Search

7.8.17

Phía tây không có gì lạ Erich Maria Remarque

Phanblogs Phía Tây không có gì lạ hoặc Mặt trận miền Tây vẫn yên tĩnh (tiếng Đức: Im Westen nichts Neues) là một cuốn tiểu thuyết viết về đề tài chống chiến tranh của Erich Maria Remarque, một cựu binh Đức từng tham gia Chiến tranh thế giới thứ nhất. 


Tác phẩm được ra mắt lần đầu vào tháng 11 và 12 năm 1928 trên tờ báo Vossische Zeitung của Đức và in thành sách vào tháng 1 năm 1929. Tác phẩm được viết dưới dạng hồi ký của một người lính Đức kể về cuộc sống chiến đấu và những nỗi kinh hoàng mà anh và các đồng đội trải qua trong các chiến hào tại Mặt trận phía Tây của cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất và được xem là một trong số những tác phẩm hay nhất viết về thời kì này. Chỉ trong 18 tháng đầu, tác phẩm đã đạt được thành công vang dội, với 2,5 triệu bản in bằng 25 ngôn ngữ của tác phẩm đã được bán hết.[1][2] Tiếng vang của cuốn sách mở rộng đến cả hai bên bờ Đại Tây Dương, lôi cuốn nhiều độc giả Đức, Anh, Pháp và Hoa Kỳ[3]. Thậm chí, có người còn nhìn nhận đây là một cuốn truyện hay nhất mọi thời đại về đề tài phản chiến.[1] Cùng với tiểu thuyết Giã từ vũ khí của nhà văn Hoa Kỳ Ernest Hemingway, "Phía Tây không có gì lạ" cũng có thể được xem như hai bộ tiểu thuyết tiêu biểu nhất về nỗi đau của con người thời Chiến tranh thế giới thứ nhất[4]. Năm 1930, tác phẩm trở nên nổi tiếng hơn[3], khi được chuyển thể thành phim cùng tên do Lewis Milestone làm đạo diễn và giành luôn giải Oscar cùng năm đó. Trong thời kỳ Đức Quốc xã, Adolf Hitler đã cấm tiểu thuyết này, vì ông này xem tác phẩm là một sự "móp méo" hình ảnh của binh lính Đức thời Đại chiến[1] đồng thời Remarque bị đảng quốc xã Đức đả kích dữ dội.[3]

Đến nay, với tình cảm chống chiến tranh của Remarque, thiên truyện này vẫn còn phổ biến và có sức lôi cuốn rộng rãi. Đoạn cuối của truyện, miêu tả về cái chết của nhân vật chính, được xem là những đoạn hấp dẫn nhất của cả tác phẩm.[1] "Phía Tây không có gì lạ" đã đi vào lịch sử văn chương thế giới như một trong những tác phẩm bán chạy nhất của châu Âu vào thế kỷ thứ XX.[5]

"Đất, đất đối với người lính quan trọng hơn đối với bất cứ người nào. Khi người lính ghì lấy đất thật lâu, thật mạnh, khi người lính vục sâu mặt mình. chân tay mình xuống đất, trong những giờ phút khủng khiếp chết người của lửa đạn, thì lúc ấy đất là người bạn duy nhất, là người anh em, là bà mẹ của anh ta. Sự khiếp sợ và những tiếng kêu la rền rĩ của anh ta nổi lên trong im lặng, trong nơi ẩn náu: đất đón lấy chúng và lại để anh ta chạy, sống thêm mười giây khác, rồi đất lại ôm lấy anh ta, và có khi là ôm vĩnh viễn. Ôi đất! Đất! Đất! ôi đất! Với những chỗ nhấp nhô của đất, với những lỗ, những hang hốc, nơi người ta có thể nằm dán xuống và ngồi nép mình, ôi đất! Trong những giờ phút quằn quại kinh khủng trong những cơn tàn phá như thác đổ sóng trào, trong tiếng gầm rống chết chóc của muôn ngàn tiếng nổ, chính đất đã mang đến cho chúng tôi cái dòng nước ngược của cuộc đời được cứu thoát. Giữa những lúc đang đảo điên cuồng loạn thì cuộc sống tơi bời của chúng tôi gặp được một nguồn khí lực hồi sinh chuyển từ đất đến tay chúng tôi: nhờ đó, sau khi thoát chết, chúng tôi đã sục sạo trong lòng đất và, tràn ngập niềm hạnh phúc âm thầm và hồi hộp được sống sót trong phút này, chúng tôi đã cắn vào đất đến ngập cả đôi môi..."

--------------------------

Anh ta chết tháng mười, năm một nghìn chín trăm mười tám, trong một ngày khắp cả mặt trận yên tĩnh đến nỗi bản thông cáo chỉ ghi là “ Ở phía Tây, không có gì lạ.”

Anh ta ngã xuống, đầu về phía trước, nằm dài trên đất, như người đang ngủ.

Khi lật anh ta lên, người ta thấy hình như anh ta không đau đớn lâu thì phải.


Nét mặt anh ta bình thản và như biểu lộ một vẻ bằng lòng về cái kết cục như vậy.


Phía tây không có gì lạ Erich Maria Remarque.doc
Phía tây không có gì lạ Erich Maria Remarque.pdf