Search

20.8.21

Những biểu mẫu liên hệ Google Ads

Chào mọi người, Hy vọng chiến dịch quảng cáo của mọi người vẫn đang đạt được những hiệu quả mong muốn.

Từng có thời gian dài chạy Google Ads, mình thấy trong quảng cáo khó mà nói trước được điều gì, và khi bạn tìm đến bài này thì chắc hẳn bạn đang cần Google tư vấn hoặc xử lý các rắc rối về tài khoản. Mình xin được tổng hợp một số biểu mẫu liên hệ cần thiết trong quá trình thực thi quảng cáo Google Ads để mọi người tiện sử dụng.

Những biểu mẫu liên hệ Google Ads cần thiết Chào mọi người, Hy vọng chiến dịch quảng cáo của mọi người vẫn đang đạt được những hiệu quả mong muốn.
Những biểu mẫu liên hệ Google Ads cần thiết Chào mọi người, Hy vọng chiến dịch quảng cáo của mọi người vẫn đang đạt được những hiệu quả mong muốn.

 

  1. Tạm ngưng tài khoản do vi phạm Điều khoản và Điều kiện

  1. Biểu mẫu khiếu nại đối với việc tạm ngưng tài khoản Google Ads
  2. Câu hỏi về quảng cáo bị từ chối và chính sách
  3. Quảng cáo của tôi đang được xem xét
  4. Tài khoản, nguồn cấp dữ liệu hoặc mặt hàng bị từ chối
  5. Yêu cầu tài khoản nhiều khách hàng
  6. Hỗ trợ vấn đề Google Merchant Center
  7. Đăng ký quyền sử dụng quảng cáo HTML5
  8. Biểu mẫu chất lượng lượt nhấp
  9. Yêu cầu gọi lại để triển khai tính năng theo dõi lượt chuyển đổi
  10. Liên hệ với Nhóm hỗ trợ Google
  11. Hỗ trợ vấn đề Google Ads
  12. Hỗ trợ về tính năng Google Ads Editor
  13. Hỗ trợ vấn đề Google Ads Editor
  14. Biểu mẫu thông báo phản đối theo Đạo luật bản quyền kỹ thuật số thiên niên kỷ (DMCA)
  15. Các vấn đề về thanh toán (hỗ trợ cả nâng ngưỡng)
  16. Biểu mẫu đơn đăng ký nhà sản xuất dược phẩm và hiệu thuốc trực tuyến
  17. Báo cáo một quảng cáo
  18. Khiếu nại về nhãn hiệu
  19. Thay đổi tùy chọn cài đặt thanh toán
  20. Giải thích các khoản phí của tôi
  21. Hỗ trợ vấn đề về Google Doanh nghiệp của tôi
  22. Các vấn đề liên quan đến việc liên kết tài khoản Google Doanh nghiệp của tôi và Google Ads
Nguồn: https://lequochuy.com/nhung-bieu-mau-lien-he-google-ads-can-thiet/

Có thể bạn muốn xem: Thống kê bài đọc nhiều theo thời gian

19.8.21

Truyện: VŨ NỮ Nhà văn Olga Tokarczuk của Ba Lan (Nobel Văn học 2018)

Truyện: VŨ NỮ Nhà văn Olga Tokarczuk của Ba Lan (Nobel Văn học 2018)



Truyện được xây dựng dựa trên một tình huống kỳ dị, khác thường, phi lý và một cuộc chiến đấu kiểu Đôn Ki-sốt của một phụ nữ lớn tuổi để tự khẳng định mình về tài năng nghệ thuật một cách muộn màng, để chống lại và giải toả sức mạnh siêu ngã của người cha, của cái nhìn “phụ quyền” và “nam quyền” đối với người phụ nữ.
Sự đặc sắc của thiên truyện còn ở nghệ thuật kết hợp tài tình giữa cách kể ngôi thứ 3 và 6 lời độc thoại ngôi thứ nhất, với giọng điệu vừa xót xa, vừa thủ thỉ tâm sự, một giọng điệu có hiệu quả hết sức nghịch lý và một cái kết bi đát một cách mỉa mai.
Truyện: VŨ NỮ OLGA Nhà văn Olga Tokarczuk của Ba Lan (Nobel Văn học 2018)
Truyện: VŨ NỮ Nhà văn Olga Tokarczuk của Ba Lan (Nobel Văn học 2018)



Hình như họ mua được ngôi nhà cũ này là do một sự tình cờ. Người ta bảo rằng, họ đi đâu đó, bị hết xăng, và rằng lúc đó đã chiều tối, họ trọ đêm trong cái làng có tên gọi vừa lạ lùng vừa khó chịu này - làng Dusznica. Có thời nơi đây từng là một trại an dưỡng với trạm cấp nước, công viên có bồn phun nước và hai ký túc xá. Ngôi nhà thứ nhất không còn nữa; chỉ còn lại nhà thứ hai, chính là cái họ đã mua của xã bằng số tiền rẻ mạt và hứa sẽ dựng ở đó một nhà hát. Nhà hát Múa ở Dusznica.
Nàng mừng vì ngôi nhà cũ sẽ thành sàn diễn.
Đó là một ngôi nhà không lớn, làm toàn bằng gỗ và gạch đỏ - tường xây kiểu Phổ. Hồi trước ở tầng trệt có phòng trực, nhà bếp và một phòng ăn nhỏ ngoài hiên. Phần phía bắc là phòng khiêu vũ, như tại mọi quán trọ hiếu khách ở làng quê. Phòng khiêu vũ ốp gỗ trang trí đến giữa tường, giờ đây đã hư hỏng, gỗ mục rơi tơi tả. Và cái sân khấu này - cũng bằng gỗ, không lớn, nhưng vẫn là sân khấu. Lối ra sân khấu từ hai phía của căn buồng giả làm cánh gà.
Trên tầng một có vài căn phòng và hai nhà tắm. Đó là tất cả.
Nàng mảnh khảnh, thậm chí còn hơn thế - người gầy như một que củi, khô khốc. Mọi thứ trên người nàng đều thẳng đứng, mảnh mai - mặt đuồn đuỗn, mũi dài, bộ tóc bạc nàng đội thả lỏng khiến nàng có phần giống mụ phù thủy. Đàn bà ở tuổi nàng phải đội trên đầu những mớ tóc quăn tử tế hoặc tóc búi khiêm nhường. Hai tay nàng mảnh dẻ, các ngón tay dài ngoẵng, chân gầy, lúc nào cũng chỉ mặc quần - khi nhìn nàng từ đàng sau thì cứ ngỡ là một cô gái trẻ, tuy nhiên mặt nàng lại để lộ dấu hiệu của tuổi tác - mạng lưới những nếp nhăn khiến cho vẻ mặt không đổi, nếu không thì đã bị xoa mờ. Chắc có thời nàng từng là một cô gái đẹp.
Chồng của  nàng, bạn tình hay một gã nào đó, vì sau đó,  ba tháng sau khi làm cái nhà hát này gã đã biến mất, rõ ràng là trẻ hơn nàng - mà cũng có thể khi nhìn thì thấy vậy. Ria mép của gã có lẽ nhuộm và những chiếc áo sơ mi màu đỏ hoặc màu xanh gã mặc khiến cho gã nổi trội hẳn so với màu hung và màu xanh nhạt chung quanh đã đánh lừa mắt người ta. Gã nói với nàng: “Nhắm mắt đi nào, em yêu”, khi nàng thình lình mất vui, bực tức vô cớ. Nàng bực với cả thế gian. Hoặc lúc đêm thâu khi nàng rên rỉ vì đau lưng mà hầu như không biết làm gì được. Gã lật nghiêng người và nói trong bóng đêm: “Nhắm mắt đi nào, em yêu”.
Chẳng biết, trong tình huống nào gã đã bỏ nàng mà đi - có lẽ họ cãi nhau, song lần này thì trầm trọng và dứt khoát. Mà cũng có khi gã đã chán ngấy cái ngôi nhà cũ nát này, nó đã bị nghiêng hẳn, mái dột và cửa sổ ngoài hiên thì bị vỡ lung tung. Tóm lại là gã đã biến mất tăm.
Nàng bình thản như không để tâm tới chuyện đó. Chỉ thỉnh thoảng nhờ ông chủ ở trong làng, người duy nhất có xe ô tô, mua về cho nàng thứ gì đó trong thị trấn, hoặc nhờ ông đi gửi thư, hay đi thanh toán tiền điện. Tiền nong nàng nhận được đều đặn - lương hưu hoặc tiền phụ cấp. Đôi khi nàng thân chinh vào phố, tới hiệu thuốc mua kem, thuốc viên và dầu bôi. Tất cả đều là của các hãng phương tây nổi tiếng.
Khô da làm người ta rất khó chịu. Phải bôi các loại kem mỡ, tốt nhất là mỡ kakao, cái mùi tanh của nó làm nhức đầu sau khi bôi. Cần phải làm cho da ẩm, cần bôi mỡ, làm cho mỡ thẩm thấu vào trong da. Có khi dùng những loại kem tốt nhất, đắt nhất mà không ăn thua gì, còn loại dầu bôi bình thường thì lại có tác dụng. Da nàng vốn dĩ là vậy từ lúc sinh ra. Nàng thường có động tác thế này: miết và kéo các đầu ngón tay trên mặt mình, dọc theo những phần da để hở, dọc theo bờ vai. Da khô chừng như kêu răng rắc dưới các ngón tay nàng. Nàng cực kì căng thẳng. Con người mà cháy được như cánh rừng gặp tiết trời khô hanh thì chắc nàng phải bùng cháy như một bó đuốc. Da nàng khô, người nàng nóng - hiếm khi nàng thấy lạnh. Nàng đứng trên các ngón chân - đó là phản xạ của vũ công - nàng giương cao hai tay hít không khí vào phổi và chậm rãi, bằng bước đi nhẹ nhàng của vũ nữ tiến về phía trước, như người đang múa.
Nàng không sửa sang gì nhiều ngôi nhà cũ này. Thỉnh thoảng thuê một người trong làng ra quét dọn, thường là cô gái có đứa con ngoài giá thú, không đi làm ở đâu cả. Nàng trả công cho cô gái khá tử tế và cô ta có nhiệm vụ quét dọn nhà cửa, mà thực ra cũng chẳng có gì nhiều để mà quét dọn, bởi chủ nhà đi lại rất nhẹ nhàng và lặng lẽ như một hồn ma. Nàng ăn chẳng bao nhiêu - nếu có ăn gì đó - và không hề làm bừa bộn. Nàng ở một trong những căn phòng trên tầng, không vào các phòng khác. Cho nên nàng chỉ trải giường và thỉnh thoảng giặt nhẹ. Nàng chẳng nấu nướng gì - nàng sống bằng hoa quả, cà rốt, bánh mì đen và sữa. Sữa thì nàng mua trong làng. Nàng uống luôn từ vú bò cái, điều khiến bà chủ đang vắt sữa con bò thấy ghê cả người. Ở tuổi này cần chú ý tới xương cốt. Các bệnh xương khớp và các thứ bất ổn khác. Con người có thể bị gẫy gục như một cành cây khô, rỗng bên trong.
Nàng không thay đổi gì trong nhà này. Đàng sau mặt bàn trong phòng thường trực vẫn treo một cái bảng với mấy chiếc chìa khoá được buộc vào những khúc gỗ tròn thô thiển có ghi số phòng. Mùa thu, gió thổi đẩy lá khô ùa vào nhà ăn cũ. Cho nên nàng đã khoá cửa thông ra ngoài hiên và không bao giờ bước ra đó nữa.
Dĩ nhiên phần lớn thời gian nàng ở trong căn phòng có sân khấu. Tại đó nàng quét dọn, treo những chiếc đèn giấy xinh xắn dưới trần nhà, nàng sơn tường màu xanh da trời. Nàng cho đánh sạch ván lát sân khấu rồi dùng gót giầy thử sức chịu lực của sàn. Hoặc nhẩy nện chân theo nhịp phách - khi đó tiếng nện chân theo nhịp vui lan toả khắp nhà. Púc, pu-rúch púc, púc pu-rúch-púc púc. Tiếng nhạc giao hưởng phát ra từ máy ghi âm toả ra vườn, lan vào làng, giống như mùi thơm của nước hoa. Tối tối nàng ngồi bên chiếc bàn nhỏ trong phòng ngủ của mình viết thư và tất cả các lá thư đều bắt đầu bằng câu “Bố yêu quý!”. Không bao giờ nàng kết thúc các bức thư đó. Nàng xếp chúng vào chiếc va li da đã cũ. Trong đó chứa khá nhiều thư, có lẽ phải tới hàng ngàn - tất cả viết bằng nét chữ tròn của nàng và tất cả đều giống hệt nhau - không đầy một trang viết. Hàng ngàn cái bắt đầu của một lá thư. Bị đóng kín trong va li mực tím đã nhạt màu.
Nàng viết, tỷ như: Bố yêu quý, bố hãy hình dung, con có tin gì mới cho bố đây: con đã mua một nhà hát! Đó là một ngôi nhà cũ, đẹp, xây dựng từ đầu thế kỉ với các phòng khách, một nhà ăn rộng, tường toàn bằng kính và - cái quan trọng nhất - một sân khấu. Bố có mường tượng nổi hay không Bố? Bây giờ thì con có thể làm việc cho chính mình và múa bất kì vai nào con thích. Đúng là, ở tuổi con, đường công danh của một vũ nữ đã chấm dứt, con hoàn toàn ý thức được điều này, tuy nhiên tâm hồn của người vũ nữ thì vẫn trẻ trung! Con có rất nhiều dự định. Thỉnh thoảng con vẫn múa một mình. Con không thể không lấy làm tiếc vì hai bố con mình đã cãi nhau và con nghĩ rằng, thưa Bố yêu quý, trước tuổi già chúng ta cần hoà giải. Lúc này đây con rất buồn vì không bao giờ bố tha thứ cho việc con làm vũ nữ. Có thể tại vì đó không phải là những vai chính và vì lý do bị đau cột sống con đã không trở thành vũ nữ thứ nhất, tuy vậy con hoàn toàn nổi danh và tại nhiều cuộc biểu diễn người xem đã vỗ tay hoan hô con cùng cả đoàn. Bố đã không đúng, khi lần cuối cùng gặp nhau bố giận giữ nói với con, là con không có tài năng. Nói thế quả là không công bằng chút nào...
(…)
Hai, ba tháng sau khi nàng dọn đến, lần đầu tiên dân làng Dusznica nhận được lời mời tới xem cuộc biểu diễn của nàng. Lúc đó người chồng này vẫn còn ở với nàng. Trên tấm bìa xanh nhạt viết bằng mực tím: Cuộc biểu diễn bắt đầu lúc 19.00 giờ, một số trích đoạn của vở balê “Hồ thiên nga” của Piotr Traikốpxki, người múa là vũ nữ thứ nhất... Người chồng thân chinh đem giấy mời đến từng nhà, kèm theo một hộp sô-cô-la hình trái tim. Cả làng đến xem, kể cả cô gái có con sơ sinh nọ. Căn phòng, nơi có sân khấu thay đổi đến không nhận ra. Hai chiếc đèn pha chiếu sáng toàn phòng - một chiếc bịt giấy xanh cho thứ ánh sáng tựa nước và sương mờ, chiếc thứ hai dọi chiếu từ trên cao, tạo một hình bầu dục sáng trên sân khấu. Nền sân khấu trải nilon óng ánh xanh, những mảng rêu và cỏ được đem từ vườn vào để làm giả bờ hồ. Người đàn bả trẻ bế con trên tay thét lên vì thích thú.
Khi người xem ngồi chật các hàng ghế, từ sau sân khấu lan toả điệu nhạc mượt mà, dịu êm và sau chốc lát xuất hiện một nhân vật mảnh mai, chân dài, trong bộ tuyn trắng, chân đi giầy vải lanh óng ánh.
Nàng múa mạnh dạn - tất cả người xem nắm lấy tay nhau trước đà dịch chuyển của nàng, trước sự táo bạo của các động tác, sự mạnh mẽ của các bước nhẩy - chừng như họ sợ nàng bị mất thăng bằng và ngã khụy xuống sàn. Làn vải tuyn lướt theo bộ đùi mảnh mai của nàng, luôn luôn chậm, luôn luôn một giây lướt theo sau người nàng, lượn sóng quanh nàng thành một vầng mây trắng sáng. Chân nàng trong bộ tất dài nịt trắng dường như không còn là đôi bàn chân bình thường, cứ như nàng là một loại sinh linh không phải để đi lại như người trần mắt thịt. Hai thế phẩm lạ lùng này của đôi bàn chân, những ngón chân nhỏ bé bị bó chặt trong dôi giầy balê óng ánh, chỉ lướt nhẹ trên ván sàn, tiếng chân chừng như không phải chân người, tựa hồ một con mèo đang chạy quanh sân khấu. Tóc nàng búi cao thành bím bạc cắm những bông hoa trắng. Mặt nàng bôi dầy phấn tới mức không nhận ra - nó hợp với bộ tuyn và tiếng nhạc, song nếu chỉ nhìn vào mặt thôi thì có cảm giác đó là mặt nạ. Tất cả là như vậy.
Chín người, trong đó có chồng nàng, vỗ tay hoan hô, còn vũ nữ cúi chào duyên dáng. Buổi diễn kết thúc, mọi người uống nước cam, nước nho và ăn bánh ngọt. Họ hài lòng ra về. Thực ra, có ai dám nói chắc điều gì nào?
Bố yêu quý, Bố mà hình dung được, chuyện gì đã diễn ra hôm nay tại đây, thì chắc hẳn Bố phải vô cùng kinh ngạc. Lần đầu tiên trong gần hai chục năm qua con biễu diễn cho công chúng! Con đã trình diễn tiết mục đặc sắc của con: “Hồ thiên nga”. Thật là tiếc, Bố không bao giờ có dịp được thấy con trong tiết mục này. Con biết, Bố nghĩ gì về chuyện múa may của con. Có điều, có công bằng hay chăng, khi Bố nghĩ xấu về con mà lại không bao giờ nhìn thấy con múa? Con ao ước bố con mình gặp nhau, bố sẽ tới đây, mà thôi, vì đây sẽ phải là một chuyến đi vất vả, dài ngày đối với Bố, song con thích hình dung cảnh tượng một sân khấu thế này - Bố ngồi xem... - con sẽ múa một tiết mục đặc biệt nào đó, nhưng con chưa biết đó là tiết mục gì. Không biết lúc đó Bố sẽ cảm thấy như thế nào. Cái đầu tiên Bố áp đặt cho con khi con còn nhỏ là - nói chung con không có tai âm nhạc. Những bài học chơi đàn dương cầm của con làm Bố sốt ruột. Bố bảo đó là những bài “inh tai nhức óc”. Nếu vậy thì trẻ con phải chơi như thế nào? Bố cho cô giáo dạy đàn nghỉ việc, thế thì con chơi đàn trên bệ cửa sổ, trên mặt bàn. Còn chuyện học múa của con thì Bố diễu cợt. Con và mẹ đã cùng nhau giữ bí mật. Mẹ bảo rằng, con đi học thêm tiếng Pháp, thậm chí con cầm sách giáo khoa đi học hẳn hoi. Bố đâu có để ý! Lắm lúc con cứ vụng nghĩ trong đầu, hay là Bố không yêu con. Nhưng tại sao lại như vậy? Tại vì con là con gái hay chăng? Lý do như vậy thì đã đủ chưa.  Và rằng liệu có chuyện một người bố không yêu con gái ruột của mình hay không? Chắc con đã nhầm; tình yêu của bố nó khác - Bố muốn cho con những điều tốt đẹp nhất, muốn cho con không phải vất vả, có cuộc sống mãn nguyện và cũng có thể bố cho rằng, không một nghệ sĩ nào lại có hạnh phúc cả. Ấy vậy mà thiên hạ người ta vẫn ao ước được trở thành nghệ sĩ, để được mọi người yêu quý. Không cần gì khác. Vì lí do gì mà ai cũng yêu quý các ca sĩ, các vũ nữ, các nhà văn hơn là thợ đóng giầy hoặc thợ đóng sách, cho dù, con cũng không biết nữa, những người này họ tốt...
Chồng nàng, hoặc gã nào đó đã ở đấy. Đêm cuối cùng, trước ngày gã nói là gã quay trở về thành phố, nàng đã tìm thấy gã ở nửa thứ hai của chiếc giường đôi. Nàng ôm chặt lấy cái lưng đàn ông, nóng rực, mềm lẳn của gã. Da gã phủ một lớp mỡ mềm như lông thú, chạm vào thấy sướng làm sao. Nàng nóng ran người. Song gã đàn ông miệng làu bàu và lật người nằm sấp bụng. Nàng không ngủ nổi, cho nên nàng nằm nghe bản hoà tấu trong đêm của côn trùng, của lũ chuột, đập vào cửa kính. Nàng nghe thấy cả những tiếng chân nhỏ nhẹ bên ngoài cửa sổ, tiếng kêu đàng xa của chim cú mèo. Nàng không thể ngủ vì hai bàn chân lạnh buốt và xương sống đau nhừ. Đệm thì quá mềm còn thân người khô khốc và gày còm của nàng nằm lọt thỏm vào đó như một khúc gỗ. Sống lưng liên hồi nhức nhối. Sáng sớm nàng nhìn thấy gã đang ngủ khì sát rìa giường bên kia, còn nàng nằm ngay bên cạnh. Trong đêm, đã phải diễn ra chính cuộc hành trình mà sau một ngày nữa sẽ kết cục - gã lùi ra xa, nàng xán lại gần. Rốt cuộc gã đã ra đi. 
Bố yêu quý, bây giờ con phải nói với Bố là từ “Bố” đã khiến con vô cùng xúc động và cho tới ngày hôm nay nó vẫn văng vẳng bên tai con. Cha yêu con là chuyện thường tình, cho nên con biết Bố không muốn mắng mỏ con, mà chỉ có ý cảnh tỉnh trước nỗi gian truân của cuộc đời nghệ sĩ. Trong một chừng mực nào đó con công nhận bố có lý, bởi lẽ hôm nay mà cho con lựa chọn lại, thì không biết sẽ chọn gì. Con cũng không biết nữa.
Sau đó mùa đông đến, song là một mùa đông dễ chịu lạ thường. Chỉ cần vài cái bếp điện để sưởi ấm phòng ngủ và nhà bếp là đủ. Lúc diễn thử chỉ cần bật hai cái quạt nhỏ trong phòng có sân khấu và sau chừng mươi phút là ấm áp. Nàng tập. Nàng tự nhận thấy, âm nhạc vượt trước nàng và rằng, nàng phải giảm bớt đà, hạ thấp bước nhẩy, giả nghiêng người.
Con người ta khi đã ngoài sáu mươi thì khó mong có được cái nhanh nhẹn của ngày xưa, cho dù nàng vẫn không nặng cân hơn thuở trước.
Bố yêu quý, con định mua cho Bố món quà gì đó nhân ngày sinh, song thực tình không biết mua gì. Kể cũng lạ, hai bố con mình không còn trẻ trung gì nữa - hai bố con mình cùng nhau đều bước, theo thời gian, đi về phía trước. Có thể nói hai bố con mình vai kề vai sánh bước. Bố sẽ tròn 90 tuổi, còn con chỉ tháng nữa thôi là đầy 64. Lúc nào con cũng nhớ, hai bố con cách nhau 26 năm và con chỉ mong sao cho mình được khoẻ mạnh như con đang cầu chúc Bố lúc này. Đã lâu lắm rồi bố con mình không gặp nhau. Gần ba mươi lăm năm rồi...
Tất nhiên ngay cả bức thư này nàng cũng viết dở dang. Nàng lặng lẽ quẳng vào đống thư trong chiếc va li da.
Tháng mười hai nàng chuẩn bị biểu diễn nhân lễ Noel. Nàng sẽ diễn vũ điệu “Kẹp hạt dẻ” và nàng tập luyện khẩn trương, mấy tiếng mỗi ngày. Nàng chuẩn bị giấy mời và gửi bằng đường bưu điện - có nghĩa là cho vào thùng thư trong thị trấn. Nàng cũng gửi giấy mời cho ông xã trưởng,  ông thị trưởng, chị bán thuốc mà nàng đã mua kem và các giáo viên trường làng. Và sao, chỉ có bốn người tới dự - ông chủ cùng với vợ và hai bà già, tóc bạc phơ, da nhăn nheo, lưng còng sát đất, nhớ cảnh đông người. Những người khác - có thể họ sợ nàng khi diễn sẽ ngã nhào, kêu đánh rắc như que củi và rồi họ sẽ phải chứng kiến cảnh đau lòng. Thiên hạ chỉ thích dự những cuộc vui.
Tối hôm đó nàng cho phép mình được khóc. Nàng nằm ngửa và những giọt lệ thấm vào lớp da khô khốc như sa mạc của nàng, đến độ không một giọt nào rơi xuống vải trải giường.
Dịp Noel nàng nhận được mấy tờ bưu thiếp chúc mừng, trong đó có bưu thiếp của người chồng, hoặc bạn tình, hay một gã nào đó - cái gã mặc áo sơ mi đỏ.
Tháng hai, suốt hai tuần liền cả làng ngập trong tuyết trắng, nàng bỏ tập và suốt ngày ngồi xổm trên giường, qua cửa sổ nàng nhìn cảnh tuyết trắng liên hồi. Sau một tuần có người đến chỗ nàng. Đó là ông chủ trong làng, người đã hỏi một câu rất gở, bà có còn sống hay chăng? Chẳng thấy một tín hiệu nào của bà, không thấy có vết chân đàng trước nhà bà. Ống khói nhà bà lạnh ngắt. Sao lại có cái thói như vậy hả? Đừng làm thế. Tôi đi vào thành phố bằng xe trượt tuyết, bà cần mua gì nào? Nàng bảo, mua giùm cho nàng nho, dầu ô liu, xà lách lá to và cà chua. Ông chủ nhún vai và lúc chiều tối mang đến cho nàng túi nilon đựng ổ bánh mì, một túi dưa bắp cải muối, xúc xích cứng và sô-cô-la. Hoá ra nàng đã ăn hết nhẵn mọi thứ đó. Bây giờ hàng ngày ông chủ đến, đốt chiếc bếp lò tráng men cỡ lớn, sưởi ấm toàn bộ tầng trệt. Ông khuyên, mùa đông, hàng ngày cần ăn món dưa chuột muối nấu với xúc xích và nhất thiết phải uống một li rượu. Sau đó thấy nàng luôn luôn làm đúng như vậy.
Bố yêu quý, chắc Bố biết, con người ta cảm thấy thế nào khi không được yêu. Người đó cảm thấy tất cả những gì người đó sẽ làm là xấu, mà ngay cả khi thôi không làm những cái đó nữa, thì cũng xấu. Mọi thứ trong con người này là đồ bỏ đi. Người đó là một nắm giẻ rách, là một mảnh giấy lộn bị quẳng xuống đất. Một người như vậy không bao giờ được bình tâm. Người đó sẽ làm tất cả để xứng đáng được yêu, tuy nhiên lại không bao giờ toại nguyện. Có thể tất cả những người tuyệt hảo đều có nguồn gốc là những người không được yêu như vậy, bởi vì không bao giờ có kết quả nào lại làm vừa lòng họ; họ làm việc như những con trâu không có khả năng mãn nguyện và không được ban thưởng. Đó là xứ sở của Sidíphơ(1) và những người múc nước bằng sàng.
Khi tuyết dần tan và đường sá đã có thể đi lại được, nàng cùng ông chủ vào thị trấn mua sơn và chổi quét sơn. Hộp lớn, hộp nhỏ, tuýp to, tuýp bé. Tôi biết là sẽ có sửa sang -  ông chủ cười nói - nhưng tôi nói thật với bà là chớ nên làm, vì chẳng mấy chốc ngôi nhà sẽ đổ, chỉ tổ phí tiền. Nàng bảo rằng Lễ phục sinh nàng sẽ lại diễn tiếp. Lần này sẽ khác, ông chủ chỉ mỉm cười vẻ buồn buồn và không nói gì thêm nữa.
Bây giờ suốt cả ngày nàng ở trong căn phòng có sân khấu và mải miết sơn, vẽ; trong làng nghe thấy tiếng nhạc do nàng mở máy ghi âm - nhạc đài phát thanh, buồn. Hoà vào âm thanh đó là tiếng quạ đen và quạ khoang, những con quạ thích đậu trên những cành cây trong công viên hoang tàn. Buổi chiều nàng đun nước, rửa sạch những vết sơn để rồi ngày mai lại làm bẩn trở lại. Sau đó nàng đun thuốc lá và lại viết thư.
Nàng sử dụng những chiếc bàn cũ xếp đầy ngoài hiên để làm giàn giáo. Nàng pha sơn trong mấy chiếc xô nhựa, quấy mầu trong các lọ. Tháng ba, trời đã bắt đầu ấm áp - có những ngày ấm áp như đã là mùa xuân - nàng mở rộng cửa sổ và lúc này thậm chí nghe thấy tiếng nàng lẩm nhẩm hát. Còn khi nàng vào thị trấn đến bưu điện hoặc ngân hàng thì nàng mua một chai rượu vang. Ngày nào cũng giống ngày nào, chỉ có thiên nhiên đã không chịu nổi cái đơn điệu lập đi lập lại này, tại vì trời trở lạnh và một khối không khí ẩm ướt khổng lồ đang treo lửng lơ, bất động trên ngôi làng này. Vỏ cây trở nên long lanh, mềm mại, một màn mây hôi hám vô hình bao quanh những chiếc lá mọc từ năm ngoái. Và rốt cuộc những cơn bão tuyết ập xuống vườn.
Trước ngày Lễ phục sinh vào đầu tháng tư, nàng lại gửi giấy mời  cả làng tới xem biểu diễn, ông chủ thân chinh tới vận động từng nhà trong làng, ông khuyên mọi người nên đến dự thì mới là nhân từ, thực ra hai giờ đồng hồ không cứu rỗi các vị, song lại khiến bà ta vui lòng, bởi vì bà ấy đã chuẩn bị suốt cả mùa đông, rằng đó không phải là người đàn bà xấu, có thể tính cách hơi mạnh mẽ, song mạnh mẽ theo lối dễ thương, bởi vì bà ta có làm hại ai đâu, chỉ múa. Thế là, vào chiều ngày Đại Chúa Nhật, sau bữa trưa no nê, lại có chín người làng và ba khách từ thị trấn đến xem biểu diễn. Họ lẳng lặng bước vào căn phòng tối om theo chỉ dẫn của những mũi tên vẽ trên tường. Trong cảnh chênh tối chênh sáng họ ngồi vào chỗ trong tiếng nhạc nền nhẹ nhàng, tinh tế. Và rồi ánh sáng bừng lên, người xem có cảm giác mình đang ở trong một nhà hát đông người xem thực sự mà người ta đã giới thiệu trong các rạp chiếu phim - với sảnh lớn cho người ngồi xem, với ban công và các hàng ghế lô, mà thậm chí họ còn có cảm giác là họ đang nghe dư âm rì rầm  của hàng ngàn giọng nói. Không còn nữa cái cảnh cả căn phòng buồn tủi, tiêu điều như lần trước. Các bức tường bây giờ vẽ đầy những dãy mặt người ngồi vòng quanh; những bộ mặt người nối nhau từ dưới nền lên tới tận trần nhà. Tại lô ghế bên phải thậm chí thấy mấy mái đầu đội vương miện và có cả người đeo băng  tổng thống màu đỏ vắt chéo qua ngực. Có những chiếc mũ phụ nữ và mũ hình trụ của đàn ông, và cả những gương mặt hoàn toàn bình thường. Những gương mặt trong sảnh phòng thì chỉ vẽ qua loa - tất cả đều giống nhau, song những gương mặt trên ghế lô thì hoàn toàn khác nhau, nếu nhìn kỹ thời có thể nhận ra mái tóc sáng của Marilyn Monroe(2) và mái tóc tự nhiên của Elvis. Và đây, người xem mừng rỡ khi đích mục sở thị gương mặt có bộ râu mép của nguyên soái Pilsudski(3), cũng có thể là của Lech Walesa(4). Có những gương mặt da nâu và rậm râu, tròn và dài. Có người già và trẻ con. Những hàng tiếp theo các gương mặt giống nhau, sau đó chỉ còn vài chấm và hai đường vuông góc - mũi và miệng. Nhưng không sao. Trước cảnh ồn ào này ông chủ cười. Thì ra cái nhà bà khỉ gió này có tài - ông nói. Đứa trẻ sơ sinh cười rồi lại khóc, chắc tại vì trong cái đầu trẻ thơ  bé bỏng này không có chỗ cho ngần ấy gương mặt khác nhau. Cho nên khi nhạc nổi lên, người xem vỗ tay mừng rỡ, còn nàng, người đàn bà trong bộ tuyn trắng, cúi chào họ một cách duyên dáng, không thể nhận ra, nàng bao nhiêu tuổi. Nàng múa trước người xem hết sức nhẹ nhàng và bây giờ họ tin nàng đến nỗi họ biết rằng nàng sẽ không làm họ bị hổ mặt - nàng sẽ không bị ngã, không làm tung bụi, không thình lình bay vào không trung, bị vạt tuyn lôi lên cao như quả bóng. Một điệu nhạc bắt chước tiếng côn trùng và đúng là thứ âm nhạc này đã biến thành tiếng ruồi trâu, tiếng ong mật, nàng múa đôi tay, và cái vòng đội đầu hai lớp, lạ mắt, trên tóc nàng cho cảm giác, nàng đang có ở đó một đôi mắt cỡ bự. Ôi, người xem ai cũng thích thú và thậm chí họ vỗ tay đòi diễn lại.
Ngày hôm sau, cả thị trấn hay tin về cuộc biểu diễn này, tiếp đó là cả vùng, còn dịp nghỉ weekend tháng năm thì có một số người đến để được tận mắt chiêm ngưỡng nàng. Nàng lịch sự song kiên quyết - xin cứ để lại địa chỉ của mình và các vị sẽ nhận được giấy mời tới xem biểu diễn.
Và suốt cả mùa hè cuối cùng nàng diễn đều đặn hằng chủ nhật phục vụ những người ngưỡng mộ nàng và người xem là khách du lịch của nàng, thậm chí người ta còn quay một bộ phim về nàng cho đài truyền hình địa phương. Ống kính lúc thì hướng vào nàng, lúc thì hướng vào các bức tranh vẽ mặt người xem. Và cả những người xem thật ngồi ở mấy hàng ghế. Khi nhận được băng hình này, nàng xem rất nhiều lần, hầu như tối nào cũng xem, xem trong chiếc ti vi mà nàng mua chỉ nhằm mục đích này. Sau đó nàng ngồi viết bức thư trọn vẹn đầu tiên.
Bố yêu quý, con gửi cho Bố băng cat-set về cuộc độc diễn của con. Con rất muốn Bố xem băng hình này mà không được biết trước. Con nghĩ, cuối cùng chúng ta cần hoà giải với nhau. Con lúc nào cũng yêu Bố và - bây giờ con có thể nói - hầu như ngày nào con cũng đã viết thư cho Bố. Con vẫn còn đang giữ những lá thư viết dở đó. Bố mà muốn xem thì con sẽ gói những bức thư này vào hộp các-tông và gửi về cho Bố. Nhiều vô kể. Bố đã không có lý. Con có tài, chỉ có điều Bố đã không biết cách phát hiện. Con đã chịu khó và bây giờ các cuộc biểu diễn của con rất đông người xem. Phòng biểu diễn trong nhà hát của con đến vỡ tung vì những tràng vỗ tay, vì tiếng trầm trồ khi con trình diễn. Con đang thấy Bố nhếch miệng cười - cười mỉa mai, con biết. Lúc nào con cũng sợ nụ cười như vậy. Sự hổ thẹn đã thiêu đốt con,  rằng con là con như hiện giờ, rằng nói chung con vẫn là con. Tuy nhiên, mỗi niềm  xúc cảm có giới hạn của mình - con đã quá già để mà xấu hổ, còn Bố cũng đã quá già để mà coi thường con. Biết đâu bây giờ mọi chuyện giữa hai bố con mình sẽ thuận chèo mát mái và chúng ta sẽ quên đi những ác cảm xưa. Chúng ta sẽ là một người bố và một người con gái đường hoàng. 
Hôm đó, buổi tối, lúc nàng mang phong thư ra bưu điện, nàng nhận được một bức điện. Cha nàng đã qua đời. Nàng vò nhàu lá thư, vứt xuống nền. Lại còn lấy gót giầy nghiền nát. Nàng uất ức. Tối hôm đó nàng thắp tất cả các ngọn đèn, nàng dùng sơn vẽ thêm vào đám người xem một gương mặt nữa - ở hàng thứ tư, tầng trệt. Sau đó nàng chắp tay chữ thập về hướng gương mặt đó và nàng lại múa.


LÊ BÁ THỰ dịch
(từ nguyên bản tiếng Ba Lan)
(nguồn: TCSH số 219 - 05 - 2007)
--------------------
* Vũ nữ còn có thể dịch “Nữ nghệ sĩ múa Ba Lê”
(1) Nhân vật trong thần thoại Hy Lạp, thâm độc, xảo quyệt, ngay cả với các thần linh, bị loá mắt bởi ánh chớp của thần Dớt và bị đẩy xuống địa ngục; cố vần lên trên tảng đá lớn, nhưng tảng đá lại trôi về chỗ cũ. Cho nên mới có câu “công sức của Sidíphơ”, tức công toi (Abert Camus đã viết một tiểu luận độc đáo có tên là Huyền thoại sisiphe” nổi tiếng trong văn học hiện sinh).
(2) Nữ diễn viên điện ảnh Mỹ (1926 - 1962). Elvis Presley (1935 - 1977), ca sĩ huyền thoại Mỹ.
(3) Pilsudski Józef Klemens, nguyên soái Ba Lan 1867 - 1935 (ND).
(4) Cựu Tổng thống Ba Lan (ND).


Có thể bạn muốn xem: Thống kê bài đọc nhiều theo thời gian

18.8.21

NGƯỜI ĐÀN BÀ XẤU NHẤT HÀNH TINH tác giả Olga Tokarczuk (Nobel Văn học 2018)

NGƯỜI ĐÀN BÀ XẤU NHẤT HÀNH TINH tác giả Olga Tokarczuk (Nobel Văn học 2018)


Về chủ nhân Nobel văn chương 2018 - nữ nhà văn Torkarczuk, thông cáo của Viện Hàn lâm Thụy Điển dẫn nhận định của Ủy ban Nobel, ca ngợi "trí tưởng tượng thuật chuyện với niềm đam mê uyên bác tiêu biểu cho một dạng thức sống vượt qua mọi ranh giới".
Các thành viên ban giám khảo giải thưởng Nobel mô tả bà là "một nhà văn luôn bận lòng với cuộc sống xung quanh...", "tác phẩm của bà đầy vẻ trí tuệ và duyên dáng". Họ cũng nhấn mạnh tới xu hướng "tập trung vào di cư và những dịch chuyển văn hóa" trong tác phẩm của bà.
Bà Olga Tokarczuk, sinh năm 1962, tại Sulechów (Ba Lan), hiện đang sống tại Wrocław. Cha mẹ bà là giáo viên, riêng cha bà còn kiêm nhiệm luôn công việc thủ thư trong trường. Bởi thế từ nhỏ bà đã gắn bó với thư viện, đọc thỏa thích mọi sách vở trong đó và nó cũng là nơi đã khơi dậy niềm đam mê văn chương trong bà từ rất sớm.
Cuốn sách đầu tay năm 1993 của bà là tiểu thuyết Podróz ludzi Księgi (tạm dịch: Cuộc du hành của những người tìm sách). Ở quê nhà Ba Lan, bà Olga là một tác giả có sách bán chạy, sau khi giành giải International Booker với cuốn tiểu thuyết thứ 6 Flights (Những chuyến bay), bà cũng đã nổi tiếng hơn tại Anh và các nước nói tiếng Anh khác.

NGƯỜI ĐÀN BÀ XẤU NHẤT HÀNH TINH, VŨ NỮ tác giả Olga Tokarczuk (Nobel Văn học 2018)
NGƯỜI ĐÀN BÀ XẤU NHẤT HÀNH TINH, VŨ NỮ tác giả Olga Tokarczuk (Nobel Văn học 2018)


Truyện: NGƯỜI ĐÀN BÀ XẤU NHẤT HÀNH TINH Nhà văn Olga Tokarczuk của Ba Lan (Nobel Văn học 2018)


Gã kết duyên với người đàn bà xấu nhất hành tinh. Gã thân chinh đến tận thành Viên để đón nàng. Thực ra gã không chủ tâm làm như vậy, trước đó gã không hề nghĩ là mình có thể lấy nàng làm vợ. Song khi nhìn thấy nàng, khi bị cú bất ngờ đầu tiên, thì sau đó gã không thể rời mắt khỏi nàng được nữa. Cái đầu to bự của nàng đầy u bướu, lồi lõm. Ngay dưới cái trán thấp tè, nhăn nheo, là đôi mắt nhỏ ti hí lúc nào cũng ướt nhèm. Nhìn xa cứ tưởng đó là hai kẽ nứt. Cái mũi cho ta cảm giác bị đứt gãy nhiều chỗ, đầu mũi thâm tím, lỗ mũi lún phún lông. Miệng to, dẩu, luôn luôn hé mở, ướt đầm, bên trong là những chiếc răng nhọn hoắt. Lại nữa, dường như ngần ấy vẫn chưa đủ, trên mặt nàng lơ thơ những chiếc lông tơ dài ngoẵng.
Gã đích mục sở thị nàng lần đầu tiên khi nàng chui ra từ sau tấm phông bằng bìa của gánh xiếc lưu động để trình khán giả. Một tiếng ồ vì ngạc nhiên và ghê rợn xoáy tròn trên đầu người xem rồi rơi bịch xuống chân nàng. Hình như nàng cười, song nhìn thì lại giống như đang nhăn mặt buồn. Nàng đứng không nhúc nhích, ý thức rằng hàng chục cặp mắt đang chăm chú nhìn nàng, ngấu nghiến thâu tóm từng chi tiết, để rồi sau đó kể lại bộ mặt này cho những người thân quen, cho hàng xóm láng giềng hoặc con cái của mình, để gọi tên từng chi tiết đó, ngắm gương, so sánh với mặt mình. Rồi sau đó thở phào nhẹ nhõm. Nàng kiên nhẫn đứng, chắc là để hãnh diện. Nàng nhìn lên những mái nhà phía trên những cái đầu.
Sau một hồi tột cùng kinh ngạc, một người hô to:
– Hãy kể chuyện gì đó đi nào!
Nàng nhìn đám đông, nhìn vào chỗ từ đó tiếng hô vang lên. Nàng cố tìm xem kẻ nào vừa lên tiếng, nhưng lúc này từ cánh gà bằng giấy bìa, một nữ diễn viên kể chuyện hài to khoẻ chạy ra và trả lời thay cho Người đàn bà Xấu nhất Hành tinh:
– Cô ta không nói đâu.
– Thế thì chị kể chuyện cô ta đi, – giọng nói nhắc lại lời yêu cầu của mình, và thế là người nghệ sĩ kể chuyện hài bèn đằng hắng rồi bắt đầu nói.
Sau này – khi đã là một ông chủ gánh xiếc nổi tiếng – gã ngồi bên chiếc bếp lò bằng tôn dùng sưởi ấm cỗ xe xiếc, uống trà cùng nàng, gã nghĩ thầm trong bụng, thực ra nàng chẳng ngu đần. Dĩ nhiên là nàng đã nói, và nói đâu vào đấy. Gã nhìn nàng vẻ thăm dò, giằng co với sức lôi cuốn riêng của người dị dạng tự nhiên này. Nàng nhìn gã. Nàng nói:
– Anh tưởng rằng những lời em nói cũng sẽ kì dị và khả ố như bộ mặt em, đúng không?
Gã lặng im.
Nàng uống trà theo kiểu Nga – nàng rót trà vào những chiếc cốc không tay cầm và cứ mỗi ngụm trà lại nhai một cục đường.
Gã nhanh chóng nhận ra, nàng nói được nhiều thứ tiếng, – song – hình như – không thạo một thứ tiếng nào. Lúc lúc lại chuyển từ ngôn ngữ nọ sang ngôn ngữ kia. Cái đó thì cũng chẳng có gì là lạ – từ nhỏ nàng đã được dạy dỗ trong đoàn xiếc, trong một gánh xiếc quốc tế đủ loại người dị dạng. Không chỗ nào diễn tới hai lần.
– Em biết, anh đang nghĩ gì, – nàng lại nói, nhìn gã bằng cặp mắt lồi, nhỏ xíu của một con vật.
Sau giây lát lặng im nàng nói tiếp:
– Kẻ không có mẹ thì không có tiếng mẹ đẻ. Tuy nói nhiều thứ tiếng, song chẳng có thứ tiếng nào là của em cả.
Gã không dám cất lời. Thình lình nàng làm gã sốt ruột – gã không hiểu, tại sao. Nàng đã khôn ra, chặt chẽ và cụ thể, gã đâu có lường được điều đó.
Sau đó gã chia tay, còn nàng – hướng tới sự ngạc nhiên của gã – chìa tay cho gã bằng cử chỉ hết mực đàn bà. Bằng cử chỉ của đàn bà. Một bàn tay hoàn toàn đẹp. Gã cúi đầu vào nàng, song thậm chí không động vào môi nàng.
Nằm ngửa trên giường khách sạn, gã suy nghĩ về nàng. Mắt nhìn thẳng vào màn đêm ẩm ướt, ngột ngạt của khách sạn. Cái không gian đặc kịt đó tạo thuận lợi cho óc tưởng tượng của gã.
Gã nằm và trăn trở, một người như nàng thì nàng phải là ai. Trong thâm tâm của mình nàng cảm nhận điều đó như thế nào. Với đôi mắt y như mắt lợn nàng nhìn thế giới ra sao, cái mũi bị biến dạng hít thở không khí như thế nào, có cảm nhận được đúng các mùi hay không? Và có chuyện gì khi hàng ngày đụng chạm với chính mình, khi rửa ráy, khi gãi ngứa, khi làm những động tác vặt vãnh, đơn giản như vậy?
Gã không hề xót thương nàng, dù chỉ một lần. Còn khi gã thương nàng thì gã đâu có nghĩ sẽ lấy nàng làm vợ.
Sau này một số người đã kể chuyện này như là câu chuyện về một mối tình bất hạnh. Rằng, gã nhìn trái tim trong ngực nàng bằng cả trái tim mình, rằng gã đã yêu một thiên thần dịu hiền có bộ mặt kinh tởm ẩn trong con người nàng. Chả sao cả. Đêm đầu tiên sau cuộc gặp gỡ nàng gã cứ mường tượng, sao lại đi yêu một sinh linh như vậy, sao lại hôn nàng, sao lại cởi quần áo nàngra.
Gã luợn đi lượn lại quanh gánh xiếc này phải tới mấy tuần nữa. Gã đi rồi gã lại quay lại.
Gã chiếm được lòng tin của một ông giám đốc. Gã giải quyết được cho họ một hợp đồng ở Brono, nơi gã đi cùng với họ, nơi gã được gánh xiếc công nhận là người của mình. Người ta cho gã đi bán vé, còn sau đó thì cho thay thế người đàn bà kể chuyện hài to béo – và phải công nhận, gã làm việc đó rất đạt. Gã vét nhẵn túi người xem trước khi tấm màn sơn vẽ qua loa được mở ra.
– Xin các vị hãy nhắm mắt lại, – gã thét to. – Nhất là đàn bà và trẻ con, tại vì những cặp mắt nhạy cảm thì không tài nào chịu nổi cái xấu xí của sinh linh này đâu. Ai đã một lần nhìn thấy người dị dạng tự nhiên này, sẽ không tài nào ngủ ngon giấc, sẽ phải tỉnh dậy vì sợ hãi. Có khi không còn tin vào Thượng Đế…
Chỗ này gã ngừng và câu nói có vẻ như còn dở dang, mặc dầu không phải vậy, thực ra là gã không biết nói gì hơn nữa. Gã nghĩ, cứ nguyên từ “Thượng Đế” là khiến mọi chuyện sẽ đâu vào đấy rồi. Có điều gã thực sự nghĩ, vị Thượng Đế này, vị Thượng Đế mà người khác phải mất lòng tin, đã ưu ái gã, ban cho gã cơ hội này. Người đàn bà Xấu nhất Hành tinh. Lũ ngốc chém giết lẫn nhau vì những người đàn bà xinh đẹp nhất, họ bắn giết nhau trong những trận quyết đấu.
Quân ngu vung của cải thoả mãn tính đỏng đảnh của đàn bà. Còn gã thì ngược lại – Người đàn bà Xấu nhất chủ động đến với gã như một con vật đã được thuần hoá đang buồn. Nàng đâu có giống những người đàn bà khác. Lại còn cho gã cơ hội kiếm tiền. Lấy nàng làm vợ là gã được hưởng ưu ái, gã là người đặc biệt. Gã có thứ mà những kẻ khác không tài nào có được.
Gã mua hoa tặng nàng, nhưng không phải là một bó hoa đặc biệt, chỉ đơn giản là bó hoa rẻ tiền, với một chiếc nơ làm bằng giấy loại xoàng, gói bằng giấy thiếc. Một chiếc khăn mùi xoa hoa. Một ruy-băng bằng vải óng ánh. Một hộp sô cô la. Sau đó gã ngắm, như người bị thôi miên, nàng thắt băng vải bên trán như thế nào, còn cái nơ sặc sỡ thay vì làm đẹp lại gây sốc. Và gã nhìn, nàng dùng cái lưỡi to, dầy của mình nghiền nát sô cô la ra sao và cái thứ nước miếng màu nâu chảy qua những kẽ răng thưa xuống cái cằm đầy lông của nàng.
Gã thích ngắm nàng khi nàng không hay biết gã đang nhìn mình. Gã biến đi từ sáng sớm, nấp bên lán trại, bên xe, rồi lùi ra xa, mai phục ở chỗ nào đó và quan sát nàng hàng giờ liền, cho dù qua các kẽ hở giữa các tấm ván làm hàng rào. Nàng sưởi nắng và lúc đó cũng lâu, chậm như đang mơ màng, nàng chải mái tóc thưa thớt của mình, tết tóc thành những bím đuôi sam rồi lại gỡ ra. Hoặc nàng thêu đan. Que đan óng ánh dưới nắng trời, chọc thủng bầu không khí tràn ngập tiếng ồn hỗn tạp của xiếc. Hoặc trong chiếc áo sơ mi rộng, hai vai để trần, nàng giặt quần áo của mình trong chậu gỗ. ở chỗ vai và cổ để hở, da nàng mọc đầy thứ lông tơ trăng trắng, nom thấy đẹp. Mềm như lông thú.
Việc nhìn trộm này là cần cho gã, bởi ngày nọ tiếp ngày kia, sự ghê tởm của gã giảm dần, tan trong nắng trời, và biến mất ngay trước mắt gã, như vũng nước dưới trời nắng nóng vậy. Mắt gã quen dần với sự mất cân đối chết người, với những tỷ lệ gây nản lòng, với cái thiếu và cái thừa. Đôi lúc nàng cho gã cảm giác nàng là một người bình thường.
Khi gã cảm thấy không yên tâm, gã nói với mọi người rằng, gã phải đi vì có những vụ làm ăn quan trọng, có cuộc gặp với người nọ, người kia – chỗ này gã nêu một tên lạ, hoặc ngược lại, một tên quen biết – rằng gã đi giải quyết hợp đồng, tiến hành đàm phán. Gã đánh bóng đôi giầy cao cổ của mình, giặt chiếc áo sơ mi đẹp nhất và đi về phía trước. Không bao giờ gã đi xa. Dừng chân ở một thị trấn lân cận, lấy cắp một ví tiền của ai đó và uống. Song ngay cả lúc đó gã cũng không rời nàng, bởi vì gã bắt đầu kể về nàng, cứ như không có nàng thì gã không sống nổi, ngay cả lúc trốn chạy như vậy.
Và kể cũng lạ, nàng đã trở thành của quý nhất của gã. Gã có thể trả tiền rượu vang bằng cái xấu của nàng. Chưa hết, bằng việc miêu tả bộ mặt của nàng gã đã thôi miên những cô gái đẹp, những cô gái yêu cầu kể về nàng ngay cả khi sau đó họ trần truồng nằm bên dưới gã.
Lúc gã quay về, gã đã có sẵn một chuyện mới về cái xấu của nàng, nên nhớ rằng, không có cái gì tồn tại từ đầu chí cuối mà lại không có câu chuyện của mình. Thoạt đầu gã bắt nàng học thuộc các câu chuyện, song chẳng bao lâu gã nhận ra Người đàn bà Xấu nhất không biết kể chuyện, giọng nói cứ đều đều và cuối cùng oà khóc, cho nên gã đã kể chuyện của nàng thay cho chính nàng. Gã đứng bên cạnh, đưa bàn tay chỉ về phía nàng và đọc:
– Người mẹ của sinh linh vô phúc mà quý vị đang nhìn thấy trước mặt mình, sinh linh có diện mạo khiến cho những cặp mắt vô tội của các vị không thể chịu nổi, sống ở một làng quê, ở vùng xa của Schwarzwald. Một ngày hè nọ, khi bà đang hái quả dâu đất trong rừng, một con lợn đực cực kì hoang dã, con lợn hừng hực máu dâm dục vô thức của loài vật đã tấn công bà và sở hữu bà.
Lúc này gã nghe thấy những tiếng kêu tột cùng hoảng sợ lịm dần, một số đàn bà đã muốn bỏ ra về, kéo tay những người đàn ông đang cố níu lại.
Gã cũng còn mấy giả thuyết nữa.
Người đàn bà này xuất thân từ một làng bị Chúa trời thử thách. Là hậu duệ của lũ người ác tâm, không hề thương xót người ăn mày ốm yếu, cho nên đức Ngài của chúng ta đã trừng phạt cả làng họ phải chịu tội xấu truyền kiếp kinh khủng như thế này.
Hoặc:
– Số phận của con cái đám đàn bà đi làm tiền là như vậy đó. Đây là kết cục của bệnh giang mai, một căn bệnh nan y, buộc phải chịu cho tới đời thứ năm.
Gã không cảm thấy mình có lỗi. Mỗi giả thuyết đều có thể là thực.
– Tôi không hề biết bố mẹ mình – Người đàn bà Xấu nhất nhắc lại. – Lúc nào tôi cũng như thế này. Tôi theo gánh xiếc từ thuở nhỏ. Không ai còn nhớ, đầu đuôi câu chuyện như thế nào.
Khi vụ diễn chung đầu tiên của họ kết thúc, chậm rãi đi theo một vòng cung, gánh xiếc trở về thành Viên nghỉ đông như mọi năm, gã cầu hôn với nàng. Má nàng ửng đỏ, nàng run bắn cả người. Nàng thỏ thẻ “vâng”, rồi nàng nhẹ nhàng tựa đầu mình vào vai gã. Gã cảm nhận mùi nàng – mùi xà phòng, mềm mại. Gã giữ nguyên giây phút này, sau đó lùi ra. Phấn chấn trong lòng, gã cùng nàng lập kế hoạch cho cuộc đời chung chăn gối của họ. Họ sẽ tới diễn chỗ này, họ sẽ tới diễn chỗ nọ. Nàng dõi mắt nhìn theo gã khi gã đi đi lại lại trong phòng, nàng lặng im, vẻ buồn buồn. Sau chót nàng cầm lấy tay gã và nói rằng, nàng muốn làm ngược lại hoàn toàn – nàng muốn hai vợ chồng đến định cư ở một nơi hẻo lánh nào đó, để không bao giờ phải đi đây đi đó, để khỏi phải gặp bất kỳ một ai. Rằng nàng sẽ làm nội trợ, rồi họ sẽ có con, có vườn tược.
– Nàng không chịu đựng nổi sao, – gã bực mình. – Nàng lớn lên nhờ gánh xiếc cơ mà. Nàng muốn và nàng cần người ta xem nàng. Nàng sẽ chết khi thiên hạ không xem nàng.
Nàng chẳng nói chẳng rằng.
Họ làm lễ cưới vào dịp lễ Nô-en, trong một nhà thờ nhỏ. Cha xứ, người đã cho họ làm lễ cưới, chỉ thiếu chút nữa là ngất xỉu. Giọng cha run run. Người của gánh xiếc là khách, vì gã đã nói với nàng rằng, gã không có gia đình, gã cùng đơn côi như nàng vậy.
Khi mọi người nghiêng ngả trên ghế, khi tất cả các chai đã trống rỗng và đã đến lúc đi ngủ (thậm chí nàng ngà ngà say kéo tay gã), gã giữ khách lại, cho người đi lấy thêm rượu vang. Gã không thể uống say, cho dù bụng muốn. Có cái gì đó trong người gã đang sẵn sàng, một sự sẵn sàng căng như dây đàn. Thậm chí gã không thể cong lưng, không thể xếp chân chữ ngũ. Gã ngồi thẳng, hai má đỏ hồng, mắt long lanh.
– Ta về thôi, anh yêu, – nàng nói thầm vào tai gã.
Còn tay gã thì cứ bám chặt lấy mép bàn, như bị những cái đinh vô hình đính chặt vào đó.
Cho nên những người để ý có thể nghĩ là gã sợ ân ái trần truồng với nàng, một sự chung chăn gối cưỡng bức sau thành hôn. Có phải như vậy hay không?
– Chạm vào má em đi nào, – nàng yêu cầu khi đã vào bóng tối, nhưng gã không làm vậy.
Gã chống hai tay, úp mình phía trên người nàng, để chỉ nhìn thấy dáng nàng, nó sáng hơn bóng tối trong phòng, một cái vết ghê tởm, ranh giới không rành rọt. Còn sau đó gã nhắm nghiền hai mắt – chỗ này thì nàng không thể thấy được – và gã sở hữu nàng, như mọi người đàn bà khác, không hề nghĩ ngợi, như mọi khi.
Vụ diễn tiếp theo họ bắt đầu sống tự lực. Gã bắt nàng chụp mấy tấm hình và gửi đi khắp thế giới. Những câu trả lời được gửi tới bằng điện tín. Họ có được rất nhiều cuộc biểu diễn. Họ đi tầu toa hạng một. Nàng không bao giờ trật khỏi đầu chiếc mũ voan dày, màu xám và từ trong lớp vải đó nàng chiêm ngưỡng thành Roma và Venexia, cả Quảng trường Elize nữa. Gã sắm cho nàng mấy chiếc váy; gã thân chinh buộc coóc-xê cho nàng, cho nên khi họ cùng nhau bách bộ trên phố đông người của các thành thị châu Âu thì nom y như một cặp người. Thế nhưng, chính vào lúc đó – những ngày tháng tốt đẹp nhất đối với họ – gã cũng phải bỏ đi. Gã vốn như vậy, muôn năm là kẻ chạy trốn. Một nỗi kinh hoàng bất chợt nào đó trào đâng trong gã, có tiếng nện chân nào đó khiến gã không chịu nổi, gã bắt đầu đổ mồ hôi, ngột ngạt, cho nên gã cầm gói bạc, vớ chiếc mũ và chạy khỏi cầu thang, tìm đúng hướng, đi tới những hang ổ ngoài bến cảng. Tại đây thình lình gã nhũn người, mặt gã xanh xao, tóc gã rối bù và cái đầu hói ẩn náu dưới những làn tóc bôi mỡ phơi ra trơ trẽn. Gã uống hồ hởi, vô tội vạ và nói lúng búng điều gì đó, còn sau đó một ả gái điếm bực mình đập vào tay.
Khi lần đầu tiên Cô nàng Xấu nhất Hành tinh làm cho gã ân hận, gã đã đấm vào bụng nàng, bởi thậm chí bằng cách như vậy gã sợ chạm vào mặt nàng.
Gã không còn kể về bệnh giang mai và về con lợn rừng. Gã nhận được thư của một giáo sư y khoa ở Viên và bây giờ gã giới thiệu vợ mình bằng ngôn ngữ khoa học.
– Thưa các qúy vị, đây là một sinh linh dị dạng tự nhiên, đây là một cá thể đột biến, một sai lầm của tiến hoá, một khâu bị đánh mất. Những cá thể như thế này rất ít khi xuất hiện. Sác xuất thấp đến nỗi, ngay lúc này đây một thiên thạch sẽ rơi xuống đây. Bây giờ các quý vị đang có cơ hội được xem trực tiếp một cá thể đột biến như vậy.
Tất nhiên họ đến trường đại học gặp giáo sư. Tại đó họ cùng nhau làm mẫu để chụp ảnh – cô nàng ngồi, gã đứng sau nàng, một tay vịn vào vai nàng.
Một lần, khi người ta đo đạc nàng, giáo sư nói mấy lời với gã.
– Phải chăng, – giáo sư nói, – sự đột biến này là di truyền. Anh chị có tính chuyện sinh con?
Anh chị đã thử chưa? Có phải là vợ anh…? Nói chung anh chị có phải…?
Chẳng bao lâu sau đó, tưởng như không liên quan gì đến cuộc trò chuyện kín đáo với giáo sư, nàng khoe rằng, nàng có chửa. Từ giờ phút này gã trở thành hai người. Gã muốn nàng sinh một đứa con giống hệt như nàng – lúc đó có lẽ họ sẽ có nhiều hợp đồng hơn, nhiều lời mời hơn.
Nếu có xảy ra chuyện gì thì gã được bảo hiểm đến già, kể cả trường hợp nàng gặp rủi ro. Gã có thể trở thành người nổi tiếng chăng? Nhưng liền sau đó một ý nghĩ kinh hãi lại ập đến, đứa bé sẽ là một quái vật. Rằng gã sẵn lòng lôi đứa bé ra khỏi bụng nàng, để bảo vệ đứa bé không bị nhiễm máu độc chứa đựng những đặc tính xấu của nàng. Và gã chiêm bao thấy, gã chính là đứa con trong bụng nàng, bị giam cầm ở đó, trong vòng cương tỏa tối tăm của nàng. Và giam giữ gã ở trong đó, nàng dần dà làm biến đổi bộ mặt của gã. Hoặc như thế này: gã chiêm bao thấy, chính gã là con lợn rừng nọ, con lợn đã cưỡng hiếp cô gái vô tội. Lúc tỉnh dậy, mồ hôi nhễ nhại, gã cầu nguyện cho nàng bị sẩy thai.
Cái bụng của nàng khích lệ người xem. Họ dễ dàng bỏ qua cái xấu đến dã man của nàng.
Bây giờ họ đặt câu hỏi cho nàng, nàng xấu hổ nhỏ nhẹ trả lời, song thiếu thuyết phục. Những người thân quen bắt đầu cuộc nhau – đứa bé sinh ra sẽ là đứa bé như thế nào và giới tính của nó là gì. Nàng tiếp nhận điều này một cách nhẹ nhàng.
Tối tối nàng ngồi may những chiếc áo trẻ sơ sinh.
– Anh biết không, – nàng nói, đứng bất động hồi lâu, mắt nhìn trừng trừng vào một điểm ở đàng xa – thiên hạ người ta vô công rồi nghề, người ta cô đơn. Thật đáng thương khi họ ngồi phía trước em, chăm chú xem mặt em. Hình như họ là những người vô lo, những người nhất thiết phải ngắm nhìn cái gì đó, phải lấp chỗ trống bằng cái gì đó. Có lúc em nghĩ, hay là họ ghen tị với em. Ít ra em cũng là một cái gì đó. Còn họ – chẳng có gì nổi trội, không tính cách.
Gã tỏ ra không ưng ý khi nàng nói vậy.
Nàng sinh con vào lúc đêm thâu, không chút khó khăn, lặng lẽ như một con vật. Bà đỡ đến chỉ là để cắt rốn cho đứa trẻ. Gã gí cho bà ta một cục tiền để bà ta đừng đi nói loang ra qúa sớm.
Liền sau đó gã thắp tất cả mọi ngọn đèn để quan sát cho chính xác. Tim gã như muốn vỡ ra. Đứa bé thật kinh khủng, còn kinh khủng hơn cả mẹ nó. Gã phải nhắm nghiền hai mắt, vì dạ dày kéo lên đến tận họng gã. Mãi sau đó, sau một hồi lâu gã mới tin rằng, giống như nàng đã nói – đứa trẻ vừa sinh là gái.
Cho nên thế này: gã đã bước vào một thành phố tối tăm, đó là Viên hoặc Berlin. Tuyết rời và uớt rơi. Giày của gã phát ra tiếng kêu não nùng trên mặt đường. Gã lại là hai con người – một con người mừng vui và một con người thất vọng.
Gã uống song vẫn tỉnh táo. Gã mơ tưởng và gã sợ. Sau vài hôm, khi trở về, gã đã có sẵn kế hoạch cho tuyến đi lưu diễn và quảng cáo. Gã biên thư cho giáo sư. Gã gọi thợ ảnh, người tay run lẩy bẩy sau mỗi lần đốt đèn ma-nhê và trong ánh sáng chói loà ghi lại cái xấu khủng khiếp của hai sinh linh.
Hẵng chờ cho hết mùa đông, khi cây liên kiều nở hoa, khi mặt đường ở các thành phố lớn khô ráo. Petersburg, Bukarest, Praha, Vacsava và tiếp, tiếp nữa cho tới tận Nữu Ước và Buenos Aires… Chỉ cầu mong bầu trời căng phồng trên mặt đất như một cánh buồm xanh khổng lồ. Cả thế giới sẽ mê hồn trước cái xấu của vợ và con gái gã, quỳ gối trước mặt hai mẹ con.
Vào thời điểm đại loại như vậy, lần đầu tiên gã hôn vào mặt nàng. Không phải vào môi, không, không, mà vào trán. Nàng nhìn gã bằng ánh mắt sáng bừng, khác hẳn, hầu như là ánh mắt người. Ngay lúc đó một câu hỏi hiện lên trong đầu gã, song gã không dám hỏi nàng. “Nàng là ai?” “Nàng là ai? Nàng là ai?”, gã tự nhắc lại và thậm chí gã không nhận thấy khi gã bắt đầu hỏi trong ý nghĩ những người khác, thậm chí ngay chính bản thân gã, lúc đứng trước gương, lúc cạo râu. Cứ như là gã đã phát hiện ra điều bí mật – rằng tất cả mọi người đều cải trang. Rằng, những bộ mặt người này đều là mặt nạ, tựa hồ toàn bộ cuộc sống là ở trong cuộc đại đại vũ hội hoá trang Venexia. Đôi khi gã nghĩ hão huyền như người say – bởi lúc tỉnh táo gã không để cho những điều vô lý như vậy nhập vào mình – rằng, gã sẽ cởi các mặt nạ đó ra, còn hai mẹ con sột soạt nhè nhẹ trong giấy bồi lật ra – cái gì vậy? Gã không biết. ý nghĩ đó hành hạ gã đến nỗi, gã không thể chịu nổi việc ở nhà với nàng và đứa con. Gã sợ bị cám dỗ lập dị và một ngày nào đó gã sẽ bóc cái xấu này ra khỏi mặt nàng. Gã có thể dùng các ngón tay tìm kiếm các mép kín, chỗ dán. Gã có thể lần tìm trong tóc. Gã lặng lẽ ra khỏi nhà để đi uống và lúc đó sẽ tính tuyến đi lưu diễn tiếp theo, thiết kế các biển quảng cáo, soạn thảo các bức điện.
Thế nhưng đầu xuân đã xẩy ra dịch cúm Tây Ban Nha và cả hai đều lâm bệnh. Hai mẹ con nằm bên nhau, nóng ran, thở hổn hển mệt mỏi. Lúc lúc trong cơn hốt hoảng nàng ôm chặt đứa bé vào người mình. Trong mê sảng nàng cố cho con bú, không biết rằng đứa bé không còn sức để bú mẹ nữa. Nó đang tắt thở. Khi đứa bé đã qua đời gã nhẹ nhàng bế nó và đặt vào góc giường.
Gã châm thuốc hút.
Đêm đó Người đàn bà xấu nhất tỉnh lại được một lát, song chỉ là để rú lên thất vọng. Gã không thể chịu đựng nổi – đó là giọng của đêm, của tối tăm của bụi rậm đen ngòm. Gã bịt tai mình lại, và cuối cùng chộp lấy chiếc mũ, chạy ra khỏi nhà, song không đi xa. Cho tới sáng gã đi quanh các cửa sổ nhà mình và bằng cách như vậy giúp cho nàng nhắm mắt. Cái chết đến còn nhanh hơn gã tưởng.
Gã giam mình trong phòng ngủ, gã nhìn hai cái xác bỗng dưng sao mà nặng nề, sao mà khốn khó, hai cái xác không ngờ. Gã ngạc nhiên khi nhận thấy hai mẹ con làm chiếc đệm cong hẳn xuống. Gã hoàn toàn không biết bây giờ mình phải làm gì, cho nên gã chỉ báo cho giáo sư, và uống thẳng bằng chai, gã nhận ra hoàng hôn đang xoá đi đường viền của hai cái dáng bất động trên giường như thế nào.
– Xin ngài cứu hai mẹ con, – gã rú lên van xin, khi giáo sư đến và khám tử thi theo chuyên môn.
– Anh có bị điên hay không đấy? Họ có còn sống nữa đâu, – giáo sư nói với vẻ khó chịu.
Sau đó giáo sư đưa cho gã một tờ giấy, gã kí vào đó bằng tay phải, còn tay trái cầm tiền.
Trước khi ngay trong ngày hôm đó gã biến ra ngoài cảng, gã giúp giáo sư dùng xe ngựa chở xác đến bệnh viện của trường đại học. ở đó, sau một thời gian, người ta bí mật làm nhồi xác.
Khá lâu, khoảng hai mươi năm, xác được đặt trong hầm lạnh của ngôi nhà, khi đủ tốt thì nhập vào bộ sưu tập đầu lâu người Do Thái, người Xlavơ, trẻ sơ sinh hai đầu và trẻ dính nhau các kiểu. Bây giờ vẫn có thể đến xem họ tại Bảo tàng bệnh học – cả mẹ và con, đông cứng, trong bộ dạng hoàn toàn trang nghiêm, mắt thuỷ tinh, được xem là sự khởi đầu không thành của một loài mới.

HÀNH TRÌNH VỀ PHƯƠNG ĐÔNG TÁC GIẢ BAIRD THOMAS SPALDING

HÀNH TRÌNH VỀ PHƯƠNG ĐÔNG TÁC GIẢ BAIRD THOMAS SPALDING


Hành Trình Về Phương Đông mở ra một chân trời mới về Đông Tây gặp nhau, để khoa học Minh triết hội ngộ, để Hiện đại Cổ xưa giao duyên, để Đất Trời là một. Thế giới, vì vậy đã trở nên hài hòa hơn, rộng mở, diệu kỳ hơn và, do đó, nhân văn hơn.

Hành Trình Về Phương Đông kể về những trải nghiệm của một đoàn khoa học gồm các chuyên gia hàng đầu của Hội Khoa Học Hoàng Gia Anh được cử sang Ấn Độ nghiên cứu về huyền học và những khả năng siêu nhiên của con người. Suốt hai năm trời rong ruổi khắp các đền chùa Ấn Độ, chúng kiến nhiều pháp luật, nhiều cảnh mê tín dị đoan, thậm chí lừa đảo...của nhiều pháp sư, đạo sĩ...họ được tiếp xúc với những vị thế, họ được chứng kiến, trải nghiệm, hiểu biết sâu sắc về các khoa học cổ xưa và bí truyền của văn hóa Ấn Độ như Yoga, thiền định, thuật chiêm duyên, nghiệp báo, luật nhân quả, cõi sống và cõi chết....

Đúng lúc một cuộc đối thoại cởi mở và chân thành đang sắp diễn ra với các đạo sĩ bậc thầy, thì đoàn nhận được tối hậu thu từ chính quyền Anh Quốc là phải ngừng ngay việc nghiên cứu, tức khắc hồi hương và bị buộc phải im lặng, không được phát ngôn về bất cứ điều gì mà họ đã chứng nghiệm. Sau cùng ba nhà khoa học trong đoàn đã chấp nhận bỏ lại tất cả sau lưng, ở lại Ấn Độ tiếp tục nghiên cứu và cuối cùng trở thành tu sĩ. Trong số đó có giáo sư Salding- tác giả hồi ký đặc biệt này.

Không chỉ bây giờ mà suốt vài chục năm qua rất nhiều diễn đàn trong và ngoài nước đã tranh luận rất nhiều về nguồn gốc, xuất xứ cuốn sách này. Mà người đã tạo ra nó lại yên lặng như không hề có liên quan.


Theo nhiều người nói trước đó, cuốn sách là một phần trong bộ hồi ký nổi tiếng của giáo sư Baird T. Spalding (1857-1953), “Life and Teaching of the Masters of the Far East” (xuất bản năm 1953) ghi nhận đầy đủ về cuộc hành trình gay go nhưng kỳ thú, tràn đầy sự huyền bí ở Ấn Độ, Tây Tạng, Trung Hoa và Ba Tư. Nhưng sự thật sau cùng lại dường như không phải như vậy: Cuốn sách “Hành trình về Phương Đông” này có thể là một cuốn độc lập, nội dung khác hoàn toàn – chỉ liên quan đến cái tên Baird T. Spalding mà thôi.

“Hành trình về Phương Đông” còn khiến nhiều người tò mò không kém là vì dịch giả của cuốn sách là Nguyên Phong, một người nổi tiếng và đầy bí ẩn. Không xuất hiện trên truyền thông, mà chỉ sống ẩn danh nên có rất nhiều người không biết về dịch giả Nguyên Phong. Nguyên Phong chính là bút danh của Giáo sư John Vu (tên thật là Vũ Văn Du). Ông là một tác giả, dịch giả nổi tiếng của các tác phẩm về văn học, tâm linh phương Đông, giáo dục và công nghệ.

HÀNH TRÌNH VỀ PHƯƠNG ĐÔNG TÁC GIẢ BAIRD THOMAS SPALDING
HÀNH TRÌNH VỀ PHƯƠNG ĐÔNG TÁC GIẢ BAIRD THOMAS SPALDING



VỀ TÁC GIẢ

Baird Thomas Spalding (1872–1953) là tác giả của loạt sách Life and Teaching of the Masters of the Far East (Cuộc đời các chân sư Phương Đông). Trong một số sách ghi Spalding sinh tại Anh năm 1857, theo Wikipedia, Spalding được sinh ra ở Bắc Cohocton, New York năm 1872.

Năm 1924, ông phát hành ấn bản đầu tiên của Hành Trình Về Phương Đông, mô tả về cuộc du hành đến Ấn Độ và Tây Tạng của một nhóm nghiên cứu 11 nhà khoa học vào năm 1894.


PDF: HÀNH TRÌNH VỀ PHƯƠNG ĐÔNG TÁC GIẢ BAIRD THOMAS SPALDING


https://drive.google.com/file/d/1QMsRQc1SOLQZTsjKIcRRDlxn8Tu9putA/view?usp=sharing

PS: Một cuốn sách nửa chim nửa chuột vừa đủ tạo ra một con dơi


Có thể bạn muốn xem: Thống kê bài đọc nhiều theo thời gian

16.8.21

Chùm Nho Phẫn Nộ Tác giả John Steinbeck

Chùm Nho Phẫn Nộ Tác giả John Steinbeck
Người lớn đứng gần bờ dậu, nhìn cánh đồng ngô bị tàn hại hiện đang khô héo. Họ đứng câm lặng và nhiều khi không động đậy.

Rồi đến lượt các phụ nữ ra đứng cạnh đàn ông để xem lần này cánh đàn ông có bị nao núng trước thời tiết tai ác như vậy không. Họ kín đáo nhìn gương mặt đám đàn ông, bởi vì ngô có thể biến mất nhưng cũng không sao, qui hồ còn lại thứ gì khác. Lũ trẻ con đứng gần đấy, lấy ngón chân cái vạch vạch các hình vẽ trên cát bụi, và với giác quan thức tỉnh, chúng tìm cách đoán xem chẳng hay người lớn có nao núng hay không. Chúng liếc trộm vẻ mặt của người lớn rồi lại chăm chú đưa đầu ngón chân vạch vạch trên đất bụi. Những con ngựa đi tới máng nước, lỗ mũi phì phì xua bụi đóng váng trên đó. Sau một lúc, khuôn mặt những người đàn ông đang quan sát mất hẳn vẻ sững sờ ngơ ngác và trở nên đanh lại, giận dữ, cương quyết. Thế là các phụ nữ hiểu ra rằng nguy cơ đã qua và sẽ không có chuyện suy sụp xảy ra. Họ bèn hỏi:

- Ta làm thế nào bây giờ?

Đám đàn ông đáp:

- Chưa biết sao.

Nhưng mọi việc đều ổn thỏa, đám phụ nữ biết rằng mọi việc đều ổn. Từ đáy lòng, đàn bà và trẻ con đều biết rằng một khi đàn ông họ vững vàng thì không có nỗi bất hạnh nào là quá nặng nề. Phụ nữ trở vào nhà, lại bắt tay vào công việc thường ngày, còn trẻ con lại bắt đầu nô đùa, tuy mới đầu có vẻ hơi rụt rè.


Chùm Nho Phẫn Nộ Tác giả John Steinbeck
Chùm Nho Phẫn Nộ Tác giả John Steinbeck


Chùm nho uất hận (tiếng Anh: The Grapes of Wrath), còn có tên trên bản dịch là Chùm nho thịnh nộ là tiểu thuyết của văn hào John Steinbeck, bao gồm 30 chương, phản ánh những biến đổi sâu sắc trong nông thôn nước Mỹ khoảng những năm đầu thế kỷ 20 dưới ảnh hưởng mạnh mẽ của thời đại công nghiệp hóa. Với tác phẩm này, Steinbeck đã được trao giải Pulitzer vào năm 1940. Năm 1962, Steinbeck được trao giải Nobel Văn học, mà Chùm nho uất hận là sáng tác chính của Steinbeck được Viện Hàn lâm Thụy Điển đưa ra như một trong những lý do trao giải. Tạp chí Time liệt kê tác phẩm này trong danh sách 100 tiểu thuyết Anh ngữ hay nhất từ năm 1923 đến nay.


Kết quả tuyển chọn dựa theo tiêu chí bình chọn Những kiệt tác thế giới được dịch ra chữ Hán do Bộ Văn hóa Trung Quốc tổ chức những năm 1980-1981 xếp Chùm nho uất hận là một trong 100 cuốn sách ảnh hưởng khắp thế giới. 

Hoàn cảnh sáng tác

Bối cảnh hiện thực và nguyên nhân sáng tác Chùm nho uất hận có nguyên ủy từ cuối thập niên 20 đến thập niên 30 khi nền kinh tế Mỹ lâm vào khủng hoảng cùng với sự thất nghiệp hàng loạt của công nhân thành thị, công nhân đồn điền và sự khó khăn trong cuộc sống của họ. 


Mùa thu 1937, John Steinbeck theo bước chân di cư của những người nông dân bang Oklahoma lưu lạc đến California, tận mắt chứng kiến nỗi gian nan khốn khổ của người dân khi bị ép buộc phải rời bỏ quê hương, đã đồng cảm và xúc động sâu xa sáng tác nên thiên truyện nổi tiếng Chùm nho uất hận mà ngay từ khi ra đời đã thu hút một lượng độc giả đông đảo. Lời đánh giá của Viện Khoa học hoàng gia Thụy Điển vào năm 1962 khi Steinbeck đoạt giải Nobel văn học: sáng tác thông qua chủ nghĩa hiện thực, giàu tưởng tượng, biểu hiện sự hài hước, giàu lòng cảm thông và sự quan sát nhạy bén đối với xã hội, ở mức độ lớn là gắn với tác phẩm này.

PDF Chùm Nho Phẫn Nộ Tác giả John Steinbeck


https://drive.google.com/file/d/1moyQuIHMfnIFietL-aI009y--YlhqKDe/view?usp=sharing


https://phanblogs.blogspot.com/2015/01/cua-chuot-va-nguoi-tac-gia-john_58.html



Có thể bạn muốn xem: Thống kê bài đọc nhiều theo thời gian

10.8.21

NHỮNG NGƯỜI HÀNH HƯƠNG KỲ LẠ - TÁC GIẢ GABRIEL GARCÍA MÁRQUEZ

NHỮNG NGƯỜI HÀNH HƯƠNG KỲ LẠ - TÁC GIẢ GABRIEL GARCÍA MÁRQUEZ 


Một cựu tổng thống vùng Caribê bệnh tật, sống ẩn dật ở Geneva, được một tài xế xe cứu thương đầy tham vọng và bà vợ cứng đầu của anh ta làm bạn.


Anh chàng Margarito Duarte từ vùng rừng núi Andes xứ Colombia đến Rome với một cái hộp có hình dáng và kích thước của một cái đựng cây trung hồ cầm để dâng lên đức Giáo Hoàng những gì đựng trong đó.


Một người đàn bà mang chiếc nhẫn hình rắn với mắt màu ngọc bích kiểu Ai Cập và chỉ được biết qua cái tên cô Frieda do đám sinh viên châu Mỹ La tinh đặt cho, sống bằng nghề rao bán các giấc mộng của mình cho các gia đình giàu có.


Một cô ca sĩ Mễ Tây Cơ xinh đẹp trên đường về thành phố Barcelona, xe bị hỏng và do những ngẫu nhiên lạ lùng của số mệnh, đã phải kết thúc cuộc đời trong một bệnh viện tâm thần.


Ở Toscane, một gia đình đi nghỉ hè đến thăm m ột lâu đài thời Phục Hưng bây giờ do một nhà văn danh tiếng Venezuela sở hữu và đã gặp bóng ma của người chủ lâu đời mấy trăm năm trước, một hiệp sĩ đã tự tìm lấy cái chết thê thảm do tuyệt vọng vì tình.


Maria dos Prazeres, một thời từng là nàng kiều nữ giang hồ quyến rũ nhất ở Barcelona, nằm mộng thấy thần chết xuất hiện, vì thế bà ta bắt đầu hoạch định kế hoạch cho đám tang của chính mình.


Một góa phụ trang phục theo kiểu Thánh Francis, dong thuyền từ Argentina đến Rome để gặp đức Giáo Hoàng.


Một cậu thiếu niên điển trai vùng Caribê hóa điên nơi đất Tây Ban Nha.


Một cô gia sư người Đức đã hủy hoại mùa hè vì những qui luật khắt khe do cô đặt ra và rồi đã tự hủy hoại chính m ình.


Billy Sanchez mang bà vợ có bầu với vết thương trên ngón tay đeo nhẫn, đến nhà thương và rồi chẳng bao giờ thấy lại nàng.


Một lần nữa, qua tuyển tập truyện ngắn đầy lôi cuốn này, Gariel Garcia Marquez mời gọi chúng ta đi vào những thế giới uy nghiêm và huyền ảo đầy tính ma thuật, từ đó chúng ta trồi lên nhưng v ẫn mãi bị vương vấn bởi bao khoảng thời gian mông lung hòa quyện vào nhau.

NHỮNG NGƯỜI HÀNH HƯƠNG KỲ LẠ - TÁC GIẢ GABRIEL GARCÍA MÁRQUEZ

NHỮNG NGƯỜI HÀNH HƯƠNG KỲ LẠ - TÁC GIẢ GABRIEL GARCÍA MÁRQUEZ 



EBOOK NHỮNG NGƯỜI HÀNH HƯƠNG KỲ LẠ - TÁC GIẢ GABRIEL GARCÍA MÁRQUEZ


https://drive.google.com/file/d/1NFUPnYLnptJXBlXgOsc-GNMvSggNe2sz/view?usp=sharing

HIỆN HỮU

HIỆN HỮU


Mình thấy nước Mỹ nó là cái gì đó, nước Nhật, nước Đức, nước Thụy sĩ, nó là cái gì đó mình mới có ý định cư, mình xin cái quốc tịch. Chớ còn nếu mà cái đất nước đó mà mình thấy nó là Syria, nó là Li băng, nó là Iraq, nó là Campuchia, nó là một cái xứ Ethiopia, Somalia, Uganda ở bên Châu Phi đó, nếu mình thấy nó như vậy thì mình không có hứng thú mà nghĩ đến chuyện định cư lâu dài, một sự nghiệp trường kỳ ở những nơi chốn đó đâu quí vị, tui khẳng định như vậy. Chỉ khi nào mình thấy nó là Úc, nó là Mỹ, nó là Nhật, nó là Pháp, nó là Thụy sĩ, nó là một xứ Bắc Âu ngon lành nào đó thì mình mới có ý định cư.

HIỆN HỮU



Ở đây cũng vậy khi mà mình còn thấy cái thế giới này nó là cái gì đó còn có chỗ ngọt ngào, còn có chỗ tin cậy, tín nhiệm, trông đợi, hoài vọng được thì chúng ta mới còn có ý tưởng, mới còn có ý tưởng đi tìm kiếm cái gì trường hằng vĩnh cửu.
-TK Giác nguyên.
#Dukkha

QUÁN SÁT

QUÁN SÁT

Để nhìn được hemoglobin thì cần phải dùng đến kính hiển vi.
Để nhìn được các chùm tinh vân thì phải dùng đến kính viễn vọng.
Đấy gọi là công cụ hay còn gọi là trợ duyên: phải đủ khoa học, công nghệ, vật liệu, và tri thức để làm ra các công cụ đó.

QUÁN SÁT
QUÁN SÁT


Trước cái ngày mà các anh chưa có công cụ trong tay thì các anh coi như là hai cái vật thể đó 1 siêu to khổng lồ, một bé tí ti là không có. Là hoang đường.
Còn để quan sát được tam giới xa hơn nữa là 31 cõi thì cần đến công cụ là thiền quán với đủ duyên minh sát tuệ.


Nguồn ảnh: pixabay.com
#abhidhamma

TỨ BẤT TẬN - TỨ BẤT NĂNG

TỨ BẤT TẬN - TỨ BẤT NĂNG


Tứ Bất Tận : Bốn điều không nên đẩy đến cùng cực :


-Xử nhân bất tận tài (đối xử với ai cũng không nên bóc lột hết tài sản, của cải, tiền bạc kẻ khác mà phải để cho họ có cái gì để sống)

-Xử nhân bất tận lực (đối xử với người, không nên bóc lột hết khả năng, sức lao động của họ, biến họ thành thứ lao nô suốt đời cúc cung tận tụy phục vụ mình)

-Xử nhân bất tận tình (đối xử với người, không nên bắt buộc ai phải hết lòng hết da, phải trung thành tuyệt đối với mình, không được thân thương, cảm tình với bất cứ ai, ngoài mình)

-Xử nhân bất tận lý (đối xử với ai, không được chỉ cho cái lý của mình là hoàn toàn đúng mà không nhìn nhận phần nào cái lý của họ)


TỨ BẤT TẬN - TỨ BẤT NĂNG
TỨ BẤT TẬN - TỨ BẤT NĂNG


TỨ BẤT NĂNG : BỐN ĐIỀU KHÔNG NÊN, KHÔNG THỂ LÀM :


-Phú quí bất năng dâm (hiểu đơn sơ là : giàu sang thì không được dâm ô, đàng điếm, phung phí, hưởng lạc trác táng, đồi trụy,…)

-

-Bần tiện bất năng di (dù nghèo nàn, khổ sở cũng giữ gìn nhân phẩm, giá trị con người, không được dời đổi, đánh mất nhân cách của mình, không được làm những gì trái đạo đức, luân thường,…)

-Uy vũ bất năng khuất (trước cường quyền, bạo lực, không khiếp nhược, hèn hạ, quỳ lụy, cầu xin để trở thành nô lệ cho kẻ ác)

-Lý tưởng bất năng hoặc (không bị mê hoặc bỡi lý tưởng của ai như kẻ cuồng tín chủ nghĩa, cuồng tín tôn giáo. Cũng còn có nghĩa là không nên đem cái lý tưởng, cái ý kiến của mình để áp đặt, khống chế ai, bắt buộc phải tuân phục ý kiến mình, bài bác hết mọi ý kiến, lý lẽ nào trái với ý mình).

Nguồn: Sưu tầm

Nguồn ảnh: #Tenchu Rikimaru Shinkurou

TÂM XẢ TATRAMAJJHATTATĀ

TÂM XẢ #TATRAMAJJHATTATĀ

Trong trường hợp cần thiết, thì anh phải có khả năng thanh thản khi mà nghĩ về cái định nghiệp riêng của mỗi người.


Có nghĩa là ta thương họ cỡ nào đi nữa thì ta cũng không lo cho họ bằng cái thiện nghiệp của họ. Mà ta cũng không cần phải ghét ai bởi vì mỗi người đã có phần nghiệp ác của họ nó tự lo cho họ rồi. Họ đối phó với cái ác của họ là họ đã bở hơi tai rồi, tối tăm mặt mũi rồi, chứ cần gì mình ra tay.
Nên mình không cần phải ghét ai, cũng không cần mình phải ái luyến ai. Chuyện căn bản là mỗi người có cái nghiệp riêng.
Tâm Xả là như vậy đó.


TOẠI KHANH
Trích bài giảng ngày 23/06/2019 KTC.6.105 Hữu Bhava
Kalama xin tri ân bạn elteetee ghi chép
Nguồn ảnh: AP Photo/Eraldo Peres

TƯỞNG ĐIÊN ĐẢO

TƯỞNG ĐIÊN ĐẢO

—Này các Tỷ-kheo, có bốn tưởng điên đảo, tâm điên đảo, kiến điên đảo này. Thế nào là bốn?

—Này các Tỷ-kheo, có bốn tưởng điên đảo, tâm điên đảo, kiến điên đảo này. Thế nào là bốn
—Này các Tỷ-kheo, có bốn tưởng điên đảo, tâm điên đảo, kiến điên đảo này. Thế nào là bốn?



Trong vô thường, nghĩ là thường, này các Tỷ-kheo, đó là tưởng điên đảo, tâm điên đảo, kiến điên đảo.
Trong khổ nghĩ là không khổ, này các Tỷ-kheo, đó là tưởng điên đảo, tâm điên đảo, kiến điên đảo.
Trong vô ngã, nghĩ là ngã, này các Tỷ-kheo, đó là tưởng điên đảo, tâm điên đảo, kiến điên đảo.
Trong không thanh tịnh, nghĩ là thanh tịnh, này các Tỷ-kheo, đó là tưởng điên đảo, tâm điên đảo, kiến điên đảo.
.....
Kinh Tưởng Điên Đảo, Kinh Tăng Chi
HT Thích Minh Châu dịch
Aṅguttara #Nikāya
V. Phẩm Rohitassa 4.49

KHI NÀO CON HẾT KHỔ ?

KHI NÀO CON HẾT KHỔ ?


Này con rùa mù: Khi nào con hiểu khổ là gì và khởi lên ý hết muốn bơi lặn ngụp nữa thì sẽ hết khổ.

Này con rùa mù: Khi nào con hiểu khổ là gì và khởi lên ý hết muốn bơi lặn ngụp nữa thì sẽ hết khổ.

Này con rùa mù: Khi nào con hiểu khổ là gì và khởi lên ý hết muốn bơi lặn ngụp nữa thì sẽ hết khổ.


Khổ là :

Sự có mặt của những gì khó chịu.

Sự biến mất của những gì dễ chịu.

Sự phụ thuộc vào các điều kiện để hiện hữu.

#Dukkha

PHẬT PHÁP CHO SINH VIÊN (BUDDHA DHAMMA FOR STUDENTS)Tỳ kheo Phật Lệ - (Buddhadasa Bhikkhu)

CHÁNH PHÁP ĐƯỢC SO SÁNH VỚI ĐIỀU GÌ?

Ðức Phật nói: "Chánh Pháp có thể được so sánh với chiếc bè," Ngài đã dùng chữ chiếc bè, vì ngày xưa chiếc bè thường được xử dụng để vượt sang sông và cách giải thích Chánh Pháp như thế rất dễ hiểu. 
Nhưng lời ví dụ nầy mang một ý nghĩa thật quan trọng. 
Ta chẳng nên quá quyến luyến vào Chánh Pháp đến nổi quên cả chính mình, quá hảnh diện mình là "ông thầy", một nhà học giả, hay một bực trí thức học rộng. 
Nếu ta quên mất rằng Chánh Pháp chỉ như chiếc bè, các nguy cơ ấy sẽ lại nổi lên. 
Chánh Pháp là một chiếc bè, một phương tiện chuyên chở, để đưa ta sang đến bờ bên kia. 
Ðã đến bờ bên kia và bước chơn lên đất liền, ta chẳng điên khùng gì mà mang vác chiếc bè đi theo ta nữa. 
PHẬT PHÁP CHO SINH VIÊN (BUDDHA DHAMMA FOR STUDENTS)Tỳ kheo Phật Lệ - (Buddhadasa Bhikkhu)
PHẬT PHÁP CHO SINH VIÊN (BUDDHA DHAMMA FOR STUDENTS)Tỳ kheo Phật Lệ - (Buddhadasa Bhikkhu)


Ví dụ đó dạy ta phải biết nhận chân ra và xử dụng chánh Pháp như một phương tiện để đạt đến mục đích, chớ chẳng để chụp bắt và bám níu vào, cho đến mức quên cả chính mình đi. 
Nếu ta chẳng nhận chân ra nhiệm vụ thật sự của chiếc bè, chúng ta có thể giữ nó lại bên mình để phô trương hoặc để tranh cãi với kẻ khác. 
Ðôi khi nó lại còn được đem dùng để đua thuyền, thật là hao phí và vô dụng. 
Nó phải được xử dụng đúng theo chủ đích, để bơi sang sông, để vượt dòng nước. 
Kiến thức về Chánh pháp cần phải được xử dụng để vượt qua biển khổ. 
Nó chẳng nên được cầm giữ lại vì mục đích có hại, như để chiến đấu nhau bằng miệng lưỡi sắc bén như gươm, hoặc để tranh luận, hay được dùng như một tế vật để tôn thờ, lễ bái. 
Sau cùng, xin đừng chụp nắm và bám níu vào nó, để đến nổi khi đã sang bờ bên kia, bước chơn lên đất liền rồi mà vẫn còn muốn mang kè kè chiếc bè theo mình. 


nguồn: PHẬT PHÁP CHO SINH VIÊN (BUDDHA DHAMMA FOR STUDENTS) Tỳ kheo Phật Lệ - (Buddhadasa Bhikkhu) Thiện Nhựt Phỏng Dịch 
Nguyên tác Thái ngữ: "Lak Dhamma Samrab Nak Seuksa", 
Bản dịch Anh ngữ: "Buddha Dhamma For Students", của Rod Bucknell

PHẬT PHÁP CHO SINH VIÊN (BUDDHA DHAMMA FOR STUDENTS)Tỳ kheo Phật Lệ - (Buddhadasa Bhikkhu) . PDF