Search

31.5.11

Dạy con sống chỉ biết nghĩ lợi cho bản thân mình

Phanblogs“Ăn coi nồi, ngồi coi hướng” là cách ứng xử trong giao tiếp sao cho có văn hóa, lịch sự từ xưa đến nay trong gia đình lẫn ngoài xã hội của người Việt. Ở trong nhà này thì không phải vậy, đơn giản và bình thường nhất là chuyện ăn uống cũng phải thể hiện sự “trí thức”, “khôn” hay “ngu”. Người chồng luôn dạy con món ăn gì thì phải giành ăn nước hầm, món ăn gì thì phải giành ăn phần cái. Ví dụ: canh chân giò heo hầm ngó sen phải ăn nước hầm vì chất bổ đã tan hết vào nước, sườn heo chiên phải lựa miếng sườn non, cơm thì phải ăn cơm mới nấu (không bao giờ ăn cơm nguội ngày hôm qua dù có hấp nóng lại) mới là “ăn khôn”, và ông chồng “làm gương” trước trong nhà cho hai con thấy. Con nít lại khoái nhai mấy món giòn giòn sần sật, khoái gặm chân giò hầm… nên khi bọn trẻ muốn ăn trái lại lời ba theo ý thích của chúng thì bị ba mắng té tát tại chổ rằng “ăn ngu”…
Chia sẻ
Trong khi nước Nhật đang oằn mình chịu đựng sự tàn phá của thiên tai khốc liệt với tình trạng không điện, không nước sạch, không thực phẩm giữa thành phố hoang tàn đổ nát và tuyết giá, một bạn đọc đã gởi đến báo Dân Trí (17/03/2011) câu chuyện cảm động về bài học làm người. Tôi xin trích một đoạn quan trọng nhất:
“…Nhìn thấy em nhỏ lạnh, tôi mới cởi cái áo khoác cảnh sát trùm lên người em nhỏ. Vô tình bao lương khô khẩu phần ăn tối của tôi bị rơi ra ngoài, tôi nhặt lên đưa cho em và nói: “Đợi tới phiên của con chắc hết thức ăn, khẩu phần của chú đó, chú ăn rồi, con ăn đi cho đỡ đói”. Cậu bé nhận túi lương khô của tôi, khom người cảm ơn. Tôi tưởng em sẽ ăn ngấu nghiến ngay lúc đó nhưng không phải, cậu bé ôm bao lương khô đi thẳng lên chỗ những người đang phát thực phẩm và để bao lương khô vào thùng thực phẩm đang phân phát rồi lại quay lại xếp hàng.
Ngạc nhiên vô cùng, tôi hỏi tại sao con không ăn mà lại đem bỏ vào đó. Cậu bé trả lời: “Bởi vì còn có nhiều người chắc đói hơn con. Bỏ vào đó để các cô chú phát chung cho công bằng chú ạ”.”
Từ xưa, người Việt đã có truyền thống “Lá lành đùm lá rách”, “Bầu ơi thương lấy bí cùng/Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”… cho thấy “ham ăn hốt uống”, tham lam, ích kỷ… vốn không phải là bản chất của người Việt; nhưng không có nghĩa là tất cả mọi người đều có tinh thần sẳn sàng chia sẻ cho đồng bào khi gặp hoạn nạn, khó khăn, thế nên dân gian mới có thêm câu: “Ăn cổ đi trước, lội nước đi sau”, các cụ thì nói văn vẻ hơn rằng: “Trường đồ tri mã lực, cựu xử kiến nhân tâm” (Đường dài mới biết sức ngựa, ở lâu mới biết rõ lòng người).
Em bé 9 tuổi người Nhật không phải mới sinh ra đã biết hành xử một cách nhẫn nại, chấp nhận gian khổ, đòi hỏi công bằng và tinh thần hy sinh vì người khác, mà đó là kết quả của quá trình giáo dục nhân cách con người (không phải nhồi nhét kiến thức khoa học) của gia đình em, nhà trường em đang học và xã hội Nhật (những người lớn em gặp hằng ngày). Khâm phục người Nhật bao nhiêu thì tôi lại lấy làm buồn cho cách dạy con của người Việt mình bấy nhiêu.
Vợ chồng bạn tôi luôn tự hào mình là thành phần trí thức. Vợ cũng tốt nghiệp đại học Luật như số đông dân Sài Gòn hiện nay nên lúc nào mở miệng ra cũng thích nói pháp luật và công bằng xã hội. Chồng tuy không có cái bằng cấp nào cả, chưa viết được bài văn ngắn nào ra hồn nhưng lại thích chê tất tần tật người khác là “ngu” (kể cả nhà văn Kim Dung ở Hồng Công lẫn thi hào Nguyễn Du của Việt Nam), thích giảng giáo lý (Công giáo) cho người khác nghe. Thôi thì dù cho ông chồng đi tu không thành “chánh quả” mà mới sáng “tu” chiều đã “hú” (hí) thì cũng coi như có kiến thức sau vài năm sống và học tập ở nhà dòng, coi như “có công” đem lời Chúa đến cho mọi người.
“Ăn coi nồi, ngồi coi hướng” là cách ứng xử trong giao tiếp sao cho có văn hóa, lịch sự từ xưa đến nay trong gia đình lẫn ngoài xã hội của người Việt. Ở trong nhà này thì không phải vậy, đơn giản và bình thường nhất là chuyện ăn uống cũng phải thể hiện sự “trí thức”, “khôn” hay “ngu”. Người chồng luôn dạy con món ăn gì thì phải giành ăn nước hầm, món ăn gì thì phải giành ăn phần cái. Ví dụ: canh chân giò heo hầm ngó sen phải ăn nước hầm vì chất bổ đã tan hết vào nước, sườn heo chiên phải lựa miếng sườn non, cơm thì phải ăn cơm mới nấu (không bao giờ ăn cơm nguội ngày hôm qua dù có hấp nóng lại) mới là “ăn khôn”, và ông chồng “làm gương” trước trong nhà cho hai con thấy. Con nít lại khoái nhai mấy món giòn giòn sần sật, khoái gặm chân giò hầm… nên khi bọn trẻ muốn ăn trái lại lời ba theo ý thích của chúng thì bị ba mắng té tát tại chổ rằng “ăn ngu”.
“Tre non dễ uốn”, qua 10 tuổi trở lên là hai đứa trẻ thuần thục lời dạy của ba mẹ. Đến giờ cơm chúng ngồi chờ cha mẹ dọn cơm, trên mâm có món gì ngon nhất hai đứa đồng loạt gắp hết vào tô của mình, không hề mời ba mẹ, bà ngoại, dì dượng lẫn khách khứa (nếu có), có hôm còn cãi vã nhau um sùm vì đứa này gắp được thức ăn ít hơn đứa kia. Đáng lẽ cơm cũ chia đều ra mỗi người một chén ăn hết rồi mới ăn cơm mới nấu thì người cha và hai đứa con luôn luôn thản nhiên giành phần ăn cơm mới, người vợ tiếc của nên lúc nào chị cũng là người ăn cơm cũ của ngày hôm qua. Những lúc có mặt tôi cùng ăn, chị xới cơm nóng vào chén tôi, nhìn chị ngồi trệu trạo với tô cơm nguội (không hấp) vun chùn trước mặt, tôi từ chối rằng “thích ăn cơm nguội cho đỡ nóng” để “ăn tiếp” chị, chớ cơm nguội hôm qua mang ra ăn thì “ngon” cái nỗi gì.
Trẻ con rồi sẽ lớn lên, rời xa dần cha mẹ và gia đình để sống với bạn bè, với bên vợ (bên chồng), và giao tiếp với đủ thành phần xã hội. Liệu “người dưng nước lã” có ai đủ kiên nhẫn và hy sinh để lúc nào nhường nhịn cho con của anh chị “ăn khôn” còn họ thì phải “ăn ngu”? Người ta có thể vì lịch sự, vì lý do khác nên không xổ toạc ra lúc ấy, nhưng chắc chắn khó có lần thứ 2, lần thứ 3… và cũng không thể thiếu lời dè bỉu, chê bai sau lưng: “Mặt đẹp mà vô duyên, không biết ăn trông nồi, ngồi trông hướng” đính kèm.
Dạy con sống chỉ biết nghĩ lợi cho bản thân mình
Có lần, chị tự hào kể cho tôi nghe rằng con bé nhà chị học giỏi Toán, bạn cùng lớp của nó gọi điện thoại đến nhà nhờ nó giúp làm bài tập thì con bé từ chối và từ đó không thèm nghe điện thoại của bạn nữa. Chị kết luận rằng con chị làm như vậy là “khôn”, “Tụi nó ngu thì tụi nó ráng chịu, ai rảnh đâu mất công học rồi chỉ lại cho tụi nó”. Rồi chị còn hứng chí kể thêm rằng có đứa bạn gái rất thích chơi với con bé nhà chị, cái cặp của con bé nhà chị nặng lắm, vậy mà ngày nào nó cũng đón con chị ở chân cầu thang để xách cặp dùm con chị 2 tầng lầu lên tới lớp học dù con bé kia chẳng phải “lực sĩ” gì, nếu không muốn nói là nó ốm nhỏ người hơn con gái chị. May mắn là chị khen con gái chị “khôn” khi biết nhờ bạn xách cặp dùm mà chưa “tặng” cho đứa bé gái tội nghiệp kia chữ “ngu”. Tôi muốn với chị: “Bạn bè phải có qua có lại mới toại lòng nhau” nhưng e chị lại nói “Mày ngu” nữa thì bỏ mẹ.
Thằng bé em tính tình lại khác con chị, vô tư và tốt bụng với bạn bè hơn. Nó không học ở “trường giàu”, bạn nó phần lớn con nhà lao động nghèo. Trong lớp bạn nó thiếu giấy, thiếu bút nó thường cho mượn (và cho luôn). Bị mẹ mắng té tát: “Đồ ngu. Nó học thì nó tự đi mua xài, sao mày lấy cho nó?” thì thằng bé ấp úng “bào chữa” rằng nó “bán” chớ không phải “cho”, nhưng chẳng khi nào thấy nó thu được tiền “bán hàng” bao giờ. Có lần, cô giáo phân công mỗi tổ làm một bài tập về file trình chiếu, nhà có computer nên nó xung phong nhận làm cho cả tổ. Vậy là thằng bé cũng bị mẹ mắng “ngu” nữa, “Tụi nó không làm thì cả tổ chịu mất điểm, chớ đâu phải riêng một mình mày mà mày nhào vô hứng. Máy tính tao sắm bằng tiền chớ bộ máy chùa à?”. Nó lại cúi mặt ấp úng: “Con làm một lần này thôi mà, không làm nữa đâu”.
Dạy con sống chỉ biết nghĩ lợi cho bản thân mình, không giúp đỡ, không chia sẻ với bạn bè hay người xung quanh như vợ chồng bạn tôi, dù hai cháu bé có một kho kiến thức khoa học đầy đầu, nhưng với lối sống ích kỷ thì sau này lớn lên hai cháu có trở thành người hữu dụng hay chỉ là gánh nặng cho xã hội?
Tạ Phong Tần