Phanblogs Biển Bắc có con cá gọi là cá côn, mình dài không biết mấy ngàn dặm. Nó biến thành con chim gọi là chim bằng, lưng rộng khỏang biết mấy ngàn dặm, khi tung cánh bay thì cánh nó như đám mây trên trời. Biển (Bắc) động thì nó dời về biển Nam, biển Nam là Ao trời.
Cá Côn Trang Tử |
Tề Hài là sách ghi những chuyện quái dị. Sách đó bảo khi con chim bằng dời xuống biển Nam, nó đập nước tung tóe lên ba ngàn dặm rồi nương gió lốc cuốn lên cao chin vạn dặm. Nó xuống biển Nam vào tháng 6, lúc gió nổi lên.
(Ở dưới nó là) Hơi nước bốc lên – coi tựa như những con ngựa hoang – và bụi cát, cùng hơi thở các sinh vật. (Mà ở trên nó) màu thanh thiên kia phải là bản sắc của trời không hay là vì trời xa thăm thẳm mà ta nhìn thấy như vậy? Vì từ trên cao nhìn xuống thì cũng thấy một màu đó.
Nước không sâu thì không chở được thuyền lớn. Đổ một chén làm thuyền được; nếu thả cái chén đó xuống thì chén chạm đất, không dày thì không đỡ được những cánh chim lớn. Cho nên con chim bằng phải bay lên cao chin vạn dặm để có lớp không khí dày đỡ nó ở dưới, rồi lưng nó mới đội trời xanh, không hề bị cản trở, mà bay xuống biển Nam được.
Con ve sầu và con chim cưu cười con chim bằng rằng: “Chúng ta bay vù lên cây du, cây phượng, có lúc bay không tới mà rớt xuống đất. Hà tất phải bay cao chin vạn dặm để xuống phương Nam?”
Người nào muốn tới một chỗ gần ở ngoài thành thì chỉ cần mang theo lương thực cho đủ ba bữa, mà khi về bụng hãy còn no để nghỉ đêm; muốn đi một ngàn dặm thì phải chuẩn bị lương thực cho ba tháng. Hai con vật nhỏ kia (tức con ve sầu và con chim cưu) biết đâu lẽ đó.
Trí lực nhỏ không thể so sánh với trí lực lớn; cuộc đời ngắn không thể so sánh được với cuộc đời dài. Làm sao biết được điều ấy? Như cây nấm chỉ sống một buổi sáng thì không biết được trọn một ngày, con huệ cô (một loại ve sầu, sinh mùa xuân thì mùa hè chết, sinh mùa hè thì mùa thu chết), không biết được trọn một năm; đó là những loài cuộc đời ngắn ngủi.
Ở miền Nam nước Sở, có một con rùa thiêng, mùa xuân của nó dài năm trăm năm; mùa thu dài năm trăm năm; đời thượng cổ có một cây “xuân” lớn, mà mùa xuân dài tới tám ngàn năm, mùa thu dài cũng tám ngàn năm, đó là những loài cuộc đời lâu dài. Ông Bành Tổ (chỉ sống bảy trăm năm) mà ngày nay hễ nói tới thọ, ai cũng cho ông bậc nhất, chẳng đáng buồn ư?
Trong cuộc đàm thoại giữa ông Thang và ông Cách cũng có một đoạn như vầy: Ở phương Bắc hoang dã có một cái biển gọi là “Ao trời”, trong biển có một con cá chiều ngang rộng mấy ngàn dặm, không biết chiều dài là bao nhiêu, gọi là cá côn; có một con chim gọi là chim bằng, lưng lớn như núi Thái Sơn, cánh như đám mây rủ ở trên trời, nó nương ngọn gió lốc, xoắn như sừng cừu, bay lên cao chin vạn dăm, vượt lên khỏi các đám mây, lưng đội trời xanh mà bay về biển Nam.
Một con chim cút ở trong cái đầm nhỏ cười nó: “Con đó bay đi đâu vậy? Tôi lên cao độ vài nhẫn rồi xuống, bay liệng trong đám cỏ bồng cỏ cảo, cho bay như vậy là đủ rồi. Con đó bay đi đâu vậy kìa?”.
Lớn với nhỏ khác nhau như vậy đó.
Có người tài trí đủ để làm một chức quan, có người hạnh làm gương được cho một làng, có người đức đáng làm vu mà được cả nước phục, nhưng dù thuộc hạng nào thì cũng đều tự đắc như con chim cút kia vậy.
Ông Vinh tử nước Tống cười họ. Dù cả nước khen ông, ông cũng không mừng, cả nước chê ông, ông cũng không buồn, vì ông biết phân biệt nội và ngoại, vinh và nhục. Người như ông thật hiếm ở đời, nhưng ông chỉ biết tự thủ (tự giữ mình) thôi, chứ chưa tự thích nghi với vật mà thành bậc đại.
Ông Liệt tử cưỡi gió mà bay, thật nhẹ nhàng, khoan khoái, mưới lăm ngày rồi về. Có phúc lớn như ông thật hiếm ở đời, tuy khỏi phải đi, nhưng ông vẫn còn tùy thuộc một cái gì (tức đợi cho gió nổi lên).
Đến như hạng người làm chủ được cái chính đạo của trời đất, chế ngự được lục khí để ngao du trong vũ trụ vô biên, thì còn tùy thuộc cái gì nữa đâu? Cho nên người ta bảo “Bậc chí nhân (có đức tuyệt cao) thì quên mình, bậc thần nhân thì không lập công. Bậc thánh nhân thì không lưu danh”.
Nguyễn Hiến Lê dịch