Search

11.11.22

THẾ GIỚI NÀY LÀ THẾ GIỚI CỦA TƯỞNG

Chữ Tưởng trong tưởng uẩn, từ chữ Pāḷi là Saññā. Chúng ta có nhiều cái biết: biết bằng trí, biết bằng thức, biết bằng tưởng.

Chữ Tưởng trong tưởng uẩn, từ chữ Pāḷi là Saññā. Chúng ta có nhiều cái biết: biết bằng trí, biết bằng thức, biết bằng tưởng.

*Biết bằng trí nghĩa là biết cái này là nhân, cái này là quả, cái này là thiện, cái này là ác, cái này là nên, cái này là không nên, cái này là tín tấn niệm định tuệ, cái này là tham sân si hoài nghi phóng dật... Những cái biết phải do huân tập từ trí văn, trí tư, trí tu cộng lại mới có được là cái biết của trí. 
Biết bằng thức là cái biết của năm giác quan. 
*Biết của tưởng là biết dựa trên hồi ức, kinh nghiệm, trí nhớ cũ.

Đại đa số phần lớn thời gian trong cuộc đời này chúng ta chỉ sống bằng tưởng. Đó chính là bi kịch nhân gian. Ví dụ, tôi là người Cơ đốc giáo, học giáo lý nhà thờ từ hồi nhỏ. Từ đó tôi nhìn thế giới này qua nhãn quan lăng kính của một tín hữu công giáo. Tôi là một Phật tử Bắc Tông, từ bé đã được dạy niệm Phật Di Đà, niệm Quán Âm để thoát nạn. Khi vào đời dù tôi nghiên cứu bao nhiêu kinh sách đi nữa thì ám ảnh trong đầu tôi vẫn là niệm Phật Đi Đà cầu vãng sinh, niệm Quán Âm cầu tai qua nạn khỏi, niệm Địa Tạng để thoát địa ngục. Tôi là một người Hồi Giáo, mỗi ngày tôi quỳ cầu nguyện năm lần, suy nghĩ gì cũng dựa trên kinh Qur’an. Tôi là người Do Thái giáo, tôi học sách Talmud từ bé, tôi không ăn các loại cá da trơn. Tất cả nền tảng suy nghĩ của tôi lúc nào cũng dựa trên kinh Talmud. 

Người Phật tử Nam Tông có học Vi diệu pháp suy nghĩ gì cũng không ra khỏi A-tỳ-đàm. Đời sống của chúng ta suy cho cùng đều y cứ trên những hồi ức, kỷ niệm, kinh nghiệm mình đã trải qua. Hiếm bao giờ mình dành thì giờ suy nghĩ lại để biết nghi ngờ con đường dưới chân mình. Tôn giáo đã vậy, chính trị, văn hóa cũng thế. Chúng ta được ăn học, được đào tạo trong một môi trường nào đó, thế rồi chúng ta không dám nghi ngờ nó vì cứ sợ mình lầm đường lạc lối để rồi cứ vậy mà sống cho đến ngày tàn hơi. Người như vậy thì không có khá. Khổ một nỗi, nếu sống mà không có hồi ức thì chúng ta tự cho rằng mình không có kiến thức, không có học thức, không có đủ kinh nghiệm. Thật ra, toàn bộ kiến thức học đường chỉ là kinh nghiệm của người khác trao truyền cho mình. Sau khi ra trường thành bác sĩ, thành kỹ sư rồi cộng thêm một số kinh nghiệm mới nữa thông qua những cái biết mới nhưng đời sống của mình vẫn dựa vào cái biết cũ, đó gọi là tưởng. Hôm nay tôi nói tưởng uẩn là những kinh nghiệm thì có nhiều người chịu không nổi, nhất là những người có học A-tỳ-đàm. Đối với những người đó tôi phải nói riêng vào tai của họ lời thầm thì rất nhỏ rằng là: tôi vẫn giữ nguyên cái biết của anh. Đúng rồi, tưởng uẩn là tâm sở tưởng. Nhưng anh phải làm ơn nhớ rằng hiểu như vậy nó nghèo lắm anh biết không. 
Tưởng uẩn, phải hiểu rằng nó là toàn bộ ký ức, kinh nghiệm, hồi ức của chúng ta trong đời sống. Cái biết bằng tưởng là như vậy đó! 

Tại sao chúng ta nghe âm thanh đó chúng ta thích? Vì dựa vào ký ức cũ nào đó! Ghét thương hay sợ cũng vậy, do hồi ức. Cả hành trình sống của chúng ta chỉ toàn là hiểu lầm. Tức là nhìn cái này mình cứ nghĩ đến cái khác, cứ vậy mà sống. Có người vợ chết rồi cưới vợ khác, vẫn tìm bóng dáng người vợ cũ trên hình hài người vợ mới. 

Có người cứ thích một kiểu chưng hoa hay một kinh nghiệm nấu ăn nào đó, chỉ vì nó gắn liền với ký ức nào đó của người thân người thương cũ. Có những loại nhạc người ta chỉ nghe vào đêm khuya. Có người nói với tôi rằng họ thèm một đêm mưa nằm nghe Khánh Ly hát nhạc Vũ Thành An, Từ Công Phụng, mà phải nghe đúng ca sĩ đó, vào thời điểm đó. Đó chính là tưởng. Có người thích hoàng hôn, có người sợ hoàng hôn. Có người thích mưa khuya, có người rất sợ mưa khuya. Có người sợ mùa đông tuyết trắng, còn tôi yêu châu Âu vì tôi yêu mùa đông ở đây nhưng có người muốn bỏ châu Âu mà đi vì họ sợ mùa đông ở đây. Đó là tưởng. Có người hỏi Trịnh Công Sơn nắng khuya là gì (trong câu hát “có khi nắng khuya chưa lên mà một loài hoa chợt tím”). Từ lúc tôi biết câu trả lời của Trịnh Công Sơn: nắng khuya là đèn đường, tôi yêu đèn đường hơn bao giờ hết. Chỗ ở của tôi bên Đức bây giờ có bốn ngọn đèn đường. Thỉnh thoảng những đêm không ngủ được tôi ngồi nhìn bốn ngọn đèn đường trước nhà mà thấy nắng khuya đang lên. Đó là tưởng! Khi Đức Phật ra đời, thấy điều đó, Ngài dạy rằng: Thay vì chạy theo những kinh nghiệm những hồi ức rất đỗi phàm phu không có lợi, ta dạy cho các ngươi những cái tưởng có lợi hơn, đó là tưởng bất tịnh: tưởng về sự chết, tưởng về hài cốt.

Tại sao Ngài vẫn xài chữ tưởng? Vì Ngài biết trước khi giác ngộ, trước khi có được thánh trí thì hành giả vẫn tiếp tục sử dụng cái hồi ức. Thay vì sử dụng những hồi ức rất là phàm phu không lợi ích, thì bây giờ tưởng có lợi hơn. Vị hành giả ngồi tưởng tượng đây là xương. Một tấm thân người đẹp cách mấy, trắng cách mấy, đen cách mấy, mập ốm cách mấy, khi chết rồi thì một hai ngày sẽ trương sình lên, chảy nước, bốc mùi. Bảy mươi phần trăm cơ thể là nước nên nó sẽ rã tan rất nhanh sau đó chỉ còn lại một bộ xương trắng và một nhúm nội tạng, rất lâu mới phân hủy hết. Nhúm xương trắng đó mới đầu là bộ xương, sau rời ra từng lóng từng đốt nhỏ. Theo thời gian từ màu trắng muốt chuyển qua màu xám. Qua nhiều năm sẽ mục rã thành bột và đi vào đất như là chưa từng xuất hiện bao giờ. Tất cả những suy tư đó chỉ là tưởng. Nói theo Vi diệu pháp, đó chính là cái biết thông qua khía cạnh tục đế, chế định, biến kế sở chấp, thi thiết. Biết đó là đồ giả, nhưng vẫn cứ quán niệm thân này từ đầu đến chân gồm 32 thứ dơ bẩn (tóc, lông, móng, gân, xương, máu, mủ, mồ hôi, nước tiểu v.v...), tất cả những thứ dơ này được gói gọn trong túi da có chèn thịt bên trong. Nếu chúng ta lấy những thứ thức ăn thức uống trong một ngày nhai rồi nhả vào một bị ny-lon và đeo trước ngực liệu chúng ta có gần nhau nổi không. Nhưng cũng thức ăn đó nuốt tất cả vào bụng, đánh răng sạch sẽ thơm tho, thiên hạ nhìn nhau vẫn hấp dẫn như thường. 

Có những pháp môn tu chỉ là tưởng, nhưng trau dồi nhiều ngày thì từ cái tưởng tục đế chuyển qua cái biết bằng trí tuệ để thấy được cái chân đế, bản chất thực của các pháp. Bản chất thực của các pháp vốn không dơ, không sạch, không xa, không gần, không sớm, không muộn, không lớn, không nhỏ, không trong, không ngoài. Nhưng khi chưa được tới giai đoạn nhìn thấy các pháp như vậy thì trước mắt chúng ta phải tùy thuộc vào các pháp tục đế, nhìn thấy mọi sự theo cách trẻ con. Nói đến chữ tưởng ta phải tâm niệm một điều: toàn bộ đời sống này y cứ vào hồi ức, vào kinh nghiệm cũ, cái biết cũ; y cứ vào suy diễn và liên tưởng. Suy diễn và liên tưởng là nội dung của tâm sở tưởng, tức là sở hữu tưởng. Hội họa, âm nhạc, thi ca cũng là liên tưởng là suy diễn. Một tòa nhà được xây dựng cũng y cứ trên sự suy diễn và liên tưởng của ai đó. Kẻ phàm phu thích cái này cái kia trong năm trần, người ly dục thì không thích cái này cái kia, họ muốn tu thiền. Tu thiền là ngó vô các đề mục, cũng chính là tưởng. 

Trích bài giảng: TẬP I THIÊN CÓ KỆ. CHƯƠNG 1. TƯƠNG ƯNG CHƯ THIÊN
TK Giác Nguyên giảng- Nhị Tường ghi chép



Thống kê SÁCH đọc nhiều theo thời gian