Search

28.12.22

ĐƯỜNG XƯA LỐI CŨ

chúng ta không có sai khi chúng ta nói rằng toàn bộ thế giới này chỉ là đường xưa lối cũ. 


Toàn bộ thế giới này chỉ là đường xưa lối cũ. Toàn bộ đời sống này chỉ là đường xưa lối cũ. Chúng ta đang lặp lại những thói quen mà chúng ta kế thừa từ tiền nhân. Chúng ta đang lặp lại thói quen, chúng ta đang đi lại con đường cũ của tiền nhân, tiền nhân là ai ta? Là bố mẹ là anh chị, là các bậc tiên hiền. Người Việt Nam nào dám phủ nhận trong người mình không có mấy ngàn năm văn hóa? Hiểu tôi nói không? Có người Việt Nam nào dám nói như vậy không? Có, ít nhiều mình cũng giữ lại trong người mình dấu vết của mấy nghìn năm văn hóa, trong đó có văn hóa Tàu, văn hóa Miên, văn hóa Việt, văn hóa Ấn, văn hóa Chàm.
Thế giới là những thói quen, thế giới là đường xưa lối cũ để người ta lặp lại những bước đi của người xưa. Thế giới này là những công trình được mọc lên từ đống tro tàn của quá khứ, từ những ngọn lửa hôm qua thì những hoa trái hôm nay nó mới được sinh sôi. Chúng ta đang đi trên những lối mòn mà chúng ta không biết. cái đó là tinh thần vừa là Đạo học vừa là Triết học của Phật giáo. Phật giáo nói rằng, mọi thứ luôn luôn ở trong tình trạng trôi chảy không ngừng. Cái sau nó thay thế cho cái trước, như một dòng chảy trên sông. Trường giang hậu lãng thôi tiền lãng trên con sóng ấy sóng sau đùa sóng trước và nhịp điệu đó nó được lăp đi lặp lại nhiều lần.
Nhịp điệu đó nó được lặp lại trên hai quy mô: quy mô lớn và quy mô nhỏ. Quy mô lớn đó chính là thế giới, là cộng đồng nhân loại, là các xã hội, đó là quy mô lớn. Còn quy mô nhỏ là sự lặp lại ở mỗi cá nhân thông qua các thói quen. Có hiểu không? Cho nên nếu mình nhìn kỹ lại là toàn bộ thế giới nó vận hành theo lối xưa, trong đó từng cá nhân đang từng bước lặp lại những lối xưa, mà tu hành là gì? Dầu chúng ta theo đạo nào không cần biết, cái chuyện đầu tiên đó là khi muốn phát triển đời sống tâm linh, chúng ta biết nghi ngờ con đường dưới chân của mình. Mình phải tự hỏi xem cái con đường dưới chân ấy, đúng, nó có thể là lối mòn, nhưng lối mòn ấy nó dẫn ta về đâu? Phải liên tục tra vấn, liên tục đặt dấu hỏi như vậy đó. Người ta nói một cách rất là thơ mộng rằng, mỗi tháng trời cho ta một cơ hội để tư duy mà bao nhiêu thế hệ nhân loại đã làm lơ cơ hội đó. Có nghĩa là mỗi lần trăng đầu tháng, mỗi vầng trăng sơ nguyệt, mỗi vầng trăng lưỡi liềm là một dấu hỏi treo trên bầu trời, mỗi lần nhìn thấy vầng trăng non trên bầu trời, tự hỏi mình : Con đường mình đang đi có đúng không? Cái lý tưởng mình đang theo đuổi có đúng không? Cái việc mình làm có đúng không? Cái đời sống của mình có vấn đề gì không? Tại sao chúng ta phải có những dấu hỏi đó? bởi vì đây chính là câu thần chú mà tất cả nhân loại phải nhớ, không riêng gì Đạo Phật, Đạo Chúa, Đạo Hồi, Đạo Ấn. Đây là câu thần chú tất cả chúng ta phải nhớ:
Vấn đề lớn nhất của chúng ta là không biết vấn đề nằm ở đâu.
...

ĐƯỜNG XƯA LỐI CŨ


Nguồn: bài giảng Hiện Hữu và Ly Khứ Duyên. Sư Giác Nguyên giảng.
Kalama tri ân bạn vuihtv ghi chép.
Nguồn ảnh: Kasahara May
---
ghi chú: Đó là nhà tù thứ 2.



Thống kê SÁCH đọc nhiều theo thời gian