Search

31.12.09

Con lật đật

Nguyễn Quang Thân
Theo Blog Nhà Văn Nguyễn Quang Thân
Phòng chờ nhà ga hàng không đang yên tĩnh. Bỗng có tiếng loa “mời quý khách lên máy bay”. Cái tin ấy chẳng có gì mới vì ai cũng biết rõ giờ lên máy bay, ai cũng có đồng hồ trên cổ tay, vé nào cũng có ghi chỗ ngồi không thể lẫn lộn. Vậy mà cứ 100 người Việt mình thì y như có cả trăm vội vã như được báo cháy, như những con lật đật chen chúc nhau chạy ào đến nút kín cả cửa ra. Như ai cũng sợ mất chỗ. Chỉ còn lại trên các dãy ghế ngồi những người nước ngoài, bình thản và tự tin, có vẻ như họ không nghe thông báo hoặc không đi chuyến máy bay ấy.
Con lật đật có nhiều nhất ở ngã ba ngã tư đèn xanh đèn đỏ giao thông. Người Việt Nam mình nổi tiếng có tính kiên nhẫn. Bao nhiêu chinh phụ chờ chồng suốt cả một đời, có người đã hóa đá, hàng triệu người tham gia chiến tranh “kháng chiến trường kỳ” giành độc lập tự do. Thế nhưng rất ít người biết chờ một phút ở ngã tư đường. Ai cũng muốn nhích hơn người bên cạnh một chút dù là một phần tư cái bánh xe! Kết quả của sự vội vã ấy là những chỗ kẹt xe đã được nêm cứng không lối thoát do chính những người vội vã.
Người ta cũng không biết chờ chuyến sau mà cứ xô đẩy nhau nhảy lên dù chuyến phà, chuyến đò đã đầy để rồi gặp những tai nạn kinh hoàng trên sông nước. Người ta vội vàng đánh bạc với tính mạng khi chen chúc nhau mua vài lít xăng trước giờ tăng giá để tích trữ trong nhà. Nhìn họ tranh nhau ở cây xăng mà cứ liên tưởng tới đàn thiêu thân lao vào ánh đèn để…chết!
Lật đật
Và tai hại nhất cho dân cho nước khi những con lật đật bất tài vô tướng chen chúc nhau “ngồi nhầm chỗ” trong hệ thống quản lý đất nước. Họ không biết chờ, không biết lượng sức mình, không biết mình là ai, không tính đến hậu quả chân không vừa giầy, hễ có dịp ( trước kỳ bầu cử, trước ngày có đại hội bầu bán này nọ) là xô đẩy nhau, bằng mọi cách, mọi giá để tìm một chỗ thơm tho cho mình, dù đó chỉ là một chức tổ trưởng.
Tôi đã thấy nhiều người nước ngoài lặng lẽ đưa chiếc xe đẩy do những con lật đật bỏ lại trong phòng chờ sân bay vào chỗ của chúng dù đã cận kề hết giờ làm thủ tục. Họ cũng chịu khó đi hàng chục mét hay từ đầu đến cuối toa tàu hỏa để gẩy một cái tàn thuốc lá vào thùng chứa rác.hay cất một miếng giấy vụn vào đúng chỗ chứ không lật đật thẩy nó qua cửa sổ. Sang châu Âu, châu Mỹ cũng thấy họ khoan thai như thế. Vậy mà hàng năm họ làm ra của cải gấp vài chục lần những con lật đật.
Phải chăng đó là cách sống không thể cưỡng lại được sinh ra từ kinh tế thị trường? Xin đừng “đổ tiêm la cho trâu”! Hãy nhìn lại mình cho kỹ và thấy hiển nhiên rằng thói lật đật ấy có mùi của xôi thịt đình làng ngày xưa. Và sự chen chúc nhau, tranh giành nhau trong hỗn loạn chính là nguồn gốc của nghèo đói và tụt hậu trong một thế giới văn minh hiện đại.