SỨC MẠNH CỦA HIỆN TẠI (THE POWER OF NOW) TÁC GIẢ ECKHART TOLLE
TÁC GIẢ CỦA HƯỚNG TỚI MỘT THẾ GIỚI QUAN MỚI.
Bầu trời trong xanh ngút tầm mắt, những tia nắng nâu vàng của buổi hoàng hôn có thể, vào
những khoảnh khắc đặc biệt, ban tặng cho ta một cảnh tượng đẹp lạ lùng; ta bỗng nhiên bị choáng
ngợp, trân trân và bất động. Sự huy hoàng của khoảnh khắc đó khiến cho ta sững sờ, tâm trí vốn
hay huyên náo của ta bỗng dưng ngừng lại, không còn mang ta đi đến một nơi nào khác ngoài cái
bây giờ và ở đây. Ngập chìm trong ánh sáng, một cánh cửa dường như mở ra cho ta một thực tại
khác, vốn lúc nào cũng hiện diện, nhưng còn hiếm khi được chứng nhận.
Abraham Maslow gọi các hiện tượng này là những “kinh nghiệm tột đỉnh”, bởi chúng đại diện
cho những khoảnh khắc mãnh liệt trong đời khi ta vui sướng thấy mình phóng vượt ra khỏi sự
giam hãm của những điều trần tục và tầm thường. Ông ta cũng đã có thể gọi chúng là “những kinh
nghiệm hé mở”. Trong những thời khắc cởi mở này, chúng ta khẽ thấy một thoáng của cái địa hạt
vĩnh hằng của bản thể hiện tiền. Dù chỉ là trong một khoảng thời gian ngắn, chúng ta đã trở về nhà
với cái bản thể đích thực của mình.
“A”, ai đó có thể thốt lên, “cảm giác thật là tuyệt... giá mà tôi ở đây được. Nhưng làm cách nào
để tôi ở lâu dài?”
Trong suốt mười năm qua, tôi đã tự dặn mình phải tìm ra câu trả lời. Trong quá trình tìm kiếm,
tôi đã có vinh dự được tham gia trò chuyện với những mẫu người tiên phong táo bạo nhất, hào
hứng nhất và sáng suốt nhất của thời đại chúng ta trong các lĩnh vực y học, khoa học, tâm lý học,
kinh doanh, tôn giáo/tâm linh, và tiềm năng con người. Tập hợp đa dạng này được gắn kết bởi một
nhận định chung, rằng loài người hiện nay đang thực hiện một bước nhảy lớn lao trong quá trình
tiến hóa. Sự thay đổi này đi kèm với một sự chuyển dịch trong thế giới quan – cái hình ảnh chủ đạo
mà chúng ta luôn mang theo về “cái cách mà các sự vật hiện hữu”. Một thế giới quan tìm cách trở
lời hai câu hỏi cơ bản, “Chúng ta là ai?” và “Bản chất của cái vũ trụ trong đó chúng ta sống là gì?”.
Câu trả lời của hai câu hỏi này quyết định chất lượng và đặc trưng của những mối quan hệ cá nhân
của chúng ta với gia đình, bạn bè và đồng nghiệp. Khi được xem xét trên quy mô lớn hơn, chúng
quy định xã hội.
Không quá ngạc nhiên khi cái thế giới quan mới nổi đang xem xét lại nhiều điều mà xã hội
phương Tây xưa nay vẫn cho là đúng:
HUYỀN THOẠI THỨ NHẤT: NHÂN LOẠI ĐÃ ĐẠT ĐẾN ĐỈNH CAO CỦA SỰ PHÁT TRIỂN.
Michael Murphy, người đồng sáng lập của tổ chức Esalen, khi đưa ra những khảo cứu so sánh
của tôn giáo, y khoa, nhân chủng học, và thể thao, đã đưa ra một giả thuyết táo bạo, rằng còn
những mức phát triển cao hơn của con người. Khi một người đạt tới những mức độ cao của sự
trưởng thành tâm linh, các khả năng phi thường sẽ bắt đầu nảy nở - trong tình yêu, sức sống, phẩm
chất người, cảm nhận về thân thể, trực giác, tri giác, giao tiếp, và ý chí.
Bước đầu tiên: nhận ra các năng lực đó tồn tại. Đa phần là mọi người không nhận ra. Do đó ta có
thể áp dụng một số phương pháp cùng với sự tỉnh giác và chú tâm.
HUYỀN THOẠI THỨ HAI: CHÚNG TA HOÀN TOÀN TÁCH BIỆT VỚI NHAU, VỚI TỰ NHIÊN, VÀ VỚI VŨ TRỤ.
Huyền thoại về sự “khác-với-tôi” này là nguyên nhân cho các cuộc chiến tranh, sự bóc lột trái
đất, và tất cả các hình thức và biểu hiện của sự bất bình đẳng. Sau cùng thì có ai sáng suốt mà lại đi
hãm hại một người khác nếu nhận ra người đó là một phần của mình? Stan Grof, trong công trình
nghiên cứu của mình về những trạng thái bất thường của ý thức, kết luận rằng “tâm lý và ý thức
của mỗi chúng ta, khi phân tích đến cùng, tương ứng với “Toàn bộ thực tại” bởi vì không có bất cứ
một sự ngăn cách tuyệt đối nào giữa thân thể/cái tôi và toàn bộ thực tại”.
Phương pháp điều trị Era-3 của bác sĩ Larry Dossey, nơi các ý nghĩ, thái độ và ý hướng chữa trị
của một cá nhân có thể ảnh hưởng đến tâm sinh lý của một cá nhân khác (tương phản với Era-2,
phương pháp tinh thần – thể chất đang thịnh hành) rất được ủng hộ bởi các nghiên cứu khoa học về
năng lực chữa trị của việc cầu nguyện. Trong khi đó điều này không thể xảy ra theo như những
nguyên tắc đã được biết đến của vật lý và thế giới quan của khoa học truyền thống. Dù sao thì các
bằng chứng hiển nhiên vẫn nói lên rằng quả thực là chúng xảy ra như vậy.
HUYỀN THOẠI THỨ BA: THẾ GIỚI VẬT LÝ LÀ TOÀN BỘ THỰC TẠI.
Bị giới hạn về mặt vật chất, khoa học truyền thống giả định rằng bất cứ thứ gì mà không thể
được đo lường, kiểm tra trong phòng thí nghiệm, được thăm dò bởi năm giác quan hay sự nối dài
bằng công nghệ của chúng thì đơn giản là không tồn tại. Nó “không có thật”. Kết quả là: tất cả thực
tại đã sụp xuống thành thực tại vật lý. Tâm linh, hay tôi có thể gọi là những chiều kích phi vật lý
của thực tại, đã bị mất giá trị.
Điều này mâu thuẫn với “triết lý bất diệt”, tức sự nhất trí về triết lý trải dài suốt các thời đại, các
tôn giáo, các truyền thống và văn hóa, rằng có nhiều chiều khác nhau và liên tục của thực tại.
Những chiều này trải từ cái đậm đặc nhất và ít có ý thức nhất – mà ta có thể gọi là “vật chất” – tới
cái ít đậm đặc nhất và có ý thức nhất, mà ta gọi là tâm linh. Khá thú vị là mẫu hình mở rộng, đa
chiều này của thực tại cũng được đưa ra bởi các nhà lý thuyết lượng tử, như Jack Scarfetti, người
đã mô tả cuộc hành trình siêu ánh sáng. Những chiều khác của thực tại được dùng để giải thích các
cuộc hành trình xảy ra với tốc độ lớn hơn vận tốc ánh sáng – tột đỉnh của các giới hạn vận tốc.
Hoặc có thể kể đến công trình của nhà vật lý lỗi lạc David Bohn với một mô hình đa chiều vật lý
và phi vật lý của thực tại.
Điều này không chỉ là lý thuyết thuần túy – thí nghiệm năm 1982 của Aspect ở Pháp chứng tỏ
rằng hai hạt lượng lượng tử, vốn được kết nối từ trước, sau khi bị tách rẽ bởi một khoảng cách lớn
không hiểu sao vẫn giữ liên hệ. Nếu một hạt bị thay đổi, hạt kia cũng thay đổi – một cách tức thời.
Các nhà khoa học không hiểu bằng cơ chế nào mà cuộc hành trình nhanh-hơn-vận-tốc-ánh-sáng
này xảy ra, mặc dù có vài nhà lý thuyết đưa ra giả thuyết rằng sự nối kết này thực hiện thông qua
những con đường trong những chiều không gian cao hơn.
Như vậy trái ngược với những người trung thành với truyền thống có thể nghĩ, những cá nhân
tiên phong đầy thế lực mà tôi có dịp trò chuyện đều có cảm nhận rằng loài người vẫn chưa phát
triển đến mức đỉnh cao, chúng ta gắn kết chứ không tách biệt với tất cả các dạng sống, và dải tần số
của ý thức bao gồm cả chiều kích vật lý lẫn vô số những chiều kích phi vật lý của thực tại.
Ở cốt lõi của vấn đề, thế giới quan mới này bao gồm việc nhìn nhận bản thân, người khác, và tất
cả sự sống, không qua con mắt của cái tôi nhỏ bé và trần tục, cái tôi vốn được sinh ra và tồn tại
trong thời gian. Mà đúng hơn là thông qua con mắt của linh hồn, bản thể hiện tiền của chúng ta,
Cái Tôi Chân Thực. Lần lượt từng người một, nhân loại đang thực hiện những bước nhảy lên cái
quỹ đạo cao hơn này.
Với quyển sách của mình, Sức Mạnh Của Hiện Tại, Eckhart Tolle nhận vị trí xứng đáng trong
hàng ngũ những bậc thầy tâm linh của thế giới. Nhắn nhủ của Eckhart: vấn đề của nhân loại có
nguồn gốc sâu xa từ chính bản thân tâm trí. Hay nói đúng hơn, là sự ngộ nhận của chúng ta về tâm
trí.
Nhận thức hay trôi dạt của chúng ta, cái xu hướng chọn lựa con đường ít trở ngại nhất bằng cách
ít chú ý đến giây phút hiện tại, tạo ra một khoảng trống. Và cái tâm trí bị giới hạn bởi thời gian,
vốn được thiết kế để trở thành một người đầy tớ hữu dụng, tự tưởng thưởng bằng cách tuyên bố
chính nó là ông chủ. Giống như một con bướm chuyền từ bông hoa này đến bông hoa khác, tâm trí
tự gắn kết với những kinh nghiệm quá khứ, hoặc là phóng chiếu những “đoạn phim truyền hình tự
tạo”, và mong chờ điều gì sắp xảy ra. Hiếm khi chúng ta cảm thấy mình thư giãn trong chiều sâu
thăm thẳm của cái bây giờ và ở đây. Bởi vì chỉ có ở đây – trong lúc này – chúng ta mới tìm thấy
Cái Tôi Chân Thực của mình, cái nằm dưới thân xác vật lý, những cảm xúc lên xuống, và tâm trí
huyên náo.
Thắng lợi vẻ vang nhất của sự phát triển loài người không nằm ở khả năng suy luận hay nghĩ
ngợi của chúng ta, mặc dù đây là cái phân biệt ta với loài vật. Trí năng, giống như bản năng, đơn
thuần là một mốc trên cuộc hành trình. Điểm đến sau chót của chúng ta là sự tái kết nối với Bản
Thể Hiện Tiền; và trong từng khoảnh khắc, từ thực tại phi thường và thiêng liêng của mình, chúng
ta biểu lộ vào cái thế giới vật chất thông thường. Nói thì dễ, vậy mà vẫn hiếm người đạt tới những
nấc cao hơn của sự phát triển.
May mắn thay, có những chỉ dẫn và những bậc thầy giúp chúng ta trên suốt quãng đường. Là
một người thầy và một người dẫn đường, năng lực lớn lao của Eckhart không nằm ở sự khéo léo
trong việc làm say mê chúng ta bởi những câu chuyện cuốn hút, làm cái trừu tượng trở nên cụ thể,
hay đưa ra những biện pháp hữu hiệu. Mà đúng hơn, sức hút của anh ấy nằm ở những kinh nghiệm
cá nhân, như một người có thực chứng. Kết quả là, có một sức mạnh bên dưới những lời lẽ của anh
ấy mà chỉ tìm thấy ở những bậc thầy tâm linh lừng danh nhất. Bởi đang sống trong những chiều sâu
của Thực Tại Vượt Trội này, Eckhart mở ra một lối đi đầy sinh lực cho những người khác tham gia.
Và nếu những người khác cùng tham gia thì sao? Chắc chắn là thế giới mà chúng ta biết sẽ trở
nên tốt đẹp hơn. Những giá trị sẽ chuyển dịch cùng với sự tan rã của những sự sợ hãi trong vùng
xoáy của Bản Thể Hiện Tiền. Một nền văn minh mới sẽ được sinh ra.
“Đâu là bằng chứng cho cái Thực Tại Vượt Trội này?” bạn hỏi. Tôi chỉ cung cấp một lý lẽ: Một
đội ngũ các nhà khoa học có thể tập hợp lại và cho bạn biết chứng cớ khoa học của sự thật là quả
chuối có vị đắng. Nhưng tất cả những gì bạn phải làm là nếm thử một quả, chỉ một lần, để nhận ra
rằng đây là một cách tiếp cận hoàn toàn khác đối với quả chuối. Rốt cuộc thì bằng chứng không
nằm ở những lý lẽ của trí óc, mà ở việc được xúc chạm bằng cách nào đó bởi cái điều thiêng liêng
bên trong và bên ngoài. Eckhart Tolle khéo léo mở ra cho chúng ta khả năng đó.
Russell E. DiCarlo, tác giả của Hướng tới một thế giới quan mới: những cuộc trò chuyện tại
đường biên của sự hiểu biết. (Towards a New World View: Conversations at the Leading Edge).
Erie, Pennsylvania U.S.A, tháng Giêng, 1998.
(Dịch từ bản tiếng Anh bởi damsan)
Thống kê SÁCH đọc nhiều theo thời gian