Phanblogs Theo đánh giá của các nhà phê bình văn học Trung Quốc, bộ ba tác phẩm đã làm nên “hiện tượng Mạc Ngôn” hay còn gọi là “Mạc Ngôn tam hồng” trên văn đàn nước này bao gồm “Cao lương đỏ”, “Củ cải đỏ trong suốt” và “Châu chấu đỏ”. Trong bộ ba tác phẩm này, người ta thấy một Mạc Ngôn với phong cách kể chuyện nặng nề, u ám, với những câu chuyện thật đến trần trụi về bản chất con người, những dục vọng, đố kỵ nhiều khi nằm ngoài tầm kiểm soát.
“Châu chấu đỏ” là tập hợp những câu chuyện lặt vặt mà nhân vật chính hồi tưởng lại về những gì mình từng trải qua hoặc từng chứng kiến. Đó có thể là một vị giáo sư Đại học có vẻ ngoài đạo mạo, đáng kính khi đứng trên bục giảng nhưng những bí mật trong cuộc đời ông lại là một sự sa đọa về đạo đức. Đó có thể là cặp vợ chồng dù đã căm ghét nhau nhưng vẫn cố gắng sống chung dưới một mái nhà để rồi người chồng luôn luôn say xỉn và người vợ luôn ngoại tình. Những câu chuyện phản ánh một Trung Quốc đang trong giai đoạn chuyển mình với nhiều thói xấu hoành hành trong cuộc sống nơi phồn hoa đô hội, cùng lúc đó, những hủ tục cùng sự đói nghèo đang làm xơ xác những miền quê xa xôi hẻo lánh.
- Cuối cùng, người đàn bà ấy đã bị ai giết chết?- Chuyện này không thể nói rõ ràng được, chỉ có hai anh em ông ấy biết mà thôi. Nếu không phải là ông Tứ giết thì cũng là ông Cửu giết bà ấy thôi. Mấy mươi năm rồi nhưng không ai có gan hỏi về chuyện ấy.
Châu chấu đỏ tác giả Mạc Ngôn |
- Chuyện ông Tứ và ông Cửu cầm súng đuổi bắn nhau đùng đoàng là vào lúc nào?
- Chính là ngày người đàn bà ấy bị giết. Hai anh em chửi nhau một trận, người thì chửi “đ. mẹ nhà mày”, người thì chửi “ỉa vào mặt tổ tông nhà ngươi”! Kỳ thực là hai ông ấy đều do một mẹ sinh ra, cũng chẳng có hai ông tổ khác nhau!
- Họ bắn nhau chí tử như vậy, sao lại không có ai bị thương?
- Bị thương thế nào được! Dù sao thì cũng là anh em ruột. Ông Tứ đứng trên cầu đá giậm chân, toàn thân run rẩy, mặt mũi chân tay dính đầy bột mì (giống như một con chuột vừa giãy giụa thoát ra khỏi thúng bột mì, chiếc cầu đá rung rung), bắn một viên đạn xuống mặt nước (nước sông bắn lên tung tóe), trừng mắt chửi: Thằng Cửu kia, tao đ. mẹ nhà mày! Toàn thân ông Cửu cũng dính đầy bột mì, trên chiếc áo trắng máu dính dâm dấp, nhảy nhót điên cuồng, cũng bắn một viên xuống sông, chửi: Con c. Tứ kia! Ta ỉa vào mặt tổ tông nhà ngươi! Cứ thế, hai anh em đuổi qua đuổi lại, chửi một câu, bắn một viên và “đuổi nhau” về đến tận giữa làng.
Hình như cả hai đang đùa giỡn nhau.
Nhưng không phải đùa giỡn. Vừa bước vào sân là cả hai đã đâm sầm vào nhau, tay đấm chân đá mồm cắn, súng gõ vào nhau cồm cộp. Cổ ông Cửu bị ông Tứ cắn sứt một miếng thịt, đầu ông Tứ bị nòng súng của ông Cửu gõ một cú thật mạnh tạo thành một lỗ sâu hun hút, máu chảy dầm dề.
- Không có ai can ngăn khuyên giải họ à?
- Ai dám can ngăn? Họ đều có súng trong tay mà. Sau đó thì ông Tứ ngã sóng soài ra đất trông như một con chó chết, ông Cửu cũng không còn đủ sức để đấm đá nữa, thực ra thì ông Cửu đang sợ hãi, hình như ông ấy nghĩ là ông Tứ đã chết.
- Vết thương của ông Tứ không được băng bó lại à?
- Bà Ngũ của cháu vốc một nắm vôi nhét vào vết thương.
- Sau đó thì sao?
- Ba ngày sau, châu chấu từ bờ bắc đã quay lại.