GÁNH NẶNG CỦA TƯỞNG UẨN
Có nhiều cái biết: cái biết của thức, cái biết của tưởng và cái biết của trí.
Cái biết của trí là nhận chân bản chất của mọi sự đang diễn ra là gì, cái biết của thức là mắt chụp hình, tai ghi nhận âm thanh chớ chưa biết đó là cái gì, phần ý thức mới giải quyết phần còn lại.
Cái biết của tưởng là dựa trên tất cả những gì dựa trên hồi ức cũ, kinh nghiệm cũ, đời này hay kiếp khác.
Tưởng uẩn là khía cạnh kinh nghiệm của tâm thức trong từng cái biết. Tại sao mình gặp người đó mình vui? Vì mình nhận ra là người quen, người thương; nhìn món đồ đó mình thích vì nó vừa ý mình; cái mùi này là mùi trầm, cái này là mùi rác, cái này là mùi cống…
Thọ, tưởng, hành, thức, luôn đi chung nhau thành một khối tổng hợp. Thức uẩn là tâm. Thọ, tưởng, hành là tâm sở. Tâm và tâm sở luôn đi chung nhau như các cạnh của viên kim cương. Giống như ly nước đá trước mặt: láng, tròn, cứng, lạnh là những khía cạnh có mặt cùng lúc ở một ly nước đá.
Khi mình biết mùi cống, thọ uẩn là khổ, tưởng uẩn biết là mùi cống, hành uẩn lúc đó là tâm sân, thức uẩn chỉ là sự ghi nhận đơn thuần của khứu giác. Sân là vì không chịu nổi cái mùi, chưa kể còn tưởng tượng suy diễn ra chuyện khác. Tưởng uẩn là nhân tố cho những suy diễn tiếp theo cho ta bực mình. Mình đóng thuế cầu đường rồi, năm nào cũng đóng, họ phải lo chuyện đó chớ, mà cuối cùng đường cứ hư, cống rãnh thì hễ cứ mưa ập lên, nước đen ngòm, rác lềnh bềnh. Lúc nghe mùi cống là mình nghĩ đến việc đóng thuế, là nổi bực mình lên, đó là hành uẩn làm việc.
Tiến trình tâm thức lúc nghe mùi thơm ta thích cũng vậy. Khi mũi nghe mùi thơm, thức uẩn ghi nhận mùi, tưởng uẩn thì ghi nhận đây là mùi Channel, Versace… và tâm tham xuất hiện. Ghét hay thích cũng do ba nhân (1.Tiền Nghiệp; 2.Bối cảnh hiện tại; 3.Khuynh hướng tâm lý).
Gánh nặng là như vậy đó, hành giả khi quan sát, quán chiếu rõ sẽ thấy thì ra cái mình gọi là hạnh phúc hay đau khổ thích hay là ghét, là như vậy đó.
Gom chung lại được gọi là năm uẩn, mà mình thì bị nhốt trong đó, vì mình còn phiền não, mình chưa là vị A-la-hán nên cứ tiếp tục đi tới. Hành giả hiểu được điều này nên làm công đức gì cũng mong công đức đó trở thành Ba-la-mật. Ba-la-mật là những thiện pháp hỗ trợ cho sự giác ngộ; khi đang thực hiện thì mài mòn phiền não và sau đó trở thành Ba-la-mật.
Lúc đang bố thí là mình đang mài mòn phiền não, mài mòn bỏn xẻn. Ngồi thiền là mài mòn phóng dật, ngã mạn, tâm tham, tâm sân, ích kỷ, nhỏ mọn, ghen tị v.v... Nếu đủ duyên thì đắc A-la-hán ngay đời này, nếu không đủ thì thành Ba-la-mật cho đời sau. Hành giả thứ thiệt là họ thấy từng giây phút có mặt của mắt, tai, mũi, lưỡi là từng giây phút hệ lụy.
...
Bài giảng kinh gánh nặng- Sư Giác nguyên
Ghi chú: 125
Sách đọc nhiều
Bài đọc nhiều