Search

5.4.21

Câu chuyện dòng sông tác giả Hermann Hesse

Câu chuyện dòng sông tác giả Hermann Hesse. "Siddhartha“ là cuốn tiểu thuyết có tính tự truyện như hầu hết các tác phẩm của Hermann Hesse, nói lên thân phận con người, mà nhân vật trong truyện cũng là chính ông và không ít độc giả cũng cảm nhận được bóng dáng của mình thấp thoáng trong đó. Bởi vì mỗi người trong chúng ta ai ai có thể là nhân vật Siddharta trong cuộc sống.

Câu chuyện dòng sông tác giả Hermann Hesse
Câu chuyện dòng sông tác giả Hermann Hesse



Với lời văn đầy cảm xúc nhẹ nhàng, sâu lắng như một bài ru ca ngọt ngào và thổi vào trong đó những nét huyền bí của nền văn hóa Ấn Độ, những giá trị tinh thần phương Đông, Hermann Hesse đã thành công khi viết cuốn tiểu thuyết „Siddhartha“. Cũng chính vì tính chất rất gần gũi Á đông đó, „Siddhartha“ được độc giả Việt Nam đón nhận một cách nồng nàn. Tác phẩm này đã được dịch ra 2 bản tiếng Việt: „Câu chuyện dòng sông“ do Phùng Khánh và Phùng Thăng dịch từ tiếng Anh và „Siddhartha“ do Lê Chu Cầu dịch từ tiếng Đức. „Câu chuyện dòng sông“ là một bản dịch nổi tiếng được xuất bản từ năm 1965 và được tái bản lại nhiều lần, ngay cả những năm gần đây. Nữ sĩ Phùng Khánh, tức là Ni Trưởng Thích Nữ Trí Hải, và người em gái của bà là nữ sĩ Phùng Thăng đã làm cho người đọc có cảm giác hình như Hermann Hesse đã đặc biệt viết cuốn sách này cho người Việt.

 

Câu chuyện lấy thời điểm Đức Phật còn tại thế, kể về hành trình tâm linh của một anh chàng trẻ tuổi theo đạo Bàlamôn tên là Siddhartha. Anh và người bạn thân Govinda rời bỏ gia đình và quê hương để gia nhập đoàn Sa Môn tu khổ hạnh, đây là lần ra đi thứ nhất của anh để tìm kiếm ý nghĩa cuộc đời. Anh hy vọng sự khổ hạnh sẽ làm anh giác ngộ và đạt tới được vô ngã. Nhưng dần dần, anh thất vọng vì cảm thấy khổ hạnh không đem đến cho anh bình an thực sự.

 

Sau đó anh đến tìm gặp được Đức Phật, mặc dù không một chút nào nghi ngờ về giáo lý của Ngài dạy, nhưng anh không xin ở lại để tu theo Ngài như Govinda, bạn anh đã làm. Anh ra đi vì không phải để tìm một giáo lý hay một người thầy hay hơn, giỏi hơn mà để chứng nghiệm sự giác ngộ của mình chỉ bằng trải nghiệm, chứ không bằng sự truyền đạt qua sách vở hay ngôn từ. Lần ra đi này là thứ hai để đi tìm lấy chính mình.

 

Siddhartha đi lang thang và gặp được Kamala, một kỹ nữ nổi tiếng xinh đẹp và giàu có. Anh chàng Sa Môn trẻ tuổi vô sản này chỉ có 3 cái khả năng là biết suy nghĩ, biết chờ đợi và biết nhịn đói do nhờ sự luyện tập mà có. Khả năng biết suy nghĩ có nghĩa là sáng suốt, tỉnh táo, biết chờ đợi có nghĩa là kiên nhẫn, thinh lặng, lắng nghe và cuối cùng biết nhịn đói có nghĩa là biết buông xả, từ bỏ. Với 3 khả năng đó, anh đã chinh phục được người đẹp Kamala. Anh đã được nàng dạy cho nghệ thuật yêu đương, học cách kiếm tiền, tiêu tiền sau khi trở thành một cộng sự viên đắc lực cho nhà buôn giàu có Kamaswami. Anh từ từ rơi vào sa đọa, càng xuống tận cùng của dục lạc, anh càng thấy trống rỗng và chán ngấy. Đây cũng là lúc anh cảm thấy đánh mất ba cái khả năng biết suy nghĩ, biết chờ đợi và biết nhịn đói của anh. Bối rối tuyệt vọng anh lại bỏ ra đi, lần ra đi thứ ba này là để đi tìm sự giác ngộ. Anh tới một dòng sông và định trầm mình tự vẫn, bỗng nhiên anh nghe vẳng lại từ dòng sông có tiếng „Om“ linh thiêng mầu nhiệm vang lên trong tâm thức đã làm anh tỉnh thức. Cuối cùng, anh đã gặp người lái đò Vasudeva và quyết định ở lại với ông. Anh và Vasudeva sống êm đềm bên cạnh dòng sông và làm nghề chèo thuyền đưa khách qua sông. Hai người thường lắng nghe dòng sông như một người thầy của mình. Dòng sông đã dạy cho anh sự lắng nghe với tâm tĩnh lặng, lòng rộng mở, không đam mê, không cầu mong, không phán xét và không thành kiến. Dòng sông nói với anh hãy sống cho hôm nay và không sống cho cái bóng của hôm qua hay cái bóng của ngày mai.

 

Cũng trong thời gian này, nàng Kamala đã sinh cho anh được một cậu con trai, nhưng Siddhartha không hề hay biết gì về chuyện đó. Hai mẹ con trong chuyến hành hương viếng Đức Phật sắp nhập Niết bàn, Kamala bị rắn cắn. Trước khi chết, nàng đã gặp được Siddhartha và cho anh hay đứa trẻ này là con trai của anh. Anh sung sướng nhận đứa con mình và anh muốn nó sẽ có cuộc sống bình an giản dị như anh. Nhưng nó là một đứa trẻ sống quen trong giàu sang nhung lụa đã chống lại anh và bỏ ra đi, quay trở về thành phố của nó. Anh đau khổ định đi tìm con, nhưng Vasudeva khuyên anh nên để đứa con ra đi, nó phải tự trải nghiệm cuộc sống riêng của nó, như ngày xưa anh đã bỏ cha anh ra đi. Trong tận cùng của khổ đau, anh nghiệm rằng, trước đây cha anh đã phải chịu đựng đớn đau, khi anh bỏ ông ở lại một mình và bây giờ anh cũng lại phải gánh chịu sự đớn đau đó, khi đứa con bỏ ra đi. Qua đó anh chợt nhận ra con anh là một phần của anh, cũng như anh là một phần của cha anh và tất cả đều quy về một mối. Khi anh hiểu được tính nhất thể của cuộc sống, anh cảm nhận được sự khai sáng trong anh.

 

Vasudeva, người lái đò và người thầy của anh, biết anh đã được giác ngộ, tự coi nhiệm vụ mình đã xong, bỏ đi vào rừng bình an. Govinda, người bạn anh năm xưa thời thơ ấu, vẫn còn là một Sa Môn đi khất thực và vẫn đi tìm kiếm sự giác ngộ. Một hôm Govinda theo đoàn Sa Môn qua sông và gặp được Siddhartha đang chèo đò. Govinda hỏi anh làm sao để được giác ngộ? Siddhartha trả lời: người đi tìm kiếm vì đã có mục đích nên khó có thể tìm ra chân lý, chân lý thì không thể truyền dạy được  mà phải tự mình chứng nghiệm, tất cả đều quy về một (Nhất thể) và tình thương là quan trọng nhất trên thế gian.

 

Sau cùng, Siddhartha yêu cầu Govinda, người bạn đang đau khổ vì còn mãi đi tìm kiếm, hôn lên trán anh. Mặc dù ngạc nhiên, nhưng Govinda vẫn làm và khi Govinda vừa đặt môi lên trán của Siddhartha, Govinda bị chấn động và cảm thấy mình đang được khai sáng, mọi khổ đau khắc khoải đều tiêu tan, sự an lạc dần dần hiện hữu. Trong Thiền, người ta gọi đó là sự giác ngộ tức khắc (đốn ngộ) mà các bậc thầy thường dùng để thức tỉnh môn sinh, khi ngôn từ không còn hiệu quả. Govinda cảm thấy trong lòng tràn ngập vui sướng và cúi đầu xuống lạy Siddhartha.

PS:

Anh chàng Sa Môn trẻ tuổi vô sản này chỉ có 3 cái khả năng là biết suy nghĩ, biết chờ đợi và biết nhịn đói do nhờ sự luyện tập mà có.
Khả năng biết suy nghĩ có nghĩa là sáng suốt, tỉnh táo.
biết chờ đợi có nghĩa là kiên nhẫn, thinh lặng, lắng nghe
và cuối cùng biết nhịn đói có nghĩa là biết buông xả, từ bỏ.


Câu chuyện dòng sông tác giả Hermann Hesse PDF
Câu chuyện dòng sông tác giả Hermann Hesse TXT
Câu chuyện dòng sông tác giả Hermann Hesse DOCX