gì ?
Chánh pháp tức là những gì chư Phật đã nhìn thấy, đã giác ngộ đem ra dạy cho người khác.
Có một lần, Đức Phật Ngài đi ngang một khu rừng, rừng đó toàn là loại cây mà tiếng Phạn kêu là cây Simsapa, cái lá nó nhỏ xíu, giống như lá me, Đức Phật Ngài ngồi trước mặt chư Tỳ Kheo, Ngài hốt một nắm lá Ngài hỏi :
-Này Tỳ Kheo, các ngươi nghĩ sao, nắm lá trong tay Như Lai với số lá trong rừng cái nào nhiều ?
Tỳ Kheo trả lời :
-Dạ nắm lá trong tay Như Lai đâu có nghĩa lý gì.
Đức Phật Ngài nói :
-Những gì ta hiểu biết, ta dạy cho các ngươi suốt mấy chục năm, nó chỉ là nắm lá trong tay, so với những gì ta biết mà ta không nói, vì sao vậy ? Này các Tỳ Kheo có những điều mà ta biết nó không dẫn đến lợi ích tu hành giải thoát thì ta không nói.
Thí dụ như Ngài biết về phong thủy, bùa chú, võ thuật, khoa học, toán, lý, hoá v....v, Ngài biết tất cả nhưng Ngài không nói ra vì không giúp cho người ta giải thoát. Chánh Pháp là những gì Đức Phật Ngài chứng đắc và Ngài thuyết giảng, những điều Ngài biết không thấy lợi lạc thì Ngài không nói. Đó là hiểu biết về Chánh Pháp.
Khi Đức Phật Ngài 80 tuổi, đệ tử Ngài đông lắm, theo như thế gian thì một người cha sắp mất thì giao quyền cho người con lớn trong nhà. Một ông vua sắp mất thì nghĩ đến người thừa kế cho mình, nhưng mà Đức Phật thì không. Phật Thích Ca tuyệt đối không làm chuyện đó.
Mình tu Phật thì mình phải quy y Phật Pháp Tăng, nhưng Phật Pháp Tăng chỉ là bản đồ mà thôi. Bất cứ một hành trình nào trong cuộc đời này, cho dầu các vị đi đâu, cho dầu quí vị có trong tay 1 vé first class (vé hạng nhất), nếu các vị không tự đi thì không được, các vị phải đi với đôi chân mình trước.
Chư Phật có dạy mình bao nhiêu điều quan trọng mình phải đi bằng đôi chân của mình. Niềm tin của mình đặt vào người khác chỉ là một niềm tin của người lữ khách nghe theo lời hướng dẫn viên mà thôi, chứ ta không thể xem người hướng dẫn mình là thần thánh có thể cõng mình đi. Cuộc tu cũng vậy.
Đức Phật Ngài nói rằng khi một người cư sĩ mà đặt niềm tin Phật Pháp của mình với một cá nhân tu sĩ, thì niềm tin đó nó có thể tổn thương trong các trường hợp sau đây : Vị tăng sĩ đó đột ngột qua đời, vị đó hoàn tục không còn tu nữa, vị đó phạm giới luật.
Ghi chú: 150
Thống kê SÁCH đọc nhiều theo thời gian