Search

7.10.19

SÔNG NẮNG VƯỜN XƯA (GỬI MẸ BÊN KIA ĐỜI): Chuyện Phiếm Thầy Tu Sư Toại Khanh

Phanblogs SÔNG NẮNG VƯỜN XƯA (GỬI MẸ BÊN KIA ĐỜI)

Toại Khanh
Mẹ mất rồi. Nghe được tin đó từ bên nhà, suốt mấy giờ đồng hồ tôi chỉ nghe thấy bên tai mình ba chữ đó. Tôi ra sau nhà cắt vội mấy nhánh hồng rồi vào thắp hương trên bàn Phật. Tôi quỳ xuống nhìn lên pho tượng và lạ lắm, chỉ thấy phảng phất ở đó gương mặt của mẹ. Bà đang nhìn tôi và tôi như nghe rõ ràng một câu nói: Mẹ bình yên rồi, sư đừng buồn. Một chút tàn nhang rớt trên lá y tôi vẫn không hay…
Tính đến tháng tư năm này, tôi tròn 41 tuổi, xa mẹ vừa vặn 11 năm. Mẹ còn, không thấy gì đặc biệt. Những khi nhớ, chỉ nghĩ đơn giản là thiếu gì dịp gặp lại, dù nói thiệt, tôi cũng không biết đó là dịp nào. Chẵng biết vì sao cứ nghĩ đơn giản là mẹ sẽ còn đó hoài hoài để chờ mình về. Rồi thì bữa nay mẹ đi mất, tôi giật mình thấy sao có thể hồn nhiên vậy. Mẹ như dưỡng khí, thở suốt một đời hiếm khi nhớ mình thở bằng gì. Khi bị ngạt thở mới chịu nhớ vì đâu mình sống được. Mẹ xa rồi người ta mới hiểu cái gì là thiêng liêng nhất đời. Cảm giác mồ côi mẹ giống cái chết ở chỗ mỗi đời người chỉ có một lần, khi hiểu được thì xong rồi, chẵng còn dịp kinh nghiệm lần hai để mà chuẩn bị tinh thần!
Buổi trưa ra sau nhà nhìn xuống mặt hồ mênh mông. Thiệt lạ, tôi nhìn từng đợt sóng lăn tăn trên hồ mà cứ tưởng như đang thấy lại dòng sông quê cũ năm nào, nơi một phần tuổi thơ của của tôi từng nằm lại đó. Tôi như nghe lại cả tiếng còi tàu ban trưa từ một cõi nào thật xa vắng, có mẹ tôi bên một bờ lá đìu hiu và một mảnh vườn con hửng nắng vàng với vài ba cây ổi sẻ. Giờ thì mẹ đâu còn nữa. Gì cũng chỉ là một cõi ký ức nhói đau… Bao thứ cao đàm khoát luận ở đời giờ chỉ còn là một trò chơi con trẻ, gì cũng không nằm ngoài một ánh mắt của mẹ ngày xưa…

SÔNG NẮNG VƯỜN XƯA (GỬI MẸ BÊN KIA ĐỜI): Chuyện Phiếm Thầy Tu Sư Toại Khanh
SÔNG NẮNG VƯỜN XƯA (GỬI MẸ BÊN KIA ĐỜI): Chuyện Phiếm Thầy Tu Sư Toại Khanh

Bỗng thấy cô đơn quá chừng. Sở tri Phật học cũng chừng đó, không khác đi, vậy mà lòng phàm vẫn cứ đau đáu. Vậy là Vu Lan này không còn bông hồng nữa rồi, chỉ còn là hoa trắng. Đơn giản quá, nhưng đau như một vết chém treo ngành.
Bỗng giận mấy người không biết thương mẹ. Chuyện của họ mà mình cũng giận được. Có ai biết tôi bây giờ có muốn mượn tạm một bà mẹ của ai đó để mà thương cũng không được nữa. Mẹ tôi đi rồi. Bà mẹ nào khác trên đời với tôi lúc này nhiều lắm cũng chỉ là giống mẹ, không phải mẹ tôi. Nhiều khi mình coi thường những gì trước mắt, một đời kiếm tìm những thứ xa xôi cao vời, khi tỉnh lại mới thấy cái mình cần đã không còn nữa.
“Này các tỷ kheo, đây là thời điểm để các người tinh tấn tu học, khi mà tăng chúng chưa chia rẽ nhau, khi mà chuyện khất thực còn dễ dàng, khi mà nhân gian chưa lâm cảnh loạn lạc, khi mà tấm thân này còn khỏe mạnh vững vàng…” Trong nỗi đau nhớ mẹ, tôi bỗng nhớ lại bài kinh đó như một chút quà nhét vội vào tay nãi của mẹ trước khi bà vĩnh viễn bỏ tôi lại mà đi.
Xin cúi đầu thâm tạ mấy người anh em trong nước đã tranh thủ cho tôi nhìn thấy lần cuối quan tài của mẹ trước lúc hỏa thiêu. Hãy biết tranh thủ thời gian trước khi chuyện gì cũng là quá muộn.
Tôi thức trắng để viết bài này như một món pháp thí gửi muôn phương. Một người đọc hiểu thôi, coi như tôi vừa bòn chút công đức để mẹ tôi có cái cầm tay trên đường…Dù tôi vẫn tin trong trong chuyện tu hành, mẹ không đến nỗi là một người tay trắng.
Bốn đêm trước, mẹ còn bên đó. Đêm này mẹ ở đâu ? Cõi trầm luân nghìn trùng ở cả hai nghĩa đen và bóng. Giá có thể yểu mệnh để gặp lại người, con sá gì những năm tháng phù du….







Chết Dại: Chuyện Phiếm Thầy Tu Sư Toại Khanh

Phanblogs Chết Dại: Chuyện Phiếm Thầy Tu Sư Toại Khanh


Toại Khanh


Đến tận bây giờ, tuổi cũng đã lớn, vậy mà tôi vẫn không nén được sự hồi hộp mỗi khi tình cờ xem được ở đâu đó một khúc phim, một đoạn văn mô tả thời khắc ai đó đi nhận diện xác chết xem có phải người thân của mình, hoặc những cuộc rình mò để bắt quả tang một sự việc mờ ám nào đó như ngoại tình, gián điệp. Tại sao tôi lại hồi hộp trong những hoàn cảnh như vậy? Xin thưa, thay vì lúc nào cũng mong mình nghĩ đúng, thì cái éo le ở đây là trong những tình huống kiểu đó, tôi thường thầm cầu mong mọi sự chỉ là chuyện nhầm lẫn để cái chết kia không phải là thân nhân của người đã nhận diện, hay kẻ phản bội kia không phải “người phía mình”, tức nhân vật mà mình yêu thích trong cuốn sách hay bộ phim đó.

Thì ra, không phải lúc nào người ta cũng mong mình chính xác, không phải lúc nào người ta cũng yêu sự thật. Và cũng theo Phật pháp thì cái gọi là vấn đề của cuộc luân hồi không chỉ là cái Vô Minh, mà còn là tình yêu của mỗi người đối với cái Vô Minh đó nữa. Chỉ riêng cái nhầm lẫn đã đủ chết người rồi, vậy mà người ta còn thỉnh thoảng e ngại, sợ hãi ngay chính sự đúng đắn. Gẫm lại, đời sống hình như chỉ là vấn đề của cảm giác. Lắm lúc chính mình trong giây phút bình tĩnh nhất cũng thấy được chuyện đó là bậy, vậy mà khi xắn tay áo nhảy vào thực tế thì “cứ tìm những chốn đoạn trường mà đi”. Lý do đơn giản là khi làm vậy ta được an lòng hơn, dù có phải mang tiếng là chết dại. Thay vì cứ một lần nghiến răng nhìn thẳng sự thật, để có đau thì cũng một lần thôi, thì không ít người trong thiên hạ lại thường có khuynh hướng bịt bớt một tai, nhắm bớt một mắt để được sống dại khờ hay chết thơ ngây...cho thỏa mộng trầm luân!

Tôi biết em nói dối, tôi đoán em hai lòng, tôi mơ hồ thấy trong tóc mình có chút dấu hiệu của cặp sừng sắp nhú, nhưng khảo kỹ quá, lỡ oan ức cho em, hay em tự ái bỏ đi thiệt thì sao. Thôi thì có được bao nhiêu trí tuệ bẩm sinh và kiến thức trường lớp cũng mặc, thiên hạ trong lúc này thường cứ xếp lại mọi thứ trong góc nhà để mà tha hồ sống u mê theo sở thích. Ai cũng cứ ráng trùm mền mà tụng chú tình yêu, cầu cho tim em đừng quá nhiều lỗ như Tỷ Can tiền bối. Những khi nhắm mắt chịu không thấu thì cứ thò tay bấm nút Ipod cất sẵn trong túi áo bên ngực trái để mà nghe thêm bài sám tăng lực “tôi xin người cứ gian dối, khi tôi hỏi người có yêu tôi, may ra còn một chút tình vui...!”

“tôi xin người cứ gian dối, khi tôi hỏi người có yêu tôi, may ra còn một chút tình vui...!”
“tôi xin người cứ gian dối, khi tôi hỏi người có yêu tôi, may ra còn một chút tình vui...!”

Gẫm kỹ cũng ngộ thiệt. Theo các chuyên gia của cả ngành thẩm mỹ lẫn y tế, chỉ riêng đối với phụ nữ, số người bận tâm đến việc làm đẹp luôn nhiều hơn những người để ý đến chuyện vệ sinh cơ thể. Lý do ư? Làm đẹp thì lúc nào cũng vui hơn, mắt luôn thấy toàn cái dễ nhìn, mình có xấu tệ thì chỉ riêng mấy món phấn son, nữ trang ngó cũng sướng mắt. Còn chuyện làm vệ sinh thì ngán lắm, phải đối diện với nhiều món thực tế chán mớ đời. Cứ vậy mà người ta khoái làm đẹp nhiều hơn giữ sạch. Và cũng như tôi vừa thưa ở trên, thiên hạ ai cũng khoái mình được thông minh, nhưng có mấy ai thích sống thông minh. Buồn chết bỏ!

Thế đã hết đâu. Cái Vô Minh vốn đã cũ xì từ vô thủy vậy mà trong thời buổi này cũng lại một phen nhuốm mùi high-tech. Xem chừng đã chán chường với mấy thứ có thể sờ chạm, thiên hạ hôm nay có thêm kiểu Vô Minh trong biết bao thứ ảo (virtual). Ai không tin thì xin thỉnh lên Internet sẽ biết ngay, đặc biệt mấy phòng game online. Tiền ảo, tình ảo, giai nhân cũng ảo tuốt. Vậy mà không biết bao nhiêu người thiên hạ hôm nay còn mê mấy món đó hơn cả đồ thật. Tiền bạc, thời gian, sức khỏe có bao nhiêu cũng chen nhau vào đó mà “cúng dường” cho mấy món ảo. Nói cho cùng, mấy vụ chatting gì đó cũng đâu phải đáng tin gì cho cam. Cả mấy cái blog cũng thế. Thề bồi yêu đương cho lắm vào, nhưng nào có mấy ai thấy được mắt mũi của đối phương ra sao. Một thế giới ảo cho những buồn vui cũng ảo, chỉ có cái hậu quả là thật mà thôi. Tôi có nghe một câu nói rất lạ, nhưng thú vị, là nhiều khi gặp gỡ ca sĩ, diễn viên, người mẫu hay một kiểu thần tượng nào đó ngoài đời không thú vị bằng đưa hết bọn họ vào trong một cái Archos bé tày gang rồi đi đâu cũng móc ra săm soi một mình vậy mà sướng đáo để. Đại khái ngoài cảm giác sống trong cái gọi là thời thượng gì đó, người ta còn thấy ra một thế giới khác hẳn những gì mình vẫn nghe nhìn mỗi ngày. Vẫn theo lời Phật thì vạn hữu vốn vô thường, ta không kịp thay đổi thì trần cảnh cũng đã đổi thay hay ngược lại. Thế rồi cái dòng chảy của những thứ phù du đó cứ bắt người ta phải một đời đi tìm những cái mới hơn để mà sống gượng qua những ngày tháng lẽ ra là lê thê buồn tẻ.

Bắt chước người ta lý sự cho vui vậy thôi. Hôm qua tôi vào trang blog của mình thấy một cái entry, đọc rồi lòng đau hơn xát muối. Trời mờ sáng, người đang dật dờ sau một đêm dở sống dở chết vì mất ngủ, bỗng một tiếng phone reo (lại cũng một món ảo). Người ta xin lỗi tôi bằng mấy câu thiệt ảo, bảo là đã xóa cái entry sai lầm kia rồi. Biết đó lại cũng là thứ ảo, vậy mà tôi cũng lập tức nghe mình hồi sinh (với một nguồn sinh lực ảo) và băng mình ra bàn viết để viết ngay một cái gì đó...ăn mừng.

Mẹ ơi, 40 tuổi đầu, với manh áo truyền thừa trên vai, con vẫn còn ham chơi. Không phải mấy món đồ chơi bằng đất sét như hồi nào nữa, mà là mấy trò chơi sương khói của một đời phố chợ với giống gì cũng là ảo hết. Chỉ có những nỗi buồn hình như là thật mà thôi...Xin lạy Phật đã đi xa và nhớ mẹ còn ở cuối trời, con bây giờ hình như chỉ còn chừng đó là không ảo.








Đò ơi Chuyện Phiếm Thầy Tu Sư Toại Khanh

Đò ơi!: Chuyện Phiếm Thầy Tu Sư Toại Khanh


Đò ơi!

Toại Khanh

Tiếng phone reo nghe như tiếng con nít khóc, bực cả mình. Bài vở mấy ngày đầu tuần chất cao như núi. Ba giờ sáng mới chợp mắt chút.Vậy mà bây giờ phone reo. Văn minh kiểu này có mà yểu.

-A lô, tôi đây ạ !

Bên kia đầu dây không ai nói gì, chỉ nghe vài tiếng động rời rạc như của mấy món vặt vãnh khua nhau trên bàn giấy, lại có tiếng bật quẹt máy như để đốt thuốc lá. Rồi thì giọng của hắn run run:

-Xin lỗi sư, buồn quá trời, không biết kêu ai, chỉ còn biết kêu sư. Sư đang ngủ à ? Thôi xin để khi khác vậy..

-Ồ, không có gì đâu anh, bữa nay khách sáo quá vậy. Bạn bè mà !

Thì ra, lại chuyện nhà, cũng là chuyện đời hắn. Tu gần hai mươi năm, gì cũng giỏi. Cứ đà đó có làm tăng thống cũng chưa vừa sức. Vậy mà theo gia đình qua Mỹ mấy năm, đi học dở dang, chưa ra trường thì rớt. Rớt ở đường tu. Cô bé ấy ngó cũng dễ thương, gia đình Phật tử ba đời. Cùng chung một lớp, mưa nắng, đói lạnh có nhau. Cái xe cà tàng một tuần nằm đường mấy lần, vậy mà đủ chỗ để chở một cuộc tình. Xe đằng ấy hư thì qua ngồi xe nầy. Xe hư cho người gặp nạn mà. 

Đò ơi Chuyện Phiếm Thầy Tu Sư Toại Khanh



Chẳng kịp chuẩn bị cho một mái ấm tươm tất như vẫn mơ ước, một chúng sanh kháu khỉnh ra đời, trong căn hộ Apartment mấy thước vuông. Thằng bé béo núc, trắng nõn như chú heo con. Thôi thì cưng chiều như ngọc, nhưng cũng chỉ được ít lâu. Hai bàn tay ấy xưa giờ chỉ có kinh tượng, viết lách, nay thay tả cho em bé, gớm chết được. Nhiều bữa xui, thằng bé làm xấu trước giờ cơm. Rửa ráy cho con xong, hắn nuốt cơm không vô. Nàng thì cứ thanh thản vô tư, một đũa tung hoành, lùa cơm ào ạt. Hắn ngó sang bên cạnh, thằng bé cứ hồn nhiên tròn mắt nhìn hắn mà ư a ngọng nghịu. Ngán quá, hắn buông đũa đứng dậy. Nàng thấy lạ, hỏi. Hắn ấm ớ. Hiểu ra, nàng khóc như mưa, đòi chết. Lúc này hắn bất giác nhìn lại nàng rồi giật mình. Mình vẫn vậy, sao nàng già kiểu gì nhanh quá. Áo quần trễ nãi, giọng nói chanh chua. Ngày xưa gì cũng cười. Một vài cái liếc trộm đủ làm người ta mất ngủ mấy hôm, bây giờ kiếm hoài không ra chỗ để thương. Vậy mà hắn đâu ngờ nàng còn phone riêng cho tôi để tố khổ, tả oán:

-Hồi trước, thương ảnh cái hóm hỉnh tế nhị. Viết lách, nói năng cứ như hiền triết. Chuyện đời chuyện đạo thông tỏ tinh tường. Đứng gần nghe cả một trời chở che ấm cúng. Bây giờ gì cũng đem đổ sông biển. Thấy ghét không chịu nổi. Bất mãn, ngạo đời, tự ti mà lại tự tôn. Ngày xưa người ta bác sĩ kỹ sư chầu hầu mình suốt buổi, mà mình xem rặt một đám phàm phu không đáng cho sờ vạt áo. Đem bụng thương ảnh, tưởng ảnh y chang những gì vẫn nói, vẫn viết. Bây giờ lỡ thợ, lỡ thầy. Mình bắt đầu già để càng chướ mắt khi thấy ảnh nhơn nhơn cái mặt triết gia. Sao hồi đó hổng quán tử thi bất tịnh gì đó để người ta lấy mối khác. Gì cũng lộn chỗ !

Nói thiệt, tôi cũng còn trẻ, trang lứa với hắn, vậy mà thấy cảnh đời hắn rồi những khi thấy xe bị hư dọc đường cũng tự nhiên nổi ốc. Nạn nhỏ không chịu nổi, nạn lớn đến làm sao chịu thấu. Tôi tuyệt không đủ nội lực để san sẻ gì với hắn. Chỉ biết nghe cho hắn nói. Ngày trước hắn giỏi hơn tôi gấp mấy lần.

Hắn cúp máy rồi, tôi cứ nằm yên đó ngó lên bức tranh mực Tàu trên vách. Ở đó có con thuyền hờ hững trên sông, chẳng biết sắp vào bờ hay vừa rời bến. Tôi nhớ đến vợ chồng hắn. Qua sông thì không đò này cũng còn thuyền khác, nhưng nếu nhầm đò thì thêm mất thời gian. Chuyến đò đời người còn ghê hơn vậy. Nhầm thuyền rồi thì đôi khi lỡ cả một đời. Nàng nhầm hay hắn nhầm. Ai đáng trách hơn ai ? Tôi bỗng nghe từ xa xôi một tiếng gọi đò, như vọng ra từ bức tranh, rồi rùng mình. Chỉ mong người đời muốn sang sông thì tự biết chọn đò mà đi, kẻo lỡ làng một đời, rồi biết đâu , cả muôn kiếp. Suy cho cùng, ngày nào trong mỗi đời người cũng là những chuyến đò. Mọi xuất xử của tam nghiệp đều cần đến những quyết định. Cõi trầm luân là một giòng sông. Tôi bất giác đọc trộm câu thần chú của Phật giáo Bắc Truyền: Yết đế, yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế, bồ đề tát bà ha. Hãy qua sông, hãy lên đường, và xin nhớ, chọn đúng một con đò. Đò ơi !


Toại Khanh