Search

12.1.18

Ngưỡng của lòng tham

Phanblogs Ở đó, tôi được chứng kiến sự biến động rất mạnh của đồng tiền và học được nhiều kinh nghiệm. Biến động thị trường có những lúc rất mạnh đòi hỏi phải luôn giữ được cái đầu lạnh để ra các quyết định nhanh chóng trong vài giây nhưng phải có độ chính xác cao. Khi mắc sai lầm trong giao dịch - điều xảy ra khá thường xuyên trong giai đoạn đầu - phải thẳng thắn thừa nhận sai lầm của mình với ngân hàng ngay lập tức và tìm cách khắc phục. Bất kỳ sai lầm nào, dù chỉ một mình mình biết mà không được giải quyết ngay, đều có hậu quả, và sẽ tốn công sức gấp nhiều lần để giải quyết các sai lầm sau đó nữa. 



Phạm Hồng Hải Tổng giám đốc, HSBC Việt Nam


Vào giai đoạn khủng hoảng tài chính châu Á những năm 1997 - 1998, tôi may mắn tham gia thị trường kinh doanh tiền tệ và ngoại hối.

Ở đó, tôi được chứng kiến sự biến động rất mạnh của đồng tiền và học được nhiều kinh nghiệm. Biến động thị trường có những lúc rất mạnh đòi hỏi phải luôn giữ được cái đầu lạnh để ra các quyết định nhanh chóng trong vài giây nhưng phải có độ chính xác cao. Khi mắc sai lầm trong giao dịch - điều xảy ra khá thường xuyên trong giai đoạn đầu - phải thẳng thắn thừa nhận sai lầm của mình với ngân hàng ngay lập tức và tìm cách khắc phục. Bất kỳ sai lầm nào, dù chỉ một mình mình biết mà không được giải quyết ngay, đều có hậu quả, và sẽ tốn công sức gấp nhiều lần để giải quyết các sai lầm sau đó nữa.

Nghề kinh doanh ngoại tệ và vốn - còn được gọi là nghề buôn tiền - đòi hỏi một nguyên tắc: biết dừng lại ở ngưỡng cho phép.

Người giao dịch viên lập lệnh mua, bán ngoại tệ hàng ngày thường được ngân hàng cấp một hạn mức chốt lỗ và không được vượt quá giới hạn này. Làm được điều này đòi hỏi tính kỷ luật và trách nhiệm rất cao. Khi giao dịch rơi vào trạng thái lỗ, người giao dịch thường có tâm lý không muốn “đóng trạng thái” để chấp nhận lỗ mà nấn ná, đợi thị trường sẽ xoay chiều, tức tỷ giá sẽ biến động theo hướng có lợi cho mình. Nhiều trường hợp đáng ra cần đóng trạng thái ngay, giao dịch viên lại tiếp tục mua, bán theo dự đoán của mình để kỳ vọng giảm lỗ. Sự “bám víu” vào thị trường khi đó có thể dẫn tới những khoản lỗ lớn hơn, rất dễ vượt ngưỡng cho phép.

Một số giao dịch viên sau đó bị rơi vào tâm lý sợ hãi. Họ tìm cách giấu lỗ, tiếp tục hy vọng giá cả các đồng tiền trên thị trường đảo chiều để khoản lỗ đó không còn. Sự sụp đổ của ngân hàng Barings và việc ngân hàng Société Générale lỗ hàng tỷ USD do giao dịch viên giấu lỗ và có các giao dịch gian lận vào năm 2008 đều xuất phát từ tâm lý sợ hãi này.

Ở chiều đối lập khác, giao dịch viên có lúc rơi vào tâm lý “tham lam” khi giao dịch của mình đang lãi. Họ tiếp tục gia tăng khối lượng giao dịch với hy vọng kiếm lời nhiều hơn. Mải đuổi theo lợi nhuận, đến khi thị trường đảo chiều, giao dịch viên không kịp “đóng trạng thái”, khoản lời ngay lập tức có thể biến mất hoặc chuyển sang trạng thái lỗ.

Lòng tham và sự sợ hãi luôn là hai con sói nấp trong mỗi người. Chúng ta thường thấy khi giá cổ phiếu hoặc bất động sản tăng, người ta tham hơn, tranh nhau nhảy vào thị trường để mua, từ đó giá tiếp tục được đẩy lên.


Ngược lại, khi thị trường rớt giá, mọi người rơi vào trạng thái sợ hãi, đồng loạt bán ra. Điều này thoạt nghe phi lý bởi chúng ta đang cố mua đắt và bán rẻ. Tuy nhiên, con người thường sẽ hành động theo cảm tính thay vì lý tính khi rối trí. Quan trọng nhất lúc đó, là ta có quản lý được lòng tham hay vượt qua sự sợ hãi của chính mình không.


Lòng tham, sự sợ hãi đều ảnh hưởng tới cá nhân nhà đầu tư tài chính, hay tổ chức mà anh ta đang làm việc. Ở mức độ rộng hơn, các vụ việc tham nhũng, hối lộ được đưa ra ánh sáng công lý gần đây cũng đều xuất phát từ lòng tham, nhưng phạm vi ảnh hưởng của chúng không dừng lại ở tổ chức hay cá nhân nữa. Đa phần (nếu không nói là tất cả) những người nhận hối lộ, tham nhũng hoặc cố tình vi phạm các nguyên tắc tín dụng không hề nghèo. Thậm chí, họ giàu và rất giàu. Tuy nhiên, do lòng tham cố hữu của con người, họ có khuynh hướng tiếp tục hành động của mình. “Điểm mù” của lòng tham đã che mắt khiến họ không nhận ra lằn ranh - ngưỡng của lòng tham - nơi mình cần dừng lại.

Tuần này, công chúng dõi theo những vụ án lớn trong ngành ngân hàng được xét xử. Ngân hàng là ngành kinh doanh rủi ro. Người làm nghề ngân hàng mỗi ngày đối mặt với rất nhiều bất trắc trong công việc. Do tiếp xúc thường xuyên với rất nhiều tiền, họ cần luôn giữ mình để không bị cám dỗ bởi chính đồng tiền đó, giữ cho cái đầu lạnh để biết đâu là lằn ranh mỏng manh giữa cái đúng và cái sai; giữ trái tim nóng để đóng góp cho ngân hàng và xã hội.

Mặc dù có một số vụ việc đáng buồn gần đây liên quan đến một vài ngân hàng, tôi vẫn đang nhìn thấy và tin rằng đa số những đồng nghiệp của tôi, những người đang làm việc trong các nhà băng vẫn nỗ lực để làm điều đúng mỗi ngày. 

Với người dân, theo dõi các phiên tòa là cơ hội để hiểu đúng hơn về nghề ngân hàng. Rằng một quyết định sai lầm của người làm nghề có thể gây những khoản lỗ lớn cho ngân hàng và ảnh hưởng nặng nề đến sự nghiệp của chính họ như thế nào. Để hiểu ra, ngân hàng thực sự là nghề nhiều thách thức chứ không phải dễ kiếm tiền, làm giàu như trở bàn tay.

Tôi tin luật nhân quả của đạo Phật cũng đúng trong nghề tài chính hay chốn công quyền. Con người chỉ nên hưởng những gì đúng với sức lao động của mình. Nếu mình cố gắng vơ vét càng nhiều càng tốt và gây hại cho người khác, hậu quả chắc chắn sẽ đến vào lúc này hoặc lúc khác.
Biết được đâu là lằn ranh an toàn để quản lý được lòng tham và vượt qua sự sợ hãi là kỹ năng quan trọng để chúng ta sống một cuộc đời đáng sống; làm được những việc đáng làm.


Phạm Hồng Hải

https://phanblogs.blogspot.com/2018/01/cau-chuyen-ve-au-tu-hold-to-die_31.html