Search

29.9.22

TA LÀ CHỦ NHÂN CỦA NGHIỆP

TA LÀ CHỦ NHÂN CỦA NGHIỆP, LÀ KẺ THỪA TỰ CỦA NGHIỆP, NGHIỆP LÀ THAI TẠNG, NGHIỆP LÀ QUYẾN THUỘC, NGHIỆP LÀ ĐIỂM TỰA.


-Không có kẻ thù nào mà có thể tấn công chúng ta ngoại trừ cái ác nghiệp của chúng ta. 
-Một người tạo nghiệp ác khi tái sinh nơi đâu, thì nghiệp ác đó nó chực sẵn như kẻ thù chờ hại mình. 
-Một người tạo nghiệp lành dầu tái sanh ở đâu, nghiệp thiện chờ sẵn mình như người thân đón kẻ xa mới về. 
-Không có kẻ thù nào mà độc hại cho bằng ác nghiệp của mỗi người.
-Không có tình thân nào, tình bạn nào, tình thân quyến nào mà ngon lành hơn thiện nghiệp của mình đã tạo. 
-Dẫu ông Trời, Ngọc Hoàng Thượng Đế, Phạm Thiên, Ma Vương cũng không thể hại chúng ta nếu mà chúng ta không phải lúc trả nghiệp xấu. 
-Dẫu một người mẹ thương con cách mấy, thì cũng không thể lo cho con bằng thiện nghiệp của người con đó. 
TA LÀ CHỦ NHÂN CỦA NGHIỆP, LÀ KẺ THỪA TỰ CỦA NGHIỆP, NGHIỆP LÀ THAI TẠNG, NGHIỆP LÀ QUYẾN THUỘC, NGHIỆP LÀ ĐIỂM TỰA.


Trong Kinh Pháp Cú có câu là : 

"Kẻ thù hại kẻ thù 
Oan gia hại oan gia 
Không bằng tâm hướng tà
Gây ác nơi tự thân" 

Mình muốn trốn khổ tìm vui thì mình phải có từ bi hỷ xả, chánh niệm, trí tụê, thiền định, kham nhẫn. Trốn khổ tìm vui thì phải sống bằng tâm lý này thì được gọi đó là thiện.
Hành giả phải biết rõ : 
-Tất cả buồn khổ đời này là quả xấu đời trước.
-Tất cả hạnh phúc an lạc đời này là quả lành từ đời trước.
-Tất cả thiện tâm từ đời này là nhân vui cho kiếp sau.
-Tất cả ác tâm đời này là nhân xấu cho kiếp sau. 
Những nhận thức như vậy đó được gọi là nhận thức về nghiệp lý. Hành giả biết rõ ràng mỗi người đều có nghiệp riêng. 

Sư Toại Khanh. (Chép lại bài giảng của Sư)



Thống kê SÁCH đọc nhiều theo thời gian

28.9.22

Thiền học Nam truyền tác giả Joseph Goldstein and Jack Kornfield tỳ kheo Giác nguyên dịch Việt

Thiền học Nam truyền tác giả Joseph Goldstein and Jack Kornfield tỳ kheo Giác nguyên dịch Việt (1987)  


Lời Giới Thiệu của Ðức Ðạt Lai Lạt Ma 


Chúng ta đang sống trong một thời đại mà những thành tựu về khoa học vật chất đã có những bước tiến đáng kể. Tuy nhiên, một điều hết sức rõ ràng là một lý tưởng thăng hoa nhân bản vẫn chưa được thực hiện thỏa đáng. Những xung đột, mâu thuẩn về chính trị và ý thức hệ vẫn tiếp tục tồn tại giữa các quốc gia để dẫn tới biết bao những thảm cảnh chiến tranh và bạo động cho nhân loại vẫn triền miên nếm trải tất cả cay đắng nghiệt ngã nhất. 

Ðiều đó đã nói lên rằng nếu chỉ tiến bộ về lĩnh vực vật chất ngoại giới thì 4 cũng vẫn chưa đủ, mà ở đây chúng ta còn có một nhu cầu khác cấp thiết hơn nhiều, đó chính là đời sống nội tại, sự phát triển về tâm linh. Và con đường tối ưu để thực hiện lý tưởng đó chính là pháp môn thiền định của Phật Giáo. Ðúng là từ suốt mấy ngàn năm lịch sử, Phật giáo đã có rất nhiều thiền phái nhưng chung quy lại, tất cả điều có chung một tông chỉ căn bản là "dĩ tâm an tâm" tức nhắm tới mục đích trầm lặng tâm hồn và hai nét độc đáo được xem như điểm đặc trưng của thiền định Phật giáo chính là nội quán và bao dung, nói khác đi thì chính là trí tuệ với từ tâm.

Càng sống thiền định để thấu suốt cái vô thường, đau khổ và vô ngã trong đời sống thì ta càng dễ dàng mở rộng trái tim để có thể sống hòa ái và cảm thông cho tha nhân nhiều hơn. Ðó là một thứ tình thương vô điều kiện và không phân biệt đối với tất cả các giới chúng sinh. Và nếp sống như vậy ngoài ý nghĩa an lạc cho chính mỗi người, còn có một giá trị khác nữa đó là đóng góp vào sự hòa bình của toàn thế giới. Thật đáng mừng khi tìm thấy những người phương Tây biết quay về học hỏi phương Ðông và đem san sẻ kinh nghiệm đó cho người khác như hai tác giả của tập sách này. Mong sao nỗ lực 6 đó của nhị vị sẽ đem lại phần nào niềm an lành cho tất cả chúng sinh 
Ðức Ðạt Lai Lạt Ma Mc Leod Ganj 20/04/1987 
 
Thiền học Nam truyền tác giả Joseph Goldstein and Jack Kornfield tỳ kheo Giác nguyên dịch Việt
Thiền học Nam truyền tác giả Joseph Goldstein and Jack Kornfield tỳ kheo Giác nguyên dịch Việt

Thiền học Nam truyền tỳ kheo Giác Nguyên dịch Việt bản PDF: https://drive.google.com/file/d/15lItowKwcS4-B4VcfH9uL8w_nkpVRJnl/view?usp=sharing


THIỀN HỌC NAM TRUYỀN


Chúng ta ước ao, được đáp ứng, nếm trải được một ít hạnh phúc để rồi khi mọi thứ đã tàn cuộc, tất cả niềm vui lại qua đi, chúng ta tiếp tục quay về với những tầm cầu triền miên, rồi cuối cùng lại một mình đối diện với tất cả đổ nát hoang tàn.

Chúng ta mãi mãi đi tìm một cái gì hoàn thiện bất hoại nhưng tiếc rằng đó là điều bất khả, để rồi qua bao đoạn đời chúng ta vẫn chưa thật sự làm được một điều gì đó cho mình. Nhưng lòng ham muốn của chúng ta là gì mới được chứ? Ðó là sự khao khát những cảm giác khoái lạc. Có được chúng, ở đây là lục trần khả ái, chúng ta dĩ nhiên sẽ cảm thấy hạnh phúc. Chỉ hiềm một nỗi là mọi niềm vui luôn ngắn hạn, phù du. Trong khi đó chúng ta lại cứ mãi quẩn quanh đi tìm cái gì hằng cửu trong thế giới hiện tượng khói sương mà bản chất của nó vẫn luôn là sương khói. 

Ở đây chúng ta có một giai thoại nhỏ về nhân vật Mullah Nasruddin của văn học Hồi giáo có thể tạm thời minh họa cho vấn đề này:

Một đêm kia, mấy người bạn của Nasruddin đến thăm ông ta và trông thấy ông ta đang loay quay mò mẫm như để tìm kiếm một thứ gì đó dưới cột đèn đường. Họ hỏi ông muốn tìm cái gì, ông nói đã đánh mất chìa khóa cửa nhà. Cả đám bạn cùng ngồi xuống lề đường để tìm giúp ông nhưng họ chẳng thấy chiếc chìa khóa đâu cả. Sau cùng một người trong nhóm đã hỏi Nasruddin xem ông có thể nhớ đại khái là đã đánh mất nó ở đâu. Ông ta điềm nhiên trả lời rằng:

"Mình đã bỏ quên chìa khóa trong nhà". Ðám bạn bè ngạc nhiên hỏi ông biết vậy sao đi tìm ở một chỗ vớ vẩn như vậy ?

Nasruddin mỉm cười như không:
"- Bởi vì ở đây có đèn sáng." 

Chúng ta cũng có thái độ tầm cầu hạnh phúc gần giống như vậy, là luôn có khuynh hướng đi tìm hạnh phúc trong những điều kiện mà mình có đặt hy vọng. Ðiều kiện càng có vẻ hứa hẹn thì càng lôi cuốn chúng ta. Mà một nguồn hạnh phúc và an bình thật sự thì chỉ có được từ một sự tri túc, dung dị. Vì thực ra cái hạnh phúc thật sự cần thiết cho chúng ta đâu có chi là nhiều. Một sinh phong giản dị với một tâm thái hồn nhiên là đã đủ mang lại ánh sáng và cảnh giới cao rộng cho đời sống của chúng ta rồi.

Một khi những xung động tham dục đã được lắng xuống, nội tâm không còn bị điều hành bởi các ham muốn phù phiếm, thì chúng ta sẽ cảm nghiệm được một sự an bình tuyệt vời. Chúng ta đừng bao giờ hiểu lầm rằng thái độ sống như trên là sự lãnh đạm xoay lưng với thế giới quanh mình (bởi thường thì đã có không ít những cá nhân hiểu và sống như vậy), mà ngược lại ta cần thấy rằng thái độ nội tâm đó, nếu được khéo vận dụng, sẽ làm hoán chuyển cuộc sống của chúng ta với phong cách hoạt động tích cực và trọn vẹn. 

Tinh thần thoát sái và bao dung đó là một biểu hiện sống động cho trình độ trí tuệ của mỗi người. Nó xây dựng cho chúng ta một trái tim hào sảng và khoáng đạt trước mọi sự từ sinh hoạt thường nhật đến cách xử lý các tình huống, và cao nhất chính là một tâm hồn biết yêu thương, tha thứ. Bên cạnh cái giá trị cơ bản mang ý nghĩa làm nên một nhịp cầu đối giao với tha nhân, thì ở đây một tấm lòng luôn rộng mở còn giúp chúng ta cái nhìn tinh tế, thấu suốt về chiều sâu tế vi, nhỏ nhiệm của nội tâm mình cùng những tập tính kín khuất mà mình không mấy khi có thể nhận diện được.

Nguồn: Thiền học Nam truyền tỳ kheo Giác Nguyên dịch Việt


Thống kê SÁCH đọc nhiều theo thời gian

25.9.22

MÓN NỢ ĐỜI

Một ngày, có đám khách xa lỡ tàu ngẫu nhiên lạc bước đến thảo am lão thiền sư, một người đã lâu quên mất chuyện thù tạc với đời. 

MÓN NỢ ĐỜI

Thấy ông có vẻ kiệm lời nhưng không đến nỗi người trệ khẩu, đám khách giết thời gian bằng mấy câu vấn đạo.

Khi được hỏi vì sao hiền thánh xưa giờ có vẻ không tha thiết chuyện sử dụng thần thông phép mầu như nương mây cưỡi gió về hưởng nhàn ở những chốn bồng lai tiên cảnh trên núi tuyết hay biển xa, mà cứ một đời ẩn cư những thâm xứ quạnh hiu xa vắng, lão thiền sư nheo mắt nhìn người hỏi:
-Chính thiên nhãn và huệ nhãn đã khiến thánh nhân như vậy đấy. Ngồi yên mà thấy hết mọi sự, và biết có đến tận nơi thì cũng không thấy thêm được cái gì ngoài những bóng nắng ảo hóa, thế bao nhiêu phép màu gì đó có còn là chuyện hứng thú nữa không?
Một cư sĩ tóc trắng vẻ người tân học nói mấy câu tỏ ý nghi ngờ chuyện thánh nhân không thích gì. Ông nói sống ở đời không thích ghét gì hết thì như cây không có nhựa sống. Lão thiền sư cứ có dịp thì lại cười hề hề:
-Ngay đến kẻ phàm phu chỉ cần biết vài chuyện ruồi bu cũng đủ khiến người ta hết thích này nọ, cần gì phải thánh mà ông tin với không tin.
Chẳng hạn biết chắc lúc nào mình sẽ chết, những chuyện buồn vui gì sẽ xảy đến ngày sau, hay thiên hạ đang nghĩ gì về mình…Người biết được chừng đó thôi thì có cho làm ngọc hoàng cũng không vui nổi, nói gì là thích. Ông nói rất đúng, thánh nhân giống hệt cội cây không còn nhựa sống, phải vậy các ngài mới có thể viên tịch Niết bàn. Nhưng nói vậy không có nghĩa là thánh nhân sống hắt hiu cằn cỗi như một kẻ muốn tự tử. Không còn ham thích gì nhưng các ngài cũng chẳng bất mãn thứ chi. Mọi sự tùy duyên, không hy cầu cũng không trốn chạy, thánh nhân sống bằng niềm thanh thản của một người làm xong việc nằm chờ giấc ngủ đến. Đơn giản vậy thôi.
Một người khách nãy giờ ngồi im lặng một góc bỗng hắng giọng hỏi một câu thiệt khó nghe:
-Tui bây giờ vẫn còn tin Phật, nhưng chỉ muốn quy y Nhị Bảo, không kể Tăng Bảo được không? Tăng ni thời nầy bó tay luôn!
Lão thiền sư cười to như không thể dằn lại:
-Có cưới đâu mà đòi ly dị. Tăng bảo trong Tam bảo chính là Pháp bảo được thể hiện qua con người. Người không có Pháp bảo thì sao gọi là Tăng Bảo. Đối tượng mà ông bất mãn vốn không có trong Tam Bảo.
Một người khách ngồi cạnh nghe vậy hỏi thêm:
-Xin hỏi nếu không nhìn mặt những tăng ni đó thì ai sẽ dạy đạo cho chúng con?
Lão thiền sư khoát tay:
-Nếu họ bê bối mà có cái để dạy ông thì chỉ nên nghe họ mà đừng nhìn họ. Nếu họ trong sạch mà dốt nát thì ta nên nhìn họ mà không cần nghe. Nếu tăng ni không có gì để ta nghe hay nhìn thì ông mất thời gian làm gì với thứ lỡ thầy lỡ thợ đó. Vã chăng, Phật Pháp là di sản của Phật để lại cho người cầu đạo, không dành riêng cho tăng ni nào hết. Mình bại liệt hay sao mà đến gia tài của bố để lại cũng phải nhờ người khác làm trung gian ban bố.
Cái mà tăng ni thời này có hơn cư sĩ chỉ là thời gian rỗi rảnh, họ có điều kiện tham cứu hơn. Nếu cư sĩ biết dành thời gian tự học nhiều hơn thì tăng ni chỉ là địa chỉ tham khảo!
Câu chuyện mỗi lúc một sâu và xa hơn, một cậu cư sĩ trẻ tuổi nhìn thiền sư rồi hỏi:
– Xin hỏi người đi chùa ngày một đông và chùa chiền ngày một tráng lệ sao có người lại bảo thời này là đời mạt pháp?
Lão thiền sư bật cười:
-Tinh thần chánh pháp không thể tính trên số người đi chùa hay số đo chiều cao, chiều rộng của chùa tháp. Hãy chọn bừa một vài người trong biển người đi chùa rồi hỏi họ lý do đến chùa, hay hỏi tăng ni tiết mục nào quan trọng nhất trong các buổi lễ đông đảo, lúc đó ông sẽ thấy chánh pháp chỉ là một khái niệm xa xỉ và viễn tưởng.
Thử hỏi ai là người phải chịu trách nhiệm cho sự tình này? Câu trả lời có lẽ phải là cả hai phía tăng ni và cư sĩ. Nói rốt ráo thì tăng hay tục đều là khách trầm luân như nhau, cư sĩ có lòng cầu giải thoát thì không thể tự cho mình cái quyền dễ ngươi trong cái gọi là đạo nghiệp tu hành. Mai kia trên giường chết mọi người đều phải một bóng lên đường vào cuộc đi mù mịt của kiếp tử sinh. Nhưng hiếm người cư sĩ thấy ra lẽ này. Vì sao lại thế chứ?
Bởi từ lâu ngày họ đã được hướng dẫn kín đáo rằng cứ có nhiều tiền thì có thể nhờ người khác hộ niệm, khỏi phải tu học gì hết. Trường hợp thứ ba còn thảm hơn: Cúng dường mạnh tay để quảng cáo bản thân, tính ra rẻ tiền mà hiệu quả hơn việc lên báo, lên đài. Đại khái đời mạt pháp là thời điểm mà hầu hết tăng ni và cư sĩ đều thích mở nhà hàng nhưng thức ăn toàn là đồ hộp, chỉ việc khui ra hâm nóng rồi đặt lên bàn cho khách. Đó không là mạt pháp thì còn chờ lúc nào nữa.
Khách lại hỏi thêm:
-Dám hỏi thiền sư một vài dấu hiệu đặc trưng của đời mạt pháp để chúng con biết mà thêm tinh tấn?
Thiền sư nhắm mắt một lát rồi nhìn xuống trả lời:
-Đại khái tăng ni không muốn giỏi nhưng thích được khen giỏi, khoái sống như phàm nhưng lại muốn được xem là thánh, coi chùa quan trọng hơn Phật. Về phía cư sĩ, hiếm người đến với tăng ni để học đạo giải thoát. Thường người đến chùa chỉ nằm trong vài ba trường hợp: Do hoàn cảnh mà quen biết tăng ni rồi lui tới như bè bạn, lâu ngày tự nhiên có được nhãn hiệu Phật tử, hoặc xem tăng ni như trung gian giúp họ liên lạc với một cõi trên nào đó để van xin khấn khứa.
Những hướng dẫn sơ sài thiếu trách nhiệm của tăng ni không đáng cho cư sĩ cúc cung tận tụy để hồi đáp. Một người bệnh không có lý do gì phải một đời thờ phụng lang băm. Cái họ cần phải là thuốc hay, thầy giỏi. Một quan hệ thầy trò dựa trên niềm tin mù quáng kiểu đó dễ khiến đệ tử thành ra nô lệ hơn là học trò của thầy, một kiểu nô lệ chung thân không có tiền công và cái họ nhận được chỉ là một xấp vàng mã!
Có câu chuyện đáng buồn này ta đọc được ở đâu đó lâu lắm rồi, mà mỗi lần nhớ lại cứ nghe ngậm ngùi mà ray rứt khôn nguôi.
Có đôi vợ chồng nhà kia nghèo khổ cơ cực lắm, còng lưng làm lụng mà vẫn không đủ ăn, đã vậy mỗi ngày còn phải dành ra ít tiền xương máu để trả dần một món nợ lớn mà họ đã vay từ nhiều năm trước. Nhắm sống ở quê nhà không xong, họ dắt díu nhau biệt xứ đi làm thuê ở một chốn xa. Ngày trả xong món nợ kia cũng là lúc họ đã bạc tóc, thân tàn ma dại, người quen ngày nào gặp lại đố mà nhận ra họ là ai. Vậy mà trời xuôi đất khiến, một ngày kia, giữa chốn xứ lạ quê người, hai vợ chồng nghèo kia gặp lại đúng người chủ nợ năm nào. Đó là một người bạn cũ giàu có và tốt bụng.
Người bạn nhà giàu sững sờ nhìn cặp vợ chồng nghèo trong bộ dạng tả tơi ốm đói:
-Sao lại ra nông nỗi nầy chứ, hai người đi đâu mười mấy năm nay, rồi giờ sống ra sao mà ngó thảm quá thế này?
Hai vợ chồng nghèo nhìn nhau rồi lại nhìn cô bạn giàu có, họ ngập ngừng ngượng nghịu một đổi rồi cô vợ nhìn vào mắt người đối diện:
-Bồ có nhớ chuyện mười mấy năm trước đã cho tui mượn sợi chuỗi ngọc để đi dự tiệc không?
Cô bạn gật đầu:
– Nhớ chứ, vì hình như sau đó không lâu thì bạn bè kháo nhau là hai người đã mất tích, không ai liên lạc được.
Người thiếu phụ nghèo khổ khó khăn lắm mới có thể nói tiếp:
-Sau đêm đó tụi này làm mất chuỗi ngọc, đến tận giờ cũng không biết nó đã rơi mất ở đâu hay bị ai lấy trộm, nói ra sợ bồ không tin rồi nghĩ quấy.
Cô bạn nhà giàu nóng ruột:
-Rồi sao nữa hả?
Anh chồng của người thiếu phụ nói thay vợ:
-Tụi tôi cầm cố hết nhà cửa, bán luôn miếng đất hương hỏa rồi mượn thêm chỗ này chỗ kia để có tiền tìm mua một xâu chuỗi ngọc giống hệt của bà để đền lại. Rồi từ đó bỏ xứ đi luôn. Mãi đến gần đây mới trả xong món tiền nợ năm đó. Giờ ra đường thấy ai đeo chuỗi ngọc giống vậy cũng sợ điếng hồn không dám nhìn nữa.
Cô bạn giàu có nghe đến đó thì đưa hai tay ôm đầu kêu trời:
-Úy trời đất, xâu chuỗi tôi cho hai người mượn năm đó là đồ giả, đeo cho vui vậy thôi. Từ lúc mấy người đem trả lại đến nay tôi có bao giờ đụng đến nó nữa đâu. Trời ơi là trời, vậy là tiêu mất một đời của ông bà chỉ vì cái món đồ quỷ đó.
Cả ba người đều khóc, và cả ta nữa, lần đầu đọc được câu chuyện đó cũng nghe xót xa không chịu nổi.
Nhưng câu chuyện đó không phải hư cấu đâu, nó có thật và xảy ra từng ngày trên hành tinh này khi từng bữa trong thiên hạ vẫn có biết bao người phải trả một cái giá thiệt đắt cho những thứ hàng hoá không đáng để họ chạm tay. Đó là những sản phẩm chính trị, tôn giáo, xã hội…được tạo ra từ những động lực như gian trá, ích kỷ, dốt nát, vô cảm, tắc trách mà cái nào cũng độc hết, cái nào cũng để lại những tác hại là hút cạn sinh lực hay khiến người ta hoang phí kiếp nhân sinh một cách oan uổng tức tưởi.
Lão thiền sư đột nhiên trỏ tay lên chiếc đồng hồ trên vách:
-Bốn lăm rồi, hồi nãy ai nói có chuyến tàu lúc 15, rửa mặt uống nước rồi tà tà đi là vừa. Đi mà trả cho xong mấy món nợ đời!
Ông cười hiền khô, rồi đứng dậy vói lấy tay nải, nói mà không nhìn ai trong đám khách:
-Ta có việc phải vào làng, am gần ga, biết đâu lại có dịp mấy người lỡ chuyến tàu mà ghé đây gặp lại.
Dáng người gầy gò của nhà sư già nhanh chóng chìm khuất trong đám lau trắng. Nắng chiều bỗng vàng rực như lửa, có chút gió ở đâu thổi về mang theo cái mùi ngai ngái của một trại bò nào đó. Tiếng còi tàu lửa vang lên từ cuối chân trời. Đám khách rời am và có người vừa đi vừa ngoái đầu nhìn lại đồi lau. Thảo am của nhà sư già không còn ở đó nữa. Nó khuất tầm nhìn của họ hay là nó chưa từng tồn tại…


TOẠI KHANH
Nguồn ảnh: https://vuadeplop.com



Thống kê SÁCH đọc nhiều theo thời gian

22.9.22

ĐƯỜNG XA VẠN DẶM

ĐƯỜNG XA VẠN DẶM 


Imāya Dhammā ‘nudhammapatipattiyā Buddham pūjemi

Imāya Dhammā ‘nudhammapatipattiyā Dhammam pūjemi

Imāya Dhammā ‘nudhammapatipattiyā Sangham pūjemi

ĐƯỜNG XA VẠN DẶM


- Kinh Rải Tâm Từ Metta Chanting https://theravada.vn/kinh-rai-tam-tu-metta-chating-pali-viet/



Metta Chanting Rải tâm từ Ahaṃ avero homi
Abyāpajjo homi
Anīgho homi Sukhī attānaṃ pariharāmi Nguyện cho tôi thoát được mọi oan trái.

tâm không phiền não.

thân không đau đớn.
thân tâm được an lạc.

Mama mātā-pitu-ācariyā ca nātimittā ca Sabrahmācarino ca

Averā hontu

Abyāpajjā hontu
Anīghā hontu
Sukhī attānaṃ pariharantu

Nguyện cầu cho cha mẹ, thầy tổ, bà con, bạn bè và đạo hữu

thoát khỏi mọi oan trái,

tâm không phiền não,
thân không đau đớn,

giữ gìn thân tâm được an lạc.

Imasmim ārāme sabbe yogino

Averā hontu

Abyāpajjā hontu
Anīghā hontu
Sukhī attānaṃ pariharantu

Nguyện cầu cho tất cả thiền sinh nơi đây

thoát khỏi mọi oan trái,

tâm không phiền não,
thân không đau đớn,

giữ gìn thân tâm được an lạc.

Imasmay ārāme sabbe bikkhu sāmanarā ca upāsaka – upasikāyo ca

Averā hontu

Abyāpajjā hontu
Anīghā hontu
Sukhī attānaṃ pariharantu

Nguyện cầu cho tất cả chư tăng, sa di, nam và nữ cư sĩ ở nơi đây

thoát khỏi mọi oan trái,

tâm không phiền não,
thân không đau đớn,

giữ gìn thân tâm được an lạc.

Amhākam catupaccaya – dāyakā

Averā hontu

Abyāpajjā hontu
Anīghā hontu
Sukhī attānaṃ pariharantu 

Nguyện cầu cho tất cả thí chủ cúng dường bốn loại đồ dùng (cho chư tăng, ni)

thoát khỏi mọi oan trái,

tâm không phiền não,
thân không đau đớn,

giữ gìn thân tâm được an lạc.

Amhākam ārakkha – devatā, imasmim vihāre imasmim āvāse imasmim ārāme
Ārakkha devatāAverā hontu

Abyāpajjā hontu
Anīghā hontu
Sukhī attānaṃ pariharantu 

Nguyện cầu cho tất cả chư thiên hộ trì ở tu viện này, ở chổ ở này, ở khu vực này,
các chư thiên hộ trì, 
thoát khỏi mọi oan trái,

tâm không phiền não,
thân không đau đớn,

giữ gìn thân tâm được an lạc.

Sabbe sattā, sabbe pāṇā, sabbe bhūtā, sabbe puggalā, sabbe attabhāvapariyāpannā,

sabba itthiyo, sabbe purisā, sabbe ariyā, sabbe anariyā, sabbe devā,
sabbe manussā, sabbe vinipātikā

Averā hontu

Abyāpajjā hontu
Anīghā hontu
Sukhī attānaṃ pariharantu

Dukkhā muccantu

Yatāladdha – sampattito mā vigacchantu

Kamassakā

Nguyện cầu cho tất cả chúng sanh, các loài có hô hấp, các loài động vật, các loài sinh vật, các loài có thân và tâm,
tất cả nữ giới, nam giới, bậc thánh, người phàm, chư thiên, loài người,(và) chúng sanh trong bốn cõi khổ 
thoát khỏi mọi oan trái,

tâm không phiền não,
thân không đau đớn,

giữ gìn thân tâm được an lạc,

hết khổ đau,

không bị tước đoạt hạnh phúc đã có.

Mỗi chúng sanh là chủ nhân của nghiệp do mình tạo ra.

Puratthimāya disāya, Pacchimāya disāya, Uttarāya disāya, Dakkhiṇāya disāya,
Puratthimāya anudisāya, Pacchimāya anudisāya, Uttarāya anudisāya, Dakkhiṇāya anudisāya, Heṭṭhimāya disāya, Uparimāya disāya.
Nơi hướng Ðông, Nơi hướng Tây,
Nơi hướng Bắc, Nơi hướng Nam, 
Nơi hướng Ðông Nam, Nơi hướng Tây Bắc, Nơi hướng Ðông Bắc, Nơi hướng Tây Nam, Nơi hướng dưới, Nơi hướng trên. Averā hontu

Abyāpajjā hontu
Anīghā hontu
Sukhī attānaṃ pariharantu

Dukkhā muccacntu

Yatāladdha – sampattito mā vigacchantu

Kamassakā

thoát khỏi mọi oan trái,

tâm không phiền não,
thân không đau đớn,

giữ gìn thân tâm được an lạc,

hết khổ đau,

không bị tước đoạt hạnh phúc đã có.

Mỗi chúng sanh là chủ nhân của nghiệp do mình tạo ra.

Uddham yāva bhavaggā ca

Adho yāva avīcito 

Samantā cakkavālesu 

Ye sattā pathavī – carā

Abyāpajjha niverā ca 

Niddukkhā ca nupaddavā

Xa đến cõi cao nhất,

xuống đến cõi thấp nhất, 

trong toàn thể vũ trụ, 

tất cả chúng sanh đi trên đất,

được thoát khỏi phiền não và thù hận, 

tránh được đau đớn và hiểm nguy.

Uddham yāva bhavaggā ca

Adho yāva avīcito 

Samantā cakkavālesu 

Ye sattā udake – carā

Abyāpajjha niverā ca 

Niddukkhā ca nupaddavā

Xa đến cõi cao nhất,

xuống đến cõi thấp nhất, 

trong toàn thể vũ trụ, 

tất cả chúng sanh sống trong nước,

được thoát khỏi phiền não và thù hận, 

tránh được đau đớn và hiểm nguy.

Uddham yāva bhavaggā ca

Adho yāva avīcito 

Samantā cakkavālesu 

Ye sattā ākāse – carā

Abyāpajjha niverā ca 

Niddukkhā ca nupaddavā

Xa đến cõi cao nhất,

xuống đến cõi thấp nhất, 

trong toàn thể vũ trụ, 

tất cả chúng sanh ở trong không gian,

được thoát khỏi phiền não và thù hận, 

tránh được đau đớn và hiểm nguy.

Imāya Dhammā ‘nudhammapatipattiyā Buddham pūjemi

Imāya Dhammā ‘nudhammapatipattiyā Dhammam pūjemi

Imāya Dhammā ‘nudhammapatipattiyā Sangham pūjemi

Bằng sự thực hành đúng Chánh Pháp,
con xin cúng dường Đức Phật Bằng sự thực hành đúng Chánh Pháp,
con xin cúng dường Pháp Bảo

Bằng sự thực hành đúng Chánh Pháp,
con xin cúng dường Tăng Bảo 

Imāya Dhammā ‘nudhammapatipattiyā mātāpitaro pūjemi Bằng sự thực hành đúng Chánh Pháp,
con xin cúng dường cha mẹ Imāya Dhammā ‘nudhammapatipattiyā ācariye pūjemi Bằng sự thực hành đúng Chánh Pháp,
con xin cúng dường thầy tổ Addh ā imāya patipadāya jarāmaranamhā parimusissāmi

Idam me puññam āsavakkhayāvaham hotu

Idam me silam magga – phala ñănassa paccayo hotu

Với việc hành thiền này, nguyện cho tôi thoát khỏi sự khổ của già và chết

Nguyện cho những phước lành của tôi
dẫn đến sự tận diệt những lậu hoặc 

Nguyện cho giới đức (trong sạch) của tôi
sẽ là duyên lành dẫn đến Đạo và Quả

Idam no puñña – bhāgam sabbasattānam dema Chúng tôi xin hồi hướng phước báu
đến tất cả chúng sanh Sabbe sattā sukhitā hontu Nguyện cầu tất cả chúng sanh được an vui Sadhu! Sadhu! Sadhu! Lành thay! Lành thay! Lành thay!



Thống kê SÁCH đọc nhiều theo thời gian

19.9.22

KINH ĐẠI KHỔ UẨN (Mahàdukkhakkhanda sutta)

Một người mà không từng nếm qua mùi đời, chưa từng biết qua vị ngọt của cuộc đời khi gặp nó dễ bị đánh gục. Mà người chưa từng nếm qua cái đắng cuộc đời thì họ gặp vị ngọt họ ôm cứng ngắc. 


Mà Đức Phật ngài dạy vị tỳ kheo đối với tất cả các pháp không riêng về cái gì mình phải có khả năng nhìn ngắm ở ba khía cạnh: 

biết thế nào là vị ngọt của nó, 
thế nào là vị đắng của nó 
và biết rõ con đường nào để bỏ nó.
KINH ĐẠI KHỔ UẨN (Mahàdukkhakkhanda sutta)



Đức Phật nói trong đời này chúng sanh giống như con khỉ, và tất cả phiền não, tất cả cảnh trần giống như trái độc, khỉ mà ăn trái độc thì khổ thôi. Cho nên trong thế giới này hạnh phúc chỉ đến với người buông bỏ, chớ không thể đến với người nắm giữ.
Giống như một buổi sáng sớm mình ngồi trong nhà kiếng nhìn ra ngoài thảm cỏ. Mình choàng một áo khoác lông thú, ngồi trong nhà có máy lạnh máy sưởi, có người tình pha cho ly cà phê hoặc ly sữa, mình ngồi ngó ra vườn rất là thơ mộng. Thấy những hạt sương rất là đẹp. Nhưng nếu mình mở cửa, bỏ áo ra ngoài, lạnh ngắt, ướt nhẹp thấy ghê. Nói đại khái, các dục nó là như vậy. 
Cái miếng crystal nó bị bể nhìn thì ok. Phải nói tôi nhìn cái miếng crystal bị bể còn đẹp hơn cái nguyên vẹn nữa. Khi bể nó có nhiều cạnh nhiều phía, nhưng khi mình cầm thì có vấn đề. Nó đau. Hoặc như ở bên VN hồi xưa tôi gặp mấy người collect mấy con bướm họ bắt rồi họ ép. Phải nói là hạnh phúc của thế gian như những con bướm, nó chỉ đẹp khi nó bay thôi. Khi mình muốn chiếm hữu nó, mình mang về thì phấn trong những cái cánh của nó lâu ngày nó teng beng ra. Rồi cái mình của nó mình phải biết cách rút bớt nước ra chớ không thôi đè bẹp nó dơ nó hư con bướm đi. Tức là thiên nhiên để nó thiên nhiên mình ngắm chớ mình nắm giữ thì nó không còn đẹp nữa. Mình là khách vô tư ngồi ngắm con chim bay qua nắng sớm bên cành lá thì đẹp, chớ mình bắt chim bỏ vô lồng thì nó không còn nữa.
Đức Phật nói rằng khi đối với các pháp, đối với năm trần cảnh hay đối với các dục, các sắc pháp mình phải nhìn ngắm nó từ ba khía cạnh: thấy được vị ngọt của nó, thấy được vị đắng của nó và thấy được con đường ra khỏi nó.
...
Trích bài giảng kinh đại khổ uẩn. Sư Giác Nguyên.



Thống kê SÁCH đọc nhiều theo thời gian

16.9.22

NẾU KHÔNG LÀM KHÁCH HÀNG GẬT ĐẦU THÌ LÀM KHÁCH HÀNG ĐAU ĐẦU

Facebook Ad_Fatigue (bão hoà nội dung) dịch nôm na sang Tiếng Việt có thể là quảng cáo phiền toái hay độ mệt mỏi của quảng cáo. Điều này xảy ra khi quảng cáo của bạn có tần suất xuất hiện quá lớn, lặp đi lặp lại và khiến khách hàng rơi vào trạng thái ngán ngẩm. 


Facebook Ad_Fatigue (bão hoà nội dung) dịch nôm na sang Tiếng Việt có thể là quảng cáo phiền toái hay độ mệt mỏi của quảng cáo. Điều này xảy ra khi quảng cáo của bạn có tần suất xuất hiện quá lớn, lặp đi lặp lại và khiến khách hàng rơi vào trạng thái ngán ngẩm.


Trong hầu hết trường hợp, khách hàng sẽ rơi vào trạng thái miễn nhiễm với quảng cáo (hay còn gọi là Mù Banner – Banner Blindness) và không thèm tương tác với nó, hoặc tồi tệ hơn, họ nổi khùng lên và có ác cảm với thương hiệu. Dù là trường hợp nào đi nữa thì nó cũng sẽ mang lại những hậu quả nghiêm trọng sau đây.
+ Giảm điểm liên quan Relevance Scrore.
+ Tăng giá quảng cáo, CPM, CPR.
+ Giảm ROAS.
+ Khiến khách hàng trở nên miễn miễm, ác cảm với doanh nghiệp.
+ Điểm Relevance giảm >< CPM, CPR tăng.
+ Frequency tăng >< Số lượt kết quả giảm.
Nhìn vào sự đối lập này, ta thấy rõ ràng một kịch bản: quảng cáo hiển thị quá nhiều khiến khách hàng ngán ngẩm và chẳng ai thèm tương tác. Điều này khiến FB chấm điểm liên quan thấp và phạt bằng cách tăng giá quảng cáo lên. Cùng lúc đó, bạn phải chi trả tiền ad cao nhưng không có ai Inbox mua hàng hay đăng ký, kết quả thu về không cân bằng được với lợi nhuận bỏ ra đầu tư => ROAS giảm.
Xem số điểm Frequency (Tần Suất) xem đang ở mức mấy. Con số tốt nhất theo nhiều người nói là nên ở mức 1.01 -2.99 (nghĩa là 1 người có thể thấy quảng cáo này 1.01 – 2.99 lần). Dĩ nhiên tùy vào mục đích, chẳng hạn như chiến dịch Remarketing, con số này có thể lên đến 4. Nhưng nếu bình thường mà ở mức 4, đặc biệt là 5 thì bạn đang đưa một chân vào Ad Fatigue 
Ghi chú: đối với chiến dịch reMarketing thì tính toán lại ROAS. Nếu nó khả quan thì tiếp tục vít làm khách hàng đau đầu.




Thống kê SÁCH đọc nhiều theo thời gian

13.9.22

GOOGLE PARTNER ACADEMY

Google chỉ cách xây dựng thương hiệu: 


Nếu thương hiệu của bạn là 1 con người thì đó là người như thế nào ? Xây dựng 1 cái quen quen với khách hàng. Đó là giá trị cốt lõi.
Tôi nhận thấy hầu hết khách hàng của công ty là người tử tế. Nhưng làm thế nào để tìm được người tử tế thì Google không nói.
Có lẽ bạn chỉ cần tử tế là đủ.
GOOGLE PARTNER ACADEMY





Thống kê SÁCH đọc nhiều theo thời gian

10.9.22

BỐ THÍ CHO ĐI

BỐ THÍ CHO ĐI

BỐ THÍ CHO ĐI Cho đi mà còn nhìn người nhìn vật để chọn lựa đó là cho đi vì người. Cho đi mà không phân biệt người, vật là cho đi vì mình.  Ta cho đi không phải vì người đó là ai. Mà là vì ta là ai.



Cho đi mà còn nhìn người nhìn vật để chọn lựa đó là cho đi vì người.
Cho đi mà không phân biệt người, vật là cho đi vì mình. 
Ta cho đi không phải vì người đó là ai. Mà là vì ta là ai.

Thống kê SÁCH đọc nhiều theo thời gian

7.9.22

BẠN XẤU LÀ GÌ?

Bạn xấu có nghĩa là những người mà mình ở gần họ, cái pháp lành của mình bị mòn hao: Tín - Tấn - Niệm - Định - Tuệ, tức là niềm tin bị mòn hao, sự tinh tấn bị mòn hao, chánh niệm bị mòn hao, thiền định bị mòn hao, trí tuệ bị mòn hao thì đó gọi là bạn xấu. Nhớ nha!

BẠN XẤU LÀ GÌ



Bất cứ người đó là ai, là tăng hay tục, tăng ni, cư sĩ, bất kể người thân hay người dưng, máu mủ hay là người chưa quen biết, bất kể ai, nhưng mà cái người nào mà mình ở gần họ những pháp lành bị mòn hao mà những pháp xấu: tham - sân - si - ái - mạn - kiến - nghi mà nó tăng trưởng thì người đó được gọi là người xấu, là bạn xấu, cho dù cái người đó là sư phụ của mình, (cho dù đó là sư phụ của mình, nha!). Cho dù đó là người truyền giới cho mình, nhưng nếu mình ở gần họ mà cái thiện pháp của mình nó bị mòn hao, cái ác pháp nó tăng trưởng, lớn mạnh, thì cái đó gọi là bạn xấu.
Tôi nhắc lại.
Dầu đó là bậc trưởng thượng, khả kính trong lòng của mình nhưng nếu mà mình ở gần họ mà cái thiện pháp lùi sụt, ác pháp tăng trưởng thì lúc bấy giờ được xem là mình đang sống với bạn xấu. Và ngày nào bản thân mỗi tỷ kheo lánh xa được những người đó thì lúc bấy giờ bản thân vị đó có hy vọng trong cái đạo nghiệp và khi một tỷ kheo có hy vọng trong cái đạo nghiệp cũng có nghĩa là sức mạnh của tăng đoàn được củng cố. Cho nên, cái chuyện LỰA BẠN ĐỂ CHƠI cũng được xem là một PHÁP BẤT THỐI, nhớ nha!
Mình hay bị ám ảnh: Đó là máu mủ của tôi, đó là bà con của tôi, đó là huynh đệ của tôi, đó là sư phụ, là thầy tổ của tôi làm sao mà tôi dám nhận xét họ?! Thôi thì bây giờ tôi cứ tùy duyên tôi ở. No! No! Không có “tôi”, ở đây không có “tôi” mà ở đây mình xem coi ở chỗ nào mà cái thiện pháp được phát triển, Tín - tấn - niệm - định - tuệ nó được phát triển, ở đâu mà tham - sân - si - ái - mạn - kiến - nghi mà nó giảm thì được xem là chỗ ở lành, bạn lành, thầy lành. Còn chỗ nào, dầu nó có vàng son rực rỡ, chói lọi đi nữa nhưng mà mình ở đó mấy cái pháp lành nó bị mòn hao thì được xem là mình đang sống chỗ xấu và bên cạnh là người xấu. Nhớ nha! Cái này rất là quan trọng.
Chỗ ở của người tu nó không được đánh giá trên điều kiện vật chất, tiện nghi, không dựa trên những tiêu chí tình cảm, cảm xúc mà nó phải dựa trên cái thành tựu đạo nghiệp khi mà mình đang có mặt ở nơi đó, khi mà mình đang gần gũi, kề cận con người đó, nhân cách đó, chứ còn cái người không có biết phật pháp thì cái tiêu chí, tiêu chuẩn chỗ ở của họ dựa trên những điều kiện mắc cười lắm.
Cho nên, mình đừng có ngạc nhiên là tại sao có những người ở cái nhà bạc tỉ mà họ không có an lạc, bởi vì lúc mà họ cất nhà, mua nhà, xây dựng, bồi đắp, vun xới cái tổ ấm đó, cái tiêu chí họ đưa ra không phải là đời sống tâm linh, mà là ở đây nó đẹp, đất này là đất dễ bán, ở đây tại vì chồng tôi thích, vợ tôi thích ba má tôi thích, vì tụi nhỏ nó thích biển, tụi nhỏ nó thích hồ, tụi nhỏ nó thích rừng, ok! Nếu mình lựa chọn trú xứ mà mình lựa chọn những tiêu chí đó thì mình đừng có trách mai mốt, ngồi trên chiếu bạc, mâm vàng mà nước mắt đầy mặt. Trong khi cái tiêu chí tu học ở đây là, dầu đó là trú xứ hay là thầy bạn, lúc nào cũng phải dựa trên tiêu chí: “xây dựng thiện pháp và bài trừ ác pháp” thì trú xứ đó, thầy bạn đó được xem là tốt. 
Đó là tiêu chí, đức Phật Ngài dạy cho mình.
Trích bài giảng: “Bảy pháp bất thối”, ngày 13/06/2022. Sư Giác Nguyên
Nguồn: kalama
Chú thích ảnh:  Bộ đồ kimono Nhật màu xanh biển làm từ ga trải giường.



Thống kê SÁCH đọc nhiều theo thời gian

4.9.22

THIỀN DUYÊN JHĀNAPACCAYA

Lịch sử của thế giới và của cả nhân loại luôn được bắt đầu và kết thúc với những trận lửa. 


Nhờ một cuộc cháy rừng nào đó mà tổ tiên loài người mới biết đến tác dụng của lửa một cách đúng mức. 
Nghĩa là trước đó con người mình ăn như thú vậy, bắt được con gì thì cạp trực tiếp. Nhờ vụ cháy rừng, người ta phát hiện ra những con già bịnh chạy không kịp bị chết cháy. Và họ thấy hình như thịt cháy ngon hơn thịt ăn sống. Thế là họ bàn nhau tại sao mình không lấy cái nóng nóng này làm cho thịt ngon hơn. Nhưng vì cái đầu của họ quá sơ sài nên khi nào có lửa thì nướng, còn không có thì không biết cách làm sao. Họ không biết cách tạo lửa; cũng không biết cách giữ lửa. Thằng khôn nhất để ý xem cái nóng nóng sáng sáng này có ở đâu. Thế là họ cử những thằng nhanh nhẹn khỏe mạnh nhất, kiếm trong khắp khu rừng, dãy núi nào cháy âm ỉ thì khiêng mấy cục than đó về đây. Thằng được cử đi đem lửa về cho bộ lạc tên là Toại Khanh. Tên tui lấy ra từ vụ đó. Có người không biết nói Toại Khanh nghĩa là “cho vừa lòng em”. Thật ra Toại là thằng cha đem lửa về. Toại có nhiều nghĩa, nghĩa thứ nhất là vừa lòng. Nghĩa thứ hai là tunnel – đường hầm. Toại còn có âm nữa là ‘tụy’, nên ‘tụy đạo’ là ‘đường hầm’. Toại còn có nghĩa thứ ba là ‘người đem lửa về’. 
THIỀN DUYÊN JHĀNAPACCAYA



Như vậy, nền văn minh nhân loại bắt đầu từ những trận lửa và kết thúc bằng những trận lửa. Quí vị còn nhớ vụ xuân thu chiến quốc đời nhà Hạ, nhà Thương, nhà Chu? Rồi đến lục quốc rồi đến nhà Tần, nền văn minh của Tàu đến đời Tần là phát triển cực điểm. Tương truyền những góc cạnh văn minh lớn của Tàu được hình thành từ thời Tần Thủy Hoàng. Đây là thời điểm người ta bắt đầu biết đóng xe để cho ngựa kéo. Hôm nay quí vị về Trung Quốc, đến Thiểm Tây (Shaanxi), quí vị sẽ gặp những xe ngựa bằng đồng, original. Người ta đào lên cách đây 2300 năm mà bây giờ nhìn cực kỳ sắc xảo. Vào thời đó mà Tần Thủy Hoàng dám cất cung A Phòng. Cất theo kiểu liên hoàn, building này kết nối bulding kia bằng gỗ. Khi Hạng Võ vào đánh Lạc Dương, ổng đốt cái cung A Phòng. Nó cháy ba tháng mới hết. Một cái building to như vậy!
Như vậy chúng ta thấy văn minh thế giới bắt đầu từ lửa trong rừng và kết thúc bằng lửa của con người, đúng không? Chưa hết. Lịch sử PG cũng đã chứng minh, sau khi Phật tịch được 800 năm, PG Ấn Độ đang thời điểm cực thịnh. Phật có trước Jesus 600 năm, như vậy lúc Phật tịch được 800 năm có nghĩa là lúc đó Tây Lịch chỉ mới được 200 năm thôi. Trong khi cả thế giới lúc đó đang chìm sâu trong bóng đêm mông muội của sự lạc hậu và bán khai, thì lúc đó dưới ánh sáng PG, người Ấn Độ đã lập nên The 1st University in the World __ trường đại học đầu tiên trên thế giới, có một lượng mấy chục nghìn sinh viên; riêng professors là 3000, dạy ngũ minh, tức các môn từ nội điển, ngoại điển, đến thi ca, văn chương, y học, ngôn ngữ học và khoa học. Ngay thời điểm đó, Hồi Giáo xua quân vô đốt cháy 3 tháng trời, đốt hết sách vở của library. Trường đó được gọi là trường Nalanda. 
Ấn Độ bây giờ có hai Nalanda: Tàn tích Nalanda và Tân học viện Nalanada. 
Nói về Tàn tích của Nalanda, đây là Nalanda của ngài Huyền Trang đó. Lúc ngài Huyền Trang qua học là ngài Giới Hiền đang là viện trưởng của Nalanda (Silabhadra / Giới Hiền là Luận sư nổi tiếng tại chùa Na-Lan-Đà, người truyền đạo cho ngài Huyền Trang). Do Nalanda kiên cố quá nên sau khi đốt xong còn trơ lại cái móng. Bữa nay mình nhìn những tàn tích đó như những ngọn đồi. Họ làm cái tường dày để cho bền, để cách nhiệt, cách âm, và tạo sự bề thế uy nghiêm của một cơ sở tôn giáo, cơ sở văn hóa. Chỉ còn là tàn tích thôi, như những ngọn đồi vậy. Họ giết sạch tăng chúng, giết sinh viên, giết giáo sư ở đó. Ai trốn được thì trốn. Sách thì đốt sạch. Và có những học giả máu lạnh (cold blood) đã nói như sau: Lịch sử thế giới đúng là đã được bắt đầu từ những trận lửa và cũng được tàn phá bởi những trận lửa. Chính những trận lửa đã tạo dựng nên vô số thứ bởi cái cũ không đi cái mới làm sao tới. Nghĩa là trong sự tàn phá đó cũng đã có ý nghĩa tạo dựng cái mới. Không dẹp cái cũ thì làm gì có cái mới. Học giả máu lạnh mới đế ra câu: Tần Thủy Hoàng không đốt sách thì sách nhảm nhí của TQ có rất nhiều, đọc làm sao hết.  Phần thư khanh nho (đốt sách chôn nho) là trận lửa của Tần Thủy Hoàng. 
Trận lửa thứ hai là Hạng Vũ đốt cung A Phòng. 
Trận lửa thứ ba là Hồi Giáo đốt học viện PG. 
Trận lửa thứ tư là cách mạng văn hóa của TQ. Nó đốt không còn cái gì hết. Còn trong nước của ta thì sau 1945 cái gì của thực dân là đốt banh chành hết. Chỉ được học Marx thôi. Đó là ngoài Bắc. Sau đó 75 thì họ vô coi cái sách gì mà không có được sự chỉ đạo sáng suốt của Đảng thì đều thuộc về đồi trụy nhảm nhí. Lúc đó là một trận lửa khác.
Cho nên, khi chúng ta học về thiền duyên thì chuyện đầu tiên tôi nói cho bà con đó là lịch sử của thế giới và của nhân loại được khởi dựng và bị hủy diệt bởi những trận lửa. Những trận lửa có hai tác dụng. Đó là tàn phá cái cũ và cũng từ trên đống tro tàn ấy, cái mới mới có dịp ngoi lên. Và trong thực tế, ở nghĩa đen, ngọn lửa có những tác dụng sau: thắp sáng, sưởi ấm, làm chín thức ăn. Như vậy, ngay bản thân ngọn lửa đã có cả ba ý nghĩa: (1) Trợ sinh, (2) Trợ lực, (3) Trợ diệt. Tại sao hôm qua mình không học cái trợ diệt? Mọi thứ ở đời hễ có sanh là phải có diệt, cho nên không cần kể diệt làm gì, chỉ cần nói sanh là đủ rồi. 
Trong từng giây đồng hồ trôi qua, từng thứ trên hành tinh này, từ tinh thần đến vật chất, từ con người đến những thứ không thuộc con người cái cũ phải mất đi để nhường chỗ cho cái mới. Có nghĩa là cả hai ngọn lửa xây dựng và hủy diệt liên tục và cùng lúc tồn tại: Cái trẻ phải mất đi, cái già mới đến. Cái đẹp phải mất đi, cái xấu mới đến. Nỗi buồn phải mất đi thì niềm vui mới đến… Như vậy rõ ràng muôn loài đang sống trong những ngọn lửa. Phật Giáo gọi đó là Thiền Duyên (Jhānapaccaya).  Chữ Jhāna từ ngữ căn Jhā có nghĩa là thiêu đốt (burn).
Như vậy, toàn bộ lịch sử nhân loại và của cả thế giới, của vô lượng vũ trụ trong đó có chúng sanh và không thuộc chúng sanh, tất cả những cái gọi là văn hiến, văn hóa, văn minh đều được khai sinh từ ngọn lửa và bị mất đi bởi những ngọn lửa. Nghĩa là trong từng phút, luôn luôn và luôn luôn,  mọi thứ đang bị đốt cháy để nhường chỗ cho cái mới. Hồi nãy không mỏi, bây giờ mỏi. Cái không mỏi bị mất đi, tiêu hủy đi để nhường chỗ cho cái mỏi. Trong một căn phòng có người ở, thì 70% bụi là da khô - những tế bào bị đốt. Những tâm tình buồn vui tiêu và tích cực của mình liên tục thay thế nhau. Mình cứ bị nung nấu (jha) liên tục và liên tục. Cái tốt bị nung nấu để cái  xấu chen vô; cái thằng xấu phải sụm bà chè để cái thằng tốt trồi đầu ra. 
Giống như một cánh ruộng, sau khi gặt xong người ta đốt những gốc rạ. Đống tro tàn của những gốc rạ rụi xuống làm phân. Trên đống phân ấy đám lúa mới mới chui lên. Đến mùa lúa người ta gặt đi, đốt gốc, thì đám rạ ấy lại nằm xuống. Những trận cháy rừng hôm nay, vì tiếc rừng mà chúng ta giữ chứ theo nguyên tắc của thiên nhiên thì rừng phải có cháy. Phải có những sự thay đổi liên tục. Một người không có học hành, không có tư duy gì hết, nhìn về thế giới của thiên nhiên thì thấy tàn khốc tàn nhẫn lắm. Cây cỏ cháy. Thú lớn rượt thú nhỏ, thú mạnh rượt thú yếu. Đó là ngọn lửa của sinh diệt. Nó phải như vậy mới đào thải (eliminate). Quí vị biết chữ evolution (tiến hóa) không, nó phải được tiến triển, hình thành từ chuyện replacement (thay thế). Tàn khốc lắm. Rừng phải cháy, nước phải cạn. Cạn xong rồi mới có lũ. Rồi nước phải cạn kiệt, lửa phải cháy, chồi non mọc lên. Từ đó mới có rừng nguyên sinh và cổ thụ. 
Đó là cái vòng tuần hoàn sinh hóa rất tự nhiên. Nếu không có chiến tranh, không có những trận đại dịch thì đất đâu mà sống. Con người phải mâu thuẫn, phải hại nhau, phải thương nhau, phải giúp nhau cho thế giới tồn tại. Thế giới này phải luôn luôn tồn tại, băng hoại, hủy diệt bởi những trận LỬA (nghĩa đen và nghĩa bóng).
Ở người bất thiện ngọn lửa ác đã thiêu hủy hạt giống thiện. Ở người thiện thì ngọn lửa lành thiêu hủy những hạt giống bất thiện. Để có được nụ cười thì những cảm giác hay tâm trạng tiêu cực phải bị thiêu hủy. Mất đi những cảm giác và tâm trạng tích cực thì nước mắt mới chảy xuống. Như vậy đời sống của chúng ta trong từng phút đúng là những trận lửa. Giới luật là những ngọn lửa thiêu hủy thân nghiệp và khẩu nghiệp bất thiện. Thiền định là những ngọn lửa thiêu hủy năm Triền cái. Thiền tuệ là những ngọn lửa thiêu hủy tất cả phiền não. Phiền não là những ngọn lửa tiêu hủy tất cả hạnh lành. Như vậy, phàm hay thánh, hiền nhân hay ác nhân, chỉ khác nhau ở một điểm là anh đang sống với ngọn lửa nào. (How long and how much. Bao lâu và bao nhiêu). Tu thiền kiểu xà bát là đốt thuốc rồi mồi. Tu dữ dội là tạt xăng rồi đốt. Tu dữ hơn nữa là dội bom. Phiền não lớn như khu rừng ngập mặn mà mình đốt bằng cái đóm thuốc lá thì cháy chỗ nào. Lửa lành thì cháy hiu hắt còn lửa phiền não thì cháy rần rật thì chừng nào mới thành Phật. Mình lại khoái lửa tào lao hơn. 
Thiền duyên là vậy đó. Tại sao Phật là đề cập duyên này? Bởi Ngài dòm cái đám chúng sanh này, có những người thích hợp với đề tài lửa. Có những đứa nó tưởng nó cao siêu vì nó quá giàu, quá giỏi, thần thông nhiều, phước báu nhiều, uy lực quyền lực của nó nhiều, nó tưởng nó ngon. Ngài nói, không có ngon gì hết, những thứ con tưởng là ngon lành thật ra chỉ là lửa mà thôi. Lửa thì đủ duyên nó cháy, hết duyên nó tắt. Đời của con chỉ được kết nối bằng những trận hỏa hoạn mà thôi.
Hôm qua chúng ta mới học Thường Cận Y, Ngài đọc cho họ nghe, đời sống không có gì ghê gớm chỉ toàn là thói quen mà thôi. Muốn thành Phật thì tích tập những thói quen tốt. Muốn làm ma làm quỷ thì tích tập những thói quen xấu. Toàn bộ Phật hay phàm cũng chỉ là thói quen mà thôi. 
Điêu khắc gia nổi tiếng Rodin nói: “Bỏ đi cái thừa, cái còn lại chính là tác phẩm (masterpiece)”. Tạc tượng cô gái thì phải có đường cong nét lượn mềm mại, tạc tượng ông sư thì gọt đi chỉ cần đường ngang nét thẳng của cơ bắp. Muốn trở thành con người tốt thì phải bỏ hết những cái dư.  Muốn thành Phật thì coi cái gì Phật không có ( như tị hiềm, ghen tị…) thì gọt bỏ ra,  cái nào Phật có hơi bị nhiều ( như tín, tấn, niệm, định, tuệ) thì bổ sung.  Cứ chạm khắc như vậy suốt mấy chục a-tăng-kỳ cuối cùng thành ra Đức Phật của chúng ta. 
Toàn bộ Phật pháp gom lại chỉ một công thức, phân biệt được cái mình thích và điều mình cần. Có những thứ ta cần mà ta không thích (giấy vệ sinh chẳng hạn). Có nhiều cái mình không cần nhưng mình khoái vô cùng (bông tai, cà rá, hột xoàn, vòng semen, vòng cẩm thạch v.v... ).
... 
Tu hành là phải biết phân biệt cái thích và cái cần. Tôi ủng hộ mùa nào thức nấy. Ví dụ mùa đông thì mặc cashmere, len. Mùa hè thì linen, cotton, nankeen nhưng đừng thêm thắt chim cò… Ăn uống cũng vậy, có những thứ không thích mà mình phải ăn. Có những thứ phải phương tiện để lùa thứ khác vô. Chứ nguyên tắc quá cũng khó. Người tu phải trung dung, biết phân biệt cái thích và cái cần, nhưng vì là còn phàm cho nên lâu lâu ta phải bỏ vào cái cần vài giọt thích và bỏ vào cái thích vài giọt cần. Sẵn đây tôi nhắc luôn. Người VN mình nói ào ào mà chữ nghĩa không rõ ràng. Cứ tưởng nhà giàu thì ăn ngon lành, nhưng ngon và lành là hai phạm trù khác nhau. Có những món rất ngon không hề lành. Có những thứ rất lành nhưng không hề ngon
Đời sống này là những trận lửa. Chính cái thích đốt những cái không thích, dẹp cái không thích ra khỏi đời mình. Người tu Phật, người minh triết phải biết chọn lựa thứ lửa nào để sống cùng với nó. Hễ lửa bất thiện có mặt là những cái tốt lành bị tiêu hủy. Ngọn lửa thiện có mặt thì những gì bất thiện sẽ bị tiêu hủy. Từng giờ trôi qua, rõ ràng chúng ta đang sống với nguyên tắc vô thường, nhưng vô thường có hai (tích cực và tiêu cực). 
Vô thường tiêu cực (negative) có nghĩa là mòn hao để đi đến một kết quả không ra gì hết. Vô thường theo hướng tích cực (positive) là mòn hao nhưng để đi đến một tình trạng tốt hơn. Trong từng phút chúng ta đang sống với vô thường, tức với những trận lửa, nhưng vấn đề là lửa nào. Lửa sưởi ấm, soi sáng, đốt rác thì nên nhưng lửa cháy nhà thì không. Ăn uống cũng vậy, ăn uống đồ ngon nhưng hãy xem nó có lành hay không. Nếu ngon mà không lành thì không ăn. Lành mà không ngon thì nêm nếm lại. Vừa lành vừa ngon thì tuyệt vời. Vừa không lành mà không ngon thì đè cái đứa nào nấu ra bắt ăn cho hết.  Nấu dở mà nấu hoài. 
Chúng ta liên tục sống với những ngọn lửa. Mỗi ngọn lửa là một sự lựa chọn. Có ngọn lửa này thì có một số thứ bị đốt. Có ngọn lửa kia thì sẽ có một số thứ bị đốt. Vấn đề quan trọng là lửa ấy là lửa gì và cái bị đốt là cái gì. Như vậy là ta vừa học xong một thứ duyên, đó là Thiền Duyên. 
Nửa năm hương lửa đang nồng
Trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương
Nói theo Kiều thì rõ ràng rằng hương lửa đang nồng mà Từ Hải bỏ lửa tình mà đi, nhưng lúc đó lòng Từ Hải đang bị đốt bởi ngọn lửa khác. Lửa anh hùng, lửa hào kiệt đầu đội trời chân đạp đất. 
Đời sống này là lửa, vì vậy, khi thành Phật rồi, Phật thuyết một trong ba bài pháp đầu tiên, có một thời nói về lửa. 
Thời đầu tiên là Ngài giảng Tứ Diệu Đế
Thời thứ hai Ngài giảng Vô ngã. Mọi thứ không phải là của ta, nếu là của ta thì ta có thể set up nó như thế này đừng như thế kia. Vì nó không phải là của ta mà mọi thứ do duyên mà có do duyên mà mất nên nó đi đường nó ta đi đường ta. Đó là vô ngã. 
Thời thứ ba Ngài giảng rằng toàn bộ thế giới này chỉ là lửa mà thôi. Lửa có hai nghĩa. Một là mọi thứ đang bị thiêu cháy trong từng phút. Hai là mọi loài đang sống trong lửa, nghĩa là mọi loài luôn luôn đang sống với lửa tham và lửa bất mãn trước sáu trần. 
Mọi loài lớn bé già trẻ đều luôn luôn sống với tâm trạng thích và ghét. Cái gì thích thì gom vào hoặc theo đuổi. Cái nào mình ghét thì tống khứ hoặc trốn chạy. 
Một đứa bé còn nằm trên tay mẹ đã có thích và ghét. Cái gì vui thì cười nắc nẻ, cái gì không khoái thì khóc. Rồi khi cậu 4 tuổi, 8 tuổi vẫn sống theo lối mòn ấy, trốn  cái ghét chạy theo cái thích. Tới lúc nào đó cậu biết thương người dưng, “ở đâu gió mát sau lưng,  dạ đâu thương nhớ người dưng thế này.” Có một ngày cậu không còn thương cha thương mẹ nhiều nữa mà chuyển qua thương người dưng. Lúc đó là cô cậu bắt đầu sống bằng các thứ lửa hết. 
Ngoài lửa tình yêu còn có lửa sự nghiệp. Cháy âm ỉ đến một lúc nào đó nhiệt huyết sự nghiệp hết thì cô cậu trở về sống với lửa cố tật. Hồi nhỏ là lửa bản năng, lớn lên là lửa toan tính, cuối cùng trở về lửa cố tật. Đó là những gì mình đã quy tập cả đời, bây giờ bèn móc ra xài. 
Có những cụ khi sống lâu quá, về già sanh tật nóng tánh đòi hỏi tùm lum. Có những người lẫn rồi thì trở về háo sắc. Có người lẫn thì khoái ăn. Ăn suốt, giấu để ăn, như con heo vậy. Về già là coi như quay về những cái lửa đó. Cho nên, tuổi này là tuổi mình phải chuẩn bị rất nhiều, mai này lẫn là lòi ra hết. Tôi đang lo nè. Lẫn là khai ra hết. Dĩ dãng dơ dáy dễ dàng gì giấu diếm dân gian. Hồi mình còn tỉnh mình còn ém hàng, còn giấu. Đến hồi lẫn là khai ra hết. 
Đời sống này là một chuỗi thói quen, muốn trở thành Phật thì tích lũy những thói quen lành.
...
Chép lại bài giảng của 
sư Toại Khanh



Thống kê SÁCH đọc nhiều theo thời gian