Search

5.2.23

Tiểu Thuyết Hành Hương Tâm Linh Tác Giả Minh Đức Triều Tâm Ảnh

NGƯỜI XIN LỬA


Hành Hương Tâm Linh Tác Giả Minh Đức Triều Tâm Ảnh


....

Không biết Hựu chạy được bao lâu thì đến một vùng hoang dã. Bây giờ thì ngày đã lên trong ánh sáng nhờ nhợ. Có tiếng động và hơi thở trong không gian của mọi vật đang cựa mình sau một đêm dài thiếp ngủ. Nhìn quanh chàng thấy mình đang đứng ở một nghĩa địa. Và rải rác đây đó là những đầu lâu, sọ người, xương khô. 
Chúng như nhìn trừng trừng vào nỗi hoang liêu cô độc của đời chàng. Cái thế giới tĩnh vật đúng là tĩnh vật này, chúng cũng có tiếng nói nội tâm? Hựu cũng không đã từng lắng nghe ngôn ngữ của một đám mây, lời thì thầm của gió, sự hoan ca của nắng, niềm ngây ngất của bình minh rồi đó sao? Có những dòng sông đã trườn mình qua bao thác, bao ghềnh và cũng đã từng tâm sự với chàng về nỗi phế hưng thăng trầm của cuộc đời. 
Có những đỉnh núi đã ngạo nghễ cất lời ca cao vút bạt ngàn hoặc vỗ tay chế nhạo những bẩn chật, những tranh giành đê hạ của con người. Và bây giờ là lũ “cốt khô” này, chúng nói gì? Chúng đang yên nghỉ ở đây, như một tay lực sĩ điền kinh đã về đến đích, nhìn chàng và đồng loại chen lấn, xôn xao, mòn hơi, kiệt sức. Ta là cái đích của chúng, ta đang ngồi ở cuối đỉnh vinh quang trong cuộc trở về của chúng, lũ cốt khô nói như vậy? Thảm thương thay các ngươi đang mệt lả, đang khổ đau và hoan lạc giữa đường trường! 

Hựu phác một cử chỉ khinh miệt rồi ngửng đầu bước qua một bộ xương trắng hếu. Và từ đằng xa kia, trên tảng đá dưới một cội tùng già, vị sa-môn đang ngồi nhập định. Đấy có phải là người xin lửa? Sứ giả của Thượng đế là ngài đây chăng? Hiện thân của đấng cõi ngoài là bậc đại sa-môn đây chứ không ai khác. Ở thời đại này, con người man dã thú vật và thân xác này, nhất là xứ này, thành phố này, chẳng thể có những đạo sĩ, sa-môn trong dáng dấp khổ hạnh toát ra sự thanh cao, xuất trần, vô nhiễm như vậy.

Triết Hựu lần bước tới và quỳ xuống. Trên tảng đá, vị sa-môn đang còn nhắm mắt tham thiền. Sương xuống trên đầu vây phủ xung quanh một làn khói mỏng. Hình như có vài giọt đọng lại trên hàng lông mày bạc có từng sợi dài những hạt ngọc phù du đang còn đọng lại ở đó; hiện thân của một nhân cách đã chiến thắng phù du? - Xin đại sa-môn cho con xin một chút ánh sáng! Con là kẻ đang đầy bóng tối, hỡi ngài! Lần thứ hai Hựu cất tiếng nói nhưng vị sa-môn Vẫn im lìm, bất động. Người như đã hóa thạch. 
Hựu nhìn chiếc thân gầy như hạc, chiếc y hoại sắc đã bạc màu vì gió mưa của vị sa-môn mà cảm nghe trong lòng dâng lên một niềm thành kính cao độ. 
Người này, đấng này, là hiện thân, tôn vinh của thế giới tinh thần sáng láng. Là bậc đã làm chủ. Diễm phúc thay cho ta được diện kiến cùng người. 
Khi mặt trời bắt đầu chan hòa trên vạn vật thì vị sa-môn già cũng vừa mở mắt. 
Ngài bình thản nhìn Triết Hựu từ đầu đến chân, lặng lẽ không nói gì. 
Đôi mắt có mở ra mà như là vô tình, vô cảm. Đấy chỉ là sự mở ra của hai cánh cửa từ một căn nhà sau một mùa đông dài khép kín. 
Vị sa-môn thôi nhìn Triết Hựu, lại nhìn về phương đông, nơi mặt trời vừa nhô lên khỏi đỉnh núi, soi dài con đường mòn dẫn về thị trấn. 
Đưa tay xoa bóp nhẹ nhàng, chậm rãi ở mấy ngón chân, bàn chân, ống chân, vị sa-môn vươn vai đứng dậy. Thở một hơi dài. Manh áo cà sa được làn gió ban mai thổi nhẹ và mặt trời đã pha lên đấy một màu hồng loãng. 
Cúi người về cành cây phía trước, vị sa-môn lấy bình bát mở ra. Khi đã có trong tay chiếc bầu nhỏ đựng nước cùng chiếc khăn mặt, vị sa-môn bắt đầu làm vệ sinh buổi sáng. 
Hựu vẫn còn quỳ đấy, tất cả mọi động tác của vị sa-môn đều lọt vào mắt chàng. 
Ôi, cử động nào cũng chậm rãi và trầm tĩnh. 
Cử động nào cũng nói ra, nói lên, tuôn phát bởi sự nhàn tịnh sâu xa ở phía bên trong. 
Có phải là người đang dạy cho ta cử chỉ cùng phong thái của một người giác ngộ? Khi đã làm xong những công việc cá nhân, vị sa-môn khoác bình bát lên vai, chiếc gậy trên tay và đưa chân từ giã vùng hoang mộ. 
- Hỡi ngài! Hỡi đại sa-môn khả kính - Triết Hựu gọi giật lại - Hãy cho con ánh sáng! Vị sa-môn dừng lại, có vẻ ngạc nhiên. 
- Ngươi nói gì vậy? Ngươi đòi xin ánh sáng? Với từng ấy tuổi đầu mà ngươi chưa hề biết rằng ánh sáng đến từ mặt trời? Chúng ta đều chan chứa bởi ngài, phản chiếu bởi ngài và tin nhận từ ngài. 
Chúng ta đều là kẻ nhận chứ không phải kẻ cho! - Xin đại sa-môn cho con xin ánh sáng từ tâm linh! Ngước lên nhìn trời một lúc rồi vị sa-môn lẩm bẩm: 
-Cả chúng nhân trần gian thiểu trí này đều như vậy. 
Mặt trời có đó mà chúng vẫn thấy tối. 
Nếu chúng là thực-tại-tối thì chúng nhìn đâu mà thành sáng được? Mặt trời nào mà đến với chúng được? Nếu chúng là thực-tại sáng thì đâu không là sáng? Mười muôn triệu hố thẳm không đáy dày đặc lên nhau chúng cũng nhìn thấy được, sá gì chỉ một bóng đêm? Kỳ lạ, kỳ lạ! Nhưng nếu chúng tối thì lấy gì để nhìn cho rõ cái sáng? Kỳ lạ. Kỳ lạ. 
Tất cả đạo sĩ, sa - môn, người có năng lực suy tư, giáo phái chủ, giáo phái sư, kẻ có kiến thức, bậc trí giả - đều đi tìm cái đại khái như vậy, cái na ná như vậy - À! Coi nào, một người, hai người, ba người; những kẻ gặp ta giữa rừng, nơi miếu hoang, trong nghĩa địa, trên đường phố, nơi đám đông, giữa chợ búa… đều tra vấn ta những điều si ngốc như vậy: xin ánh sáng! Kẻ này, bậc tuổi trẻ thánh thiện này lại xác nhận là xin ánh sáng từ tâm linh! Chợt nhiên vị sa-môn già nói lớn: 
-Ta tìm hoài mà chẳng biết tâm linh ta ở đâu. Tâm linh ta với ngươi là một hay là hai? Ta không biết. Huống hồ là ánh sáng từ tâm linh. 
Ta chịu thôi! - Ngài đang đầy ắp cái ấy hỡi bậc đại sa-môn! Ngài hãy cho con cái gì mà ngài đang có, con đang thiếu thốn và khổ đau. 
Triết Hựu tha thiết, hai tay chắp lại và thành kính nói với theo. 
Vị sa-môn lại một lần nữa lẩm bẩm: 
-Ta có cái ấy à? Cái ấy là cái gì nhỉ? Quả thật là ta có một cái gì đây chăng? Cái ấy nó hiển lộ ra bên ngoài để đấng-tuổi-trẻ-thánh-thiện này nhìn thấy? Y thấy cái gì đó nơi ta mà sao ta không thấy? Kỳ lạ. Kỳ lạ. 
Thân xác ta, tư tưởng ta là cái mà y vẫn có? Ta có cái gì để cho y, khi thân xác và tư tưởng này ta cũng đã vay mượn từ Đấng hư không! Đến đây, vị sa-môn quay lại, đôi mắt sáng rực, uy nghi, trừng trừng nhìn Triết Hựu: 

-Bước đi! Chán lắm rồi cái trò xin xỏ thống thiết bi lụy của thế gian. Ta đã từng gặp hằng chục, hằng trăm, hằng ngàn tên khất sĩ vô loại như vậy. 
Kẻ vô loại nhất trần đời là kẻ mạo danh cao thượng, chiêu bài Thượng đế để đi khất-sĩ tâm linh! Xéo đi! Đôi mắt vị sa-môn già toé lên tia lửa hắt tạt vào niềm hi vọng của Triết Hựu. 
Niềm hy vọng chợt như bốc thành khói loãng tan nhòa vào hư không. Hựu còn lại với nỗi trần trụi cô liêu của mình. 
Bóng vị sa-môn già nhạt nhòa ở phía trước, trên con dốc sỏi đỏ, chậm rãi từng bước một, buông thả và nhàn tịnh. 
Từng bước chân như là không chờ đợi gì, thành tựu gì! Mỗi bước đi như là không đạt cái phía trước, phóng vọt tới đằng trước - mà tự nó đã nói lên cái thành tựu, đã trọn vẹn với chính nó, vừa nhân và quả, tại thế và xuất thế, sinh và tử, đi và về, vô sinh vô tử! Khi bóng vị sa-môn chỉ còn là một chấm nhỏ chìm trong ánh mặt trời, thì Triết Hựu thở một hơi dài. 
Thế là hết. Y đã mang ánh sáng rồi chìm khuất trong mặt trời, về với mặt trời, hòa tan trong mặt trời. 
Y đã mang của Hựu niềm hy vọng rộn rã vừa lóe sáng trong đêm để đi về phía ấy. 
Cả thiên hạ bao la này chàng chưa hề thấy một nhân cách thứ hai có đủ một phần mười sáu cái ánh sáng sâu thẳm từ phía bên trong tỏa ra ngun ngút bằng vị đại samôn này. 
Chỉ có ngài, ở nơi ngài ta mới thật sự tìm ra chính mình, và chân phúc: một bước nhảy ra ngoài định mệnh. 
Bước chân của Hựu rơi theo mục đích chàng: theo chân vị sa-môn khổ hạnh. Đến thị trấn, vị sa-môn khoan thai từng bước một, đôi mắt nhìn xuống, lần lượt từ nhà này sang nhà kia để xin ăn. 
Đầu trần, chân đất, lặng lẽ không nôn nả, không mong ngóng, trầm thản, bình an, tròn đầy và vô dục. 
Ở nơi người toát ra một từ lực đức hạnh khiến xung quanh phải mở mối thiện tâm cùng lòng tôn kính. 
Hựu đi ở phía sau, giữ một khoảng cách vừa phải. Và quả là điều trái ngược, ở nơi y, tự tâm nội vẫn còn mong với một cái gì, nhìn thấy một cái gì, đạt một cái gì. Một động lực vô danh âm ỉ thúc hối chàng tìm kiếm và lên đường. Chàng vẫn chưa tuyệt niềm hy vọng là sẽ được vị samôn ban cho ánh sáng. 
Hai chân Hựu rã rời, nhức buốt. Kéo lê đôi chân trên đường tìm đạo cũng nặng nề như kéo lê thân xác đi qua cuộc đời, chàng nghĩ; một bên thì phải nhấc chúng lên, lửa, gai, vực thẳm, sự kiên trì, kiêu dũng; một bên thì phải nuôi dưỡng, bảo vệ, bệnh tật, uống ăn, mệt mỏi, chết và già. 
Ngay giây phút này đây, Hựu mới thâm hội ẩn nghĩa của cuộc lưu đày tại thế. 
Ôi! những thân phận không ngớt vươn lên kiếm tìm tuyệt đối, tuyệt đối của vật chất hoặc tinh thần. 
Chạy đuổi cái vô hạn đến một cấp độ nào đó cũng đồng nghĩa với tự sát trong vòng quay của hữu hạn! Ôi! Chàng đã mệt mỏi quá rồi! Cái ấy chàng đã không thể tư duy được, lại không thể kiếm tìm được. 
Chợt như thấy đó rồi lại mất đó. 
“Cái ấy xua đuổi chàng chạy điên đảo trên hai bờ vực thẳm sinh và tử - hay là chàng chạy điên đảo trên hai bờ vực thẳm sinh và tử để tìm đạt cái ấy?” Ôi! Chàng đã mệt mỏi quá rồi!




... 

Nguồn: Tiểu Thuyết Hành Hương Tâm Linh Tác Giả Minh Đức Triều Tâm Ảnh


ghi chú: 

cuốn sách với 819 câu hỏi, rối loạn như một ổ kén, rối ren như một ống chỉ, giống như cỏ munja và lau sậy babaja (ba-ba-la).


Hành Hương Tâm Linh Tác Giả Minh Đức Triều Tâm Ảnh filetype PDF

https://drive.google.com/file/d/1OxJauSMpUil4IR8eZUuWV3VisvtjM-Lr/view?usp=sharing


Hành Hương Tâm Linh Tác Giả Minh Đức Triều Tâm Ảnh filetype txt

https://drive.google.com/file/d/1zx2hUKeSZFsv7l0EpMwoFt7E9869iXJs/view?usp=sharing



Thống kê SÁCH đọc nhiều theo thời gian

VƯỢT BIÊN

VƯỢT BIÊN

...
Người vượt biên trước hết phải nhắm đến việc lìa bỏ một nơi chốn , còn chuyện nơi sẽ đến ra sao trước mắt họ không nghĩ đến nhiều . 
Ai có đi vượt biên thì biết , chuyện họ đặt chân xuống tàu chuyện đầu tiên là họ lìa bỏ xứ sở này trước , còn chuyện họ đi qua trại tị nạn được ai vớt không ai biết , vì ra tới hải phận quốc tế rồi , Nhật vớt , Đức , Pháp , Ý , Anh , Tây Ban Nha , Mỹ , Canada , Úc , Bồ Đào Nha , Hy Lạp ai vớt chưa biết và khi họ vớt rồi đưa về đâu thì chỉ có trời biết . 
Có khi họ vớt họ đem vô đảo nào gần nhất hoặc họ lựa đất liền nào gần nhất như là Mã Lai , Indonesia , Thái Lan , có khi họ vớt rồi họ đem lên tàu đem về xứ luôn , hoặc họ ngừng lại họ cho thức ăn và có thể họ cho dầu , họ có thể giúp mình sửa máy tàu , cho thuốc men , chỉ đường đi , tặng cho mình cái la bàn , hải đồ tức là bản đồ đi biển rồi họ lại đi tiếp . Nói chung người xuống tàu vượt biên chuyện đầu tiên mục đích của họ là lìa bỏ nơi này trước cái đã , cái đó là gốc , còn chuyện đi về đâu thì tính sau . 

Thì ở đây cũng vậy người tu hành giải thoát chuyện đầu tiên là lìa bỏ tình trạng phàm phu của mình , lìa bỏ những lo âu như : Sợ chết , sợ xấu , sợ bệnh , sợ sa đọa rồi những sự nặng lòng vì muốn được này nọ .


Người vượt biên trước hết phải nhắm đến việc lìa bỏ một nơi chốn , còn chuyện nơi sẽ đến ra sao trước mắt họ không nghĩ đến nhiều .


....

Sư Giác Nguyên ( chép lại bài giảng của Sư ngày 22-8-2018)

Nguồn: https://m.facebook.com/1255927284529972/photos/a.1393142017475164/1670464509742912/?type=3


Thống kê SÁCH đọc nhiều theo thời gian