Search

31.10.09

Dạ cổ hoài lang

Cao Văn Lầu, thường gọi Sáu Lầu, (22 tháng 12 năm 1892 - 13 tháng 8 năm 1976) là một nhạc sĩ và là tác giả bài "Dạ cổ hoài lang", một bài ca độc đáo và nổi tiếng nhất trong nghệ thuật cải lương Việt Nam.



Cuộc đời

Cao Văn Lầu sinh ngày 22 tháng 12 năm 1892 tại xóm Cái Cui, làng Chí Mỹ, sau sát nhập với làng Thuận Lễ trở thành xã Thuận Mỹ, huyện Vàm Cỏ, tỉnh Long An.

Khi Cao Văn Lầu được bốn tuổi (năm 1896), ông Chín Giỏi (chưa rõ tên thật, cha Cao Văn lầu) vì nghèo, vì bị áp bức nên đã cùng vợ và sáu đứa con nhỏ xuống ghe, tìm đất khác sinh sống.

Buổi đầu, ông Chín Giỏi đến tá túc trên đất của một người bà con ở Gia Hội (Bạc Liêu). Sau chín tháng đi làm mướn cật lực mà không đủ ăn, gia đình ông lại phải dời sang Xà Phiên (nay thuộc Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang), khẩn hoang làm ruộng. Khoảng một năm sau, hơn 40 công đất, nhờ khó nhọc mới có được, bị địa chủ chiếm lấy. Nhờ người giới thiệu, gia đình ông Chín Giỏi dọn về Họng Chàng Bè (Giá Rai, Bạc Liêu) để tiếp tục khẩn hoang, nhưng rồi số đất này về sau cũng về tay người khác.

Xót cảnh trắng tay của ông Giỏi, hương sư Chơn ở làng Vĩnh Lợi tổng Thạnh Hòa, cho ông cất một căn chòi lá ở trên đất công điền gần chùa Vĩnh Phước An (nay thuộc phường 2, thị xã Bạc Liêu). Ở đó, vợ chồng ông và các con phải đi làm thuê, đi câu để chạy ăn từng bữa.

Hòa thượng Minh Bảo (? - 1912), trụ trì chùa Vĩnh Phước An, thấy gia đình ông Chín Giỏi vất vả quá mà không đủ ăn, nên đề nghị cho Cao Văn Lầu, lúc đó mới 8 tuổi, vào chùa ở để chia sẻ gánh nặng. Kể từ đó chú bé Lầu, vừa kinh kệ, vừa được nhà sư dạy cho chữ Nho.

Năm 1903, nhờ cha đến xin, Cao Văn Lầu được phép trở về nhà để học chữ Quốc ngữ. Nhưng chỉ học đến "lớp nhì năm thứ hai" (Cours moyen 2e année) tức lớp 4 ngày nay, thì ông Lầu phải thôi học vì nhà gặp thêm cảnh khó: anh đi ở rể, chị lấy chồng, cha già yếu... Vậy là, năm 15 tuổi (1907), Cao Văn Lầu phải thay cha và anh chị đi làm những việc nặng nhọc để nuôi gia đình.

Lúc bấy giờ tại xóm Rạch Ông Bổn có một thầy đàn nổi tiếng tên Lê Tài Khí, tục gọi Hai Khị hay Nhạc Khị. Ông thầy này bị mù cả hai mắt thêm có tật ở chân[1], nhưng ngón đàn của ông thật điêu luyện[2].

Năm 1908, Cao Văn Lầu nhờ cha dẫn đến thầy Hai Khị để xin học đàn mỗi đêm. Nhờ yêu thích và siêng năng, ông mau chóng sử dụng thành thạo các loại nhạc cụ như đàn tranh, cò, kìm, trống lễ; và trở thành một nhạc sĩ nồng cốt trong ban cổ nhạc của thầy.

Năm 1912, ông bắt đầu đi hát với Sáu Thìn và cô Phấn với bài Tứ đại oán Bùi Kiệm thi rớt.

Năm 21 tuổi (1913), Cao Văn Lầu vâng lệnh cha mẹ đi cưới vợ, đó là cô Trần Thị Tấn, một cô gái nết na ở điền Tư Ô (Chung Bá Khánh).

Khoảng thời gian này, ông sáng tác được một bản ngắn mang tên Bá điểu, sau đổi lại Thu phong, gồm tám câu nhịp bốn. Sau nữa, bản nhạc này được soạn giả Trịnh Thiên Tư đặt thêm lời ca và có tên mới là Mừng khi gặp bạn.

Năm 1917, ông sáng tác thêm một khúc gồm 22 câu, theo một chủ đề của thầy Nhạc Khị đề xướng là "Chinh phụ vọng chinh phu" (chủ đề được rút ra từ bản Nam ai "Tô Huệ chức cẩm hồi văn") nhưng chưa kịp sửa chữa và trình thầy thì gặp nghịch cảnh đau lòng. Vợ ông đã ba năm mà vẫn chưa có dấu hiệu thai nghén, theo tục xưa, cha mẹ buộc ông phải trả vợ về nhà cha mẹ ruột.[3]

Khoảng một năm sau, trong tâm trạng nhớ thương vợ, bản nhạc trên được đem ra soạn lại. Nghe bạn đồng môn tên Ba Chột góp ý, ông bỏ bớt 2 câu trùng lắp, bài nhạc còn chẵn 20 câu nhịp đôi.

Tết Trung Thu năm 1918 (15 tháng 8 âm lịch năm Mậu Ngọ, nhằm ngày 19 tháng 9 năm 1918)[4], ông cùng các bạn đến thăm thầy, luôn tiện trình bày bản nhạc chưa có tên trên. Nghe xong, thầy Nhạc Khị hết sức khen ngợi.

Đêm đó có nhà sư Nguyệt Chiếu cùng tham dự, thầy Nhạc Khị liền nhờ nhà sư đặt tên cho bản nhạc. Nhà sư nói:"... tuy nhạc và lời ca còn vài điểm bất nhất, nhưng cái chung vẫn diễn tả được tâm tư của nàng Tô Huệ[5]. Vậy cứ theo tích này mà đặt tên cho bài là "Dạ cổ hoài lang" (Nghe tiếng trống đêm nhớ chồng)." Kể từ đêm đó, bài ca này được loan truyền nhanh chóng.

Năm 1919, ông Lầu làm nhạc công trong gánh hát cải lương của Ba Xú (Bạc Liêu).

Cách mạng tháng Tám thành công, ông tham gia Mặt trận Liên Việt ở ấp Vĩnh Phước, xã Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu.

Năm 1947, ông nhận nhiệm vụ đặc biệt là cứu và đã cứu được một số cán bộ bị thực dân Pháp bắt.

Từ 1918 đến năm 1974, ngoài bản "Dạ cổ hoài lang", mà sau này phát triển thành bản "vọng cổ", làm thay đổi một phần bộ mặt cải lương; ông Cao Văn Lầu còn sáng tác thêm 10 bản nữa, nhưng đa phần chỉ lưu hành ở Bạc Liêu.

Ông mất lúc 13 giờ ngày 13 tháng 8 năm 1976 tại Thành phố Hồ Chí Minh, thọ 84 tuổi.

cao văn lầu, Dạ cổ hoài lang, 


29.10.09

Hương hoa sữa

Phan: cuộc sống xô bồ không cho ta khoảnh khắc mà chui về ngày xưa ấy ; hôm nay dù rất mệt nhưng cũng cố lang thang về miền miền ấy cái miền không bao giờ có được trải nghiệm như vậy. Cái miền vắng tanh thoang thoảng ; đặc rật mùi hoa sữa
Phan: cái miền chỉ có gió,cây và sự cô đơn đến say mèm. Cái miền chỉ có rượu, tuổi trẻ, và sự trong trắng vô ưu của thằng con trai với tâm trạng của kẻ xa nhà Cố tìm 1 bản nhạc cho hợp với tâm trạng lúc này nhưng không thể

Thì cứ thả mình cho hương sữa cuối thu đi. Hương hoa sữa sẽ theo bạn đến những chốn xa của cổ tích. Nhưng nhớ là con đường dãy phố Thủ đô sẽ chẳng còn gì là thi vị, nếu như không có hương hoa vẫy gọi ta về...
Đêm. Phải đứng ra xa một chút mới cảm nhận hương vị loài hoa này. Rất dễ trở nên thất vọng nếu như chúng ta đứng dưới gốc cây. Khi hoa đã tỏa hương, thì tốt hơn hết các loài hoa khác đừng nên tỏa hương cùng. Hoa sữa khiêm nhường tới mức độ có thể, vào ban ngày mà thôi. Nhưng để khẳng định mình, nó quyết liệt và mạnh mẽ đến không ngờ. Nó khiến cả một dãy phố, con đường ngây ngất, thậm chí mất ngủ vì hương thơm nồng nàn của mình.

Những cơn mưa tháng tám lất phất và ào ạt hình như giúp cho hàng cây xanh mướt dọc các con phố yên ả, hiền lành bật ra các chùm nụ màu cẩm thạch nhạt, trang nhã, lăn tăn, li ti, và khi đêm phủ bức màn voan đen trong suốt thì xoè nở những cánh mỏng bé xíu trắng dịu toả hương ướp cả không gian, quyện chặt mọi vật trong mùi thơm nồng nàn...Hoa sữa - Loài hoa riêng của nỗi nhớ em – mối tình ngày xưa ấy.

Hoa sữa cũng vậy. Người xưa đã biết trân trọng để trồng thi thoảng trên những góc đường trầm tư của đất Hà Thành. Rồi bỗng một ngày, một vài nghệ sĩ tâm hồn dễ rung động như lá phát hiện ra mùi thơm nồng nàn của loài hoa này và chợt thấy trống vắng nhiều nhiều nếu Hà Nội không có mùi hoa sữa. Những kỷ niệm cũng được tẩm ướp hương hoa sữa. Hoa sữa đã đi vào tâm thức và trở thành nỗi nhớ cồn cào của người đi xa. Trong gió thu. Trong se lạnh. Trong trái tim nhìn hoa không thấy chỉ là hoa mà còn là một nỗi rưng rưng cảm hoá.
Trong cái sương lạnh của trời thu heo may gật gù, không gian thoáng hơn, như cao hơn, xanh hơn. Đó là mùa của hoa sữa. Cũng như hoa dạ hương dịu dàng tỏa hương đâu đây trên một hiên nhà nào đó, hoa sữa cũng chỉ thơm về đêm. Khi mọi người hoạt động ban ngày lắng xuống, tâm hồn con người trở lên nhẹ nhàng thư thái hơn. Và chỉ lúc ấy thôi, lòng người mới cảm nhận được hết mùi thơm của loài hoa kỳ diệu này. Thứ hương đêm ngọt ngào và tình tứ làm sao.Trên những đường phố của Hà Nội như Nguyễn Du, Bà Triệu, Hùng Vương... khi đến mùa, hoa sữa nở đầy cây. Trắng đến nao lòng. Hương hoa sữa thơm hết mình, ban phát mùi hương một cách hào phóng. Hoa có đòi hỏi gì không khi thơm hết cạn lòng như thế? Trong lòng đang u uất, cảm xúc đang bị dồn nén, lúc đó hãy đi và cảm nhận. Hoa sữa thơm nồng nàn đó chính là sự an ủi dịu dàng và cũng là khát khao được đồng cảm, được xẻ chia một cách chân thành của loài hoa giản dị khiêm tốn. Hương hoa sữa còn ấp ủ trên tóc, trong áo lạnh, cho đến khi về đến nhà hương hoa còn vương vấn đâu đây.
Đi trên con đường đầy kỷ niệm, đi thật chậm và hít thật sâu. Những hoài niệm xa xôi của một thời tươi đẹp lại dội về.

Đi trong lối cũ, đắm chìm trong hương hoa, bỗng thèm khát đến cháy lòng được trở lại cái thời yêu thương đó. Những lo toan mệt mỏi cuộc sống thường ngày nhiều khi cuốn ta đi quá xa, làm cho ta quên hẳn một thời mình đã yêu hoa sữa

27.10.09

CIO - ANH LÀ AI ?


CIO (giám đốc công nghệ thông tin) ngày nay phải đóng vai trò như thế nào ? Tính cách nào giúp họ thành công ? Nhiệm vụ cụ thể của họ là gì ? Đây là những câu hỏi đã ám ảnh các giám đốc này trong hai thập kỷ qua.





Đây là những câu hỏi đã ám ảnh các giám đốc này trong hai thập kỷ qua. Vị trí của một CIO hiện nay đang đi theo hai hướng - hoặc là một nhà lãnh đạo chiến lược dùng công nghệ thông tin (CNTT) để phát triển doanh nghiệp ; hoặc là người trông coi các hệ thống thông tin mà mục đích chủ yếu là quản lý việc giảm giá thành nhờ CNTT. Theo chúng tôi, một CIO phải là một nhà lãnh đạo chiến lược.
Vai trò của một CIO lý tưởng - người đem lại lợi ích lớn nhất cho doanh nghiệp, được xác định bởi những trách nhiệm, kỹ năng cụ thể. Dựa vào nghiên cứu của nhiều công ty, phỏng vấn các CIO của các công ty thành đạt, chúng tôi xin vẽ ra chân dung một CIO của một công ty giả định như sau :
Công ty
Công ty giả định này có quyết tâm giành và giữ được vị trí hàng đầu trên thị trường nhờ một chiến lược kinh doanh chú trọng vào sự khác biệt mang tính cạnh tranh và sự tôn trọng khách hàng. Công ty ý thức được rằng nhân viên là tài sản quý nhất và tri thức, thông tin là cực kỳ quan trọng để đi đến thành công.
Vai trò
Người CIO thúc đẩy sự phát triển, biết xây dựng những hệ thống, dịch vụ cũng như cấu trúc công nghệ làm chỗ dựa cho chiến lược kinh doanh. Anh ta chịu trách nhiệm bảo đảm chiến lược công nghệ phù hợp và gắn kết với chiến lược và mục tiêu của công ty cũng như của các đơn vị phòng ban.
Vị trí
Người CIO là thành viên của ban lãnh đạo công ty, tham gia vào mọi nhiệm vụ và chịu trách nhiệm đầy đủ. Ngoài ra, CIO phải hình thành ban lãnh đạo CNTT (có sự tham gia của các lãnh đạo chủ chốt của doanh nghiệp) nhằm ưu tiên những sáng kiến kinh doanh dựa vào đòn bẩy công nghệ. Ban này báo cáo trực tiếp cho hội đồng quản trị về những vấn đề then chốt liên quan đến lợi thế cạnh tranh, rủi ro hoạt động.
Người CIO báo cáo trực tiếp với tổng giám đốc điều hành nhưng cũng làm việc chặt chẽ thường xuyên với các thành viên khác như phó tổng giám đốc hay giám đốc sản xuất.
Nhân viên
Phù hợp với quy mô và cấu trúc của công ty, nhân viên CNTT nằm rải rác ở các đơn vị phòng ban nhưng lại báo cáo trực tiếp cho CIO. Người CIO cũng trực tiếp quản lý một số nhân viên chủ chốt cung ứng những dịch vụ liên quan đến toàn công ty.
Trách nhiệm
Là người đứng đầu tổ chức CNTT, giám đốc có trách nhiệm với mọi khía cạnh hoạt động công nghệ thông tin của doanh nghiệp. Trách nhiệm này chủ yếu thuộc ba lĩnh vực.
1. Lĩnh vực CNTT then chốt : Bao gồm việc xác định quy mô cơ sở hạ tầng, cấu trúc và các chuẩn mực, phát triển và duy trì các ứng dụng, tích hợp và quản lý dữ liệu.
2. Ứng dụng kinh doanh : Người CIO phải nắm chắc mọi ứng dụng ở mức doanh nghiệp và mức phòng ban, phải là chuyên gia đối với các ứng dụng thiết yếu trong khi biết phân cấp cho nhân viên bên dưới các trách nhiệm hàng ngày khác.
3. Lĩnh vực hoạt động doanh nghiệp : Bao gồm các quy trình hoạt động của doanh nghiệp, vấn đề bảo mật và riêng tư, quản lý rủi ro và cải tiến chất lượng. Người CIO phối hợp với các lãnh đạo khác để đề ra chủ trương thích hợp cũng như cung cấp các công cụ và hệ thống cần thiết để thực hiện các chủ trương này.
Bộ máy của người CIO phải chịu trách nhiệm chọn lựa, phê duyệt và quản lý mọi sản phẩm và dịch vụ CNTT chủ chốt, kể cả các quy trình cần có sự hỗ trợ của bộ phận công nghệ thông tin.
Người CIO phải quản lý bộ phận của mình theo cách hữu hiệu, tiết kiệm và minh bạch nhất, luôn luôn so sánh giá với các nhà cung cấp khác nhau.
Ngoài ra, CIO cũng phải hỗ trợ phòng nhân sự để giúp họ đánh giá, cất nhắc nhân viên có năng lực.


Chọn ai làm CIO ?

Để hoàn thành nhiệm vụ khá nặng nề của mình, một CIO phải có nhiều năm kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực và nhiều kỹ năng khác nhau để quản lý công nghệ, doanh nghiệp và con người.
Ứng viên vào chức vụ này phải có căn bản công nghệ, có kinh nghiệm cả về cơ sở hạ tầng lẫn phát triển ứng dụng, bổ sung bằng kiến thức kinh doanh. Kiến thức này phải liên quan đến môi trường hoạt động của doanh nghiệp.
Ứng viên cũng phải có sự nhạy bén về tài chính và kế toán, biết chọn lựa ưu tiên khi có nhiều yêu cầu khác nhau.
Kỹ năng
Người CIO phải có khả năng hình dung và nói rõ vai trò của CNTT trong việc thúc đẩy cải tiến, tạo ra sự khác biệt, trung thành với khách hàng, giúp doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả. Các kỹ năng giao tiếp và làm việc với người khác là rất thiết yếu. Tương tự, các kỹ năng lãnh đạo và quản lý cũng quan trọng không kém, bao gồm khả năng động viên nhân viên, hướng dẫn, biết phát hiện người giỏi và khuyến khích tinh thần làm việc theo nhóm.
Sau cùng, cá tính và nhận thức giá trị của ứng viên phải phù hợp với văn hóa và nguyên tắc chủ chốt của công ty.




(Theo tạp chí CIO)







20.10.09

Đơn giản hãy gọi người là Mẹ

Có một đứa bé sắp chào đời. Nó bèn hỏi Thượng Đế:

Mẹ

- Họ nói ngày mai Người sẽ đưa con xuống trần gian, nhưng làm sao con sống nổi ở đó khi mà con quá nhỏ bé và bất lực như thế này?
Thượng Đế đáp:
- Trong số những thiên thần, ta đã chọn cho con một người. Thiên thần của con sẽ đợi con và săn sóc con chu đáo.
Đứa bé lại nài nì:
- Nhưng này con không phải làm việc gì ngoài ca hát và vui cười hạnh phúc chứ?
Thượng Đế đáp:
- Thiên thần của con sẽ hát cho con nghe và cũng sẽ tươi cười với con mỗi ngày. Con sẽ cảm nhận được tình thương của người dành cho con và con sẽ thấy rất hạnh phúc.
Đứa bé lại hỏi:
- Và làm sao con có thể hiểu được khi họ nói chuyện với con bằng một ngôn ngữ mà con chưa hề biết đến?
Thượng Đế trả lời:
- Thiên thần của con sẽ nói với con bằng những ngôn từ nhẹ nhàng và đẹp đẽ nhất mà con chưa từng được nghe, đồng thời với sự nhẫn nại và cẩn trọng, thiên thần của con sẽ dạy con biết nói.

- Con nghe nói chốn trần gian lắm kẻ xấu xa. Ai sẽ bảo vệ con?
- Thiên thần của con sẽ hộ trì con ngay cả khi điều đó đe dọa đến tính mạng của người.
- Nhưng con sẽ rất buồn vì không còn được nhìn thấy Ngài nữa.
- Thiên thần của con sẽ luôn nói với con về Ta, và dạy con cách thức quay về với Ta dù rằng Ta luôn cận kề con.
Vào giây phút đó, ở nơi thiên đường ngập tràn an lạc nhưng người ta vẫn có thể nghe thấy những tiếng gọi vang vọng từ cõi thế, và đứa bé vội vàng hỏi Thượng Đế:
- Thưa Ngài, nếu con phải đi ngay bây giờ, xin hãy cho con biết tên thiên thần hộ mạng của con.

- Tên của người không quan trọng, con chỉ đơn giản gọi người là “Mẹ”.


nguồn :http://www.tmexevn.com/blog/don-gian-hay-goi-nguoi-la-me/#more-56



15.10.09

Con đã từng được sống, con rất ngoan

Nội dung
bài viết này cũng khá lâu rồi nhưng tình cờ đọc được bài viết của Mr.siro , mình cảm thấy rất buồn và nhớ lại câu chuyện của 1 bé gái người TQ này .....

"Con đã từng đến trong đời này, và con rất ngoan! "Đấy là lời nói cuối cùng của một em bé tám tuổi, và được khắc lại trên bia mộ em.

"Con đã từng đi qua cuộc đời này! Và con rất ngoan!"

Cô bé Xa Diễm tám tuổi, đôi mắt đen lóng lánh và một trái tim thơ ngây non nớt, Xa Diễm mồ côi, cô bé chỉ sống trên đời vẻn vẹn 8 năm, câu cuối cùng cô nói là một lời thanh minh non nớt: "Con đã từng được sống! Và con rất ngoan!". Xa Diễm hy vọng được chết vào mùa thu. Thân thể gầy gò của em giống một bông hoa nở theo mùa. Khi hoa vàng nở khắp mặt đất và những chiếc lá rơi chao liệng khắp nơi, em sẽ thấy cả những đàn nhạn di cư bay ngang trời xa.

Em tự nguyện bỏ điều trị, và dùng toàn bộ 540 nghìn Nhân dân tệ (gần 1,1 tỷ đồng tiền VN) để chia thành 7 phần, mang sinh mệnh chính mình chia ra thành những phần bánh hy vọng tặng cho bảy người bạn nhỏ đang chiến đấu giữa lằn ranh của sự sống và cái chết khác.

"Tôi tình nguyện từ bỏ điều trị"


Xa Diễm không biết ai là cha đẻ của mình, em chỉ có "cha" là người thu nhận em về nuôi nấng.

Ngày 30/11/1996 (20/10 âm lịch), "cha" Xa Sĩ Hữu phát hiện một hài nhi mới sinh bị vứt bỏ đang thoi thóp và lạnh toát trong đống cỏ bên chân một cây cầu nhỏ ở thị trấn Vĩnh Hưng, ngực hài nhi cài một mẩu giấy nhỏ, chỉ ghi vắn tắt "20 tháng 10, 12 giờ đêm".

Khi đó, cha Xa Sĩ Hữu tròn 30 tuổi, nhà ở tổ 2, thôn Vân Nha, thị trấn Tam Tinh, huyện Song Lưu, tỉnh Tứ Xuyên. Vì nhà nghèo quá, không cưới được vợ, nếu cha nhận nuôi thêm đứa trẻ này, có lẽ càng chẳng báo giờ có cô nào chịu lấy cha nữa. Vì vậy, nhìn đứa trẻ còi như con mèo bé vừa khóc vừa ngáp ngáp thút thít, Xa Sĩ Hữu mấy lần nhặt lên rồi lại đặt xuống, bỏ đi rồi lại ngoái lại nhìn, đứa bé thân mình đầy bùn đất lạnh, tiếng khóc yếu ớt, nếu không ai cứu, chả mấy mà đứt sinh mệnh! Cắn răng, anh ôm đứa bé lên lần nữa, thở dài nói: "Thôi thì tao ăn gì, mày ăn nấy!".



Xa Sĩ Hữu đặt tên cho đứa bé là Xa Diễm, vì bé sinh ra vào mùa thu, đúng mùa thu hoạch mùa màng hoa trái đủ đầy. Đàn ông một mình làm bố, không có sữa mẹ, cũng không có tiền mua sữa bột, đành bón con những thìa cháo hoa. Vì thế, Xa Diễm từ nhỏ đã còi cọc, yếu đuối, lắm bệnh, nhưng là một đứa trẻ vô cùng ngoan và hiểu biết. Xuân đi xuân lại, Xa Diễm như bông hoa nhỏ trên dây Khổ Đằng, lớn khôn dần, vô cùng thông minh và ngoan ngoãn.

Hàng xóm đều nói, những đứa trẻ bị bỏ rơi được nhặt về nuôi, bao giờ trí óc cũng khôn ngoan thông minh hơn người. Và mọi người đều yêu Xa Diễm. Dù em từ nhỏ đã hay bệnh tật liên miên, nhưng trong sự nâng niu xót thương của cha, em cũng lớn lên dần.

Những đứa trẻ số phận đau khổ thường khác người. Từ lúc 5 tuổi, em rất biết ý thức giúp cha làm việc nhà, giặt giũ quần áo, nấu cơm, cắt cỏ em đều biết làm thành thạo. Em biết thân phận mình không được như những đứa trẻ con nhà người khác, trẻ con hàng xóm có bố có mẹ, nhà mình chỉ có cha. Gia đình nhỏ này do hai bố con lụi hụi chống đỡ xây đắp, em cần phải thật ngoan thật ngoan, không để cha lo lắng thêm chút nào, hoặc giận em một lần nào.

Vào học lớp Một, Xa Diệm biết mình phải cố gắng. Em xếp thứ Nhất trong lớp, làm người cha mù chữ của mình cũng mở mày mở mặt với làng xóm. Em chưa bao giờ để cha phải thất vọng. Em hát cho cha nghe, kể những chuyện vui vẻ ở trường cho cha nghe, những phiếu bé ngoan hay hoa điểm tốt em đều dán lên vách tường. Đôi khi em bướng bỉnh ra những đề bài khó để bắt cha phải giải được... Mỗi lúc nhìn thấy cha cười, em đều vui sướng.

Dù con không có mẹ, nhưng con có thể sống vui vẻ cùng cha, đó là hạnh phúc!



Lần đầu tiên trong đời được uống sữa, ảnh chụp sau khi Xa Diễm quay lại bệnh viện với số tiền được quyên góp giúp đỡ.


Tháng 5/2005, Xa Diễm thường bị chảy máu cam. Một buổi sáng ngủ dậy định rửa mặt, đột ngột em phát hiện cả chậu nước rửa mặt đã biến thành màu hồng. Nhìn kỹ, là máu mũi đang nhỏ giọt xuống, không cầm máu được. Không còn cách nào khác, Xa Sĩ Hữu mang con đi tiêm ở bệnh xá địa phương, nhưng không ngờ, một vết mũi tiêm bé tí xíu cũng chảy máu mãi không ngừng. Trên đùi Xa Diễm cũng xuất hiện nhiều "Vết châm kim đỏ". Bác sĩ nói, "Mau lên bệnh viện khám ngay!", đến được bệnh viện Thành Đô, đúng lúc bệnh viện đang đông người cấp cứu, Xa Diễm không lấy được số thứ tự xếp hàng khám. Xa Diễm ngồi một mình ngoài ghế dài, tay bịt mũi, hai đường máu chảy thành hàng dọc từ mũi xuống, nhuộm hồng cả nền nhà, cha em cảm thấy ngại ngùng, chỉ biết lấy cái bô đựng nước tiểu để hứng máu, chỉ mười phút, cái bô đã lưng nửa.



Bác sĩ phát hiện ra, vội cuống quýt ôm Xa Diễm đi khám. Sau khi kiểm tra, bác sĩ ngay lập tức viết đơn Thông báo khẩn cấp bệnh tình của em. Xa Diễm mắc bệnh máu trắng (Bạch cầu cấp - acute leucimia).

Chi phí điều trị căn bệnh này vô cùng đắt đỏ, thông thường điều trị cơ bản đã cần 300 nghìn Nhân dân tệ (tương đương 600 triệu VND), Xa Sĩ Hữu choáng váng.

Nhìn con gái nằm trên giường bệnh, ông không thể chần chừ suy nghĩ nữa, ông chỉ có một ý nghĩ: Cứu con!

Vay khắp bạn bè họ hàng, chạy đông chạy tây tiền chỉ như muối bỏ biển, so với số 300 nghìn tệ cần có sao xa vời. Ông quyết định bán cái duy nhất có thể ra tiền là căn nhà xây bằng gạch mộc, gạch chưa nung của mình. Nhưng nhà thì quá rách nát, lúc đó không thể tìm ra ai muốn mua nó.

Nhìn gương mặt gầy gò xơ xác và đôi mắt u uất của cha, Xa Diễm có một cảm giác đau xót. Một lần, Xa Diễm kéo tay cha lại, chưa nói nhưng nước mắt đã trào ra: 'Cha ơi, con muốn được chết..."

Đôi mắt Xa Sĩ Hữu kinh ngạc nhìn con gái: "Con mới 8 tuổi thôi, vì sao con lại muốn chết?"

"Con chỉ là đứa bé bị bỏ rơi nhặt về, ai cũng bảo số con bạc bẽo, giờ bệnh này không chữa được, cha cho con ra viện đi..."

Ngày 18/5, bệnh nhân tám tuổi Xa Diễm thay mặt người cha mù chữ, tự ký rành rọt tên vào trong cuốn bệnh án của chính mình: "Tự nguyện từ bỏ chữa trị cho Xa Diễm".



"Em tự nguyện từ bỏ!"


Đứa trẻ tám tuổi tự lo hậu sự:

"Hôm đó về nhà, một đứa trẻ từ nhỏ đến lớn chưa từng vòi vĩnh cha bất cứ điều gì, đã đòi cha hai yêu cầu: Em muốn có một tấm áo mới, và em muốn được chụp một bức ảnh. Em giải thích cho cha: "Sau này, khi con không còn nữa, nếu cha nhớ con, cha có thể nhìn con ở trong ảnh".

Ngày hôm sau, cha Xa Sĩ Hữu nhờ người cô đi cùng đưa cháu lên thị trấn, tiêu hết 30 tệ (60.000 VNĐ) mua một bộ quần áo mới, Xa Diễm tự mình chọn một chiếc quần cộc màu hồng phấn, người cô chọn cho Xa Diễm một chiếc váy trắng chấm đỏ, nhưng khi mặc thử Xa Diễm mặc thử, thấy tiếc rẻ nên lại cởi ra. Ba người đi đến tiệm chụp ảnh, Xa Diễm mặc bộ đồ màu hồng mới tinh, ngón tay đưa ra hình chữ V, cố gắng mỉm cười, nhưng cuối cùng cũng không kìm được để nước mắt chảy ra.

Em đã không thể đến trường nữa, em xách cái cặp đứng trên con đường nhỏ đầu làng, mắt ươn ướt.

Nếu không có một phóng viên tên là Truyền Diễm của tờ "Thành Đô buổi chiều", thì chắc Xa Diễm sẽ chỉ như một phiến lá cây khô rụng xuống, lẳng lặng bị cuốn đi theo gió.

Cô phóng viên này sau khi biết tin từ bệnh viện, đã viết một bài báo, kể lại toàn bộ câu chuyện của Xa Diễm. Sau khi bài báo "Đứa trẻ 8 tuổi tự lo hậu sự" được đăng, cả thành phố Thành Đô đều bị cảm động, cả mạng Internet toàn Trung Quốc cũng cảm động, có một phong trào lan truyền trên khắp Trung Quốc, trong cả đời sống thật của thế giới người Hoa lẫn trên mạng ảo, những người có lòng tốt bắt đầu quyên góp để cứu sinh mệnh mong manh của cô bé. Trong vòng mười ngày, con số quyên góp từ toàn thể người Hoa đã lên tới 560 nghìn Nhân dân tệ, đủ để chi phí phẫu thuật, và hy vọng cuộc sống của Xa Diễm lại được thổi bùng lên từ bao nhiêu trái tim nhân ái. Sau khi tuyên bố kết thúc quyên góp, vẫn còn nhiều khoản tiền chuyển về tài khoản quyên góp. Các bác sĩ cũng cố sức, dốc hết sức lực và tài năng chuyên môn để cứu chữa cho Xa Diễm, tất cả hàng triệu người đều hy vọng thành công.


Tờ "Thành Đô buổi chiều" có đăng bài về em



Trên internet, nhiều lời nhắn gửi: "Xa Diễm, cô bé yêu quý của tôi, tôi hy vọng em sớm mạnh khoẻ rời bệnh viện, tôi cầu chúc cho em quay lại trường học, tôi mong mỏi em bình an lớn lên, tôi khao khát tôi sẽ được vui sướng tiễn em về nhà chồng..."

Ngày 21/6, Xa Diễm, cô bé đã từ bỏ trị liệu quay về nhà chờ thần Chết, đã lại được đưa về Thành Đô, vào bệnh viện Nhi. Tiền có rồi, sinh mệnh mỏng manh có hy vọng và có lý do để tiếp tục được sống.

Xa Diễm chịu đựng đợt hoá trị khó chịu. Trong cửa kính, Xa Diễm nằm trên giường truyền dịch, đầu giường đặt một chiếc ghế, ghế để một cái âu nhựa, thỉnh thoảng em quay người sang đó nôn. Sự kiên cường cửa đứa bé khiến người lớn cũng kinh ngạc. Bác sĩ Từ Minh, người điều trị chính cho em giải thích, giai đoạn hoá trị, đường ruột và dạ dầy sẽ phản ứng kích liệt, thời gian đầu mới hoá trị, mỗi lần Xa Diệm nôn đều nhiều, nửa âu, nhưng đến "ho" một tiếng cũng không. Trong lúc kiểm tra tuỷ xương khi nhập viện, mũi tiêm đâm từ ngực, em "không khóc, không kêu la, cũng không chảy nước mắt, đến động đậy cũng không dám".

Từ khi ra đời cho tới lúc chết, em không có được một chút xíu tình yêu của mẹ. Khi bác sĩ Từ Minh đề nghị: "Xa Diễm, làm con gái bác đi!" mắt em sáng rực lên, rồi nước mắt tuôn xuống xối xả. Ngày hôm sau, khi bác sĩ đến đầu giường bệnh, Xa Diễm bẽn lẽn gọi: "Mẹ!". Bác sĩ lặng đi một chút, rồi từ từ mỉm cười, ngọt ngào đáp lại: "Con gái, ngoan lắm!"

Tất cả mọi người đều chờ đợi một phép lạ, tất cả đều hy vọng giây phút Xa Diễm được trở về với cuộc sống. Rất nhiều người từ thành phố vào bệnh viện thăm em, trên mạng nhiều người hỏi thăm em, số mệnh của Xa Diễm làm mạng Internet xa lạ trở nên đầy ắp ánh sáng.

Trong phòng bệnh đầy hoa và trái cây, tràn đầy hương thơm.



Sau khi Xa Diễm mất, ông bố cũng không giữ lại đồng quyên góp nào


Hai tháng hoá trị, Xa Diễm qua được chín cửa "Quỷ môn quan", sốc nhiễm trùng, bệnh bại huyết septicemia, tan máu, xuất huyết ồ ạt đường tiêu hoá... lần nào cũng "hung hoá cát". Những liệu trình đều do các bác sĩ huyết học Nhi hàng đầu của tỉnh và Trung Quốc chuẩn đoán quyết định, hiệu quả rất khả quan. Bệnh máu trắng căn bản đã được khống chế. Tất cả đang chờ tin Xa Diễm lành bệnh.

Nhưng những bệnh tật đi theo những tác dụng phụ của hoá chất trị liệu rất đáng sợ. Và so với hầu hết những đứa trẻ bị bệnh máu trắng khác, thể chất Xa Diễm rất yếu ớt. Sau đợt phẫu thuật, sức khoẻ Xa Diễm càng kém.

Buổi sáng ngày 20/8, em hỏi phóng viên Truyền Diễm: "Dì ơi, xin dì cho con biết, vì sao mọi người quyên góp tiền cho con?"

"Bởi vì họ đều có lòng tốt!"

"Dì ơi, con cũng làm người tốt."

"Bản thân con đã là một người tốt. Những người tốt sẽ giúp đỡ nhau, mới làm nên những điều càng thiện lương."

Xa Diễm móc từ dưới gối ra một cuốn vở bài tập, đưa cho Truyền Diễm: "Dì ơi, đây là di chúc của con..."

Phóng viên Truyền Diễm kinh ngạc, vội vã mở vở ra, quả nhiên là những việc Xa Diễm thu xếp hậu sự. Đây là một đứa trẻ tám tuổi sắp về cõi chết, nằm bò trên giường bệnh dùng bút chì nắn nót viết ba trang "Di chúc". Vì em còn nhỏ quá, còn nhiều chữ Hán chưa học nên chưa viết được hết, còn có những chữ viết sai. Xem có thể biết em không thể viết một mạch bức thư này, mà viết sáu đoạn. Mở đầu là "Dì Truyền Diễm", kết thúc là "Tạm biệt dì Truyền Diễm". Suốt cả bức thư, chữ "Dì Truyền Diễm" xuất hiện 7 lần, và 9 lần gọi tắt là Dì. Phía sau 16 chữ xưng hô này, tất cả là những điều "nhờ vả dì làm hộ" khi em lìa đời. Và còn cả lời muốn qua phóng viên "cảm ơn" và "tạm biệt" với cả thế giới.

"Tạm biệt dì, chúng ta sẽ gặp nhau trong mơ. Dì Truyền Diễm, nhà cha con sắp sập rồi. Cha đừng buồn, xin cha cũng đừng nhảy lầu. Dì Truyền Diễm xin dì trông coi bố con. Dì ơi, cái tiền của con cho trường con một ít ít, cảm ơn dì chuyển lời cảm tạ tới Hội trưởng Hội Hồng thập tự. Con chết xong, mang hết chỗ tiền còn lại chia ra cho những người mắc bệnh giống con, giúp họ đỡ bị bệnh hơn..."

Bức di chúc làm Truyền Diễm giàn giụa nước mắt, khóc không thành tiếng.


Con đã từng được sống, con rất ngoan

Ngày 22/8, vì đường tiêu hoá xuất huyết, dường như suốt một tháng trời Xa Diễm không được ăn mà chỉ sống bằng dịch truyền. Và lần đầu tiên em "ăn vụng", em bẻ một mẩu nhỏ mì ăn liền khô bỏ vào mồm. Ngay lập tức đường ruột của em xuất huyết nghiêm trọng, bác sĩ y tá khẩn cấp truyền máu, truyền dịch cho em...

Nhìn Xa Diễm đau bụng lăn lộn, bác sĩ và y tá đều bật khóc. Tất cả mọi người đều muốn gánh đau cho em, nhưng, không thể làm gì được.

Tám tuổi. Xa Diễm đã thoát được cơn bệnh tật quái ác, và ra đi an lành.

Không ai chấp nhận sự thật. Phóng viên Truyền Diễm vuốt vuốt gương mặt bé xíu lạnh dần đi của cô bé, khóc không thành tiếng, gương mặt sẽ không bao giờ gọi cô là Dì nữa, cũng sẽ không bao giờ cười nữa.

Mạng TứXuyênonline , mạng 163 (mạng Internet nổi tiếng nhất TQ) ngập trong nước mắt, mạng Xinhuanet toàn nước mắt. "Đau lòng đến không thể thở được" sau đầu đề topic đó là hàng vạn lời nhắn cảm xúc của các công dân mạng TQ. Hoa viếng, điếu văn, một người đàn ông trung niên khẽ nói: "Con, con vốn là một thiên sứ nhỏ trên trời, con đã dang đôi cánh, thôi con cứ ngoan ngoãn bay đi.."

Ngày 26/8, tang lễ diễn ra dưới một cơn mưa nhỏ, Nhà tang lễ ở ngoại thành phía Đông của thành phố Thành Đô chật ních những người dân Thành Đô đi viếng với nước mắt rưng rưng. Họ đều là những "người cha, người mẹ" của Xa Diễm mà Xa Diễm chưa có dịp gặp mặt. Để đứa bé mới sinh ra đời đã bị vứt bỏ, đã mắc bệnh máu trắng, đã từ bỏ chữa trị, đã chết... không còn cô đơn nữa. Rất nhiều "Cha-mẹ" đội mưa tiễn theo sau chiếc quan tài bé nhỏ.

Bức ảnh trên đầu Entry trong blog Trang Hạ đã chụp bia mộ của Xa Diễm: Một bức ảnh Xa Diễm cười mím mím, tay cầm một bông hoa dại bé xíu. Mặt chính của bia chỉ ghi vỏn vẹn: " Con đã từng được sống, con rất ngoan! (1996.11.30-2005-8.22)"

Mặt sau bia có ghi vài lời đơn giản giới thiệu thân thế Xa Diễm, câu cuối cùng là: "Trong những năm Em sống, Em đã được nhận những ấm áp của con người. Xin Em yên nghỉ, thiên đường có Em nên thiên đường càng đẹp đẽ."

Theo đúng chúc thư, 540.000 Nhân dân tệ còn thừa lại chia thành những tặng vật chia cho những em bé khác bị mắc bệnh máu trắng. Bệnh viện còn ghi lại tên của 7 bệnh nhân Nhi này, Dương Tâm Lâm, Từ Lê, Hoàng Chí Cường, Lưu Linh Lộ, Trương Vũ Tiệp, Cao Kiện, Vương Kiệt. Những bệnh nhân này lớn nhất là 19 tuổi, nhỏ nhất là 2 tuổi, đều là những em gia đình quá nghèo, đang giãy dụa giữa sự sống và cái chết.

Ngày 24/9, ca phẫu thuật đầu tiên thành công dành cho bệnh nhân được nhận viện phí từ Xa Diễm, là cô bé Từ Lê ở bệnh viện Hoa Tây. Sau phẫu thuật, Từ Lê mỉm cười với gương mặt trắng xanh, nói: "Xa Diễm, hay yên nghỉ, về sau này, bia mộ của chúng tôi cũng sẽ ghi thêm một dòng như nhau: "Tôi đã từng đến trong đời này, và tôi rất ngoan!"

Phan: Rất lâu rồi chưa biết cay mắt ................



2.10.09

Mục tiêu cao cả






Có người nói mục tiêu của mình là trở thành một vĩ nhân, có người thì quyết bằng mọi giá trở nên thật giàu có. Cũng có người bình dị hơn chỉ mong cho nhà mình có đủ cơm ăn, áo mặc.
Khi còn trẻ, mục tiêu thường rất to tát , nhưng chúng ta thường ...không biết đường đi tới nó. Lớn một chút, nhận biết được sự hữu hạn của sức mình, mục tiêu nhỏ lại, con đường đi rõ ràng hơn.
Nhưng cũng có những mục tiêu mà để đi tới nó, có người sẵn sàng ngáng chân hoặc triệt chết vài ba đứa khác giống mình.
Sáng nay, mục tiêu trước mặt và duy nhất của người đàn ông này (phóng lớn thì thấy là đàn ông) là làm sao băng qua dòng nước lũ đục ngầu để đến điểm phát mì tôm. Anh đã chèo thuyền đi một quãng rất xa giữa dòng lũ. Sau lưng anh, chắc là một gia đình- có thể có cả vợ yếu con đau- nhiều ngày qua chưa có gì vào bụng. Dẫu có gạo cũng không tìm đâu ra củi và nơi khô ráo để nấu.
Vì thế, chắc đừng ai cười chê mục tiêu của kẻ khác là thấp kém hơn mình. Trong từng hoàn cảnh ngặt nghèo, ước mơ và mục tiêu có thể tầm thường đơn giản nhất. Những gói mì tôm ở điểm cứu trợ trước mắt không đáng gì cho chúng ta phải bận tâm, nhưng sáng nay, nó là đích đến của người đàn ông này.
Với Bố cu, mục tiêu ấy thật cao cả, bởi nó là sự sống của gia đình anh ta,.
Bản lĩnh đàn ông, có khi chỉ là chèo thuyền băng lũ mang gói mì tôm về cho vợ con.
Ảnh do K’lu- Phóng viên Viễn Sự- Báo Pháp Luật TPHCM chụp từ trực thăng, sáng hôm nay, tại Điện Bàn, Quảng Nam

nguồn :http://bocuhung.multiply.com/journal/item/339/339






1.10.09

Thất Bại


bởi vì nó là chìa khóa của mọi sự thành công

https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEgQLONlDSyPHOZbHYDxnS32bC8EB7NXYfN6Qp-6b9S2WOcqomHK4a1SEKrJfo7EmvlWlFz3gaO17eXUUhz-onWSUgEnt_lQt4kEFSfyJYSy-Joro1ku0fqa07CtyEJ7OWTgB7sAni0Z8s0/s400/loser.jpg

Phan VH: không có nó >>>> you lose

Phan VH: cách mà ban nhìn nhận và đón nhận thất bại

Phan VH: cách mà bạn hưởng thụ thất bại

Phan VH: cách mà bạn ôm thất bại

Phan VH: cách mà bạn trốn thất bại

Phan VH: cách mà bạn xê dịch thất bại

Phan VH: cách mà bạn né thất bại

Phan VH: cách mà bạn đẩy thất bại cho người khác

Phan VH: cách mà bạn chia sẻ thất bại với người khác

Phan VH: làm nên con người bạn

Phan VH: làm lên tương lai của ban

Phan VH: làm lên chủ nghĩa sống của bạn