CIO (giám đốc công nghệ thông tin) ngày nay phải đóng vai trò như thế nào ? Tính cách nào giúp họ thành công ? Nhiệm vụ cụ thể của họ là gì ? Đây là những câu hỏi đã ám ảnh các giám đốc này trong hai thập kỷ qua.
Đây là những câu hỏi đã ám ảnh các giám đốc này trong hai thập kỷ qua. Vị trí của một CIO hiện nay đang đi theo hai hướng - hoặc là một nhà lãnh đạo chiến lược dùng công nghệ thông tin (CNTT) để phát triển doanh nghiệp ; hoặc là người trông coi các hệ thống thông tin mà mục đích chủ yếu là quản lý việc giảm giá thành nhờ CNTT. Theo chúng tôi, một CIO phải là một nhà lãnh đạo chiến lược.
Vai trò của một CIO lý tưởng - người đem lại lợi ích lớn nhất cho doanh nghiệp, được xác định bởi những trách nhiệm, kỹ năng cụ thể. Dựa vào nghiên cứu của nhiều công ty, phỏng vấn các CIO của các công ty thành đạt, chúng tôi xin vẽ ra chân dung một CIO của một công ty giả định như sau : Công ty
Công ty giả định này có quyết tâm giành và giữ được vị trí hàng đầu trên thị trường nhờ một chiến lược kinh doanh chú trọng vào sự khác biệt mang tính cạnh tranh và sự tôn trọng khách hàng. Công ty ý thức được rằng nhân viên là tài sản quý nhất và tri thức, thông tin là cực kỳ quan trọng để đi đến thành công.
Vai trò
Người CIO thúc đẩy sự phát triển, biết xây dựng những hệ thống, dịch vụ cũng như cấu trúc công nghệ làm chỗ dựa cho chiến lược kinh doanh. Anh ta chịu trách nhiệm bảo đảm chiến lược công nghệ phù hợp và gắn kết với chiến lược và mục tiêu của công ty cũng như của các đơn vị phòng ban.
Vị trí
Người CIO là thành viên của ban lãnh đạo công ty, tham gia vào mọi nhiệm vụ và chịu trách nhiệm đầy đủ. Ngoài ra, CIO phải hình thành ban lãnh đạo CNTT (có sự tham gia của các lãnh đạo chủ chốt của doanh nghiệp) nhằm ưu tiên những sáng kiến kinh doanh dựa vào đòn bẩy công nghệ. Ban này báo cáo trực tiếp cho hội đồng quản trị về những vấn đề then chốt liên quan đến lợi thế cạnh tranh, rủi ro hoạt động.
Người CIO báo cáo trực tiếp với tổng giám đốc điều hành nhưng cũng làm việc chặt chẽ thường xuyên với các thành viên khác như phó tổng giám đốc hay giám đốc sản xuất.
Nhân viên
Phù hợp với quy mô và cấu trúc của công ty, nhân viên CNTT nằm rải rác ở các đơn vị phòng ban nhưng lại báo cáo trực tiếp cho CIO. Người CIO cũng trực tiếp quản lý một số nhân viên chủ chốt cung ứng những dịch vụ liên quan đến toàn công ty.
Trách nhiệm
Là người đứng đầu tổ chức CNTT, giám đốc có trách nhiệm với mọi khía cạnh hoạt động công nghệ thông tin của doanh nghiệp. Trách nhiệm này chủ yếu thuộc ba lĩnh vực.
1. Lĩnh vực CNTT then chốt : Bao gồm việc xác định quy mô cơ sở hạ tầng, cấu trúc và các chuẩn mực, phát triển và duy trì các ứng dụng, tích hợp và quản lý dữ liệu.
2. Ứng dụng kinh doanh : Người CIO phải nắm chắc mọi ứng dụng ở mức doanh nghiệp và mức phòng ban, phải là chuyên gia đối với các ứng dụng thiết yếu trong khi biết phân cấp cho nhân viên bên dưới các trách nhiệm hàng ngày khác.
3. Lĩnh vực hoạt động doanh nghiệp : Bao gồm các quy trình hoạt động của doanh nghiệp, vấn đề bảo mật và riêng tư, quản lý rủi ro và cải tiến chất lượng. Người CIO phối hợp với các lãnh đạo khác để đề ra chủ trương thích hợp cũng như cung cấp các công cụ và hệ thống cần thiết để thực hiện các chủ trương này.
Bộ máy của người CIO phải chịu trách nhiệm chọn lựa, phê duyệt và quản lý mọi sản phẩm và dịch vụ CNTT chủ chốt, kể cả các quy trình cần có sự hỗ trợ của bộ phận công nghệ thông tin.
Người CIO phải quản lý bộ phận của mình theo cách hữu hiệu, tiết kiệm và minh bạch nhất, luôn luôn so sánh giá với các nhà cung cấp khác nhau.
Ngoài ra, CIO cũng phải hỗ trợ phòng nhân sự để giúp họ đánh giá, cất nhắc nhân viên có năng lực.
Chọn ai làm CIO ?
Để hoàn thành nhiệm vụ khá nặng nề của mình, một CIO phải có nhiều năm kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực và nhiều kỹ năng khác nhau để quản lý công nghệ, doanh nghiệp và con người.Ứng viên vào chức vụ này phải có căn bản công nghệ, có kinh nghiệm cả về cơ sở hạ tầng lẫn phát triển ứng dụng, bổ sung bằng kiến thức kinh doanh. Kiến thức này phải liên quan đến môi trường hoạt động của doanh nghiệp.
Ứng viên cũng phải có sự nhạy bén về tài chính và kế toán, biết chọn lựa ưu tiên khi có nhiều yêu cầu khác nhau.
Kỹ năng
Người CIO phải có khả năng hình dung và nói rõ vai trò của CNTT trong việc thúc đẩy cải tiến, tạo ra sự khác biệt, trung thành với khách hàng, giúp doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả. Các kỹ năng giao tiếp và làm việc với người khác là rất thiết yếu. Tương tự, các kỹ năng lãnh đạo và quản lý cũng quan trọng không kém, bao gồm khả năng động viên nhân viên, hướng dẫn, biết phát hiện người giỏi và khuyến khích tinh thần làm việc theo nhóm.
Sau cùng, cá tính và nhận thức giá trị của ứng viên phải phù hợp với văn hóa và nguyên tắc chủ chốt của công ty.
(Theo tạp chí CIO)