Phanblogs Nuôi thù tác giả Kenzaburo Oe
Trong Hòa ngữ, chữ Shiiku chỉ có nghĩa là nuôi (thú vật) như nuôi gà, nuôi heo hoặc nuôi ngựa, nuôi bò,…; trong bản Việt văn có thêm một chữ thù cho… êm tai. Và cũng vì lý do âm thanh đó, hai chữ Nuôi thù đã được dùng thay vì Nuôi địch. Ước mong bạn đọc hiểu «nuôi thù» như «nuôi địch» mà thôi.
«Chiến tranh mà đến thế này thì thực là khủng khiếp», ông nói. «Làm dập nát cả mấy ngón tay con trẻ…»
Tôi hít một hơi thật dài và vẫn im lặng. Chiến tranh, một thứ «huyết chiến» trên một quy mô rộng lớn, hẳn vẫn còn đương tiếp diễn. Chiến tranh, cũng như những trận lụt cuốn đi những đàn cừu và những bãi cỏ non xén thấp ở những miền đất xa xăm, đáng lẽ chẳng bao giờ được kéo tới làng chúng tôi mới phải. Thế mà nó đã tới, làm nát bấy những ngón tay và bàn tay tôi, khiến cho cha tôi phải khoa cái rìu lên, say trong máu của chiến tranh, và ở giữa tất cả những xô đẩy, ồ ạt đó tôi không làm sao thở được.
Kenzaburo Oe sinh năm 1935, đã theo học Văn chương Pháp tại Đại học Tokyo (với đề tài thi tốt nghiệp: Jean-Paul Sartre). Ông khởi sự viết văn từ năm 1955 và tới nay đã có tám cuốn tiểu thuyết, hai tập tiểu luận và khá nhiều truyện ngắn.
Lớn lên trong chiến tranh và đã trải qua thời kỳ hỗn loạn kế tiếp chiến tranh, Kenzaburo Oe rất quan tâm tới điều mà ông gọi là «tình trạng tâm lý bất bình thường» hay đúng ra, là ngược lại.
Nhân vật trong truyện của Kenzaburo Oe thường là những sinh viên học sinh, những anh lính nước ngoài hoặc những cô gái điếm…
Phần lớn các sinh viên của ông đều nghèo, phải đi kiếm việc làm thêm và do đó đã gặp nhiều kinh nghiệm kỳ quặc: chẳng hạn như giết 150 con chó để làm thí nghiệm về y khoa trong truyện Việc lạ đời; hoặc vớt những thây người vô thừa nhận ngâm trong những bể nước hóa học của trường Thuốc di chuyển đi nơi khác trong Niềm kiêu hãnh của người chết,..
Các trẻ em học sinh cũng gặp nhiều trường hợp ngược ngạo bi đát, chẳng hạn như hai anh em trong một truyện khác của Kenzaburo Oe, được người lớn sử dụng đi phân phát truyền đơn chống chiến tranh trong một trại quân đội chiếm đóng, lại về sống với một anh lính nước ngoài và một cô gái điếm, nhân tình của anh ta. Hoặc như trong Nuôi thù…
Trước Nuôi thù, truyện Niềm kiêu hãnh của người chết đã được chọn để tranh giải Akutagawa lần thứ 38, và từ đó tên tuổi của Kenzaburo Oe mỗi ngày một sáng rõ trong văn giới Nhật Bản. Tuy nhiên, chính Nuôi thù mới là tác phẩm đã đem lại cho Kenzaburo Oe cái giải thưởng văn chương mà các văn nghệ sĩ Nhật Bản hằng mơ ước đó.
Nuôi thù (Shiiku) viết vào năm 1957, tức là vào thời kỳ Kenzaburo Oe còn đương theo học ở Đại học Tokyo, và qua tháng Bảy năm sau (1958) đã được một ban tuyển lựa gồm nhiều tiểu thuyết gia danh tiếng Nhật bản trao tặng Giải thưởng Văn chương Akutagawa lần thứ 39.
Gần đây, một tác phẩm khác của Kenzaburo Oe, cuốn Một chuyện riêng tư, lại đoạt giải Shinchosa, tức là giải thưởng văn chương của Nhật Bản dành cho tác phẩm tiểu thuyết hay nhất đã xuất bản trong năm.
Ngoài các tác phẩm tiểu thuyết, Kenzaburo Oe còn viết nhiều bài tiểu luận về văn hóa và chính trị. Những bài đăng báo gần đây nhất của Kenzaburo Oe như «Quyền chối từ Nhật bản» hoặc loạt bài về ý nghĩa sự tưởng niệm Minh Trị đã cho thấy một cây bút phê bình xã hội thật sâu sắc và tiến bộ.
Nuôi thù của Kenzaburo Oe có hai bản dịch Anh văn của cùng một dịch giả John Bester, — cả hai bản đều chưa được in thành sách — bản trước đăng trên một tạp chí ngoại văn của Nhật Bản vào đầu năm 1959 và bản sau đăng trên một tạp chí Hoa Kỳ vào tháng Hai năm 1967. So với bản dịch đầu tiên, bản dịch năm 1967 đầy đủ hơn và có một vài thay đổi nhỏ.
Bản Việt văn này căn cứ trên bản Anh văn mới nhất nhưng cũng có tham chiếu bản đầu tiên. Trong bản Việt văn có một vài chữ hoặc đôi khi cả một câu đã phải… tự ý cắt bỏ trước, vì một vài lẽ tương tự như những điều đã thưa cùng bạn đọc trong phần «Ghi chú» ở cuốn Con voi (Trình bầy, 1969).
Ngoài ra, trong Hòa ngữ, chữ Shiiku chỉ có nghĩa là nuôi (thú vật) như nuôi gà, nuôi heo hoặc nuôi ngựa, nuôi bò,…; trong bản Việt văn có thêm một chữ thù cho… êm tai. Và cũng vì lý do âm thanh đó, hai chữ Nuôi thù đã được dùng thay vì Nuôi địch. Ước mong bạn đọc hiểu «nuôi thù» như «nuôi địch» mà thôi.
Nuôi thù tác giả Kenzaburo Oe
EM TÔI VỚI TÔI LÚC BẤY GIỜ Ở chỗ hỏa thiêu tạm dưới lòng thung, một nơi hỏa thiêu thô sơ đã được tạo thành thật giản dị bằng cách phát đi mấy cái bụi rậm và vượt lên một lớp đất mỏng. Chúng tôi đương lấy que bới lớp đất mềm trên mặt, lớp đất bốc mùi mỡ và tro. Thung lũng lúc này đã chìm trong ánh hoàng hôn và một lớp sương mù lạnh lẽo như một con suối ngầm chảy xối trong rừng. Thế nhưng khu làng nhỏ nơi chúng tôi cư ngụ ở phía trên sườn đồi thoải xuống lòng thung thì lại đắm trong một thứ ánh sáng màu trái nho. Tôi đứng thẳng người dậy, há miệng ngáp lớn uể oải. Em tôi cũng đứng dậy, ngáp khẽ và nhìn tôi mỉm cười.
Chúng tôi thôi không lượm nữa và, quăng mấy cái que vào đám cỏ rậm rạp mùa hè, hai anh em bá vai nhau bắt đầu theo con đường mòn mà đi trở lên khu làng. Chúng tôi tới chỗ hỏa thiêu là để kiếm mấy miếng xương còn lại có hình thù khả dĩ đeo trên ngực làm phù hiệu, nhưng bọn trẻ trong làng đã lượm hết, và chúng tôi hoàn toàn không kiếm được chút gì. Tôi tính có lẽ phải đánh lộn với một thằng bạn nào đó cùng học lớp tiểu học để giật lấy một cái. Tôi nhớ tới hai hôm trước đã nhìn qua cả một rặng đen nghịt những chân người lớn, coi họ hỏa thiêu một người đàn bà mới chết trong làng. Mụ nằm đó, trần truồng giữa ánh lửa, với cái bụng lật ngửa tênh hênh sưng tấy lên như một trái đồi nhỏ và một vẻ mặt buồn bã. Lúc này tôi thấy sợ kinh hồn. Tôi nắm lấy cánh tay gầy guộc của em tôi mà rảo bước. Dường như cái mùi người chết, một lần nữa, lại đánh lên hai lỗ mũi tôi, một cái mùi tương tự như thứ chất lỏng dinh dính của loài gián nhỉ ra khi ta xiết chúng trong mấy đầu ngón tay.
Làng chúng tôi bó buộc phải hỏa thiêu người chết ngoài trời vào kỳ mưa kéo dài trước mùa hè năm ấy, lúc mà những cơn mưa dài dặc, dai dẳng tiếp nối nhau mãi cho đến khi lụt lội xẩy ra thường ngày. Một vụ đất lở làm sập mất cây cầu treo tức là lối tắt từ trong làng ra tỉnh khiến cho chi nhánh trường tiểu học địa phương ở làng chúng tôi phải đóng cửa, thư từ không tới được và người lớn trong làng có việc cần ra tỉnh bắt buộc phải đi vòng theo một con đường mòn nhỏ hẹp không được an toàn ở phía trên đỉnh đồi. Bởi đó đem người chết ra chỗ hỏa thiêu ngoài tỉnh không còn thành vấn đề nữa.
Tuy nhiên đối với làng chúng tôi, một khu làng được lập ra để khai khẩn đất hoang trong vùng và đã lâu đời rồi mà vẫn chưa được phát triển đầy đủ thì dẫu có bị hoàn toàn cắt đứt với thành phố cũng chẳng lấy gì làm khó khăn nghiêm trọng cả. Dân ngoài tỉnh khinh thị chúng tôi như thể chúng tôi là thứ súc vật dơ dáy; và tất cả những gì chúng tôi cần tới thường ngày nhất nhất đều dồn đều nhét cả vào đám nhà hỗn độn nhỏ bé ở phía sườn đồi nhìn xuống cái thung lũng hẹp kia. Ngoài ra, lúc bấy giờ mới là đầu mùa hè và trẻ con chúng tôi rất khoái chí vì chi nhánh trường học địa phương trong làng chúng tôi phải đóng cửa.
Ngay tại chỗ khởi sự con đường trải đá mòn ở lối vào làng, Sứt Môi đương đứng ôm một con chó. Tôi bám lấy vai em tôi, chạy qua vùng bóng râm tối của mấy gốc mơ già lại coi con chó trong tay Sứt Môi.
«Ê, coi đây này!» Sứt Môi nói, tay hất hất con chó con mãi khiến nó gừ gừ. Cánh tay hắn giơ về phía tôi đầy những vết cắn bê bết máu và lông chó. Trên ngực hắn và cả ở phía sau cái cổ to mà ngắn ngủn của hắn, những vết cắn còn hằn rõ như những nụ hoa. «Coi đây!» hắn long trọng nhắc lại.
«Mày hứa đi bắt chó rừng với tao,» tôi nghẹn giọng vì ngạc nhiên và tức tối nói. «Thế mà mày đi một mình phải không?»
«Ta có lại đón mi», Sứt Môi nói vội. «Nhưng mi đâu có đó!…»
«Chắc mày bị cắn bộn», tôi lấy đầu ngón tay chọc con chó con nói. Hai lỗ mũi con chó phồng lên, đôi mắt nó dữ tợn như hai con mắt chó sói. «Phải mày bò vào tận ổ không?»
«Trước khi đi ta đã quấn một miếng da quanh cổ để chúng không tài nào cắn vào họng được», Sứt Môi đáp với một giọng đầy kiêu hãnh.
Trong màu tím của hoàng hôn ở sườn đồi và trên con đường trải đá, tôi có thể hình dung rõ rệt Sứt Môi với miếng da che cổ, bị lũ chó rừng cắn cùng khắp khi hắn bò từ trong cái ổ đầy những cỏ và cành khô ra, tay ôm con chó con.
«Bao lâu chúng không động tới cổ họng mình được là không sao hết», Sứt Môi nói vẻ tự tin. «Vả lại, ta chờ mãi cho tới khi chỉ còn có lũ chó con thôi.»
«Nó trắng và xinh lắm», tôi nói, cố không để lộ cái giọng ghen tuông.
«Bố nó cặp với chó sói đấy.» Cái kiểu nói địa phương Sứt Môi dùng thật thô tục nhưng sống động ghê gớm.
«Chà!» em tôi mơ mộng nói.
«Nó quen với ta lắm rồi.» Sứt Môi nói tiếp vẻ quá tự tin. «Bi giờ thời nó chả về với lũ chó rừng kia nữa đâu.»
Tôi với em tôi im lặng.
«Chúng bay coi!» Sứt Môi đặt con chó xuống đường buông tay ra mà nói.
«Coi!»
Nhưng thay vì nhìn xuống con chó, chúng tôi lại nhìn lên trời, vòm trời chụp lấy cái thung lũng hẹp. Một chiếc máy bay lớn không thế nào tin được đang bay ngang qua vòm trời với một tốc độ khủng khiếp. Trong giây lát, toàn thân chúng tôi bị ngợp trong tiếng ầm ầm to lớn tràn đầy và rung chuyển lớp không khí. Chúng tôi đứng sững trong cái tiếng động kia như những côn trùng có cánh bị dính phải dầu.
«Máy bay địch đấy!» Sứt Môi la lớn. «Có địch tới!»
Chúng tôi giương mắt nhìn trời và la lớn cho đến khi khản cả tiếng. «Máy bay địch!..»
Nhưng bây giờ trên vòm trời chả còn gì nữa ngoài những đám mây lấp lánh nâu trong ánh tà dương. Khi chúng tôi hoàn hồn, thời thấy con chó của Sứt Môi đương phóng thật nhanh xuống con đường đầy sỏi đá. Thế rồi con chó nhỏ ăng ẳng nhẩy vào rừng mất tăm, bỏ lại Sứt Môi miệng há hốc, thân hình như muốn chồm tới đuổi theo. Em tôi và tôi cười sằng sặc như người say rượu, và đến chính Sứt Môi, dầu hết sức tức tối, cũng phải bật cười.
Chúng tôi bỏ Sứt Môi đó, chạy về căn nhà chứa đồ ngồi «chồm hổm» trong ánh hoàng hôn như một con thú lớn. Cha đang ở trong chỗ tối không có sàn lót, sửa soạn bữa ăn cho chúng tôi.
«Tụi con thấy một cái máy bay!» em tôi kêu lớn sau lưng Cha. «Một cái máy bay địch lớn hết sức.» Cha lầu bầu không quay lại. Tôi gỡ khẩu súng săn nặng nề của Cha trên vách ván xuống, và vác lên vai, tay khoác tay em tôi, trèo lên những bậc thang tối.
«Tiếc quá, con chó rông mất», tôi nói.
«Cả cái máy bay nữa», em tôi nói.
Chúng tôi sống trong một căn buồng nhỏ ngày trước đã từng dùng làm nơi nuôi tằm, trên lầu hai của một ngôi nhà chứa đồ công cộng ngay giữa làng. Chúng tôi không có lấy một chút đồ đạc gì là của riêng. Khẩu súng săn của Cha ánh mờ, sáng lên tưởng chừng như cái báng gỗ nhoáng bóng dầu mỡ kia đã biến thành sắt cứng như cái nòng súng, cứng đến độ tay đập vào đó sẽ bị tê đi. Khẩu súng này khiến cho căn nhà nghèo khổ của chúng tôi có một chỗ chú mục. Khẩu súng đó củng với mấy tấm lông chồn phơi khô treo thành chùm từ mấy cái sà để mộc rủ xuống và mấy cái bẫy đủ loại là tất cả những gì chúng tôi có. Cha đã xoay sở nuôi chúng tôi bằng cách đi săn thỏ rừng, chim chóc và — vào những mùa đông tuyết phủ — cả heo rừng nữa, và bằng cách phơi khô những bộ lông chồn mà người bẫy được và đem bán ở sở mua bán địa phương ngoài tỉnh.
Trong lúc lau chùi khẩu súng bằng một miếng giẻ rách tẩm dầu, em tôi với tôi ngó lên khoảng trời tối đen qua khe hở trong cánh cửa gỗ, như ngóng đợi nghe thấy cái tiếng ầm ầm của chiếc máy bay kia một lần nữa. Nhưng máy bay bay qua làng chúng tôi là chuyện hết sức bất thường. Chúng tôi đặt khẩu súng lại cái giá gỗ trên tường, rồi bò lên giường nằm sát vào nhau, chờ Cha đem nồi cơm với súp và rau lên, trong bụng đói cào cấu.
Em tôi với tôi cũng như những hạt giống nhỏ bị bao chặt trong lớp vỏ cứng và khoảng nhân dầy, những hạt xanh bọc trong một lớp màng quá mềm mại và tươi non khiến chỉ phơi ra ánh sáng bên ngoài thôi cũng đủ làm cho nó rung chuyển và tróc đi mất… Bên ngoài cái vỏ cứng, kế mặt biển vươn dài như một sợi băng lấp lánh, nhỏ hẹp xa xa, chiến tranh đương nôn mửa lớp khí tanh tưởi xuống thành phố. Cuộc chiến tranh tiếp diễn quá lâu ấy ngày càng thêm rộng lớn và nặng nề như truyện hoang đường. Thế nhưng đối với chúng tôi, chiến tranh chỉ có nghĩa là thiếu bóng những thanh niên trai tráng trong làng và thỉnh thoảng lại một vài bức điện báo tin tử trận mà người đưa thư phân phát. Từ bấy đến giờ chiến tranh vẫn chưa ngấm qua được cái vỏ cứng và lớp nhân dầy. Ngay cả địch… Ngay cả máy bay địch mới đây đã bắt đầu bay qua làng, đối với chúng tôi, cũng chỉ như một thứ chim lạ nào đó.
Gần sáng chúng tôi choàng dậy vì tiếng một vật gì rớt xuống nặng nề và khủng khiếp. Tôi thấy Cha ngồi nhỏm dậy trên tấm chăn trải trên giường và ngất ngư ở đó, đôi mắt thao láo thèm muốn, như một con thú dữ núp trong rừng đêm toan chồm tới vồ mồi. Nhưng thay vì nhảy tới, người lại ngả xuống giường và ngủ lại rất mau.
Tôi chờ một lúc lâu, đôi tai như muốn tróc ra, nhưng tiếng ầm ầm kia không trở lại nữa. Tôi kiên nhẫn chờ đợi, lặng lẽ hít thở cái không khí ẩm ướt sáng lên do ánh trăng nhạt chiếu xuyên qua khung cửa cao ngất trổ trên mái căn nhà chứa đồ, cái không khí nặng mùi ẩm mốc và những con thú nhỏ. Một thời gian dài đã trôi qua lúc em tôi đương thiếp ngủ, vầng trán đẫm mồ hôi ép sát bên người tôi, đột nhiên buông một tiếng nức nở yếu ớt. Cả em tôi nữa hẳn cũng đã đợi chờ mặt đất ầm lên vang dội, và cái hồi hộp đợi chờ quá đáng ấy khiến nó chịu không nổi. Nó nằm đó, cái cổ gầy gò và mảnh mai như một cuống cây non: tôi ép lòng bàn tay vào gáy nó và nhẹ nhàng đung đưa để trấn an nó. Thế rồi, nguôi ngoai vì cái cử động nhè nhẹ của chính cánh tay tôi, tôi cũng thiếp đi nốt.
Khi tôi tỉnh dậy, ánh sáng ban mai tràn trề ùa vào qua từng khe hở trên vách ván và trời đã nóng. Cha không có đó. Và khẩu súng cũng không có trên tường. Tôi lay em tôi dậy và mình hãy còn để trần tới ngang hông, chúng tôi ra ngoài con lộ ngay phía trước mặt căn nhà chứa đồ. Những tảng đá lát trên đường cũng như những bậc cấp bằng đá bập bềnh trong ánh sáng gay gắt ban mai và mấy đứa trẻ đứng ngoài đó hoa mắt, chớp chớp. Những đứa khác đè mấy con chó ra bắt rận hay la lối đuổi nhau lên lên xuống xuống con đường. Nhưng tuyệt nhiên không thấy mấy người lớn đâu cả. Em tôi với tôi chạy lại chỗ người thợ rèn ở dưới gốc một cây long não cành lá xum xuê, nhưng không thấy lò than phừn phựt tuôn ra những ngọn lửa sáng ngời trên nền đất thâm u, không thấy một tiếng bễ lò rèn, và không thấy người thợ rèn đất cát ngập tới ngang hông nhấc miếng sắt nóng đỏ với cánh tay cháy nắng héo khô một cách kỳ quặc của ông. Lúc bấy giờ đã giữa buổi mai, thế mà ông thợ rèn không có mặt trong xưởng! Chuyện chưa từng xẩy ra bao giờ. Chúng tôi lặng lẽ theo con đường lót đá mòn bước trở lại, những cánh tay trần vòng lấy nhau. Ở khắp cả làng, chúng tôi không thấy bóng một người lớn. Mấy người đàn bà chắc đang luẩn quẩn đâu đó ở phía trong tăm tối của mấy căn nhà, nhưng ngoài này chỉ có lũ trẻ đắm trong ánh nắng tràn lan. Tôi cảm thấy rùng mình lo ngại.
Sứt Môi đương ngả người trên mấy bậc đá dẫn xuống con suối nơi dân làng thường kín nước, chợt thấy chúng tôi liền chạy tới vẫy vẫy. Hắn ra dáng quan trọng lắm, bọt rãi trắng nhem nhép phùn ra ở chỗ môi sứt.
«Ê, tụi bay có nghe thấy gì không?» hắn đập vào vai tôi hét lớn. «Nghe thấy gì không?»
«Hử?» tôi đáp trống không.
«Cái máy bay bữa qua ấy, nó rớt xuống đồi hồi hôm rồi», hắn nói. «Họ đang đi kiếm mấy tên phi công địch đó. Mấy người lớn đều xách súng đi lùng bọn chúng.»
«Không hiểu họ có bắn chúng nó không?» em tôi hỏi, giọng căng thẳng. «Bọn lính địch đó?»
«Ta nghĩ họ chả bắn chúng nó đâu. Đạn bi giờ thiếu», hắn vui vẻ giải thích. «Bắt sống bọn chúng tốt hơn.»
«Thế cái máy bay có việc gì không?» tôi hỏi.
«Nó lao xuống rừng thông nát tan tành», Sứt Môi đáp. Hắn nói thật nhanh, hai con mắt lóe sáng. «Kế nhà ông đưa thư có thấy rồi. Mi biết chỗ đó mà, phải không?»
Tôi biết chỗ đó. Ngay lúc này đây có dễ hoa thông đương nở như những bông cỏ lơ thơ. Độ cuối hè, trái thông hình trứng chim rừng sẽ thành hình sẵn trên cuống nhánh chờ chúng tôi tới hái làm đạn dược. Cứ nhá nhem hay tảng sáng những viên đạn nâu lại bay vào căn nhà chứa đồ của chúng tôi lốp đốp, lốp đốp.
«Thế nào?» Sứt Môi toác cái miệng ra, nhe hai hàng lợi sáng hồng. «Mi biết chỗ đó, phải không?»
«Biết chứ, sao không?» tôi đáp, đôi môi bịm lại. «Mày có đi bây giờ không?»
Sứt Môi nheo mắt nhìn tôi với một nụ cười ranh mãnh khiến chỗ da quanh đôi mắt hắn nhíu lại thành vô số những nếp nhăn.
«Mày có đi thì tao đi lấy cái áo thung tức thì», tôi cau mày nhìn hắn mà nói. «Mày cứ đi trước đi, chút xíu là tao bắt kịp.»
Khuôn mặt Sứt Môi dãn ra khoan khoái. «Không, mi không có đi đâu hết», hắn nói với một cái giọng như khó nén được thỏa mãn. «Con nít cấm không được lên đồi. Nhỡ ngưới ta tưởng nhầm là phi công ngoại quốc, bắn chết bỏ.»
Tôi cúi đầu, nhìn trừng trừng vào đôi chân trần với những ngón ngắn ngủn, mập mạp bấm sát lấy những tảng đá lót đường nóng bỏng dưới ánh mặt trời buổi sáng. Bực bội ộc lên người tôi như nhựa trào dâng trong thân cây, dồn máu lên da thịt tôi lúc ấy hâm hấp nóng như bộ ruột một con gà con mới giết.
«Em không hiểu quân địch trông nó ra làm sao», em tôi nói.
Chúng tôi bỏ Sứt Môi lại đó, đi trở lại con đường, tay tôi vòng lên vai em tôi. Quân địch trông ra làm sao, thật sự tôi cũng không hiểu nữa, mà chúng ẩn nấp như thế nào ngoài đồng rừng? Đột nhiên tôi thấy như tất cả những cánh rừng bao quanh làng chúng tôi sống động hẳn lên với bọn lính địch đương nín hơi ẩn nấp, và tiếng thở nhè nhẹ của bọn chúng có thể sẽ bùng lên thành tiếng gầm vang ghê sợ bất cứ lúc nào. Chỉ một chốc là lớp da nhớp nháp mồ hôi và cái mùi gớm ghiếc từ thân thể của chúng sẽ trào lên khắp thung lũng, như mùa tới.
«Em mong chúng nó đừng chết», em tôi mơ mộng nói. «Em mong họ bắt sống chúng nó mang về.»
Đờm rãi tắc nghẹn trong cổ họng chúng tôi dưới ánh nắng tràn ngập, và cái đói gặm mãi sâu trong bụng chúng tôi. Cha chắc đến tối mới về: chúng tôi phải đi kiếm thức ăn lấy cho mình thôi. Chúng tôi đi xuống phía giếng nước có cái sô bể ở đằng sau căn nhà chứa đồ; và hai tay bám lấy thành giếng ẩm lạnh lẽo phồng lên như bụng một con nhộng, chúng tôi uống nước. Chúng tôi kín nước vào một cái chậu sắt nông, mồi lửa, rồi thọc tay vào đống trấu ở phía sau căn nhà chứa đồ lấy trộm mấy củ khoai. Lúc chúng tôi rửa bằng nước lạnh, mấy củ khoai cứng như đá trong lòng bàn tay chúng tôi.
Bữa ăn tiếp theo những khó nhọc ngắn ngủi của chúng tôi đó thật giản dị nhưng cũng tươm tất dồi dào. Em tôi, hai tay nắm củ khoai ăn ngon lành như một con thú, trầm ngâm nghĩ ngợi. «Không hiểu mấy tên phi công có ở trên cây thông không», nó nói. «Em thấy có con sóc ở trên cành thông ấy mà.»
«Hừm… Thông bây giờ đương ra hoa, làm chỗ nấp thì tốt lắm», tôi nói.
«Con sóc cũng vậy, nó thấy em là trốn liền!» em tôi mỉm cười nói.
Ngay lúc này, tôi nghĩ, mấy người lính ngoại quốc chắc đương lẩn khuất đâu cao trong đám thông, trên những cành thông có hoa phơi phới như những bông cỏ mềm; và qua những chùm kim thông mầu lục xinh xắn họ đương ngó xuống nhìn cha tôi và những người khác. Hoa thông bám vào những bộ đồ bay lót bông dầy cộm khiến trông họ như những con sóc xù lông ra để ngủ suốt một mùa đông.
«Bọn chúng có trốn trên cây đi nữa nhất định mấy con chó cũng đánh hơi thấy và sủa ầm lên», em tôi nói giọng yên trí lắm.
Đầy bụng rồi, chúng tôi ngồi xuống chỗ mấy bậc cấp ở đằng sau căn nhà chứa đồ, bỏ mặc cái nồi với chỗ khoai thừa và một dúm muối trên nền đất tối thui phía bên trong. Trong lúc lâu chúng tôi ngồi ngứa ngáy không yên trên bậc cấp, kịp đến khi chiều tới hai anh em bỏ ra suối tắm.
Ngoài suối Sứt Môi đương duỗi chân duỗi tay nằm (…) trên một tảng đá nhẵn nhụi và lớn nhất, để mặc cho mấy đứa con gái nhỏ đùa nghịch với (…) của hắn như đùa nghịch với một con búp-bê nhỏ. Cái mặt hắn đỏ tía và chốc chốc hắn lại cất tiếng cười líu ríu như chim, vỗ vào mông mấy đứa con gái đen đét.
Em tôi ngồi xuống bên cạnh Sứt Môi, trịnh trọng quan sát cái lễ nghi vui nhộn này. Tôi té nước vào mấy đứa trẻ dơ dáy đương phơi nắng hoặc ngụp lặn ven suối, rồi khoác áo lên người, không phơi phóng gì hết, và trở về chỗ mấy bậc cấp phía sau căn nhà chứa đồ, để lại những vết chân ướt trên những tảng đá lót đường. Được một lúc khá lâu tôi ngồi yên không nhúc nhích, tay bó gối, với một thứ dự tưởng nóng bỏng và say sưa lạo xạo dưới làn da.
Mơ màng tôi hình dung mình đương mê mải với cái trò chơi kỳ quặc mà Sứt Môi ham thích một cách bất thường ấy. Nhưng mỗi khi mấy đứa con gái đi tắm trở về trần truồng, đôi mông lắc lư theo từng bước, (…), tôi lại chửi um lên và liệng đá răm rào rào dọa nạt chúng.
Tôi đợi mãi tới lúc buổi chiều tà đắm đuối phủ ngập lòng thung và biến những đám mây phấp phới trên trời thành những ngọn lửa rực rỡ ngoài nội, nhưng mấy người lớn vẫn chưa chịu về. Tôi phát điên lên được với dự tưởng.
Hoàng hôn đã phai màu, một cơn gió hiu hiu mát rượi, thật dễ chịu cho lớp da mới bị xém nắng, từ dưới thung lũng trổi lên, và những bóng tối đầu tiên của chiều muộn đã len vào khắp các xó xỉnh lúc mấy con chó ăng ẳng và người lớn trở về khu làng lặng lẽ, một khu làng muốn phát điên lên vì khắc khoải trông đợi. Cùng với lũ trẻ tôi chạy vội ra đón họ và trông thấy người da đen khổng lồ mà họ đương bao quanh. Một nỗi sợ bất ngờ, rõ rệt khiến tôi choáng váng mặt mày.
Người lớn vây quanh tên tù binh. Những đôi môi mím lại long trọng như khi họ đi săn heo rừng vào mùa đông, họ bước tới phía chúng tôi, lưng gập xuống, hầu như buồn bã. Tên tù binh không vận bộ đồ phi công màu xám, không đi giày ống bằng da thuộc màu đen mà mặc một cái áo, một cái quần màu lá cây đậm và đi một đôi giày thô kệch nặng nề. Nó lê một chân tới, cái mặt đen bóng ngửa lên hướng về phía những tia nắng cuối cùng. Chung quanh gót chân nó có buộc chặt một cái xích sắt bẫy heo rừng, khi nó đi cái dây xích kêu loảng xoảng. Trẻ con chúng tôi cũng im lặng như thế đi thành một nhóm theo sau đám rước của mấy người lớn và tên tù binh.
Đám rước ấy từ từ tiến tới khoảng đất trống trước mặt ngôi trường ngánh ở làng, rồi lặng lẽ dừng lại. Tôi chen tới phía trước đám trẻ, nhưng ông lý trưởng già đã la hét ầm ĩ đuổi chúng tôi đi. Chúng tôi rút về phía mấy cây mơ trong một góc sân, nhất quyết dừng lại đó nhòm qua bóng tối dầy đặc xem người lớn họp hội đồng. Mấy người đàn bà đứng ở lối ngưỡng cửa hướng về phía sân trống, tay khoanh lại để dưới những tấm áo choàng trắng. Chồng con họ vừa đi một chuyến nguy hiểm trở về cùng với tên tù, họ dỏng tai nghe ngóng xem thiên hạ nói gì, và lấy làm bực dọc vì mấy người đàn ông nói nhỏ quá. Sứt Môi đập vào sườn tôi một cái mạnh, kéo tôi ra xa đám trẻ con, vào trong vùng bóng tối cây long não. «Nó mọi đen, đúng không? Tao biết ngay mà», hắn nói giọng run run vì hồi hộp thú chí. «Một thằng mọi đen thật!»
«Không hiểu họ làm gì nó. Bắn bỏ nó chắc», tôi nói.
«Bắn bỏ nó ý à?» Sứt Môi kêu lên, giọng nói đứt hơi vì ngạc nhiên. «Bắn một thằng mọi đen thứ thật chính cống hãy còn sống nguyên ấy à?»
«Nhưng mà nó là quân địch», tôi nhấn mạnh, không tin tưởng lắm.
«Quân địch? Nó mà là quân địch?» Sứt Môi khản cả tiếng lắp bắp, nước miếng từ chỗ môi sứt của hắn phùn đầy vào mặt tôi. «Nó là thằng mọi đen! Thế mà là quân địch!»
«Ê, ê!» giọng nói đầy kích thích của em tôi từ đám trẻ con đưa tới. «Coi kìa!»
Sứt Môi và tôi quay lại, chằm chặp nhìn tên phi công da đen. Vai lom khom, nó đứng cách mấy người lớn một khoảng ngắn, đái ra đấy. Mấy người lớn nhìn nó đái ngượng lắm. Không biết làm sao nữa. Cái mình đen thui của nó dần dần nhòe vào bóng tối mỗi lúc một sâu thêm, chỉ còn lại có cánh áo và cái quần màu lục đậm trông như quần áo thợ. Nó cúi đầu đái thật xa; thế rồi, vừa lúc ở phía đám trẻ con đứng nhìn bốc lên tiếng thở dài, nó uể oải lắc đôi mông thôi đái.
Một lần nữa mấy người lớn lại vây kín lấy người phi công da đen và lại từ từ bắt đầu cất bước. Chúng tôi theo sau cách một khoảng xa xa trong một đám rước lặng lẽ. Đám rước ấy dừng lại trước cánh cửa bên hông của căn nhà chứa đồ công cộng nơi người ta thường rỡ hàng xuống.
Ở đây, tối hù như một miệng hang thú, lối vào hầm mở rộng. Hằng năm chúng tôi thường lựa riêng ra những hạt dẻ chín vào mùa Thu thứ tốt nhất, khử sâu bọ dưới lớp vỏ của chúng bằng thán toan, và chất trong cái hầm này để dành mùa Đông. Nghiêm trang như thể lúc bắt đầu một thứ lễ nghi gì đó, mấy người lớn cùng với người da đen đi giữa từ từ chìm vào miệng hầm và những cánh tay phất phới trắng của họ đóng cửa hầm nặng nề lại từ phía trong.
Tai vểnh lên, chúng tôi chăm chú nhìn làn ánh sáng màu da cam lấp lánh trườm ra ngoài khe cửa nhỏ hẹp trổ ở hầm, giữa sàn căn nhà chứa đồ và mặt đất. Nhưng chúng tôi không thể thu hết can đảm để thực sự nhìn qua khung cửa trổ, và thời gian chờ đợi nghi hoặc vắn vỏi khiến chúng tôi mỏi mệt vô cùng. Thế mà tịnh không một tiếng súng nổ. Thay vào đó, là cái khuôn mặt của ông đầu làng lờ mờ xuất hiện trong cánh cửa hầm hé mở và la hét chúng tôi, vì thế chúng tôi đành phải thôi không trông chừng khung cửa trổ nữa dẫu là từ phía xa xa. Tuy vậy không một đứa nào than phiền, và lũ trẻ chạy xuống phía con đường lát đá, ngực phưỡn lên với cái khoan khoái được nếm trước một đêm đầy ác mộng kinh hoàng, gợi ra do chính tiếng bước chân ồn ào đuổi theo chúng khi bỏ chạy.
Em tôi với tôi để mặc Sứt Môi nấp lại trong vùng bóng cây mơ bên căn nhà chứa đồ — hắn vẫn nhất quyết theo rõi hoạt động của mấy người lớn và tên tù binh — đi vòng ra phía trước mặt căn nhà chứa đồ và bám vào cái tay thang bốn mùa ẩm ướt mà trèo lên chỗ chúng tôi ở trên căn buồng sát mái.
Thế là chúng tôi lại được sống trong cùng một căn nhà với tên tù binh ! Lẽ dĩ nhiên, một tiếng kêu từ dưới hầm khó lòng lọt tới tai chúng tôi ở mãi trên căn buồng sát mái, dù chúng tôi có cố lắng tai nghe thế nào chăng nữa, nhưng chúng tôi đương ngồi trên giường, ngay phía bên trên cái hầm mà người ta nhốt thằng da đen, một việc thật thú vị, ớn xương sống và đối với chúng tôi hầu như không thể nào tin được. Răng tôi đánh lập cập vì hào hứng, ghê sợ và khoan khoái. Em tôi, cái chăn trùm trên đầu, hai đầu gối co lại, đương run rẩy như bị cảm nặng. Chúng tôi mỉm cười với nhau trong lúc chờ Cha về. Đây thực là một dịp may lạ lùng.
Vừa lúc chúng tôi bắt đầu nhai chỗ khoai còn lại cứng ngắc và lạnh toát — không phải là để xoa dịu cái đói cào cấu cho bằng để dập tắt, với cánh tay đưa lên hạ xuống và những cử động chăm chú đưa đẩy hàm, nỗi xôn xao khuấy động trong lồng ngực — thì Cha leo lên cầu thang. Toàn thân run rẩy, chúng tôi đăm đăm theo rõi Cha gác khẩu súng lên giá và ngồi xuống tấm chăn trải trên nền nhà trống, nhưng Cha vẫn im lặng, chỉ đưa mắt liếc nhìn cái nồi đựng chỗ khoai mà chúng tôi đương ăn. Cha mệt mỏi rã rời và bực bội, tôi nhủ thầm. Nhưng chúng tôi là trẻ con, không thể làm gì đỡ người được.
«Hết gạo rồi à?» Cha hỏi. Người trừng mắt nhìn tôi, cằm trễ xuống khiến lớp da lởm chởm ở cổ họng phùng ra như một cái bao.
«Dạ», tôi trầm giọng đáp.
«Lúa mì cũng hết sao?» Cha lầu bầu giận dữ.
«Không còn thứ gì hết.» Lúc này thì tôi cũng bực mình.
«Cái tầu bay có việc gì không thầy?» em tôi rụt rè hỏi.
«Nó bắt lửa. Suýt cháy rừng.»
«Cháy hết mọi tí hở thầy?» em tôi hỏi với một tiếng thở dài.
«Còn có mỗi cái đuôi.»
«Cái đuôi… !» nó say sưa nhắc lại.
«Mấy người khác có sao không?» tôi hỏi. «Có mình nó trên tầu bay thôi hở thầy?»
«Hai tên phi công khác bị chết. Còn nó nhảy dù xuống.»
«Nhảy dù… !» em tôi lặp lại như bị lôi cuốn.
Tôi quyết định đánh bạo. «Thế họ định làm gì nó?» tôi hỏi.
«Nuôi nó cho đến khi mình biết ở tỉnh họ tính làm gì nó.»
«Nuôi nó?» tôi ngạc nhiên hỏi. «Như súc vật?»
«Nó thì có hơn gì súc vật.» Cha long trọng tuyên bố. «Hôi cùng khắp như bò.»
«Con muốn đi coi nó», em tôi nhìn vào mặt Cha nói, nhưng Cha đã bỏ xuống cầu thang, đôi môi lộ vẻ bực bội.
Tôi cảm thấy vui sướng. Chúng tôi sẽ nuôi một tên lính da đen! Tôi dám xé tung quần áo và la hét lớn. Nuôi một tên da đen như nuôi một thứ súc vật…
SÁNG HÔM SAU CHA LẲNG LẶNG ĐÁNH thức tôi dậy. Bấy giờ mới hồng đông. Một thứ nắng gắt pha lẫn với màu xám nhờ nhờ len qua từng kẽ hở ở những tấm vách ván căn nhà chứa đồ. Lúc nuốt vội bữa ăn sáng lạnh tanh tôi hãy còn ngái ngủ. Cha, súng trên vai, cái gói cơm trưa thắt ngang hông, nhìn tôi ăn với đôi mắt một màu vàng đục thiếu ngủ. Chợt tôi nhận thấy kẹp giữa hai đầu gối của người có một bó chặt những da lông chồn quấn trong một cái sắc gai rách. Tôi nín thở — thế ra người sắp ra tỉnh. Thế nào người cũng trình sở chuyện thằng mọi đen.
Bao nhiêu câu hỏi xoắn xít cuốn lên cổ họng tôi không khéo dám làm tôi chậm bữa. Cứ trông cái cằm bành bạnh ra của người đưa đi đưa lại dưới lớp râu rậm và cứng tôi cũng biết bữa nay người bẳn tính và thần kinh căng thẳng vì thiếu ngủ. Tối hôm trước, cơm nước xong người thay đạn mới rồi đi gác đêm.
Em tôi hãy còn nằm thiêm thiếp, đầu rúc vào cái chăn bốc mùi cỏ mốc. Tôi kéo cái áo thung màu lá cây đậm nặng nề xuống lồng ngực trần, xỏ đôi giày bố mà tôi đã để dành cho những dịp đặc biệt. Rồi tôi khoác bó lông chồn của Cha lên vai, chạy xuống cầu thang.
Sương lan thấp dọc con đường ẩm ướt, và toàn thể khu làng ngủ vùi trong lớp mù nhẹ bốc. Mấy con gà đã lặng gáy và không một tiếng chó sủa. Tôi thấy có một người lớn tuổi đương đứng dựa trên thân cây mơ bên cạnh căn nhà chứa đồ, tay lăm lăm khẩu súng. Cha nói mấy câu với người đứng gác. Tôi kinh sợ liếc nhìn về phía ấy, chỗ khung cửa trổ trên hầm mở ra, đen như một vết thương, nửa như e ngại cánh tay của người da đen có thể thò ra mà tóm lấy tôi. Tôi muốn ra khỏi làng ngay tức khắc. Khi chúng tôi lặng lẽ lên đường, thận trọng từng bước cho khỏi trượt chân trên làn đá, mặt trời đã xuyên qua lớp sương dầy, tỏa ánh sáng chan hòa ấm áp xuống.
«Thầy ra tỉnh trình việc thằng mọi đen phỏng?» tôi hướng về tấm lưng mạnh mẽ của Cha hỏi.
«Hử?» Cha lầm bầm. «Ừ.»
«Liệu có người cảnh sát nào ngoài tỉnh tới không thầy?»
«Tao chưa biết ra làm sao cả», Cha lầu bầu. «Phải đợi đến khi tờ trình lên tới văn phòng tỉnh đã.»
«Tại sao mình cứ giữ nó ở trong làng lại không được hở thầy?» tôi nói. «Nó có nguy hiểm lắm không?»
Cha lặng thinh không đáp. Một lần nữa tôi lại thấy bốc lên trong người cái kinh ngạc và sợ hãi đã cảm thấy đêm trước, lúc họ đem tên phi công da đen về làng. Không hiểu bây giờ nó đang làm gì dưới hầm? Tôi dám chắc nó sẽ trốn thoát, sẽ giết hết mọi người, giết luôn cả lũ chó săn và phóng lửa đốt nhà nữa. Tôi thấy sợ run lên được, tôi không muốn nghĩ tới chuyện đó. Vượt qua Cha, tôi hổn hển chạy xuống sườn đồi dài dặc.
Khi chúng tôi ra tới tỉnh, tôi ép sát vai vào đùi Cha bước thẳng tới trước mặt, lờ đi hết mọi sự khiêu khích của lũ trẻ ngoài phố. Nếu không có Cha đi cùng chắc chúng đã cười nhạo tôi và ném đá. Tôi tởm gớm và khinh bỉ lũ trẻ con ngoài tỉnh như thể chúng là một thứ ròi bọ với hình thù mà mình không bao giờ có thể cảm thấy gần gũi được. Những đứa trẻ gầy guộc trong nắng trưa chan hòa với những đôi con mắt phản trắc không thể nào tin cậy được. Hãy cất đi những con mắt người lớn nhìn chúng tôi từ phía sau những cửa tiệm tối đen thời tôi dám chắc là tôi có thể ưa thích bất cứ đứa nào trong bọn chúng.
Tại văn phòng ngoài tỉnh lúc ấy đã tới giờ cơm trưa. Chúng tôi uống nước ở chỗ vòi nước ngoài công viên ngay trước mặt văn phòng, rồi ngồi chờ một lúc lâu trên chiếc ghế dài kê ở gần một khung cửa sổ mà những tia nắng bỏng cháy đương chiếu xuyên qua. Cuối cùng một ông công chức già xong bữa bước ra và thì thầm nói với cha tôi, rồi cả hai lẳng lặng mất hút trong văn phòng ông đầu tỉnh. Tôi đem mấy bộ lông chồn tới chỗ cái quầy có mấy cái cân nhỏ. Ở đây người ta đếm số lông chồn và ghi vào sổ cùng với tên Cha. Tôi cẩn thận trông chừng một bà cận thị đeo kính dầy viết số lông chồn vào quyển sổ.
Xong, tôi không còn việc gì làm nữa. Tôi đợi Cha một lúc lâu, không thấy người ra. Vì thế, tay xách giày, hai chân không lạch bạch trên nền hành lang như hai chân bằng cao-su của thợ lặn, tôi bỏ đi tìm người quen biết duy nhất của tôi ngoài tỉnh, đó là người thường đem tin tới làng. Ông ta có một cái chân giả, và ở làng, người lớn cũng như trẻ con đều gọi ông là «ông Ký», mặc dầu ông cũng còn là một thứ phụ tá cho bác sĩ mỗi khi chúng tôi có khám bệnh ở trường.
«A, Nhái! Mày cũng ra đây hả?» ông đứng dậy từ phía bên kia tấm vách ngăn kêu lên. Tôi hơi bực mình nhưng vẫn bước tới bàn ông Ký. Trẻ con trong làng kêu ông bằng «Ký», bởi thế chúng tôi khó lòng kêu ca gì được khi ông gọi chúng tôi là «Nhái». Tôi mừng vì đã tìm được ông.
«Thế là làng bay bắt được một tên da đen, phải thế không, Nhái?» Ông lạch cạch cái chân giả dưới gầm bàn.
«Dạ», tôi đặt hai lòng bàn tay lên bàn ông Ký đáp. Trên bàn ông có khẩu phần cơm trưa của ông quấn trong miếng giấy báo lấm chấm ố vàng.
«Giỏi quá há?» ông nói.
Nhìn đôi môi nhợt nhạt của ông Ký, tôi nghiêm nghị gật đầu theo kiểu người lớn. Tôi muốn kể cho ông nghe về tên da đen, nhưng tôi không sao tìm ra chữ để mô tả thằng da đen to lớn mà họ đã đem về làng lúc xẩm tối.
«Thằng mọi đen — liệu họ có giết nó không?» tôi hỏi.
«Không rõ», ông Ký hất hàm về phía văn phòng ông tỉnh trưởng đáp. «Tao hy vọng họ sẽ quyết định việc đó bây giờ.»
«Không hiểu họ có đưa nó ra tỉnh không», tôi nói.
«Tao cuộc là chú mày được nghỉ học thú lắm», ông tránh câu hỏi quan trọng đáp. «Mụ thầy chó lười ấy, lúc nào cũng kêu ca, nhưng không thấy mụ ấy tìm cách đi khỏi. Mụ bảo trẻ con trong làng sao mà dơ dáy và hôi hám…»
Tôi cảm thấy xấu hổ vì cái ngấn cáu ghét quanh cổ, nhưng tôi bướng bỉnh lắc đầu và cười to. Từ chỗ nó chòi ra dưới gầm bàn, cái chân giả của ông Ký vặn vẹo. Tôi thích nhìn ông Ký mỗi khi ông lò cò nhảy tới trên con đường đồi núi với cái chân thật, chân giả và một cái nạng duy nhất, thế nhưng khi ông ngồi trên ghế thời cái chân của ông nó gớm ghiếc và phản trắc y như lũ trẻ ngoài tỉnh.
Cha tôi ló ra từ văn phòng ông tỉnh trưởng, khẽ gọi tôi. Ông Ký vỗ lên vai tôi, vì thế tôi vỗ lại vào cánh tay ông và chạy ra khỏi phòng.
«Đừng để cho thằng tù xổng mất nghe, Nhái», ông gọi với theo tôi.
«Thầy với mấy ông quyết định làm gì nó?» Tôi hỏi Cha khi chúng tôi qua tỉnh trở về trong nắng chói.
«Lúc nào cũng cố trốn việc, quân khốn», người giận dữ đáp như thể lỗi ấy chính tại tôi. Bị chặn họng vì sự bẳn gắt này tôi nín thinh và chúng tôi lẳng lặng bước qua bóng râm của hàng cây còi kĩnh, xấu xí trên đường phố. Ngay cả đến cây cối ở tỉnh cũng phản trắc và thù nghịch như lũ trẻ ở đó.
Khi chúng tôi tới cây cầu ở ngoại ô, Cha ngồi xuống phía dưới thành cầu lặng lẽ mở gói cơm. Cố nén không hỏi một câu, tôi thò một bàn tay lem luốc ra phía gói cơm để trên đùi Cha. Chúng tôi ăn mấy nắm cơm không nói với nhau một lời.
Khi chúng tôi ăn gần xong bữa cơm trưa thì có một cô con gái, cái cổ tươi mát trắng trẻo như cổ chim, khởi sự qua cầu. Tôi vội soát lại áo quần và xem xét lại hình dạng. Tôi cho là tôi dễ coi hơn, xét chung khá hơn bất cứ đứa trẻ nào ở tỉnh. Tôi đưa hai bàn chân đi giầy ra trước mặt chờ cô gái đi qua. Hai tai ù ù máu nóng. Trong một lúc ngắn ngủi kỳ cục cô gái chau mày nhìn tôi rồi bỏ chạy. Đột nhiên tôi hết muốn ăn. Tôi cảm thấy mình khốn khổ và rách rưới quá.
Sau cùng, hai bắp chân đau rần và mặt mũi nhầy mỡ và bụi bặm, chúng tôi rời lối mòn trên đỉnh đồi, đi qua những cánh rừng ẩn tiết xuống lối vào làng. Ánh tà dương lúc này đã bao phủ khắp thung lũng nhưng hơi nóng mặt trời vẫn còn nấn ná trong thân thể chúng tôi và chúng tôi rất khoan khoái vì lớp sương mù dầy đặc đương thổi tới.
Cha đi trình việc ở nhà ông đầu làng. Tôi bỏ Cha, leo lên lầu nhì căn nhà chứa đồ. Em tôi đương ngồi trên giường thiu thiu ngủ. Tôi vươn cánh tay ra lay nó, thấy rõ khúc xương vai mỏng mảnh ngay dưới tay tôi. Lớp da bên dưới lòng bàn tay ắm áp của tôi hơi co lại, và mệt mỏi cũng như sợ hãi trút ra từ đôi con mắt nó lúc này đột ngột mở lớn.
«Nó thế nào?» tôi hỏi.
«Đương ngủ dưới hầm», em tôi đáp.
«Mày ở một mình có sợ không?» tôi dịu dàng hỏi. Nó lắc đầu, đôi mắt có vẻ nghiêm nghị.
Tôi mở hé cánh cửa ra vào và đứng trong khung cửa sổ đái xuống. Sương mù lan xuống như một vật sống động và bò vào mũi tôi mau chóng. Vọt ra thành một hình cầu vồng dài, nước tiểu của tôi tung tóe trên những tảng đá lót đường rồi rớt vào cái mái gỗ chòi ra từ tầng dưới và bắn ngược trở lại tôi, thấm vào hai bắp vế nổi da gà và đầu gối tôi âm ấm. Em tôi thò đầu ra ở bên hông tôi như một con thú con và nhìn xuống chỗ nước tiểu của tôi. Chúng tôi đứng như thế trong một phút. Những cái ngáp nho nhỏ thoát ra từ cổ họng nhỏ bé của chúng tôi; mỗi lần chúng tôi rùng mình nước mắt lại ứa ra, trong suốt và vô nghĩa.
«Thằng Sứt Môi đã trông thấy nó chưa?» tôi hỏi.
«Bao nhiêu trẻ con tới gần hầm đều bị họ la hét đuổi đi hết», nó tiếc rẻ nói. «Mấy ông ngoài tỉnh có tới đem nó đi không anh?»
«Tao không biết», tôi đáp.
Cha và người đàn bà bên tiệm thực phẩm bước tới dưới chân thang, chuyện trò to tiếng. Người đàn bà cứ nhất định rằng mình không thể đem đồ ăn xuống hầm cho thằng tây đen được. Bà ta là đàn bà, bà ta không thể…; tại sao Cha lại không bảo con đem xuống? Tôi đương cúi xuống cởi giầy, nhưng liền rướn thẳng người dậy. Bàn tay mềm mại của em tôi ấn lên lưng tôi. Tôi cắn môi đợi Cha lên tiếng. «Ê, xuống đây!» tôi thấy người la lên, liền quăng đôi giầy vào gầm giường và lao mình xuống cầu thang.
Cha lấy báng súng trỏ cái rổ thức ăn mà người đàn bà bỏ trên nền đất. Tôi gật đầu đáp lại và nắm chặt lấy cái rổ nhấc lên. Không nói một lời, chúng tôi ra khỏi căn nhà chứa đồ và bước qua đám sương mù lạnh lẽo bên ngoài. Những tảng đá lót đường dưới gan bàn chân chúng tôi còn phảng phất hơi ấm lúc ban ngày. Không có một người lớn nào đứng canh bên căn nhà ấy khi tôi nhìn thấy màu ánh sáng nhạt tỏa ra từ khung cửa nhỏ trổ trên nóc hầm. Tôi cảm thấy một nỗi mệt mỏi như chất độc lan khắp toàn thân. Tuy nhiên, dịp đầu tiên được thấy thằng da đen thật gần khiến tôi xúc động đến nỗi hàm răng đánh lập cập.
Cha mở cái khóa tròn nặng nề ở cửa hầm, nhòm vào bên trong và bắt đầu thận trọng trèo xuống một mình, tay súng hờm sẵn. Không khí ban đêm hòa lẫn với lớp sương mờ quấn lấy cổ tôi trong lúc tôi ngồi chờ đợi. Hai bắp chân nâu mạnh mẽ của tôi run lẩy bẩy, khiến tôi thấy hổ thẹn trước vô số những cặp mắt mà tôi có thể cảm thấy là đương theo rõi tôi ở phía sau.
«Xuống đây!» tiếng Cha gọi nghẹn tắc.
Tôi bước xuống mấy bậc thang, tay ôm sát cái rổ vào ngực. Đằng kia, in hình trong ánh sáng của một bóng điện yếu ớt, tên tù binh ngồi co quắp. Không tài nào cưỡng nổi, hai con mắt tôi bị hút về phía cái xích lớn bẫy heo rừng xích cái chân đen của nó vào cột. Hai đầu gối thu lại dưới cằm, nó ngẩng lên nhìn tôi với hai con mắt đỏ ngầu, cái nhìn thách thức và giễu cợt. Tất cả máu trong người tôi dồn lên hai tai và đập mạnh qua mặt tôi như những lớp sóng đỏ tía. Tôi quay đi và nhìn Cha đương đứng dựa tường, cây súng chĩa vào tên phi công da đen. Người đưa cằm ra hiệu cho tôi. Hai mắt hầu như nhắm nghiền lại, tôi tiến lên, đặt cái rổ thức ăn trước mặt thằng da đen. Khi tôi lùi lại, một nỗi sợ bất ngờ khiến ruột tôi đau thắt, và tôi đã phải nén cơn buồn nôn đương dâng lên như một lớp sóng. Tên phi công da đen trừng mắt nhìn, cha tôi trừng mắt nhìn, tôi cũng trừng mắt nhìn cái rổ thức ăn. Xa xa một con chó sủa. Bên ngoài khung cửa trổ ở phía trên, khoảng sân làng âm u lặng tờ.
Bỗng dưng tôi thấy mình chú ý tới cái rổ đựng thức ăn để trước mặt tên da đen. Lúc này tôi nhìn cái rổ ấy với cặp mắt đói khát của nó. Một vài nắm cơm lớn, một ít cá khô mỡ màng chảy tràn ra, đủ thứ rau lẫn lộn và sữa dê đựng trong một cái chai cổ rụt bằng thủy tinh chạm mờ. Nó ngồi nguyên như lúc tôi mới vào, trừng mắt nhìn cái rổ thức ăn lúc lâu, cho tới khi chính cái dạ dầy trống trơn của tôi cũng bắt đầu ta thán. Lẽ cố nhiên là tên da đen chê bữa cơm nghèo khổ mà chúng tôi dọn cho nó, tôi nghĩ thế, và khinh bỉ chúng tôi nữa mà không động tới thức ăn. Tôi cảm thấy xấu hổ. Nếu tên da đen không chịu tỏ ý muốn bắt đầu bữa ăn thì nỗi xấu hổ của tôi hẳn sẽ lây sang Cha. Mà Cha phải chịu nỗi xấu hổ của người lớn thì không khéo người sẽ khùng lên mất, và chỉ trong phút chốc thôi cả làng sẽ tràn ngập cái hung bạo của mấy người lớn, mặt tái đi vì hổ thẹn. Ai đã có thể có cái ý tưởng kỳ quặc là đem đồ ăn cho tên da đen ấy?
Nhưng, đột nhiên tên da đen vươn ra một cánh tay dài không thế nào tin được, nhấc cái chai lên bằng mấy ngón tay lông lá xù xì đen đủi, và kéo lại gần, ngửi ngửi. Thế rồi cái chai được dộng ngược, đôi môi dầy, như cao-su của thằng da đen toác ra để lộ hai hàng răng trắng lớn đều đặn như những bộ phận ở bên trong một cái máy, và tôi thấy sữa đổ ừng ực xuống cái miệng rộng lấp loáng hồng của nó. Từ cổ họng thằng da đen đưa lên tiếng động của bọt nước chảy xuống một lòng cống, và sữa chảy tràn ra cả ở hai khóe môi nó — đôi môi hầu như sưng phù lên đau đớn tựa một trái chín bị xiết vòng quanh bằng một sợi dây thật căng. Sữa chảy xuống cổ họng trần của nó, thấm ướt cánh áo sơ-mi mở phanh ra, đổ xuống lồng ngực và tụ lại trên làn da dầy đen nháy ở đây thành những giọt nhỏ nhấp nhánh như giọt dầu. Đôi môi khô đi vì xúc động, lần đầu tiên trên đời tôi nhận thấy sữa dê quả là một thứ chất lỏng tuyệt đẹp.
Thằng da đen ném cái chai vào rổ nghe đánh rắc. Bây giờ cử động của nó không còn cái ngập ngừng lúc ban đầu nữa. Những nắm cơm khum khum trong lòng hai bàn tay to lớn của nó trông như mấy viên kẹo nhỏ nhít. Miếng cá khô bị nghiền nát luôn cả đầu giữa hai hàm răng lấp lánh của nó nghe rau ráu. Đứng dựa tường bên cạnh Cha, tôi kinh ngạc ngó chừng đôi hàm răng mạnh mẽ của tên phi công da đen đương hoạt động. Nó quá mải ăn nên không để ý tới chúng tôi; bởi thế mà trong lúc cố nén cơn đói của chính mình tôi mới có thể có đủ bình tĩnh để xem xét kỹ lưỡng cái món tuyệt vời mà Cha và mấy người lớn bắt được. Quả thật nó là một món tuyệt vời.
Mớ tóc ngắn xoắn tít trên cái đầu tròn trịa của thằng da đen tạo thành những lọn tóc thật nhỏ, thật chặt bồng lên như những ngọn lửa muội đen trên hai vành tai vểnh ngược như tai chó sói. Lớp da ở họng và ở ngực nó như cuộn lại bên trong một ánh lửa âm u màu trái nho. Cái cổ to nhầy mỡ của nó cuốn hút đôi mắt tôi mỗi lần vặn vẹo tạo thành những nếp gấp thô bạo trên làn da. Và cái mùi thân thể nó, dai dẳng và tràn lan tựa cái nôn nao ghê gớm trào lên cổ họng, rỉ ra như một thứ chất độc soi mòn hết mọi sự chung quanh, làm cho đôi má tôi đỏ bừng lên và gọi dậy những cảm xúc hầu như điên dại.
Đôi mắt mờ nóng bỏng, tôi nhìn thằng da đen ngốn ngấu đồ ăn, và trong đôi mắt mờ nóng bỏng của tôi, những vật thực xoàng xĩnh kia đã biến thành cả một bữa tiệc thịnh soạn đầy hương vị lạ. Giả như lúc tôi mang cái rổ đi mà còn lại đôi chút đồ ăn nào thì hẳn tôi, với mấy đầu ngón tay run run vì thích thú ngấm ngầm, đã bốc vội lấy mà nuốt chửng. Nhưng tên lính da đen đã ăn hết mọi tí, lại vét sạch cả đĩa cháo.
Cha thúc vào cạnh sườn tôi. Hổ thẹn và giận dữ lẫn lộn như mình đã chiều theo những mơ màng bậy bạ, tôi bước tới chỗ thằng da đen và lấy cái rổ. Dưới mũi súng của Cha bảo vệ, tôi quay lưng lại nó và bắt đầu bước lên mấy bậc thang. Đúng lúc đó thì tôi nghe một tiếng ho khan trầm trầm từ phía thằng da đen. Bước chân tôi chuệnh choạng và toàn thân tôi hoảng hốt rụng rời.
Ngay trên đầu cầu thang ở từng thứ nhì căn nhà chứa đồ, một tấm gương méo mó mờ tối chao đi chao lại trong lỗ hổng của một cây cột. Khi tôi trèo lên, trong ánh sáng lờ mờ hiện ra khuôn mặt của một đứa bé Nhật Bản — một đứa bé có đôi má giật mạnh đuơng bặm đôi môi nhợt nhạt không còn lấy một hột máu, một hình ảnh vô thực hoàn toàn của một đứa bé. Hai cánh tay nặng nề buông thõng, xúc động mạnh đến ứa nước mắt ra, tôi mở cánh cửa buồng.
Em tôi đương ngồi trên giường; đôi mắt nó lừ sáng, nóng bỏng hồi hộp và hơi đờ đẫn vì sợ hãi.
«Mày đóng cửa phỏng?» tôi làm vẻ mặt hống hách để che giấu đôi vành môi lẩy bẩy.
«Dạ.» Em tôi cúi mặt hổ thẹn vì hèn nhát. «Thằng mọi đen, trông nó ra làm sao hở anh?»
Một nỗi mệt mỏi dâng lên mãi bao trùm lấy tôi. «Ồi, có gì đâu, nó hôi rì à», tôi đáp.
*
SÁNG HÔM SAU TÔI DẬY MUỘN, NGHE thấy tiếng lao xao từ khoảng sân trống đằng trước nhà. Cả em tôi lẫn Cha đều không có trong buồng. Tôi mở đôi mu mắt hầm hập ra nhìn lên tường. Đúng như tôi đã nghi, khẩu súng của Cha không còn đó. Lắng nghe tiếng rì rầm ở bên ngoài và nhìn giá để súng trống không tôi thấy trống ngực nện thình thịch. Tôi nhẩy ra khỏi giường và vớ lấy cái áo sơ-mi, chạy xuống cầu thang.
Mấy người lớn tụ lại thành một nhóm. Lũ trẻ trong đám ngước mắt nhìn họ, khuôn mặt nhỏ bé lem luốc của chúng ngây ra vì hồi hộp lo sợ. Cách đấy một chút em tôi và Sứt Môi đương cúi lom khom bên khung cửa nhỏ trổ ở phía bên trên hầm. «Chúng đương nhòm vào!» tôi tức giận nghĩ và đã toan chạy lại phía chúng thì thấy ông Ký chống nạng, đầu cúi xuống, ló ra từ trong hầm. Một cảm giác mệt mỏi đen tối mãnh liệt và tuyệt vọng trùm lên người tôi như một lớp sóng. Nhưng ngay sau lưng ông Ký không phải là một đám rước mang xác thằng phi công da đen mà là Cha tôi đương nói chuyện gì nho nhỏ với ông đầu làng, khẩu súng vác trên vai còn y nguyên trong bọc. Tôi buông một tiếng thở dài và mồ hôi ứa ra từ hai bên nách và háng. «Lại đây coi!» Sứt Môi la hét gọi tôi lúc tôi còn đương đứng đó. «Lại coi!»
Tôi nằm sấp trên những tảng đá nóng bỏng và nhòm vào qua khung cửa hẹp trổ ngay phía bên trên mặt đất. Dưới đáy sâu thăm thẳm tối thui, tên phi công da đen nằm lăn trên nền, thân hình gập lại rã rời như một con vật bị đánh gục. Tôi chống hai bàn tay đứng dậy.
«Họ đánh nó phải không?» tôi hỏi Sứt Môi, gịong run run vì giận dữ. «Có phải họ xích hai chân nó lại mà đánh cho nó không chạy được không?»
«Làm gì có!» Sứt Môi nói giọng tiếc rẻ.
«Họ chỉ vào nhìn nó có một tí. Chỉ có nhìn thôi mà thằng mọi đen như thế đó.»
Nỗi căm giận của tôi tan biến. Tôi lắc đầu một cách mơ hồ. Em tôi chằm chặp nhìn tôi. «Không sao», tôi bảo nó.
Một đứa trẻ trong làng cố chen với tôi để nhìn qua khung cửa bị Sứt Môi đá vào cạnh sườn khóc ré lên. Sứt Môi đã giành độc quyền coi thằng da đen qua khung cửa; hắn đâu chịu cho bất cứ đứa nào vi phạm cái quyền ấy.
Tôi bỏ Sứt Môi và mấy đứa khác lại đó, bước tới chỗ ông Ký đứng nói chuyện với mấy người lớn đương bao quanh ông. Ông Ký cứ tiếp tục nói, lờ hẳn tôi đi y như mấy đứa trẻ tầm thường trong làng mũi rãi khô quánh trên mép, khiến cho tôi bị chạm tự ái và hại lây đến cả cái cảm tình của tôi đối với ông. Nhưng bây giờ không phải là lúc bận tâm đến chuyện sĩ diện hay tự ái; lách qua đám chân người lớn, tôi thò đầu vào nghe ngóng những gì ông Ký và ông đầu làng đương nói.
Cả văn phòng lẫn cảnh sát ngoài tỉnh — ông Ký nói — không đâu biết làm gì ngay về việc đưa thằng phi công da đen bị bắt đi. Họ sẽ phúc trình vụ này lên vùng, nhưng từ nay cho đến lúc nhận được lời phúc đáp thì phải săn sóc cho nó, và đây là trách nhiệm của dân làng. Ông đầu làng phản đối. Ông nhắc lại rằng dân làng không được vũ trang để canh giữ tù binh. Ông lại nói thêm rằng việc áp giải một thằng da đen cực kỳ nguy hiểm qua một đoạn đường đồi núi xa như vậy cho đàng hoàng sẽ nhiêu khê lắm. Mùa mưa dài dặc và lụt lội đã khiến cho mọi việc đâm ra phức tạp và khó khăn.
Nhưng đến khi ông Ký bắt đầu dùng một cái giọng hách dịch, cái giọng quá trịnh trọng của một viên công chức quèn, thì mấy người lớn đều chịu thua dần. Ngay khi biết được là thằng da đen sẽ ở lại trong làng cho đến khi ở trên vùng người ta quyết định làm gì, tôi liền rời mấy người lớn, mặt mũi còn đờ ra đấy vì bực bội và bối rối, và chạy lại chỗ em tôi với Sứt Môi đương giữ độc quyền khung cửa sổ. Trong lòng tôi tràn đầy giải thoát, trông đợi, và một niềm day dứt khó chịu mà người lớn đã lây sang tôi.
«Ờ, họ không giết nó mà, đúng không?» Sứt Môi hớn hở nói. «Ta đã bảo mà, mọi đen đâu có phải quân địch.»
«Giết nó thì uổng quá», em tôi nói.
Ba đứa chúng tôi chụm đầu vào nhau nhòm vào khung cửa và thở dài khoan khoái khi thấy thằng da đen vẫn còn nằm xoài dưới hầm, cái ngực đưa lên đưa xuống theo nhịp thở. Có tiếng rì rầm khó chịu của mấy đứa trẻ đã bò tới ngay chỗ chúng tôi doãi chân trên mặt đất, lòng bàn chân ngửa lên phơi ngoài nắng. Sứt Môi vội nhỏm dậy la hét, và bọn chúng kêu ré lên bỏ chạy.
Cuối cùng, nhìn mãi thằng da đen nằm xoài nguyên một chỗ chúng tôi cũng mệt nhưng chúng tôi không chịu từ bỏ cái vị trí đặc quyền. Sứt Môi cho phép mấy đứa trẻ khác được ngó qua khung cửa một tí nhưng để bù lại, hắn bắt mỗi đứa phải nộp một vật gì đó — chẳng hạn mấy quả táo, mấy quả mơ, quả vả hoặc quả thị. Mấy đứa thường nhòm vào, đỏ mặt tía tai vì ngạc nhiên và khoái trá, rồi chúng đứng dậy đưa lòng bàn tay lên phủi bụi trên cằm. Trong lúc đứng dựa lưng vào tường căn nhà chứa đồ, ngắm mấy đứa trẻ phơi những đôi mông bé bỏng ngoài nắng, — bất kể tới việc Sứt Môi bóc lột — chú tâm đến cái kinh nghiệm lớn đầu tiên trong đời chúng đến như vậy, tôi cảm thấy một sự thỏa mãn và đầy đủ lạ lùng, một nỗi niềm hứng khởi vui sướng. Một con chó săn tách rời đám người lớn chạy lại phía chúng tôi. Sứt Môi đặt nó lên hai đầu gối mình bắt rận. Hắn lấy mấy đầu móng tay vàng vàng xiết mấy con rận tanh tách trong lúc vừa quát tháo ra lệnh cho lũ trẻ vừa xấc xược mắng chửi.
Sau khi mấy người lớn đã bỏ lên con đường mòn ở lưng đồi để tiễn chân ông Ký, chúng tôi vẫn tiếp tục cái trò chơi kỳ lạ ấy. Đôi khi lờ cả những giọng nói tức tối ở sau lưng, chính chúng tôi cũng ngó vào hầm thật lâu và thật chăm chú. Thằng phi công da đen vẫn nằm dài ra đó, chẳng có dấu hiệu động đậy gì cả, như thể chỉ nguyên một việc mấy người lớn nhìn nó cũng đã đủ gây thương tích cho nó.
Đêm hôm ấy, có Cha xách súng đi kèm và mang một cái nồi sắt nặng đựng món cháo và rau hầm xoàng xĩnh, tôi lại xuống hầm. Thằng da đen nhìn chúng tôi với hai con mắt dỉ vàng đóng ngấn lại, rồi thọc ngay mấy ngón tay lông lá vào nồi cháo nóng và bắt đầu ăn ngon lành. Tôi tha hồ ngắm nghía nó trong lúc Cha đứng dựa tường vẻ chán ngán, không buồn chĩa súng vào thằng da đen nữa. Nhìn xuống những đường gân to ở cổ thằng da đen run run, những bắp thịt của nó lúc căng lúc dãn bất thần, tôi bắt đầu cảm thấy là nó ngoan ngoãn, dễ bảo như một con vật dễ thương. Tôi ngó lên Sứt Môi và em tôi lúc đó đương nín hơi nhòm vào và phóng cho những cặp mắt lù mù lấp loáng của chúng một nụ cười mau lẹ, láu lỉnh. Tôi đã bắt đầu quen với thằng da đen; việc này đã gieo vào lòng tôi và nuôi dưỡng những hạt mầm hãnh diện vô cùng khoan khoái. Tuy nhiên mỗi lần thằng da đen cử động, nghiêng cái bẫy heo rừng và sợi dây xích khua loảng xoảng, nỗi kinh hoàng lúc trước của tôi lại ào tới, và ùa vào các mạch máu cho tới khi tôi cảm thấy khắp mình nổi da gà.
Từ bữa ấy trở đi, tôi được đậc quyền đem đồ ăn cho thằng lính da đen, một lần vào buổi sáng và một lần vào buổi tối. Cha vẫn đi theo nhưng người không còn đưa khẩu súng trên vai xuống chĩa vào thằng da đen nữa. Sáng sớm ra và vào lúc nhá nhem tối, khi tôi xuất hiện cùng với Cha bên căn nhà chứa đồ, tay mang cái rổ đựng thức ăn, bọn trẻ đã mỏi mắt trông chờ từ trước trên khoảng đất trống lại trút ra một tiếng thở dài lớn, tiếng thở dài bốc lên cao như một đám mây. Cau mày, tôi bước qua khoảng sân trống không buồn ngó đến lũ trẻ, như một kẻ thành thạo đã mất hết hứng thú trong công việc nhưng vẫn chăm chỉ thi hành tỉ mỉ. Em tôi với Sứt Môi hẳn là phải hài lòng khi cùng đi với tôi, mỗi đứa sát một bên, mãi tới lối vào hầm. Cha và tôi vừa bước xuống, hai đứa liền chạy vội qua khung cửa để nhòm vào. Dẫu cho có phải mệt mỏi vì công việc mang đồ ăn cho thằng da đen, chắc tôi cũng vẫn tiếp tục làm công việc ấy chỉ vì cái thú được nghe thấy những tiếng thở dài ghen tuông — gần như oán hận — mà lũ trẻ, kể cả Sứt Môi nữa, thường trút vào phía sau lưng tôi trong lúc tôi bước đi.
Tôi đã xin được với Cha đặc biệt cho phép Sứt Môi xuống hầm mỗi buổi chiều một lần để giúp tôi làm một công việc xét ra quá nặng đối với một mình tôi. Ở dưới hầm có đặt một cái thùng gỗ nhỏ, cũ kỹ sau một cây cột để cho thằng da đen dùng. Chiều chiều Sứt Môi và tôi thường cẩn thận khiêng nó lên mấy bậc thang, mỗi đứa một bên, bằng một đoạn giây thừng lớn xỏ qua hai cái tay quai, và đem tới đống phân trong làng để đổ cái chất sền sệt, thối hoắc, đánh lóp bóp lóp bóp trong lúc chúng tôi bước đi kia. Sứt Môi biểu lộ một sự hào hứng thái quá đối với công việc này; thỉnh thoảng, trước khi khiêng tới chỗ cái thùng lớn bên cạnh đống phân, hắn lại lấy một cái que ngoáy ngoáy, và giải thích tình trạng tiêu hóa của thằng da đen, đặc biệt là căn bệnh tháo dạ của nó mà hắn quả quyết là do những hột ngô lẫn trong cháo gây ra. Đôi khi cùng đi với Cha xuống lấy cái thùng, chúng tôi thấy thằng da đen tụt quần ngồi chồm hổm trên cái thùng nhỏ, hai cái mông đen bóng chổng lên như một con chó đương đi tơ. Chúng tôi thường phải chờ một lúc ở phía sau thằng da đen, và Sứt Môi hết sức kinh ngạc, đôi mắt xuất thần, thường bấu chặt lấy cánh tay tôi trong lúc chúng tôi lắng nghe tiếng khua động loáng thoáng của chiếc bẫy heo rừng xích hai chân thằng da đen ở hai bên cái thùng gỗ.
Trẻ con chúng tôi không còn quan tâm tới một sự gì khác hơn là thằng da đen, thằng da đen đã lấp đầy mọi xó xỉnh cuộc đời chúng tôi, tràn lan như một căn bệnh truyền nhiễm. Nhưng người lớn có công ăn việc làm của họ, không dễ gì lây những thứ bệnh truyền nhiễm của trẻ con. Người lớn không thể ngồi chơi chờ cho tòa tỉnh ra chỉ thị. Kịp đến khi Cha tôi — người có phận sự canh gác thằng da đen — cũng bắt đầu bỏ đi săn thì thằng da đen ở dưới hầm chỉ còn lại đó vì một mục đích duy nhất là để thỏa mãn những nhu cầu hằng ngày của lũ trẻ mà thôi.
Em tôi, Sứt Môi và tôi đâm quen thói đóng kín cửa ở dưới hầm với thằng da đen trong lúc ban ngày. Ban đầu chúng tôi còn cảm thấy cái tiếng trống ngực đập thình thình thật quyến rũ, cái thứ tiếng luôn luôn đi theo kèm mỗi khi mình phá bỏ luật lệ. Nhưng rồi chẳng bao lâu chúng tôi cũng quen đi và đâm tự mãn, làm như thể việc canh gác thằng da đen là một phận sự thiêng liêng mà người lớn đã trao phó cho chúng tôi trong lúc lên đồi hoặc xuống thung vắng. Khung cửa nhỏ để nhìn vào mà em tôi và Sứt Môi đã bỏ, giờ trở thành khu vực hoạt động của trẻ con trong làng. Dán sát bụng trên nền đất bụi bặm nóng bỏng, chúng thay phiên nhau ganh tị nhìn vào ba đứa chúng tôi đương ngồi quanh thằng da đen. Lâu lâu có đứa thèm quá chịu không nổi, cố tìm mọi cách theo chân chúng tôi xuống hầm để rồi bị Sứt Môi hạ quay lơ, hộc cả máu mũi vì tội ương ngạnh.
Vào lúc này chúng tôi chỉ còn mang cái thùng của thằng da đen lên tới đầu mấy bậc thang dẫn xuống hầm. Phần việc hôi hám đem ra đống phân công cộng dưới ánh nắng gay gắt, chúng tôi trao cho những đứa trẻ nào chúng tôi đặc biệt chiếu cố mà chỉ định công tác cho. Những đứa được chỉ định, hai gò má đỏ lên vì sung sướng, thường đưa cái thùng đi thật ngay ngắn, cố không để rớt ra ngoài một giọt cái chất lỏng vàng vàng đụng đục có vẻ hết sức quý báu đối với bọn chúng kia. Và sáng sáng, toàn thể bọn trẻ, kể cả chúng tôi, đều ngước lên lối mòn từ con đường trên đỉnh đồi đổ xuống qua cánh rừng mà cầu mong cho ông Ký đừng đi xuống với cái lệnh ghê gớm.
Cổ chân thằng da đen, nơi cái bẫy heo rừng ngoạm chặt, bị trầy da và sưng đỏ lên, và máu từ chỗ đó bết lại trên mu bàn chân nó như những lá cỏ héo khô. Chỗ da thịt bị trầy với vết thương đỏ hồng đó là mối lo thường trực của chúng tôi. Mỗi khi doạng chân ngồi trên cái thùng gỗ, thằng da đen thường nhe răng ra để dằn nỗi đau đớn, giống như một đứa bé toác miệng ra cười. Sau nhiều lần đưa mắt dò hỏi nhau và hỏi thăm ý kiến lâu lắc, chúng tôi quyết định tháo cái bẫy ở hai cổ chân cho nó. Thằng da đen chỉ ngồi im lặng dưới hầm như một con vật đen đủi, đần độn nào đó, hai tay bó gối, đôi mắt bao phủ một cái màng sền sệt có lẽ là nước mắt, cũng có lẽ là dỉ mắt đùn ra. Nó có thể làm gì hại đến chúng tôi được? Nghĩ cho cùng, nó cũng chỉ là một thằng mọi đen.
Tay nắm chặt cái chìa khóa mà tôi đã lấy ở trong hộp đựng dụng cụ của Cha, Sứt Môi cúi xuống tháo cái bẫy, vai hắn hầu như chạm vào đầu gối thằng da đen. Lập tức thằng da đen đứng dậy, thoát ra một tiếng gì như rên rỉ và nó lúc lắc hai ống chân. Sứt Môi vứt cái bẫy vào tường và bỏ chạy lên mấy bậc thang, nước mắt chảy ra vì khiếp đảm; em tôi với tôi chỉ biết bấu chặt lấy nhau không sao đứng dậy nổi, như bị một nỗi sợ mới đối với thằng da đen làm tê liệt hẳn. Nhưng thằng da đen không nhào xuống hai anh em chúng tôi như một con diều hâu: thay vì thế, nó lại ngồi xuống, hai bàn tay ôm lấy đầu gối và, đôi ngươi ẩm ướt nước mắt và dỉ mịt mờ, nó nhìn cắm vào cái bẫy rơi sát tường. Lúc Sứt Môi cúi đầu hổ thẹn trở lại hầm, em tôi với tôi mỉm cười dịu dàng đón hắn. Thằng da đen hiền như bất cứ một con vật nào nuôi trong nhà…
Mãi khuya đêm hôm đó, lúc Cha tôi khóa cái khóa tròn lớn ở cửa hầm, người nhìn vào hai cổ chân đã tháo bẫy của tên lính. Tôi lo sợ đến nghẹn thở, nhưng người không mắng mỏ gì như tôi tưởng. Thằng da đen hiền như một con vật đã thuần thục — vào khoảng này cái ý ấy đã lọt vào đầu óc của mọi người trong làng, trẻ con cũng như người lớn.
Sáng hôm sau, lúc cả ba đứa chúng tôi đem cơm sáng lại cho nó chúng tôi thấy thằng da đen đương loay hoay với cái bẫy heo rừng mà nó để trên lòng. Bộ phận sập xuống khi động bẫy đã bị gẫy nát lúc Sứt Môi ném vào tường, và thằng da đen đương coi lại với một vẻ chắc chắn, lành nghề như người thợ sửa bẫy vẫn tới làng vào mùa Xuân. Đột nhiên nó ngước cái trán đen bóng lên mà nhìn tôi và làm cử chỉ ra hiệu cho tôi biết nó muốn cái gì. Sứt Môi và tôi nhìn nhau, không sao dẹp nổi sự vui sướng đương xoa mềm hai gò má căng thẳng. Thằng da đen nói với chúng tôi, nói với chúng tôi cũng một cách y như loài vật nói với chúng tôi vậy…
Chúng tôi chạy tới nhà ông đầu làng và khiêng cái hộp dụng cụ của chung cả làng ra đem xuống hầm. Mặc dầu cái hộp đó có đựng những đồ có thể dùng làm khí giới, nhưng chúng tôi không ngần ngại trao nó cho tên lính da đen. Đối với chúng tôi, cái ý tưởng là thằng da đen, thằng da đen giống hệt như một con vật nuôi trong nhà này, từng là một người lính chiến đấu không sao tin được. Nó thách đố mọi sự tưởng tượng.
Thằng da đen trừng mắt nhìn cái hộp dụng cụ, rồi nhìn vào mắt chúng tôi. Chúng tôi ngắm nghía nó mà rùng mình thích thú; và lúc Sứt Môi ghé vào tai tôi thì thào «Thằng chả hệt như người ta!» tôi chọc vào mông em tôi và cất tiếng cười đến đau ruột, tôi cảm thấy hết sức sung sướng và hãnh diện. Qua khung cửa, tiếng thở dài trầm trồ của lũ trẻ ngồi ngoài bay vào như hơi sương.
Chúng tôi mang cái rổ đựng bữa ăn sáng đi. Khi chúng tôi quay trở lại hầm thì thằng da đen đã lấy từ trong hộp dụng cụ ra một cái mỏ-lết và một cái búa nhỏ và đặt tất cả gọn gàng trên một cái túi vải trải dưới đất. Nó nhìn chúng tôi khi chúng tôi tới ngồi bên cạnh nó. Bỗng dưng, hàm răng lớn đương vàng ra mau chóng của nó nhe ra, và hai má nó chùng xuống thành nhiều vết nhăn; lần đầu tiên chúng tôi hơi giật mình nhận ra là thằng lình da đen mỉm cười. Và chúng tôi thấy rằng chúng tôi được ràng buộc chặt chẽ với nó bằng một thứ liên kết thật sâu xa, thật mạnh mẽ gần như của «con người» với nhau vậy.
Chiều muộn. Sứt Môi đã bị người đàn bà ở nhà ông thợ rèn lôi về giữa tiếng chửi mắng thậm tệ, và đôi mông chúng tôi ngồi mãi ngay trên nền đất không cũng đã bắt đầu thấy đau, thế mà thằng da đen vẫn còn loay hoay với công việc, nó cố làm cho hai cái hàm bẫy ăn ngàm với nhau thật khít. Mấy ngón tay nó dính nhem lớp mỡ nhờn bụi bám lâu ngày ở cái bẫy và nó kỳ cạch sửa.
Tôi mê mải ngắm cái cách mảng thịt hồng, mềm mại ở hai lòng bàn tay nó bị cái lưỡi phập ở bẫy ấn trĩu xuống và cái ngấn dơ nhờn ghét trên cổ nó vặn vẹo thành một đường đen thui trong lúc nó động đậy. Tự nhiên cái đó gợi dậy trong tôi một sự nôn nao không phải là không thú vị, một cảm giác đột ngột có vướng vất nỗi thèm muốn. Thằng da đen chăm chú với công việc, phùng đôi má nung núc thịt như thể đương hát thầm trong cái miệng rộng lớn cho mình mình nghe. Em tôi tựa vào đầu gối tôi, ngắm những ngón tay nó hoạt động với hai con mắt sáng lên vì thán phục. Ruồi nhặng bu đầy chung quanh, tiếng cánh vù vù cùng với hơi nóng cuốn sâu mãi vào hai lỗ tai chúng tôi.
Với một âm thanh mỗi lúc một mạnh hơn, ngắn hơn và sắc hơn, cái bẫy cắn vào sợi thừng bằng rơm thô kệch để ở giữa cho đến lúc cuối cùng thằng da đen cẩn thận đặt xuống đất, nhìn chúng tôi với đôi mắt lờ đờ, ướt át, tươi cười. Những giọt mồ hôi long lanh chảy xuống cái trán đen bóng của nó. Em tôi với tôi mỉm cười đáp lại. Vẫn mỉm cười, chúng tôi nhìn thật lâu vào đôi mắt dịu dàng của nó, y như chúng tôi đã nhìn mấy con dê hay mấy con chó săn. Trời nóng nực. Người ướt sũng trong hơi nóng, chúng tôi mỉm cười với nhau, như thể cái nóng kia là một cái gì khoan khoái hai anh em cùng chia sẻ với thằng da đen, đã buộc chặt ba đứa chúng tôi lại với nhau.
Một buổi sáng, người ta đưa ông Ký về, bùn đất lắm lem và ở cằm có máu chảy. Ông bị ngã ở trong rừng, lộn nhào xuống một triền dốc ngắn và nằm chỏng chơ ở đó mãi cho tới khi người lớn trong làng lên đồi làm việc thấy ông mà đỡ dậy. Cái khúc chỗ da dầy và cứng ở cái chân giả của ông nối vào bằng một vòng sắt bị cong lại, và không chịu ăn khớp nữa. Ông Ký nhìn vào đó bối rối trong lúc ông đầu làng chữa chạy cho ông. Ông cũng không buồn thông báo những chỉ thị ở tỉnh nữa. Mấy người lớn đâm bực bội, trong lúc trẻ con chúng tôi lại nghĩ rằng, nếu như ông tới để bắt thằng da đen đi, thì thà ông chết đói ở dưới đáy cái dốc kia còn tốt hơn. Nhưng thật ra ông Ký tới là để giải thích rằng chưa có chỉ thị nào của các nhà chức trách ở trên vùng xuống. Chúng tôi sung sướng và lấy lại được thiện cảm với ông Ký rất mau. Chúng tôi xách cái chân giả của ông và hộp dụng cụ xuống hầm.
Thằng da đen nằm xoài trên nền đất ẩm ướt, cất giọng trầm ấm ca một bài ca sống động lạ lùng khiến chúng tôi như bị thôi miên, một bài ca trong đó nỗi phiền muộn và niềm vui sướng đã hờm sẵn để chồm tới chúng tôi bất cứ lúc nào. Chúng tôi đưa cho nó coi cái chân giả bị hư. Nó đứng dậy, trừng mắt nhìn cái chân giả một lúc, rồi bắt tay vào việc không chậm trễ. Một tiếng kêu khoái trá lọt vào qua khung cửa trổ trên nóc hầm từ đám trẻ con đương ngó xuống. Sứt Môi, em tôi và tôi lớn tiếng cười cho đến khi nghẹt thở.
Đến chiều, khi ông Ký xuống hầm thì cái chân giả lại tốt như mới. Ông buộc cái chân giả vào khúc chân cụt ngắn ngủn và đứng dậy cùng với tiếng kêu mừng rỡ của lũ trẻ. Ông nhẩy lên mấy bậc thang và bước ra khoảng đất trống bên ngoài xem cái chân đi đứng ra sao. Hai tay níu kéo thằng da đen, chúng tôi dựng nó dậy và không chút ngập ngừng, như một thói quen đã có từ lâu, chúng tôi đưa nó ra ngoài cùng với chúng tôi.
Hai lỗ mũi rộng lớn của nó phồng ra trong lúc nó hít lấy hít để cái không khí mát dịu của buổi chiều hè — cái không khí đầu tiên trên mặt đất mà nó hút thở kể từ khi trở thành tù binh. Rất chăm chú, nó ngắm những bước đi thử của ông Ký. Mọi sự đều hoàn hảo. Ông Ký chạy lại và lôi từ trong túi ra một điếu thuốc mà ông vấn lấy bằng lá rau nghé. Thứ thuốc này vấn rất thô, hơi khói xông vào mắt làm nhức nhối và khiến ta nhớ tới một đám cháy rừng. Ông Ký châm điếu thuốc rồi đưa cho thằng da đen cao lớn. Thằng da đen từ từ rít một hơi, rồi rít mau hơn, bàn tay nắm lấy cổ họng ho sặc sụa. Ông Ký bối rối phác một nụ cười ân hận, nhưng lũ trẻ con chúng tôi thì cười ầm lên. Thằng da đen ngay người lại đưa bàn tay to lớn lên chùi nước mắt, rồi rút từ trong cái quần vải bó sát lấy đôi mông tròn lẳn ra một cái ống vố đen bóng và đưa cho ông Ký.
Ông Ký nhận món quà tặng, thằng da đen gật đầu hài lòng; một vạt nắng đổ xuống, rủ trên người họ những bóng tối tím thẫm của buổi chiều. Chúng tôi vây quanh họ, la hét tới đau cả cổ họng và cười lên như điên dại.
CHÚNG TÔI BẮT ĐẦU MỜI TÊN LÍNH da đen ra khỏi hầm và đưa nó đi dọc theo con đường trải đá xuyên qua làng. Việc này chúng tôi thường làm, và người lớn không than phiền gì cả. Mỗi khi gặp tên lính da đen đi trên đường giữa đám trẻ con chúng tôi, họ thường quay mặt đi chỗ khác tránh sang một bên, y như họ vẫn thường bước qua một bụm cỏ tránh lối cho con bò mộng của công nuôi ở nhà ông đầu làng.
Ngay cả những khi lũ trẻ mắc công chuyện trong nhà không thể tới thăm thằng da đen ở dưới hầm được, nó cũng vẫn thường lên khoảng sân trống bên căn nhà chứa đồ mà ngủ thiu thiu dưới bóng cây hoặc chầm chậm thả bộ dọc theo con đường làng, đôi vai cúi lom khom. Chuyện quen dần đến nỗi người lớn cũng như trẻ con, không ai còn một cảm tưởng kinh ngạc nào nữa. Thằng da đen đã trở thành một thành phần của sinh hoạt trong làng, không khác gì lũ chó săn, lũ trẻ con hoặc cây cối.
Đôi khi Cha thường trở về nhà lúc tảng sáng, mang bên mình một cái bẫy dài mà hẹp làm bằng mấy tấm ván đóng đinh rất thô sơ, bên trong lồng lộn một con chồn, cái mình mập mạp dài ngoẵng. Những hôm ấy tôi với em tôi thường phải mất trọn cả buổi sáng ngồi trên nền đất trống của căn nhà chứa đồ, giúp vào việc lột da, và hai anh em thường cầu mong thằng da đen tới coi chúng tôi làm việc. Mỗi khi nó tới chúng tôi thường nín thở quỳ hai bên Cha trong lúc người nắm chặt cái chuôi nhẫy bóng của con dao mổ vấy máu; và chúng tôi thường vì thằng da đen tới coi mà mong sao cho cái chết của con chồn lanh lẹ, bất trị kia được êm đẹp và việc lột da được khéo léo. Trong lúc bị chẹt cổ, con chồn thường tống ra một thứ mùi hôi thối khủng khiếp — một cử chỉ oán hận cuối cùng trong lúc giẫy chết. Một tiếng xé nhẹ khi lớp da bị lưỡi dao sáng mờ của Cha lách ra, và cuối cùng toàn thân nó cuộn trong một lớp thịt sáng long lanh, nằm phơi trần dưới mắt chúng tôi, nhỏ bé và tục tĩu. Khi chúng tôi đưa bộ ruột của nó ra đống phân, cẩn thận không để rơi rớt, ném đi và trở về chùi tay vào những chiếc lá cây to, bộ lông da con chồn đã được đóng đinh vào tường, phía bên trong lật ngửa ra, lớp mỡ và những mạch máu li ti lấp lánh dưới ánh mặt trời. Đôi môi chúm lại phát ra một tiếng kêu như tiếng huýt sáo, thằng da đen giương mắt nhìn những vết nhăn thành hình trên mặt lớp da trong lúc Cha đưa mấy đầu ngón tay to gẩy lớp mỡ đi cho mau khô. Và cuối cùng, khi thấy bộ lông da căng trên tường khô queo, như một đầu móng tay với những vết màu máu chạy trên đó như những đường xe lửa trên một tấm bản đồ, thằng da đen thường trố mắt kinh ngạc khiến cho em tôi và tôi cũng phải đâm hãnh diện vì cái tài khéo của Cha. Cả đến Cha đôi khi cũng ngừng công việc vẩy nước trên mấy miếng da để đưa ánh mắt thân thiện nhìn tên lính da đen. Những lúc ấy, tôi với em tôi với thằng da đen và Cha hợp nhất với nhau như thể người trong cùng một nhà quây quần quanh cái tài lột da chồn khéo léo của Cha.
Thằng da đen cũng thích ngó vô xưởng rèn nữa. Thỉnh thoảng, nhất là những khi Sứt Môi, cái mình trần lấp loáng trong ánh lửa, đứng phụ ông thợ rèn làm cuốc, trẻ con chúng tôi lại tới nhà ông thợ rèn với thằng da đen đi giữa. Khi ông thợ rèn lượm một miếng sắt đỏ hồng bằng mấy ngón tay phủ đầy than, và thọc sâu xuống nước, thằng da đen lại kinh ngạc la lên trong lúc lũ trẻ vỗ tay hoan nghênh. Chính ông thợ rèn cũng đâm hãnh diện và thường sử dụng cái phương pháp biểu diễn tài nghệ nguy hiểm này.
Thậm chí mấy người đàn bà cũng hết sợ thằng da đen và thỉnh thoảng chính họ lại còn tự tay đưa thẳng đồ ăn cho nó nữa.
Mùa hè đã lên tới độ gay gắt nhất mà vẫn chưa có chỉ thị nào của cơ quan chính quyền ở vùng tới. Người ta đồn rằng đô thị nơi đặt các cơ sở vùng đã bị phá hủy trong một vụ phi cơ oanh tạc, nhưng tiếng đồn này không có hiệu lực gì đối với chúng tôi. Không khí nóng nực hơn bất cứ thứ lửa nào có thể thiêu hủy một thành phố bao trùm lấy khu làng chúng tôi hết ngày nọ qua ngày kia. Chung quanh người thằng da đen, mỗi khi chúng tôi ngồi với nó trong căn hầm lặng lẽ, kín bưng, một cái mùi hôi nồng nặc, nhầy nhụa, có thể nói là ngột ngạt bắt đầu đè nặng — một thứ mùi phảng phất cái mùi thịt chồn thối rữa trên đống phân công cộng. Đó chính là nguồn giải trí thường xuyên cho chúng tôi, và chúng tôi thường cười lớn về chuyện đó cho đến khi nước mắt chảy cả ra; thế nhưng đến khi thằng da đen bắt đầu đổ mồ hôi thì cái mùi da của nó hôi hám quá sức khiến chúng tôi không thể nào ở gần nó được.
Một buổi chiều nóng nực, Sứt Môi đề nghị chúng tôi đưa thằng da đen ra chỗ suối nước công cộng trong làng. Ân hận vì đã không nghĩ ra việc đó từ trước, chúng tôi nắm lấy hai bàn tay dơ dáy, nhớp nháp của thằng da đen mà kéo lên thang. Lũ trẻ con tụ tập ngoài sân trống vây lấy chúng tôi với những tiếng la hét, và chúng tôi hùa nhau chạy trên con đường bỏng cháy dưới ánh mặt trời.
Chúng tôi cởi hết quần áo ra trần trụi như gà bị vặt lông, lột áo quần thằng da đen, rồi cùng với đám đông nhảy xuống giữa lòng suối, té nước lên nhau và bắt đầu la hét om sòm, say mê với cái sáng kiến mới mẻ nhất của chúng tôi. Thằng da đen ở trần to đến nỗi ngay cả ở chỗ lòng suối sâu nhất nước cũng chỉ vừa tới ngang hông nó. Mỗi khi chúng tôi té nước vào nó, thằng da đen thường kêu ré lên như một con gà mái bị vặn cổ và lại thọc đầu xuống dưới mặt nước. Nó ở nguyên dưới đó cho đến khi bắt buộc phải đứng dậy, vừa phun nước ra phì phì vừa la hét. Cái mình trần loáng ướt của nó phản chiếu những tia nắng gắt sáng lên như mình con ngựa ô; thật là hoàn hảo và đẹp. Chúng tôi té nước và la hét, được một chốc lũ con gái nhỏ tụ tập dưới bóng râm mấy cây sồi cũng vội vàng nhảy xuống nước nhúng những tấm thân gầy còm (…). Khi Sứt Môi nắm lấy một đứa và bắt đầu cái trò dơ bẩn, chúng tôi kéo thằng da đen qua và chỉ cho nó coi thằng Sứt Môi (…) từ một vị trí thuận lợi nhất. Ánh nắng gay gắt tung tóe khắp trên thân mình rắn rỏi của chúng tôi, nước nóng sôi lên và sáng lấp lánh. Sứt Môi cười, cái mặt đỏ gay, và khi xòe bàn tay ra đét vào đôi mông loáng ướt của một đứa con gái hắn cất tiếng la lớn. Chúng tôi cười đến phát đau; đứa con gái nhỏ khóc.
Đột nhiên chúng tôi thấy thằng da đen có một cái giống tuyệt vời, dũng mãnh, ngoạn mục và đẹp không thể nào tin được. Chúng tôi xúm quanh nó la hét, thân mình trần truồng ngả nghiêng va chạm nhau, thế rồi thằng da đen nắm lấy (…), lấy thế đứng táo tợn của một con cừu đực sắp sửa phóng tới và buông ra một tiếng gầm dữ dội. Chúng tôi té nước lên (…) thằng lính da đen và cười ngất cho đến khi nước mắt ràn rụa trên má. Thế rồi Sứt Môi nhảy ra khỏi mặt nước, trần truồng phóng đi và trở lại với một con dê cái giắt từ sân nhà người bán thực phẩm. Chúng tôi vỗ tay hoan nghênh cái ý kiến thần tình ấy. Thằng da đen há hốc cái miệng hồng hồng và la lên rồi múa may bước ra khỏi vũng nước (…). Chúng tôi cười như điên dại.
Chúng tôi coi nó như một thứ gia súc hiếm hoi, lạ lùng nào đó, một thứ súc vật siêu đẳng, tuyệt vời. Lúc này làm sao tôi có thể diễn tả lại được cái tình thương mến của chúng tôi đối với thằng lính da đen ấy, cái ánh nắng chập chờn vờn trên làn da dầy loáng ướt của nó buổi chiều hè xa xôi chói lòa ấy, những bóng tối thâm u trên làn đá mòn, cái mùi của lũ trẻ và thằng da đen, làm sao tôi có thể diễn tả cái nhịp nhàng phong phú của tất cả những thứ đó ?
Đối với chúng tôi lúc ấy thì dường như cái mùa hè của những bắp thịt trần lấp lánh — cái mùa hè như một giếng dầu chợt vọt lên xối xả tỏa xuống, bao phủ lấy chúng tôi bằng một lớp dầu khoái cảm đen đậm kia — sẽ tiếp tục mãi không cùng, không bao giờ có thể cùng được.
TỐI HÔM CHÚNG TÔI LÀM CÁI LỄ TẨY trần ấy, một cơn giông bão mịt mù bủa kín thung lũng, và mưa rơi suốt đêm. Sáng hôm sau trời vẫn còn mưa; em tôi, Sứt Môi và tôi phải bám lấy vách căn nhà chứa đồ khi đem thức ăn lại cho thằng da đen. Ăn xong, thằng da đen hai tay bó gối bắt đầu hát nho nhỏ. Chúng tôi xòe mấy ngón tay ra đứng bắt bụi mưa hắt vào qua khung cửa trổ trên nóc, trôi theo tiếng hát lớn dần lên của thằng da đen, trôi theo những bài ca uy nghiêm và trọng thể như biển cả. Lúc nó ngừng hát, mưa cũng không còn rắc bụi qua khung cửa. Nắm lấy cánh tay nó, chúng tôi kéo nó ra khoảng sân làng trong lúc nó vẫn tươi cười. Sương mù đột nhiên cuốn khỏi thung lũng, và cây cối hút đẫm nước mưa trong đám lá cành rậm rạp căng phồng lên như những con gà mái tơ. Mỗi cơn gió nhẹ thoảng qua, chúng lại đung đưa tung nhẹ những cánh lá ướt và những giọt nước mưa tạo thành những đường cầu vồng thoáng qua mau chóng. Ve sầu khởi sự bay vào đó. Chúng tôi ngồi thật lâu trên tấm đá ở ngay lối vào hầm, hít thở cái mùi thơm của cây cối đẫm nước trong hơi nóng ban ngày đương hồi lại giữa tiếng ve ran ran.
Quá trưa, lúc ông Ký cắp cái ô đi xuống lối mòn xuyên qua rừng tới nhà ông đầu làng, chúng tôi vẫn còn ở đó. Chúng tôi đứng dậy và dựa người vào thân cây mơ già hãy còn rả rích nhỏ giọt chờ cho ông Ký lò cò nhảy ra khỏi vùng tối đen của ngôi nhà để có thể ra hiệu cho ông. Nhưng chúng tôi chờ đợi hoài công vì ông Ký không xuất hiện. Thay vào đó, tiếng chuông báo động ở chái nhà ông đầu làng lại vang lên báo hiệu triệu tập cho người lớn đương làm việc ở dưới thung và trong rừng, và đàn bà, trẻ con từ những căn nhà sũng nước mưa cũng bước cả ra đường.
Tôi quay lại nhìn thằng da đen và thấy nụ cười đã rời bỏ màu sáng nâu trên gương mặt nó. Ngực tôi thắt lại với một nỗi bất an đột ngột. Bỏ mặc thằng da đen ở đó, tôi với em tôi và Sứt Môi chạy tới lối vào nhà ông đầu làng.
Ông Ký đương đứng yên lặng ở lối cửa, không để ý đến chúng tôi. Ông đầu làng khoanh chân ngồi trên khoảng sàn lót ván cao dường như đương trầm tư mặc tưởng. Cố gắng kiểm soát những điều chúng tôi hy vọng có lẽ cũng chẳng ăn thua gì, chúng tôi nóng nảy đợi cho người lớn họp lại. Dần dà họ từ ngoài đồng, rừng kéo về, trên người còn mang quần áo làm việc, đôi má xị xuống vì bực bội. Cha cũng trở về với một mớ chim nhỏ buộc chặt vào nòng súng.
Cuộc họp mới bắt đầu thì ông Ký đã làm tiêu tan mọi hy vọng của lũ trẻ khi giải thích bằng tiếng địa phương rằng người ta đã quyết định trao thằng phi công da đen cho các nhà chức trách vùng. Chính ra, ông nói, quân đội phải tới đưa nó đi, nhưng hình như quân đội đương lộn xộn và bất đồng ý kiến với nhau, vì thế họ yêu cầu dân làng đưa nó ra tới tỉnh. Đối với người lớn thì cái bất tiện duy nhất là việc đem thằng da đen đi nộp, nhưng trẻ con chúng tôi thì lại hết sức bàng hoàng và tuyệt vọng. Nếu họ đem thằng da đen đi nộp thì trong làng còn lại cái gì nữa? Chả còn cái gì hết, ngoài cái vỏ trống không của một mùa hè…
Tôi phải báo cho thằng da đen mới được. Tôi lách qua đám chân người lớn, chạy về chỗ nó đương ngồi ở khoảng sân trống trước căn nhà chứa đồ. Lúc tôi dừng lại trước mặt nó, thở hổn hển, thằng da đen từ từ ngửa đôi mắt to, mịt mờ lên nhìn tôi. Không thể diễn tả gì cho nó hiểu, tôi, tôi chỉ biết ngước nhìn nó với một vẻ buồn bã và thất vọng trộn lẫn. Hai cánh tay đặt trên đầu gối, nó nhìn vào mắt tôi như dò hỏi. Đôi môi nó căng tròn như cái bụng một con cá nước ngọt đầy trứng trễ ra, và nước bọt rỉ thành những dòng nhỏ lấp lánh trắng giữa hàm răng. Tôi quay lại thấy mấy người lớn có ông Ký dẫn đầu xuất hiện từ lối cửa tối đen nhà ông đầu làng và đương tiến về phía căn nhà chứa đồ.
Tôi nắm lấy vai thằng da đen đương ngồi mà lay lay và gọi nó bằng tiếng địa phương. Tôi muốn hết hơi vì thất vọng. Tôi làm gì được? Im lặng, thằng da đen để mặc cho cánh tay tôi lay mạnh, cái đầu to lớn của nó lăn từ bên này qua bên kia. Đầu rũ xuống vì mệt mỏi, tôi buông vai nó ra.
Bỗng dưng nó trỗi dậy, sừng sững trên đầu tôi như một tàng cây. Nắm lấy bắp tay tôi nó kéo tôi lại gần, và ép chặt lấy tôi vào người, nó chạy xuống mấy bậc thang ở hầm. Hết sức kinh ngạc, trong một lúc tôi chỉ biết ở yên ngó trân những hoạt động của đôi bắp vế rắn rỏi và những bắp thịt co thắt trên đôi mông của nó trong lúc nó lẹ làng đi lại quanh hầm. Thằng da đen hạ cánh cửa sập xuống, gỡ cái bẫy heo rừng vẫn còn lủng lẳng ở đó từ khi nó sửa lại, xích cái khoen thường dùng để cài then ở mặt trong cánh cửa sập vào với cây đỡ cánh cửa này từ trong tường phóng ra. Hai bàn tay nắm chặt lấy nhau, cái đầu hạ thấp, nó lại bước xuống mấy bậc thang. Khi tôi nhìn vào hai con mắt không còn thần sắc gì của nó, tôi nhận thấy rõ ràng là tên lính da đen đã trở thành con ác thú đen đủi thách đố mọi hiểu biết, đã trở thành cái chất độc tối nguy hiểm trước kia, lúc đầu tiên bị bắt mang về. Tôi ngước nhìn cái hình thù to lớn của nó, nhìn cái bẫy heo rừng khóa chặt cánh cửa sập rồi nhìn xuống đôi chân không bé nhỏ của mình. Sợ hãi và xúc động mạnh ào ào đổ xuống và xoáy tít qua ruột tôi. Tôi nhảy ra xa thằng da đen và đứng dựa sát lưng vào tường, nhưng nó vẫn ở giữa hầm, đầu cúi xuống. Tôi bặm chặt môi cố dập tắt cái run rẩy của đôi chân.
Mấy người lớn đã tới phía bên trên cánh cửa sập và bắt đầu lay cái bẫy heo rừng khóa chặt vào đó — lúc đầu còn nhè nhẹ, nhưng về sau họ giật mạnh với cái điên dại của một loài cầm thú đột nhiên bị tấn công. Thế nhưng cánh cửa sập bằng gỗ sồi dầy cộp — cánh cửa đã từng hết sức chắc chắn đối với mấy người lớn khi họ dùng để nhốt thằng phi công da đen ở dưới hầm — lúc này lại khóa chặt tất cả bọn họ ở phía ngoài: từ người lớn trong làng tới trẻ con, rồi cây cối và thung lũng.
Ngó lên khung cửa trổ phía trên, tôi thấy những khuôn mặt kinh hoàng của người lớn, những khuôn mặt được thay thế rất mau bằng những vừng trán vụng về xô đẩy nhau của những người khác. Tôi cảm thấy có một sự thay đổi đột ngột trong cách thức xử sự của mấy người lớn ở bên ngoài. Ban đầu họ còn la thét. Lúc này họ im lặng, và một nòng súng đe dọa thọc qua khung cửa trổ trên nóc hầm. Như một con thú lanh lẹ, thằng da đen nhảy tới chỗ tôi và ghì chặt lấy tôi để che cho mình khỏi họng súng. Rên rỉ vì đau đớn và giẫy giụa trong hai cánh tay thằng da đen, tôi nhận ra cái sự thật tàn ác: tôi đã bị bắt và là một thứ con tin. Thằng da đen đã biến thành «quân địch» trong lúc bên tôi la ó dữ dội ở ngoài cánh cửa sập. Giận dữ, tủi nhục và buồn bực vì bị phản bội chạy qua thân thể tôi, thiêu đốt nó như lửa. Tệ hơn hết, nỗi sợ hãi như một cơn lốc cuốn trào lên trong người tôi, đe dọa làm tôi nghẹt thở.
Bị mắc trong vòng tay thô bạo của thằng da đen, tôi sôi lên vì giận dữ và nước mắt đồng thời ứa ra. Thằng lính da đen đã bắt tôi làm tù binh.
Cái nòng súng được rút ra, tiếng la ó của người lớn to thêm, thế rồi một cuộc bàn luận thật lâu khởi sự ở bên ngoài khung cửa trổ. Vẫn còn bấu chặt lấy cánh tay tôi khiến nó đau điếng phát tê đi, thằng da đen rút vào trong một góc hầm chỗ không sợ bị bắn lén, và lặng lẽ ngồi xuống. Tôi bị kéo về phía nó cho đến khi, hệt như tôi đã làm khi chúng tôi còn thân thiện, tôi quỳ hai đầu gối trần bên nó, cái mùi mốc meo, nồng nặc từ thân thể nó bao phủ chung quanh. Mấy người lớn to nhỏ một lúc thật lâu. Thỉnh thoảng cha tôi lại ngó qua khung cửa trổ trên nóc hầm. Mỗi lần người gật đầu với đứa con của người bị bắt làm con tin, tôi lại khóc.
Ngọn triều bóng tối lan tới hầm đầu tiên, rồi tới khoảng sân trống bên kia khung cửa trổ. Khi bóng tối đã rơi xuống, người lớn lục tục ra về mỗi lúc một vài người, ném cho tôi mấy câu khuyến khích lúc họ bỏ đi. Trong một lúc thật lâu tôi còn nghe thấy tiếng bước chân của Cha bước ở phía bên ngoài khung cửa trổ, nhưng rồi đột nhiên vết tích cuối cùng của con người biến mất khỏi mặt đất phía bên trên, và đêm phủ ngập căn hầm.
Thằng da đen buông cánh tay tôi ra và đăm đăm nhìn tôi như thể bỗng dưng cái tình thân thiện mọi ngày giữa chúng tôi từ trước cho đến sáng hôm ấy lại trở lại với nó. Run run vì giận dữ, tôi cắm mặt nhìn xuống đất, hai vai bướng bỉnh nhô lên, cho đến khi nó xoay lưng lại tôi và ngồi bệt xuống, rúc cái đầu vào giữa hai đầu gối. Tôi còn có một mình, bị bỏ rơi như con chồn mắc bẫy, hoàn toàn tuyệt vọng. Thằng lính da đen không động đậy trong bóng tối.
Tôi đứng dậy, bước tới chỗ mấy bậc thang và đưa tay động tới cái bẫy heo rừng, nhưng nó lạnh ngắt và cứng, như muốn xua đuổi mấy ngón tay tôi và những mầm hy vọng chưa ra hình thể gì. Tôi như con thỏ trong rừng bị yếu dần và chết mà vẫn giương mắt nhìn những lưỡi sắt ngoạm chặt cái chân bị thương tích, không sao tin được những vùng sâu thẳm mà nó đã sa xuống hoặc cái bẫy đã bẫy được mình. Tôi bị giày vò khổ sở vì dại khờ đi tin thằng da đen như tin một người bạn. Nhưng nào có ai đã ngờ được cái thằng da đen to lớn, hôi rì, lúc nào cũng tươi cười kia?
Tôi bị rét run lên, hàm răng đánh lập cập. Bụng tôi bắt đầu đau. Tôi ngồi bệt xuống, ấn hai bàn tay vào chỗ bụng dưới và đột nhiên nhận thấy rõ rệt một điều hết sức phiền phức: tôi sắp sửa tháo dạ. Tình trạng đau đớn của những dây thần kinh cùng khắp trên thân thể tôi chỉ giúp thêm vào việc đưa tới chuyện đó. Tuy nhiên tôi không thể làm gì về việc đó trước mặt thằng da đen được. Tôi nghiến răng chống lại, mồ hôi vã ra trên trán. Tôi đau đớn chống cự lại cho đến khi cố gắng chống cự ấy lướt thắng cả nỗi sợ hãi của tôi.
Nhưng sau cùng tôi đành chịu thua. Tôi bước tới chỗ cái thùng gỗ — cái thùng gỗ đã khiến chúng tôi hết sức vui nhộn mỗi khi thằng da đen doạng chân ngồi trên đó — và kéo quần xuống. Đối với tôi, đôi mông tôi lột trần, trắng trẻo có vẻ yếu đuối vô cùng và không đủ che chở; xấu hổ dường như đã nhuộm đen hết mọi sự trong tôi, từ cổ họng xuống thực quản và tới ngay phía trong ruột tôi. Cuối cùng tôi lại đứng dậy và trở về xó hầm. Tôi cảm thấy mình tan nát, hèn hạ, nhục nhã vô cùng. Tôi ép sát vừng trán nhơ nhớp vào tường — tôi có thể cảm thấy hơi ấm của đất truyền qua đó — và khóc nho nhỏ. Đêm thì dài. Trong rừng một bầy chó hoang sủa. Không khí lạnh lẽo thêm. Quá mệt mỏi, tôi nằm lăn ra đất mà thiếp đi.
Lúc tôi thức dậy, lòng bàn tay thằng da đen còn nặng trĩu trên cánh tay hầu như tê đi của tôi. Cơn gió nhẹ lùa qua khung cửa trổ ở phía trên đưa vào một đám sương mù cuồn cuộn lẫn với những tiếng nói của người lớn. Tôi có thể nghe thấy cả tiếng cái chân giả của ông Ký kèn kẹt khi ông bước nữa. Được một lúc, giữa những tiếng ồn ào khác nổi bật lên tiếng một cây búa lớn nện xuống cánh cửa sập. Âm thanh nặng nề, mạnh mẽ vang vọng trong cái bụng đói của tôi, phóng ra những cái đau nhói.
Thình lình thằng da đen la lớn, nắm lấy vai tôi mà kéo dậy. Lôi tôi ra giữa hầm, nó giơ tôi lên cao cho người lớn ở bên ngoài khung cửa trông thấy. Tôi không thể hiểu được nó ra sức làm gì. Qua khung cửa trổ vô số những cặp mắt chăm chăm nhìn vào cái nhục nhã của tôi, trong lúc tôi lủng lẳng ở đó như một con thỏ. Giá phải đôi mắt đen, ướt của em tôi mà có trong số đó thì chắc hẳn tôi đã cắn đứt lưỡi vì xấu hổ. Nhưng tất cả những cặp mắt ở chỗ nhòm vào đều là của người lớn.
Tiếng búa nện mỗi lúc một dữ dội hơn. Thằng da đen hét lên một tiếng, và hai bàn tay to lớn của nó nắm lấy cổ họng tôi từ phía sau. Những móng tay cắm sâu xuống làn da mềm đau đớn, và sức ép mạnh trên trái yết hầu của tôi khiến cho tôi nghẹt thở. Tôi vung tay vung chân đập mạnh, ngả đầu ra đằng sau và rên rỉ. Hết sức hổ thẹn vì bị người lớn ở ngoài khung cửa trông thấy, tôi vùng vẫy cố thoát ra khỏi người thằng da đen lúc ấy đương ép sát vào lưng tôi, và dùng hai gót đá vào hai gót đá vào hai ống xương chân của nó. Nhưng hai cánh tay lông lá, to lớn của nó thật cứng và bướng bỉnh, và tiếng la thét của nó lớn hơn cả tiếng rên rỉ của tôi. Những khuôn mặt của người lớn lui dần từ phía bên kia khung cửa. Tôi đoán là họ đã nhượng bộ sự đe dọa của thằng da đen và chạy đi bảo những người khác thôi đập phá cánh cửa sập. Những tiếng kêu la của thằng da đen ngừng lại và sức ép như đá tảng đè trên cổ họng tôi nới ra. Tình cảm gần gũi và thương yêu người lớn của tôi trở lại.
Nhưng tiếng nện vào cánh cửa sập lại trở nên dữ dội hơn. Một lần nữa, những khuôn mặt của người lớn lại nhòm vào qua khung cửa và với một tiếng kêu lớn thằng da đen lại xiết chặt vòng tay quanh cổ họng tôi. Tôi cố thoát vòng tay ấy, nhưng đôi môi trên khuôn mặt vùng ra đằng sau của tôi chỉ mở ra méo mó và một tiếng kêu yếu ớt thoát ra, như tiếng kêu của một con thú nhỏ trong cảnh khốn cùng. Thế là cả người lớn cũng bỏ rơi tôi. Họ đi đập phá cánh cửa sập, mặc cho thằng phi công da đen bóp cổ tôi. Rốt cuộc, khi họ phá xong được cánh cửa có lẽ họ sẽ tìm thấy xác tôi, tứ chi lạnh ngắt, bị bóp cổ cho đến chết như một trong mấy con chồn của Cha mà thôi. Tôi sôi lên vì oán hận. Trong tuyệt vọng, tôi rên la vì nỗi nhục nhã ấy, đầu tôi hất ra phía sau, và nước mắt tuôn ràn rụa trong lúc tôi quằn quại và lắng tai nghe tiếng búa.
Tiếng ào ào xoáy tít của muôn vàn vòng bánh xe tràn ngập tai tôi, vang dội lại và máu từ lỗ mũi tôi chảy xuống má. Cánh cửa sập đã bị dập nát, những bàn chân đầy bùn đất xô tới — những bàn chân lông lá đến tận mấy đầu ngón — và căn hầm tràn ngập những người lớn xấu xí hầu như điên dại vì giận dữ. La lớn hết sức, thằng da đen cặp chặt lấy tôi vào người và lùi dần, lùi dần về phía vách hầm. Tôi cảm thấy lưng tôi và hai mông đít bị ép thật sát vào cái mình đầy mồ hôi, nhớp nháp của nó, và dường như có một luồng hơi nóng bỏng như một cơn giận dữ bất thần len qua giữa chúng tôi. Lòng tôi tràn đầy tủi nhục và một nỗi thù nghịch không che đậy giấu giếm, y như một con mèo bị bắt gặp trong lúc đương phủ: thù nghịch đối với những người lớn đương đứng yên lố nhố trên đầu mấy bậc thang, ngắm nghía nỗi tủi nhục của tôi; thù nghịch đối với tên lính da đen mà hai bàn tay to béo đương xiết quanh cổ họng tôi, những móng tay cắn vào làn da mềm mỏng, vây máu ra; và một nỗi thù nghịch tức tối, mơ hồ đối với bất cứ cái gì và hết mọi sự. Thằng da đen tru lên như một con chó. Âm thanh làm tê liệt hai màng tai tôi, và ở đó, trong căn hầm vào giữa lúc mùa hè gay gắt nhất, tôi thấy mình chìm dần vào một cảm giác tê mê sâu thẳm, mãn nguyện, gần như khoái lạc. Hơi thở dữ tợn của thằng da đen phủ lấy gáy tôi.
Từ đám người lớn cha tôi tiến lên, tay lăm lăm cây rìu. Hai mắt người giận dữ bốc cháy, nóng đỏ như hai mắt chó. Móng tay thằng da đen cắm sâu thêm vào cổ tôi. Tôi rền rĩ. Cha à tới phía chúng tôi, vung cái rìu lên. Tôi nhắm nghiền mắt lại. Nắm lấy cườm tay trái của tôi, thằng da đen lôi cánh tay tôi lên che đầu. Một tiếng hú bốc lên từ đám đông tụ tập trong hầm, và tôi nghe tiếng dập nát của bàn tay trái tôi và cái sọ thằng da đen. Trên làn da nhờn, bóng của cánh tay thằng da đen ở dưới cằm tôi, máu tung tóe xuống từng cục lớn. Người lớn đổ xô lại phía chúng tôi, và đúng lúc ấy tôi cảm thấy cánh tay thằng da đen lơi ra và một nỗi đau đớn bỏng cháy khắp người.
DẦN DÀ, BÊN TRONG MỘT CÁI BAO dẻo quẹo, dính chặt, đôi mu mắt hầm hập, cái cổ họng nóng bỏng và bàn tay bầm dập của tôi bắt đầu khít lại với nhau khiến cho thân hình tôi một lần nữa lại lành lặn. Tuy nhiên, tôi vẫn không sao chọc qua được cái màng dính nhem nhép ấy và thoát ra khỏi cái bao. Như một con chiên sinh non, tôi bị quấn trong một lớp bọc, ẩm ướt và lạnh lẽo bó lấy mấy đầu ngón tay. Tôi cũng không sao cựa mình được. Bấy giờ đương lúc ban đêm, và mấy người lớn đương trò chuyện chung quanh tôi. Thế rồi trời sáng, và tôi có thể cảm thấy ánh sáng ở bên ngoài mu mắt. Đôi khi một nỗi đau đớn quá sức dằn mạnh trên trán khiến tôi phát rên rỉ và cố vùng vẫy thoát ra nhưng đầu tôi vẫn không sao chuyển được.
Lần đầu tiên khi tôi mở được mắt ra thì trời lại sáng. Tôi nằm trên giường mình trong căn nhà chứa đồ. Ở trước cửa Sứt Môi và em tôi đứng trông chừng tôi. Tôi mở to hai con mắt và mấp máy đôi môi. Sứt Môi và em tôi đổ xô xuống cầu thang la lớn, và cha tôi cùng với người đàn bà bên tiệm thực phẩm chạy lên. Tôi bấy giờ đói lả, nhưng vừa khi Cha ấn bình sữa dê lên môi tôi, bỗng dưng tôi buồn nôn. Tôi la hét và bặm chặt môi khiến những giọt sữa lăn xuống họng, xuống cổ tôi. Tất cả mọi người lớn, kể cả cha tôi, tôi thấy không thể nào chịu nổi. Những người lớn đã nhe răng trắng ởn mà chồm tới tôi, vung những chiếc rìu lên, thật là kỳ dị, không sao hiểu nổi, chỉ khiến cho mình buồn nôn. Tôi la hét mãi cho đến khi cha tôi và những người khác ra khỏi buồng.
Thời gian trôi đi, và tôi cảm thấy cánh tay mềm mại của em tôi lặng lẽ chạm vào người tôi. Không thốt một lời, cĩng không buồn mở mắt, tôi lắng tai nghe nó nói giọng trầm trầm. Nó đã đi lượm hộ cành khô để hỏa thiêu thằng lính da đen nhưng ông Ký đã có lệnh đưa về truyền ngưng việc hỏa táng. Mấy người lớn liền đem cái xác tới một hầm mỏ bỏ phế ở dưới thung lũng để giữ cho khỏi thối, và họ đương dựng một hàng rào để ngăn chặn lũ chó rừng.
Nó đã tưởng là tôi chết rồi. Em tôi cứ nhắc đi nhắc lại điều đó với một giọng khiếp đảm. Trong hai ngày trời tôi nằm dài ra đó, không ăn uống gì hết, khiến nó cứ tưởng là tôi đã chết.
Trong hai bàn tay em tôi, tôi trôi vào một giấc ngủ, nó lôi cuốn tôi mãnh liệt, nó kéo hút tôi xuống mãi như chính sự chết vậy.
Vào buổi chiều tôi lại tỉnh dậy và lần đầu tiên nhận ra được một miếng vải quấn quanh bàn tay bị dập nát của tôi. Tôi nằm yên không động tĩnh một lúc lâu, chằm chặp nhìn cánh tay vắt qua ngực tôi sưng phù lên không sao nhận ra nổi. Trong buồng không có một người nào. Một cái mùi gớm ghiếc luồn vào qua cửa sổ. Tôi biết đó là mùi gì, nhưng trong người tôi không một nỗi buồn nào dâng lên.
Căn buồng dần dần tối và không khí thì lạnh ngắt. Tôi ngóc mình dậy trên giường và sau một hồi lâu chần chừ, buộc lại hai đầu miếng vải quấn quanh bàn tay dập nát và quàng lên đầu. Thế rồi, dựa người vào khung cửa mở, tôi nhìn xuống làng. Lớp không khí bên trên con đường lót đá, bên trên những căn nhà và cái thung lũng đỡ lấy chúng, tràn ngập mùi hôi thối từ cái thân xác nặng nề của thằng da đen đã chết bốc lên, tràn ngập cái tiếng kêu âm thầm của cái thây ma mỗi lúc một trương lên, bao trùm lấy thân thể chúng tôi và lan ra khắp trên đầu chúng tôi như trong một cơn ác mộng. Bấy giờ là nhá nhem tối. Màn trời, một màu xám long lanh nhuốm màu da cam từ bên trong rịn ra, rủ thấp và kéo sát xuống thung lũng.
Từ phía sau căn nhà chứa đồ, xuyên qua mùi xác thằng da đen, bốc lên tiếng la thét dữ dội của lũ trẻ. Cẩn thận từng bước một, đôi chân run rẩy như sau một cơn bệnh lâu ngày, tôi lần xuống những bậc thang tăm tối và theo con đường vắng vẻ bước về phía lũ trẻ đương la hét.
Bọn chúng xô đẩy nhau tụ tập trên cái sườn đồi cỏ mượt thoải xuống dòng suối ở mãi dưới lòng thung, và mấy con chó vừa chạy quanh chúng vừa sủa. Những người lớn thì ở dưới đáy thung lũng rậm rạp phía dưới sườn đồi, lo dựng một hàng rào thật chắc chắn để ngăn chặn lũ chó rừng khỏi vào được chỗ hầm mỏ nơi để xác thằng da đen. Tiếng cọc đóng xuống lòng đất nghe thình thịch. Mấy người lớn lặng lẽ làm việc, nhưng lũ trẻ con thỉ chạy loanh quanh và la hét vang lừng.
Ngả người trên một thân cây bào-đồng đã già, tôi ngắm lũ trẻ nô đùa. Chúng trượt xuống những sườn đồi cỏ mượt trên một chiếc xe trượt làm bằng đuôi cái tàu bay của thằng da đen. Cưỡi trên cái đuôi sắc cạnh trôi nổi lạ lùng ấy, chúng trườn trên lớp cỏ như những con thú con. Mỗi khi chiếc xe trượt sắp xô phải một trong những tảng đá đen trồi lên đây đó trên thảm cỏ, đứa nhỏ ở trên xe lại thò một bàn chân không đạp vào đám cỏ, rẽ sang một hướng khác. Lũ trẻ và chiếc xe trượt nhẹ đến nỗi lúc một đứa trong bọn kéo trở lên đỉnh đồi, lớp cỏ mà nó đánh dập khi lao xuống lại từ từ dựng đứng lên, xóa mờ hẳn dấu vết chuyến băng qua táo bạo của nó. Chúng thường trượt xuống la hét, bầy chó đuổi theo sủa, rồi chúng lại kéo cái xe trở lên. Dường như có một sự thú chí không sao kìm hãm được rạn nứt và phóng ra khắp chung quanh thân thể chúng.
Sứt Môi tách ra khỏi lũ trẻ và chạy tới phía tôi, miệng nhai nhai một sợi cỏ kẹt giữa hai hàm răng. Nó dựa lưng vào một gốc sồi đã đốn hình thù như thể cái chân nai và nhòm thẳng vào mặt tôi. Tôi quay đi chỗ khác và làm như đương chăm chú vào chuyện trượt xe. Sứt Môi vẫn nhìn chằm chặp vào cánh tay treo lên cổ tôi bằng một sợi dây thòng lọng và hít hít ầm ĩ.
«Thối», hắn nói. «Bàn tay mi bị dập thối kinh khủng, đúng không?»
Tôi quay lại nhìn vào hai con mắt Sứt Môi. Đôi mắt ấy lấp lóe thứ ánh sáng của đánh lộn, và hắn lấy thế đánh nhau, hai chân dạng ra, sẵn sàng chờ tôi tấn công. Nhưng tôi lờ đi; và thay vì chồm tới cổ họng hắn, tôi cất tiếng khàn khàn mệt mỏi như không thiết đến một chuyện gì nữa, «Không phải tao có mùi đâu. Mùi thằng da đen đấy.»
Sứt Môi nhìn tôi kinh ngạc. Tôi bặm môi, tránh đôi mắt của hắn và nhìn xuống những lá cỏ nhỏ bé chờm lên trên đôi mắt cá chân hắn. Hắn nhún vai khinh bỉ, nhổ mạnh nước miếng rồi chạy đi la lối gọi lũ bạn hắn đương chơi xe trượt.
Tôi không còn phải là một đứa trẻ con nữa… Ý nghĩ ấy tràn ngập tâm hồn tôi như một thứ mặc khải. Những trận «huyết chiến» với Sứt Môi, những đêm trăng sáng đi bắt chim, chiếc xe trượt, những con chó rừng — tất cả những thứ ấy đều là dành cho trẻ con. Giờ thì những lề lối của thế giới trẻ thơ ấy đã hoàn toàn xa cách tôi rồi.
Mệt mỏi, lạnh giá và run rẩy, tôi ngồi xuống mặt đất, nơi hơi ấm trong ngày hãy còn nấn ná. Khi tôi cúi mình xuống thì những người lớn, đương lặng lẽ làm việc, biến mất sau đám cỏ hoang rậm rạp mùa hè, trong lúc lũ trẻ con đột nhiên bật dậy, đen đủi in lên nền trời như lũ yêu quái.
«Ê, Nhái! Đỡ chưa mày?»
Một bàn tay khô và nóng từ phía sau ấn lên đầu tôi, nhưng tôi không hề nhúc nhích để quay lại hay đứng dậy. Khuôn mặt tôi vẫn hướng về phía lũ trẻ đương chơi trên sườn đồi. Tôi đưa mắt liếc xéo cái chân giả đen thui của ông Ký cắm sát ngay bên đầu gối trần của tôi. Nguyên một việc có mặt của ông Ký cũng đã làm cho cổ họng tôi khô đi.
«Tí nữa mày đi xe trượt chứ?» ông Ký hỏi. «Ấy đầu tiên tao cứ ngỡ là ý kiến của mày đấy.»
Tôi bướng bỉnh nín thinh. Lách cách cái chân giả ông Ký ngồi xuống, lôi ở trong cánh áo ngắn ra cái ống vố mà thằng da đen đã cho ông khi trước và nhồi chặt nõ điếu với một thứ thuốc riêng của ông. Một thứ mùi hăng hắc bốc lên làm nhức nhối những màng mỏng hai bên lỗ mũi tôi, một thứ mùi tựa như một cánh rừng với nhiều thứ cây khác nhau cùng bốc cháy, bao trùm lấy ông Ký và tôi trong cùng một lớp sương mù xanh nhạt.
«Chiến tranh mà đến thế này thì thực là khủng khiếp», ông nói. «Làm dập nát cả mấy ngón tay con trẻ…»
Tôi hít một hơi thật dài và vẫn im lặng. Chiến tranh, một thứ «huyết chiến» trên một quy mô rộng lớn, hẳn vẫn còn đương tiếp diễn. Chiến tranh, cũng như những trận lụt cuốn đi những đàn cừu và những bãi cỏ non xén thấp ở những miền đất xa xăm, đáng lẽ chẳng bao giờ được kéo tới làng chúng tôi mới phải. Thế mà nó đã tới, làm nát bấy những ngón tay và bàn tay tôi, khiến cho cha tôi phải khoa cái rìu lên, say trong máu của chiến tranh, và ở giữa tất cả những xô đẩy, ồ ạt đó tôi không làm sao thở được.
«Coi bộ cũng chẳng còn bao lâu nữa thì hết», ông Ký nghiêm trang nói như thể đương trò chuyện với một người lớn tuổi nào khác, «Mình đã cố liên lạc với quân đội ngoài thành phố nhưng lộn xộn quá làm không được, chả còn biết làm gì nữa.»
Tiếng búa vẫn còn vọng lên từ dưới lòng thung.
«Mấy người còn làm dữ, há», ông Ký vểnh tai nghe tiếng búa mà nói. «Thầy mày với mấy người kia cũng chẳng biết làm gì nữa, bởi thế mà phí ngày giờ đi đóng cọc.»
Chúng tôi im lặng ngồi nghe tiếng búa nện thình thịch vọng tới qua những lúc lũ trẻ bớt la hét, cười đùa. Được một lúc, ông Ký lần mấy ngón tay thành thạo gỡ cái chân giả ra. Tôi đưa mắt ngắm ông.
«Ê!» ông gọi với tới lũ trẻ. «Tụi bay đem cái xe trượt lại cho tao.»
Lũ trẻ ồn ào kéo cái xe lên. Ông Ký lò cò nhảy tới, lách qua đám trẻ đương xúm quanh cái xe, trong lúc tôi nhặt cái chân giả lên, cặp chặt lấy mà chạy xuống sườn đồi cỏ mượt. Cái chân giả ấy nặng lắm, ôm một tay thực khó và bực bội.
Lớp sương đầu tiên đã đọng trong đám cỏ rậm và thấm ướt đôi chân không của tôi. Những lá cỏ sắc đâm vào đôi chân ấy ngứa ngáy. Tôi ôm cái chân giả đợi ở dưới cuối sườn đồi. Bấy giờ trời đã tối. Chỉ còn có tiếng lũ trẻ trên đỉnh đồi khua động màn không khí mờ đục, tối tăm, mỗi lúc một thêm dầy đặc.
Tiếng la hét, cười đùa lại rộ lên lớn hơn, và thảm cỏ rung rinh nhè nhẹ: nhưng không thấy cái xe trượt rẽ qua lớp không khí nhớp nháp kia mà trườn tới phía tôi. Hình như tôi có nghe một tiếng thịch nặng nề, nhưng tôi vẫn ở yên không nhúc nhích, mắt chăm chú nhìn vào lớp không khí lúc hoàng hôn. Một phút im lặng ngắn ngủi, thế rồi tôi thấy cái đuôi máy bay trườn tới phía tôi, lăn lông lốc tới. Cái đuôi ấy trống không. Tôi liệng cái chân giả đi, cắm đầu chạy ngược lên bãi cỏ ẩm ướt.
Bên cạnh một tảng đá chồi lên mặt đất, ông Ký nằm ngửa mắt ngước lên trời, hai cánh tay rã sang hai bên mềm nhũn. Tôi cúi xuống, thấy máu đặc và đục lờ lờ từ hai lỗ mũi và hai lỗ tai trên khuôn mặt tươi cười của ông chảy ra. Tiếng rì rầm của lũ trẻ chạy xuống phía bãi cỏ tối tăm lớn dần át cả tiếng gió nhè nhẹ từ dưới thung lũng thổi lên.
Tôi không muốn bị lũ trẻ bao quanh nên bỏ xác ông Ký lại mà đứng dậy giữa đám cỏ. Bỗng dưng tôi đâm quen thuộc với cái chết bất ngờ, với những khuôn mặt khác nhau của sự chết, khi buồn bã, lúc tươi cười — hệt như những người lớn trong làng đã quen với chúng. Tôi đoán xác ông Ký sẽ được hỏa thiêu với chỗ củi mà họ đã lượm để hỏa thiêu người da đen. Nước mắt rơm rớm, tôi ngước nhìn khoảng trời trắng, hẹp nơi ánh tà huy còn nán lại, rồi vùng chạy xuống bãi cỏ kiếm em tôi.
Diễm Châu dịch