Search

Hiển thị các bài đăng có nhãn Minh Đức Triều Tâm Ảnh. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Minh Đức Triều Tâm Ảnh. Hiển thị tất cả bài đăng

23.4.23

NHỮNG NGUYÊN NHÂN CỦA SỰ CHẾT

NHỮNG NGUYÊN NHÂN CỦA SỰ CHẾT
"Ta là chủ nhân của nghiệp, là kẻ thừa tự của nghiệp, nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa. Phàm nghiệp nào sẽ làm, thiện hay ác, ta sẽ thừa tự nghiệp ấy". (Kinh Tăng Chi II, tr. 77)

...
Chết là sự chấm dứt tạm thời của một hiện tượng tạm thời. Chết không phải là đoạn diệt hẳn, chết tại chỗ này nhưng lại sanh chỗ khác. Như mặt trời lặn ở phương Tây, mọc ở phương Đông. Như nước bị sức nóng bốc hơi, nước ấy không mất mà lại biến thành hơi nước, hơi nước tụ lại thành mây... Ngày nay với định luật bảo toàn năng lượng của thế giới vật lý đã cho ta thấy rõ ràng sự thực đó hơn. Không có gì tự nhiên được sinh ra và cũng không có gì tự nhiên bị mất đi. Một hạt bụi bay, một làn khói tan, một hạt sương rơi... tưởng như là mất hẳn; không phải vậy, nó chỉ chuyển từ dạng này, hệ này sang dạng khác, hệ khác. Vạn hữu là vậy thì con người cũng thế, sau khi chết, tùy theo trạng thái tâm thức mà nó chuyển sang dạng khác, hệ khác... rất chi là khoa học vậy.
Theo Phật học thì, chết, có nghĩa là chấm dứt mạng căn (3) (jīvitindriya), không còn sức nóng (tejodhātu) và tâm thức (viññāṇa) lìa bỏ thân xác của chúng sanh.
Đức Phật dạy, chết có 4 nguyên nhân sau đây:
- Sự chấm dứt của tuổi thọ.
- Sự chấm dứt của nghiệp.
- Tuổi thọ và nghiệp cùng chấm dứt.
- Do sự xen vào của “đoạn nghiệp” (4) .
1- Sự chấm dứt của tuổi thọ. ( đèn hết dầu)
Cái mà chúng ta thường hiểu là “chết tự nhiên”, nghĩa là chết khi đến tuổi già yếu, tuổi thọ đã hết. Tuổi thọ tùy thuộc cảnh giới, tùy thuộc mỗi chúng sanh, không hạn định được số lượng nào. Người chết do hết tuổi thọ – như ngọn đèn tắt vì dầu đã cạn. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp xảy ra, tuổi thọ hết nhưng nghiệp tái tạo (sanh nghiệp) của người ấy chưa chấm dứt - ví như dầu cạn nhưng tim chưa lụn - có nghĩa là nếu năng lực của nghiệp còn tiềm tàng thì người ấy có thể tiếp tục sống “lay lắt” trong cảnh giới ấy.
2- Sự chấm dứt của nghiệp. ( Tim đèn lụi)
Đây là sự chấm dứt của sanh nghiệp hay nghiệp tái tạo trong kiếp ấy. Dù thiện dù ác, năng lực trả quả của nghiệp ấy đến lúc đó không còn diễn tiến được nữa, phải nhường chỗ cho “sanh nghiệp mới” hay “nghiệp tái tạo mới”.
“Nghiệp mới” ấy chính là tác hành tâm (javana) (5), tư tác (cetanā) của người ấy tạo ra lúc lâm chung, có sức mạnh chi phối sự tái sanh. Vào sát-na ấy, lúc sanh nghiệp cũ chấm dứt, sự chết hiện ra, một năng lực đặc biệt của sanh nghiệp mới, tạo tác nên đời sống mới, cảnh giới mới.
3- Tuổi thọ và nghiệp cùng diệt. (đèn hết dầu và tim lụn cùng một lần)
Đây là trường hợp một người chết lúc tuổi già (thọ), đồng thời “sanh nghiệp” người ấy cũng chấm dứt cùng một lúc.
Nếu trường hợp thứ nhất là đèn tắt do hết dầu, trường hợp thứ hai do tim lụn thì trường hợp thứ ba là hết dầu và tim lụn cùng một lần.
4- Sự chen vào của đoạn nghiệp. (Gió thổi tắt đèn)
Đây là sự chen vào của một nghiệp rất nặng, có công năng tiêu diệt sanh nghiệp của loài hữu tình. Đây thường là những cái chết dữ do một sát nghiệp quá nặng từ quá khứ đến lúc trổ quả. Ví như chết do bom nổ, dao đâm, xe tông, lửa cháy, chết đuối... chúng gồm tất cả các loại chết được gọi là “bất đắc kỳ tử”.
Ba loại chết đầu được gọi là chết đúng thời (kālamaraṇa), loại thứ tư, sau cùng được gọi là chết phi thời (kālamaraṇa). Nếu một ngọn đèn bị tắt, ba loại đầu là hết dầu, tim lụn, tim và dầu cùng hết – thì loại thứ tư – đoạn nghiệp – được ví như gió thổi tắt trong khi dầu chưa cạn và tim vẫn còn!

NHỮNG NGUYÊN NHÂN CỦA SỰ CHẾT "Ta là chủ nhân của nghiệp, là kẻ thừa tự của nghiệp, nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa. Phàm nghiệp nào sẽ làm, thiện hay ác, ta sẽ thừa tự nghiệp ấy". (Kinh Tăng Chi II, tr. 77)



Nguồn: Minh Đức Triều Tâm Ảnh
Ghi chú: 171. 
Khi chuyện tới thì lực của cả một quốc gia cũng không giúp nổi hữu tình khỏi đoạn nghiệp. Chiều ngược lại khi sanh nghiệp của hữu tình vẫn còn thì không lực nào có thể chấm dứt được.



Thống kê SÁCH đọc nhiều theo thời gian

5.2.23

Tiểu Thuyết Hành Hương Tâm Linh Tác Giả Minh Đức Triều Tâm Ảnh

NGƯỜI XIN LỬA


Hành Hương Tâm Linh Tác Giả Minh Đức Triều Tâm Ảnh


....

Không biết Hựu chạy được bao lâu thì đến một vùng hoang dã. Bây giờ thì ngày đã lên trong ánh sáng nhờ nhợ. Có tiếng động và hơi thở trong không gian của mọi vật đang cựa mình sau một đêm dài thiếp ngủ. Nhìn quanh chàng thấy mình đang đứng ở một nghĩa địa. Và rải rác đây đó là những đầu lâu, sọ người, xương khô. 
Chúng như nhìn trừng trừng vào nỗi hoang liêu cô độc của đời chàng. Cái thế giới tĩnh vật đúng là tĩnh vật này, chúng cũng có tiếng nói nội tâm? Hựu cũng không đã từng lắng nghe ngôn ngữ của một đám mây, lời thì thầm của gió, sự hoan ca của nắng, niềm ngây ngất của bình minh rồi đó sao? Có những dòng sông đã trườn mình qua bao thác, bao ghềnh và cũng đã từng tâm sự với chàng về nỗi phế hưng thăng trầm của cuộc đời. 
Có những đỉnh núi đã ngạo nghễ cất lời ca cao vút bạt ngàn hoặc vỗ tay chế nhạo những bẩn chật, những tranh giành đê hạ của con người. Và bây giờ là lũ “cốt khô” này, chúng nói gì? Chúng đang yên nghỉ ở đây, như một tay lực sĩ điền kinh đã về đến đích, nhìn chàng và đồng loại chen lấn, xôn xao, mòn hơi, kiệt sức. Ta là cái đích của chúng, ta đang ngồi ở cuối đỉnh vinh quang trong cuộc trở về của chúng, lũ cốt khô nói như vậy? Thảm thương thay các ngươi đang mệt lả, đang khổ đau và hoan lạc giữa đường trường! 

Hựu phác một cử chỉ khinh miệt rồi ngửng đầu bước qua một bộ xương trắng hếu. Và từ đằng xa kia, trên tảng đá dưới một cội tùng già, vị sa-môn đang ngồi nhập định. Đấy có phải là người xin lửa? Sứ giả của Thượng đế là ngài đây chăng? Hiện thân của đấng cõi ngoài là bậc đại sa-môn đây chứ không ai khác. Ở thời đại này, con người man dã thú vật và thân xác này, nhất là xứ này, thành phố này, chẳng thể có những đạo sĩ, sa-môn trong dáng dấp khổ hạnh toát ra sự thanh cao, xuất trần, vô nhiễm như vậy.

Triết Hựu lần bước tới và quỳ xuống. Trên tảng đá, vị sa-môn đang còn nhắm mắt tham thiền. Sương xuống trên đầu vây phủ xung quanh một làn khói mỏng. Hình như có vài giọt đọng lại trên hàng lông mày bạc có từng sợi dài những hạt ngọc phù du đang còn đọng lại ở đó; hiện thân của một nhân cách đã chiến thắng phù du? - Xin đại sa-môn cho con xin một chút ánh sáng! Con là kẻ đang đầy bóng tối, hỡi ngài! Lần thứ hai Hựu cất tiếng nói nhưng vị sa-môn Vẫn im lìm, bất động. Người như đã hóa thạch. 
Hựu nhìn chiếc thân gầy như hạc, chiếc y hoại sắc đã bạc màu vì gió mưa của vị sa-môn mà cảm nghe trong lòng dâng lên một niềm thành kính cao độ. 
Người này, đấng này, là hiện thân, tôn vinh của thế giới tinh thần sáng láng. Là bậc đã làm chủ. Diễm phúc thay cho ta được diện kiến cùng người. 
Khi mặt trời bắt đầu chan hòa trên vạn vật thì vị sa-môn già cũng vừa mở mắt. 
Ngài bình thản nhìn Triết Hựu từ đầu đến chân, lặng lẽ không nói gì. 
Đôi mắt có mở ra mà như là vô tình, vô cảm. Đấy chỉ là sự mở ra của hai cánh cửa từ một căn nhà sau một mùa đông dài khép kín. 
Vị sa-môn thôi nhìn Triết Hựu, lại nhìn về phương đông, nơi mặt trời vừa nhô lên khỏi đỉnh núi, soi dài con đường mòn dẫn về thị trấn. 
Đưa tay xoa bóp nhẹ nhàng, chậm rãi ở mấy ngón chân, bàn chân, ống chân, vị sa-môn vươn vai đứng dậy. Thở một hơi dài. Manh áo cà sa được làn gió ban mai thổi nhẹ và mặt trời đã pha lên đấy một màu hồng loãng. 
Cúi người về cành cây phía trước, vị sa-môn lấy bình bát mở ra. Khi đã có trong tay chiếc bầu nhỏ đựng nước cùng chiếc khăn mặt, vị sa-môn bắt đầu làm vệ sinh buổi sáng. 
Hựu vẫn còn quỳ đấy, tất cả mọi động tác của vị sa-môn đều lọt vào mắt chàng. 
Ôi, cử động nào cũng chậm rãi và trầm tĩnh. 
Cử động nào cũng nói ra, nói lên, tuôn phát bởi sự nhàn tịnh sâu xa ở phía bên trong. 
Có phải là người đang dạy cho ta cử chỉ cùng phong thái của một người giác ngộ? Khi đã làm xong những công việc cá nhân, vị sa-môn khoác bình bát lên vai, chiếc gậy trên tay và đưa chân từ giã vùng hoang mộ. 
- Hỡi ngài! Hỡi đại sa-môn khả kính - Triết Hựu gọi giật lại - Hãy cho con ánh sáng! Vị sa-môn dừng lại, có vẻ ngạc nhiên. 
- Ngươi nói gì vậy? Ngươi đòi xin ánh sáng? Với từng ấy tuổi đầu mà ngươi chưa hề biết rằng ánh sáng đến từ mặt trời? Chúng ta đều chan chứa bởi ngài, phản chiếu bởi ngài và tin nhận từ ngài. 
Chúng ta đều là kẻ nhận chứ không phải kẻ cho! - Xin đại sa-môn cho con xin ánh sáng từ tâm linh! Ngước lên nhìn trời một lúc rồi vị sa-môn lẩm bẩm: 
-Cả chúng nhân trần gian thiểu trí này đều như vậy. 
Mặt trời có đó mà chúng vẫn thấy tối. 
Nếu chúng là thực-tại-tối thì chúng nhìn đâu mà thành sáng được? Mặt trời nào mà đến với chúng được? Nếu chúng là thực-tại sáng thì đâu không là sáng? Mười muôn triệu hố thẳm không đáy dày đặc lên nhau chúng cũng nhìn thấy được, sá gì chỉ một bóng đêm? Kỳ lạ, kỳ lạ! Nhưng nếu chúng tối thì lấy gì để nhìn cho rõ cái sáng? Kỳ lạ. Kỳ lạ. 
Tất cả đạo sĩ, sa - môn, người có năng lực suy tư, giáo phái chủ, giáo phái sư, kẻ có kiến thức, bậc trí giả - đều đi tìm cái đại khái như vậy, cái na ná như vậy - À! Coi nào, một người, hai người, ba người; những kẻ gặp ta giữa rừng, nơi miếu hoang, trong nghĩa địa, trên đường phố, nơi đám đông, giữa chợ búa… đều tra vấn ta những điều si ngốc như vậy: xin ánh sáng! Kẻ này, bậc tuổi trẻ thánh thiện này lại xác nhận là xin ánh sáng từ tâm linh! Chợt nhiên vị sa-môn già nói lớn: 
-Ta tìm hoài mà chẳng biết tâm linh ta ở đâu. Tâm linh ta với ngươi là một hay là hai? Ta không biết. Huống hồ là ánh sáng từ tâm linh. 
Ta chịu thôi! - Ngài đang đầy ắp cái ấy hỡi bậc đại sa-môn! Ngài hãy cho con cái gì mà ngài đang có, con đang thiếu thốn và khổ đau. 
Triết Hựu tha thiết, hai tay chắp lại và thành kính nói với theo. 
Vị sa-môn lại một lần nữa lẩm bẩm: 
-Ta có cái ấy à? Cái ấy là cái gì nhỉ? Quả thật là ta có một cái gì đây chăng? Cái ấy nó hiển lộ ra bên ngoài để đấng-tuổi-trẻ-thánh-thiện này nhìn thấy? Y thấy cái gì đó nơi ta mà sao ta không thấy? Kỳ lạ. Kỳ lạ. 
Thân xác ta, tư tưởng ta là cái mà y vẫn có? Ta có cái gì để cho y, khi thân xác và tư tưởng này ta cũng đã vay mượn từ Đấng hư không! Đến đây, vị sa-môn quay lại, đôi mắt sáng rực, uy nghi, trừng trừng nhìn Triết Hựu: 

-Bước đi! Chán lắm rồi cái trò xin xỏ thống thiết bi lụy của thế gian. Ta đã từng gặp hằng chục, hằng trăm, hằng ngàn tên khất sĩ vô loại như vậy. 
Kẻ vô loại nhất trần đời là kẻ mạo danh cao thượng, chiêu bài Thượng đế để đi khất-sĩ tâm linh! Xéo đi! Đôi mắt vị sa-môn già toé lên tia lửa hắt tạt vào niềm hi vọng của Triết Hựu. 
Niềm hy vọng chợt như bốc thành khói loãng tan nhòa vào hư không. Hựu còn lại với nỗi trần trụi cô liêu của mình. 
Bóng vị sa-môn già nhạt nhòa ở phía trước, trên con dốc sỏi đỏ, chậm rãi từng bước một, buông thả và nhàn tịnh. 
Từng bước chân như là không chờ đợi gì, thành tựu gì! Mỗi bước đi như là không đạt cái phía trước, phóng vọt tới đằng trước - mà tự nó đã nói lên cái thành tựu, đã trọn vẹn với chính nó, vừa nhân và quả, tại thế và xuất thế, sinh và tử, đi và về, vô sinh vô tử! Khi bóng vị sa-môn chỉ còn là một chấm nhỏ chìm trong ánh mặt trời, thì Triết Hựu thở một hơi dài. 
Thế là hết. Y đã mang ánh sáng rồi chìm khuất trong mặt trời, về với mặt trời, hòa tan trong mặt trời. 
Y đã mang của Hựu niềm hy vọng rộn rã vừa lóe sáng trong đêm để đi về phía ấy. 
Cả thiên hạ bao la này chàng chưa hề thấy một nhân cách thứ hai có đủ một phần mười sáu cái ánh sáng sâu thẳm từ phía bên trong tỏa ra ngun ngút bằng vị đại samôn này. 
Chỉ có ngài, ở nơi ngài ta mới thật sự tìm ra chính mình, và chân phúc: một bước nhảy ra ngoài định mệnh. 
Bước chân của Hựu rơi theo mục đích chàng: theo chân vị sa-môn khổ hạnh. Đến thị trấn, vị sa-môn khoan thai từng bước một, đôi mắt nhìn xuống, lần lượt từ nhà này sang nhà kia để xin ăn. 
Đầu trần, chân đất, lặng lẽ không nôn nả, không mong ngóng, trầm thản, bình an, tròn đầy và vô dục. 
Ở nơi người toát ra một từ lực đức hạnh khiến xung quanh phải mở mối thiện tâm cùng lòng tôn kính. 
Hựu đi ở phía sau, giữ một khoảng cách vừa phải. Và quả là điều trái ngược, ở nơi y, tự tâm nội vẫn còn mong với một cái gì, nhìn thấy một cái gì, đạt một cái gì. Một động lực vô danh âm ỉ thúc hối chàng tìm kiếm và lên đường. Chàng vẫn chưa tuyệt niềm hy vọng là sẽ được vị samôn ban cho ánh sáng. 
Hai chân Hựu rã rời, nhức buốt. Kéo lê đôi chân trên đường tìm đạo cũng nặng nề như kéo lê thân xác đi qua cuộc đời, chàng nghĩ; một bên thì phải nhấc chúng lên, lửa, gai, vực thẳm, sự kiên trì, kiêu dũng; một bên thì phải nuôi dưỡng, bảo vệ, bệnh tật, uống ăn, mệt mỏi, chết và già. 
Ngay giây phút này đây, Hựu mới thâm hội ẩn nghĩa của cuộc lưu đày tại thế. 
Ôi! những thân phận không ngớt vươn lên kiếm tìm tuyệt đối, tuyệt đối của vật chất hoặc tinh thần. 
Chạy đuổi cái vô hạn đến một cấp độ nào đó cũng đồng nghĩa với tự sát trong vòng quay của hữu hạn! Ôi! Chàng đã mệt mỏi quá rồi! Cái ấy chàng đã không thể tư duy được, lại không thể kiếm tìm được. 
Chợt như thấy đó rồi lại mất đó. 
“Cái ấy xua đuổi chàng chạy điên đảo trên hai bờ vực thẳm sinh và tử - hay là chàng chạy điên đảo trên hai bờ vực thẳm sinh và tử để tìm đạt cái ấy?” Ôi! Chàng đã mệt mỏi quá rồi!




... 

Nguồn: Tiểu Thuyết Hành Hương Tâm Linh Tác Giả Minh Đức Triều Tâm Ảnh


ghi chú: 

cuốn sách với 819 câu hỏi, rối loạn như một ổ kén, rối ren như một ống chỉ, giống như cỏ munja và lau sậy babaja (ba-ba-la).


Hành Hương Tâm Linh Tác Giả Minh Đức Triều Tâm Ảnh filetype PDF

https://drive.google.com/file/d/1OxJauSMpUil4IR8eZUuWV3VisvtjM-Lr/view?usp=sharing


Hành Hương Tâm Linh Tác Giả Minh Đức Triều Tâm Ảnh filetype txt

https://drive.google.com/file/d/1zx2hUKeSZFsv7l0EpMwoFt7E9869iXJs/view?usp=sharing



Thống kê SÁCH đọc nhiều theo thời gian

15.12.19

CHIẾC ÁO CŨ TÁC GIẢ: MINH ĐỨC TRIỀU TÂM ẢNH

CHIẾC ÁO CŨ- TÁC GIẢ MINH ĐỨC TRIỀU TÂM ẢNH 

CHIẾC ÁO CŨ TÁC GIẢ: MINH ĐỨC TRIỀU TÂM ẢNH



Câu chuyện được kể lại từ thời Phật giáo Thiền tông hưng thịnh, tức là thời đại Kiếm Thương (Kamukara), trong khoảng thế kỷ XII và XIII ở Nhật Bản.


Khi Ô-chu từ giã tông phái Nhật Liên của Nhật Liên thượng nhân (Nichiren Shonin), thì mái tóc đã điểm hoa râm, chàng quay lưng ngọn núi Phú Sĩ bạc đầu, xuyên qua mấy rừng hoa anh đào để đi vào miền xuôi.Vai với bọc hành lý đơn giản, đầu chiếc nón rộng vành che kín khuôn mặt, từng bước một chậm rãi như chúa lạc đà, chàng đi mấy ngày đêm ròng rã, chỉ dành đôi chút nghỉ ngơi.

- Kia rồi!

Chàng ngước mặt lên khẽ thốt. Chiếc cổng trúc vàng và hai bụi thục quỳ nổi hoa tím đã hiện ra. Đằng sau lối sỏi trắng điểm hoa cỏ li ti có bóng người gầy cao chống trượng đứng.

Chàng quỳ gộp hai đầu gối xuống trong tư thế của một môn sinh thiền gia:

- Bạch Thầy, giọng chàng xoắn xít, nôn nao biểu lộ một cảm xúc tuôn trào - thầy vẫn còn mạnh.

Người gầy cao chống trượng đứng, không quay lại. Một đám mây bạc ửng màu lưu hoàng trôi qua đầu cây tuyết tùng. Buổi sáng có những tia nắng ấm và có mưa nhẹ lay bay...

- Anh lại bỏ áo? Anh đến chào tôi rồi hẳn làm một cuộc ra đi mới hả Ô-chu?

Giọng người gầy cao chống trượng đứng, nói trầm ấm và không biểu lộ một tình cảm nào.

- Đã bỏ áo? Dạ bạch thầy, không, con không bỏ áo. Không bao giờ.

Người gầy cao chống trượng đứng, đột ngột quay lại, cúi xuống hom hem nhìn chàng. Ký ức của lão thiền sư trở về...

Người gầy cao chính là thiền sư Đạo Nguyên (Dogen) năm đó đã 83 tuổi. Và kia là vị đệ tử trưởng của lão thiền sư, pháp danh Ô-chu (Oju Shonin) cách ba mươi năm về trước. Ngài còn nhớ rõ như in, người thanh niên với chiếc cằm vuông vức, trán phẳng và cao, đôi mắt xanh to nhưng sâu thẳm ẩn dưới hàng chân mày sắc mạnh như một vệt dao. Người học trò này thông minh, tuyệt vời thông minh, nhưng nóng nảy. Trong các buổi giảng tập kinh điển, luận bàn giáo lý, đôi mắt y sáng rực rực, giọng hăm hở, dồn dập, náo nức; ngôn ngữ, chữ nghĩa trôi chảy cuồn cuộn như sông dài; lý lẽ minh chứng xác thực, sắc bén như lưỡi kiếm xuyên nước. Ba trăm môn sinh không ai tranh luận nổi với chàng dẫu là một điểm nhỏ về giáo lý. Nơi thiền phòng bao giờ chàng cũng là người đến trước mà ra sau. Học Pháp không biết mỏi mệt. Hành thiền không biết mỏi mệt. Tuy thế, lão thiền sư Đạo Nguyên bao giờ cũng lắc đầu: “ba mươi năm nữa, ba mươi năm nữa”. 

Vì sao vậy? Lão thiền sư Đạo Nguyên lại nghĩ tiếp, y khó mà thấy được cái bình thường tâm. Y không bao giờ an tâm mà làm các công việc nhỏ nhặt như bổ củi, gánh nước, tưới rau, quét sân, nhổ cỏ... Y là con người của đại sự kia, kẻ gánh vác những công việc lớn lao trong trời đất; sứ mệnh của y phải là cái gì tương tự như tát cạn bể đông, quảy càn khôn trong cái đãy ta bà. Mỗi lần thượng tọa quản chúng hay Thượng tọa tri sự giao cho y những công việc chân tay thì khuôn mặt của y mới thiểu não làm sao. Y thường nói: ”gánh một núi sách lên Hy-mã-lạp-sơn còn dễ chịu hơn cái việc lượm lá, quét sân”. Sự khát khao về chân lý đạo bừng bừng bốc lửa trong ý chí của y. Thế nên, y không chịu được đời sống một môn sinh tầm thường. Vì vậy y khoác áo du tăng hành cước đi từ núi cao đến rừng thấp. Cuộc từ giã hôm ấy là một buổi sáng mờ sương, lão thiền sư đã ân cần trao cho chàng một chiếc áo cũ: “Thầy không có gì để kỷ niệm trước lúc con ra đi. Đây là chiếc áo cũ năm xưa thầy cho, con bỏ đi, nay thầy đã khâu vá lại. Con đừng quên nó nhé”. Đã lâu lắm rồi, lão thiền sư nghe y bỏ áo rồi xin nhập một tu viện. Lại bỏ áo. Lại lên đường đến một thung lũng của các đạo sĩ Yogi nghe đâu ở tận miền Bắc hải đạo. Một ngày mùa đông, tuyết ngập khe suối, các hoang đạo những vũng nước đóng băng, chàng dẫm qua mười hai ngọn núi, mười bảy làng sơn cước, đêm khuya trở về gõ cửa. Lão thiền sư tiếp chàng ngay nơi tẩm phòng, đốt lên một lò sưởi, hâm lại ấm trà, lấy ra một gói kẹo thảo mộc. Câu chuyện âm thầm giữa thầy cũ và trò xưa chẳng ai biết, chẳng ai hay. 

Mờ sáng hôm sau, người lữ khách không biết mỏi mệt ấy lại ra đi, lại lên đường, con đường nhiêu khê vô định, vai vẫn với bọc hành lý đơn giản dạo nào: “Bạch thầy ạ, con chưa thể dừng chân được. Sinh tử là định mệnh hối thúc không rời. Tri thức con phóng vọt tới đằng trước như một con ngựa bất kham. Nó không cần biết vực thẳm hay thảo nguyên, quê xưa hay đất trích. Bạch thầy ạ, tuy thế con còn có chiếc áo cũ của thầy, giáo huấn, nhắc nhở con mỗi khi lầm lỡ. Nó vẫn còn đây. Nó vẫn còn đây”. Chàng mỉm cười xa xôi, diệu vợi, vỗ vào bọc hành lý bạc màu rồi cúi đầu bước qua khung cửa thấp, đội tuyết lâm hành.

Mùa hoa anh đào cách đây đâu đã hai mươi năm, lão thiền sư nghe tin chàng đang thọ giáo với một pháp sư người Trung Hoa tại miền cực nam đảo Trường Kỳ. Không lâu sau lại tham học với một thiền sư người Đại Hàn tại Ko-chi. Và cứ thế, nào là giảng sư Tích Lan, hòa thượng tiến sĩ người Miến Điện... Sở học sau đó, không biết chàng đã tiến bước đến chân trời nào - hay là không còn chân trời thì cũng vậy - mà chàng lại phất áo ra đi, từ bỏ con đường vi vút chông chênh của duy lý để đắm mình trong khí hậu của chơn ngôn Mật giáo tại Đông Tự (Toji) phía nam Kyoto. Lửa ngàn đời lại âm ỉ thiêu đốt, đẩy chàng từ kinh đô lên núi non vùng tây bắc Akita, ăn rễ trái cây, sống đời khổ hạnh.Từ giả núi khổ hạnh, chàng về Đông Kinh đăng đàn thuyết pháp. Chàng rống tiếng sư tử trước mười ngàn thính chúng cử tọa gồm tăng lữ và môn sinh các tu viện, thiền viện, Phật học viện... Người ta bàng hoàng, bủn rủn, tê dại trước ngôn ngữ sấm chẻ và đôi mắt thu hút ma quái của chàng. Buổi giảng pháp đầu tiên đã vang đến cung đình. Thủ lãnh các tông phái, các pháp sư, luận sư tìm đến, dưới sự chủ tọa của thái tử Khải Nguyên (Koen), chàng lần lượt đánh bại Tịnh Độ tông mà đại biểu là Thân Loan thượng nhân (Shiren Shonin) sau đó là Nhất Biến thượng nhân (Ippen Shonin), một nhà sư lang thang tiếng tăm lừng lẫy không hẳn Chân tông không hẳn Tịnh Độ. Rồi lần lượt những cao sĩ của Phật giáo quý tộc, Thiên Thai, Pháp Tướng, Luật, Tam Luận, Hoa Nghiêm, Thành Thật... đều bị rớt đài. Chàng giương cao ngọn cờ hưng khởi của Thiền tông, mà chàng gọi là Thiền tông tịch mặc. Trong lúc thái tử Khải Nguyên muốn dành mọi vinh quang cho vị pháp sư siêu việt thì chàng đã mất tích. Nghe nói Nhật Liên thượng nhân đã mất (1282), và mong chàng là người kế vị giáo chủ. Và bây giờ ....

- Anh hãy nói đi! Vị lão sư quay lưng ngồi lên chiếc giả đôn bằng đá trắng, nói dịu dàng - không phải là nói cái kinh qua mà nói cái còn lại, cái đọng lại!

Ô-chu ngước đầu lên, tròng mắt phản chiếu nước mặt hồ xanh trong lặng lẽ. Y cởi bọc hành lý đặt dưới chân đức thầy già nua rồi lấy ra chiếc áo cũ, chiếc áo chàm nâu đã bạc mầu còn nguyên nếp gấp, những tấm vá vụng về đã long những sợi chỉ vàng. Y nhìn thật lâu vào đấy đầy xúc động.

- Bạch thầy ạ, đây là chiếc áo cũ năm xưa, bây giờ còn muốn mặc lại, xin thầy cho phép.

Giọng chàng như lạc hẳn đi.

Đôi mắt lão thiền sư rớm lệ. Có lẽ là những hạt nước mắt đầu tiên và cũng là những hạt nước mắt cuối cùng.

- Con có nói gì nữa không, Ô-chu? Tóc con đã bắt đầu điểm muối sương rồi.

- Dạ!

Im lặng.

- Con không nói gì ư?

- Dạ!

Lại im lặng.

Một con chim vành khuyên mỏ đỏ hót một tiếng hót lảnh lót xao động không gian. Một cơn gió nhẹ nhặt mấy cành hoa anh đào ném tung thành vài con bướm lượn. Một cánh rơi nằm trên manh áo cũ. Lão thiền sư mỉm cười cúi xuống bắt bỏ lên lòng bàn tay:

- Ba mươi mùa hoa anh đào đã qua đi rồi, thuở còn từ giã nơi này. Thời gian qua đi nhưng hoa nở hoa tàn thì vẫn vậy.

Lão thiền sư ngước nhìn trời. Đám mây bay qua đầu cây tuyết tùng giờ lại long lanh màu hổ phách. Ngài chống gậy chậm rãi bước đi. Nhìn theo dáng hạc gầy guộc của thầy, Ô-chu liên tưởng đến một đỉnh núi đá cô liêu. Và chàng là con sông dài cuồn cuộn chảy về khơi. Ai ngờ con sông trở lại.

Trai đường rộng mênh mông, mấy trăm môn sinh ngồi tỉnh tọa giây lát trước khi vào bữa ăn sáng bằng cháo ngũ cốc. Họ đã tụng Phật hiệu xong - Namo Sak-ya-mu-ni Bud-dha - tiếp theo là lời quán tưởng. Giọng tụng thoát khung cửa lớn ùn ùn tỏa ra chao động cả khoảng không gian còn đọng hơi sương. Lão thiền sư lọc cọc đầu gậy trúc đột ngột đi vào với một trung niên tóc đã điểm hoa râm.

- Các con thân mến! Rồi lão thiền sư vỗ nhẹ lên vai Ô-chu - Hôm nay thầy giới thiệu với các con một môn sinh mới xin nhập viện. Thầy đã cho y thọ trì Tam quy và Bát quan trai giới. Pháp danh là Ô-chu. Các con hãy sống thuận thảo tương ái tương kính lẫn nhau, lấy Lục hòa, Tứ nhiếp làm trọng.

Mấy trăm đôi mắt tò mò, thú vị hoặc lãnh đạm nhìn người đàn ông lớn tuổi, lớn tuổi hơn cả những vị thượng tọa cao hạ ở đây. Nhưng người y sao rừng rú thế? Ở nơi cái thân thể lực điền, mày thô mắt cứng không tìm thấy một nét văn nhược thì học hành cái gì! Cuốc đất thôi! Y lại khoác lên người chiếc áo thô cũ, quá cũ, vá đùm, vá chụp trông chẳng được mắt chút nào.

- Thượng tọa Quản chúng, Thượng tọa Tri luật, Thượng tọa tri sự, Thượng tọa Giáo thọ đâu? Tiếng lão thiền sư yếu, thanh nhưng sắc mạnh.

Cuối trai phòng, bốn vị Thượng tọa đồng đứng dậy, chấp tay ngang ngực.

- Các thầy đã biết bổn phận nhất định của mình là phải làm gì đối với một tân môn sinh.

- Dạ.

Lão thiền sư lẳng lặng nhìn quanh một vòng rồi từ từ bước ra cửa. Chiếc bóng cao lênh khênh, màu áo khói hương như tan lẫn trong sương, chỉ còn vọng lại đều đặn tiêng gậy trên lối sỏi.

- Lại đây, lại đây, người bạn đạo.

- Lối này, lối này.

- Chiếu này, chỗ này!

- Chỗ anh là chỗ cuối cùng kia, người em út!

- Mới vào chùa mà ra vẻ sư cụ nhỉ?

- Một trăm gánh nước, ha ha, bài học nhập môn hạng bét cơ đấy!

- Quét một ngàn giỏ lá hoa anh đào, ông bạn già. Mòn vô lượng vô biên a-tăng-kỳ kiếp cái chổi, phải biết!

- “Cù” thế!

Tiếng tiếp tiếng, câu tiếp câu chen lẫn xen lộn ồn ào. Một tiếng bảng mộc vang lên.

- Chư đệ, chư đệ, hãy im lặng.

- Chư đệ, chư đệ, chớ quên mình, chớ phóng dật!

Trai đường im lặng trở lại.


Người ta rất ngạc nhiên về vị môn sinh mới. Suốt ngày y rất ít nói, lặng lẽ như chiếc bóng của mình. Y không tỏ vẻ cố gắng lắm nhưng hoàn tất dễ dàng các công việc được giao phó. Y làm không chậm, không nhanh, đôi khi rất chậm, đôi khi rất nhanh, bao giờ cũng toát ra cái vẻ thanh thoát, nhẹ nhàng, êm ả, dẫu cho cái thân thể to lớn nặng nề. Người ta không thấy y trầm tư, thiền định, không mơ mộng và buồn phiền. Đôi khi y ngâm khe khẽ một vài câu thơ cổ, một vài câu kệ với âm thanh phát ra ư ử trong cổ họng, không ai nghe được. Đặc biệt, cái trầm tĩnh của y đến độ làm cho người ta lạnh mình. Chuyện kể rằng, lão thiền sư cho phép y làm cái cốc rạ phía sau hốc núi, cách chỗ của thiền sư một con suối nhân tạo và một hòn giả sơn. Hôm kia, cốc phát hỏa do một môn sinh nướng khoai sơ ý gây nên. 

Về đến nơi thì chỉ còn một đống tro. Vị môn sinh kia áy náy bối rối đến tội nghiệp. Ô-chu mỉm cười mà rằng: “Vậy chớ sau đó thầy có ăn khoai được không, hay là nó đen thui?” Người ta chơi nghịch đốt giải áo của chàng trong lúc chàng nghỉ trưa. Chàng ngồi dậy thì đám lưng đã cháy một mảng. Chàng bị bỏng nặng mà không hề than một tiếng. Chàng đã không biết giận ai mà lại hay cười. Chàng mỉm cười với mọi sự. Mỉm cười với tất cả “lính cũ bắt nạt lính mới”. Mỉm cười với mọi công việc nặng nề, hôi hám mà người ta đùn cho chàng. Ở đâu mà không thế. Chàng rất ít nghỉ ngơi, ai hỏi lý do, chàng nói: “Ngay chính nơi công việc, ta luôn luôn tìm được sự nghỉ ngơi”. Những công việc tay chân và thiên nhiên là sự nghỉ ngơi của chàng, sự nghỉ ngơi thiêng liêng nhất mà không phải tuổi nào cũng thấy được, người nào cũng hiểu được. Do vậy, trong công việc, chàng làm với tất cả lòng đam mê và sự sáng tạo. Trong thiên nhiên, sự hiện hữu của muôn loài, muôn vật, chàng nhìn ngắm với sự mới lạ trong từng giây từng khắc, với trọn tâm hồn của mình.

Sáu tháng sau, Thượng tọa Giáo thọ kêu chàng lên:

- Chú chấp tác mọi công việc đều tốt, rất tốt. Thượng tọa tri sự yêu cầu tôi bắt đầu dạy giáo lý cơ bản cho chú. Nhưng trước khi vào chương trình, tôi phải biết sơ về trình độ, hầu dọn cho chú một chương trình giáo lý riêng biệt thích hợp. Muốn vậy, chú phải trả lời những câu hỏi của tôi. Chú đi tu đã lớn tuổi, chú đến với Phật giáo quá muộn màng. Chú biết đấy. Vậy thì chú biết gì về Phật không? Nghĩa là tôi muốn hỏi, chú đã biết Phật là gì chưa?

“Lão tân môn sinh” lúng túng ra mặt, khẽ nhìn vị “Thượng tọa bác học” rồi lại cúi đầu xuống.

Đọc được tia mắt ấy, Thượng tọa Giáo thọ cố gắng diễn giải:

- Chú chỉ cần nói ra cái ý niệm. Không, chả cần, chữ “ý niệm” rắc rối khó hiểu - Thượng tọa nhăn mày - Hay là thế này vậy, chữ “Phật” gợi cho chú hình ảnh nào; phải, hình ảnh, cái hình ảnh thiêng liêng hoặc gần gũi mà chú đã bắt gặp được trong đời sống của mình. Phải rồi, chú nói đi, Phật là gì nào?

Quả thật, chàng lạ lùng, ngạc nhiên trước câu hỏi này. Phật là gì nhỉ? Ở nơi cái ngôn ngữ tối tăm và u ám của con người, có chỗ nào diễn tả chân xác nhất? Đầu óc Ô-chu làm việc thật nhanh, như chiếc đèn cực sáng quét qua một lượt mấy cánh rừng ngôn ngữ. Qua gần năm cổ ngữ và mười ngoại ngữ khác nhau, chàng không tìm ra từ thích hợp. Những chữ, những chữ hiện tuần tự thứ lớp như cuốn phim tốc quay và chàng chụp bắt với đôi mắt của loài cú. Thế nhưng, Phật là gì? Ồ! Phật là gì nhỉ?

Và thế là Ô-chu thiểu não lắc đầu.

- Chú không biết! Thượng tọa Giáo thọ thở dài. Phật mà chú không biết là gì, thì xin lỗi... đi tu vậy là cuồng tín mất thôi. Ôi, tín mà không có trí là hỏng rồi!

Ô-chu cũng thở dài. Biết sao được.Thầy Giáo thọ quở phiền chàng là phải lắm. Ôi, rõ ràng là không thể nói Phật là gì. Nói ra là hỏng mất thôi.

- Pháp là gì? Thượng tọa Giáo thọ đưa mắt thương hại hỏi tiếp - dẫu chú không biết Phật là gì, nhưng tôi vẫn hy vọng là chú biết Pháp, biết được cái chân lý mà từ đó, chú đoạn bỏ đời sống cư sĩ áo trắng tục lụy và tối tăm để về với ánh sáng đạo. Pháp là gì? Tôi đã cố gắng tìm kiếm nơi chú một hiểu biết tối thiểu, như gạn cát tìm vàng. Pháp là gì? Bạn thân mến, Pháp là gì nào?

Pháp là gì? Ô-chu chợt mỉm cười. Chàng biết rõ cái đó trong tâm. Chàng đã cùng hít thở, đi đứng với nó. Nhưng biết nói làm sao nhỉ? Ôi, sao ngôn ngữ loài người nó nghèo nàn đến thế?

Trong lúc cố gắng tìm kiếm, cân nhắc, bất chợt chàng thấy một cánh thảo lan thò nụ hoa vàng từ sau gộp đá nâu.

- Kìa, Thượng tọa - Chàng rối rít đưa tay chỉ - Một nụ thảo lan, có phải không? Là một nụ thảo lan! Ôi! Đẹp làm sao!

- Cái gì? Vị Giáo thọ sư quắt mắt - Chú nói cái gì? Chú nói kìa một nụ hoa vàng, một nụ thảo lan, là quái gì? Thượng tọa giáo thọ bốc giận - Đấy là ngôn ngữ thiền sư “rởm” chú ạ! Ai cũng có thể nói được một nụ hoa vàng, đẹp lắm, xưa quá rồi. Thôi đi, “nởm” ạ!

Thượng tọa Giáo thọ đứng bật dậy, thu vội sách vở trên bàn.

- Chú hãy trở về trình diện lại với Thượng tọa tri sự, kiếp này chú không tu huệ được đâu, chỉ tu phước thôi. Hãy cố gắng tích lũy công đức trong lao tác, trong đời sống phục vụ Tam Bảo. Công đức kia sẽ hộ trì, dắt díu chú. Con đường này tuy chậm, nhưng chắc chắn và vững vàng, hợp với khả năng của chú. Tôi cầu nguyện Phật lực gia hộ cho chú...

Ra đến cửa rồi, Thượng tọa Giáo thọ quay lại nhìn chàng một hồi lâu:

- Chiếc áo vải thô của chú đã cũ quá rồi. Chú không có cha mẹ, bà con, họ hàng thân thích gì cả sao?

- Dạ không ạ!

- Vậy thì để tôi đề nghị lên Thượng tọa Quản chúng, Đại đức Thủ quỷ may cho chú một vài bộ áo quần cho tiện việc chấp tác. Chiếc áo kia cũ quá rồi đấy!

Ô-chu mỉm cười:

- Thôi Thượng tọa ạ! Chiếc áo này cũ nhưng còn chắc chắn hơn cả bao gai. Nếu biết vá víu cho khéo thì cũng có thể dùng được lâu. Chỉ có cái là bàn tay của đệ tử thô tháo, vụng về thôi.

Thượng tọa Giáo thọ nhìn hai bàn tay chai sạn, u nần, kệch cỡm của Ô-chu, cười thành tiếng:

- Phải rồi, chú sinh ra không phải là để học, để ngồi trên những chiếc ghế vàng son lộng lẫy của pháp sư, giảng sư...

Ba hồi chuông trống bát-nhã rộn ràng vang lên đánh thức sự tịch mịch của đêm sương. Đèn đuốc bất chợt được đốt sáng khắp đó đây.

- Thầy đã tịch rồi!

Tin truyền rất nhanh. Tất cả môn sinh đã tụ về lố nhố đứng cung kính, ủ rủ trước cốc của lão thiền sư Đạo Nguyên. Không một tiếng động. Lát sau tiếng niệm Phật hiệu thầm thì rồi lan ra, lan ra mãi. Các vị Thượng tọa cao hạ và chức sắc quỳ thành vòng tròn xung quanh thiền sàng, chấp tay lên ngực, có đôi vị rưng rưng như cố kìm giữ tiếng nấc.

Lão thiền sư Đạo Nguyên không bệnh, không báo trước mà lặng lẽ ra đi. Ngài ngồi kia, trong thế kiết già phu tọa, khuôn mặt tỏa sáng niềm an lạc, nhưng thần thức giờ đã tiêu diêu ở cõi đầy hào quang và ánh sáng nào.

Phần ngài thế là xong. Nhưng còn người nối hậu? Y pháp chưởng giáo ngài đã truyền lại cho ai chưa? Đấy là câu hỏi lởn vởn trong đầu óc của mọi người.

Không ai tìm ra di chúc, một lời giáo huấn tối hậu nào. Thật là khó xử đây. Thượng tọa Quản chúng một đời hỷ xả, niên trưởng và đạo hạnh. Thượng tọa Tri sự một đời phục vụ, hạ lạp cao và vô vàn công đức. Thượng tọa Tri luật, niên cao lạp lớn, gương mẫu cho chúng, nghiêm minh và thanh tịnh. Thượng tọa Giáo thọ dẫu hạ lạp ít hơn chút đỉnh, trẻ tuổi nhưng một đời ít ngủ, ít ăn, chăm lo hàng trăm lớp giảng huấn, hàng chục trình độ khác nhau; lại nữa, là người suốt thông Tam Tạng, là linh hồn tri thức, kiến thức cho viện.

Sau lễ nhập tháp ba ngày, một buổi họp giới hạn được tổ chức, nơi đây chỉ gồm các Tỷ-kheo chức sắc hoặc từ năm hạ trở lên. Bốn nhóm thân hữu, đệ tử hoặc cảm tình với bốn vị thượng tọa tranh luận cho phe phái của mình. Ai cũng có thể đưa ra những dẫn chứng chính đáng và cụ thể nhất.

Ban đầu thì ngôn ngữ khiêm cung, nhã nhặn, đến lúc chẳng ai chịu thua ai, tranh luận biến thành tranh cãi rồi trở nên sôi nổi, gay cấn, ồn ào. Một vài cánh tay giận dữ đưa lên cao. Một vài đôi mắt đã gườm gườm bốc khói. Những tiếng bảng mộc không ngớt vang lên.

- Chư đệ, chư đệ, im lặng nào!

- Chư đệ, chư đệ, chớ phóng dật, chớ quên mình!

Nhưng vô ích. Ở đây đã có rất nhiều loại ngựa non háu đá, gà tơ mới mọc cựa...

Trong lúc ở thiền đường xảy ra cuộc tranh luận thì ở sau hốc núi có một bóng đen lặng lẽ luồn qua các vòm cây đến ngôi tháp mới. Bóng đen quỳ trước cửa tháp từ canh gà đầu tiên đến lúc sao Mai vừa mọc. Y đứng dậy giũ sương trên áo rồi lảo đảo thắp ba nén nhang. Sương mù đầy đục cả trời, gió hiu hiu buốt lạnh. Quày qua lối cũ, đến cổng trúc vàng, bụi thục quỳ, y dừng lại. Ánh trăng hạ tuần nhợt nhạt trong màn sương trắng. Tiếng một con cú rúc lẻ loi. Y đưa mắt một vòng. Lát sau y quảy đãy ta bà lần theo lối sỏi khuất dưới chân đồi.

Đấy là Ô-chu, chàng lặng lẽ từ giã thiền viện, nhẹ nhàng, âm thầm và cô liêu hơn cả kẻ từ giã cuộc đời. Chàng đến một động đá, trịnh trọng khoác chiếc áo cũ lên người rồi an nhiên kiết già tịch diệt, trên môi còn nở nụ cười bất diệt. Qua ánh sáng mờ từ cửa động hắt vào, người ta đọc được từ lưng chiếc áo cũ mấy dòng chữ chân phương, đôn hậu, bút tích không thể lầm lẫn của lão thiền sư quá cố:

“Y Pháp Bất Y Nhân
Y Nhân Bất Y Pháp
Nhân Pháp Liễu Mật Thâm
Mạc Cầu, Phi Thủ Trước”

Tạm dịch nghĩa:
Nương theo pháp, chẳng nương theo người
Nương theo người, chẳng nương theo Pháp
Người, pháp rõ nguồn căn
Chẳng cầu chẳng ôm giữ.

(Thiền tông đời thứ hai, Kiếm Thương hưng khởi, Đạo Nguyên Tỷ-kheo; phụng truyền đệ tử trưởng đắc pháp đời thứ ba là Ô-chu).

Thế là Pháp, Nhân đã cùng tịch diệt với nhau trong động đá. Cho nên hiện nay, phái này đã không còn truyền thừa. Chuyện kể rằng một trăm tám mươi năm sau, di tích này vẫn còn. Một thiền sư nghệ sĩ vô danh trong khi sơn thủy hành cước ghé qua đây, biết chuyện của người xưa, xúc cảm làm một bài thơ nét chữ long phượng, dường như còn mãi đời đời nơi vách đá:

“Thầy là đỉnh núi cô liêu ngàn đời tịch mặc,
Trò là con sông dài cuồn cuộn bỏ núi ra khơi
Còn đây áo cũ ngậm ngùi
Còn đây biển núi nụ cười an nhiên.”
(Minh Đức Triều Tâm Ảnh) 


Nguồn: facebook.com/coivecondo CHIẾC ÁO CŨ Minh Đức Triều Tâm Ảnh