Search

21.1.24

BA ĐỘNG CƠ SỐNG ĐỜI CỦA THIÊN HẠ

BA ĐỘNG CƠ SỐNG ĐỜI CỦA THIÊN HẠ

Trong Tăng Chi Kinh nói trên đời có 3 hạng người:
Attādhipateyya (lấy mình làm trọng).
Lokādhipateyya (lấy đời làm trọng).
Dhammādhipateyya (lấy Pháp làm trọng).
Đây là 3 động cơ để sống đời của thiên hạ.
BA ĐỘNG CƠ SỐNG ĐỜI CỦA THIÊN HẠ



(1) Hạng thứ nhất, lấy mình làm trọng thì cái gì có lợi, thích, tiện, dễ dàng cho mình, thì mình làm.
Có một anh chàng đi uống rượu say về đứng loay hoay dưới cột đèn đường, bạn bè hỏi anh ta tìm gì ở đó, anh ta trả lời mất chìa khóa nhà. Họ hỏi mất ở đâu, anh ta trả lời mất gần quán rượu. Họ hỏi mất ở đó sao tìm ở đây, anh ta trả lời, vì chỗ đó không có đèn, chỗ này có đèn sáng nên anh ta tìm ở đây.
Nhiều khi mình giải quyết vấn đề không phải vì nhu cầu mà dựa vào điều kiện rất buồn cười. Có khi mình khổ quá, thay vì phải đi tìm giải pháp thích hợp nhất, mình lại đi tìm giải pháp trong khả năng của mình mà biết là không giải quyết được vấn đề gì hết, ví dụ buồn quá đi uống rượu. Rượu không giải quyết được vấn đề gì hết, chỉ làm cho mình ngủ, khi tỉnh táo thì khả năng đối phó bất trắc không có nhiều rồi mà còn uống rượu thì đưa mình vào tình trạng mất hẳn khả năng tự vệ, vậy mà khối kẻ trên hành tinh này, hễ đụng chuyện là uống rượu.
(2) Hạng thứ hai, lấy đời làm trọng là chuyện đúng sai nên làm hay không nên làm không cần biết, mà làm vì sĩ diện hão. Tôi không có cảm tình với những món đồ trang trí nội thất nặng nề, vì chỉ nghĩ làm sao có thể xê dịch để lau nhà quét bụi, cứng như vậy làm sao mà ngồi trên đó, lỡ va người vào đó cũng có thể bị tổn thương, và tôi biết có những người cũng cùng ý nghĩ như tôi, nhưng theo mốt thời thượng sính sử dụng gỗ quí phải sắm cho bằng người ta, kiểu sống như vậy là lấy đời làm trọng. Người VN có câu mô tả cho hạng này: “không làm nó nói mình lười. Làm lia làm lịa nó nói mình làm lấy le”.
(2) Hạng thứ ba, lấy Chánh Pháp làm trọng, đây mới là khuôn vàng thước ngọc. Chuyện thích hay không thích, đời đánh giá làm sao không quan trọng, mà quan trọng là có đúng tinh thần Chánh Pháp hay không.
Ở đây là tôi muốn tôn vinh tinh thần Chánh Pháp chớ không phải kêu gọi quí vị sống đạo cực đoan. Khi thấy việc đúng, việc hay muốn làm cũng phải xem bối cảnh một chút. Lấy Chánh Pháp làm trọng là phải sống đạo uyển chuyển, không sống đạo quá khích.
...
Sư Giác Nguyên giảng kinh Tương Ưng. ( Người ghi chép chưa rõ).
Ghi chú: 150
 

Sách đọc nhiều
Bài đọc nhiều

18.1.24

VỊ LOÃ THỂ KASSAPA

VỊ LOÃ THỂ KASSAPA

Xin trở lại với người tu khổ hạnh không quần áo Kassapa.
Người này có thể đã hiểu được khổ đau trong thế gian này là gì, do đó đã từ bỏ tất cả những giá trị quy ước của thế tục kể cả quần áo trên người để đi tìm sự giải thoát, thế nhưng vẫn thắc mắc là những khổ đau ấy có phải chính là do mình tạo ra cho mình hay do người khác tạo ra cho mình, hay chỉ là những hiện tượng ngẫu nhiên.
VỊ LOÃ THỂ KASSAPA


 
Thế rồi một hôm Kassapa gặp được Đức Phật khi Ngài đang đi khất thực trong một khu dân cư. Kassapa liền nhân cơ hội ấy xin Đức Phật giải thích những thắc mắc đang ray rứt trong lòng mình.
- Thưa Tôn giả Gotama, có phải khổ do tự mình làm ra?
- Không phải vậy, này Kassapa. Thế Tôn đáp.
- Thưa Tôn giả Gotama, có phải khổ do người khác làm ra?
- Không phải vậy, này Kassapa. Thế Tôn đáp.
- Thưa Tôn giả Gotama, có phải khổ do mình làm ra và do người khác làm ra?
- Không phải vậy, này Kassapa. Thế Tôn đáp.
- Thưa Tôn giả Gotama, có phải khổ không do tự mình làm ra, không do người khác làm ra, khổ do tự nhiên sanh?
- Không phải vậy, này Kassapa. Thế Tôn đáp.
- Thưa Tôn giả Gotama, có phải khổ không có?
- Này Kassapa, không phải khổ không có. Khổ có, này Kassapa.
- Như vậy, Tôn giả Gotama không biết, không thấy khổ.
- Này Kassapa, không phải Ta không biết, không thấy khổ. Này Kassapa, Ta biết khổ, này Kassapa, Ta thấy khổ.
- Ðược hỏi: "Tôn giả Gotama, khổ có phải tự mình làm ra", Ngài trả lời: "Không phải vậy, này Kassapa". Ðược hỏi: "Tôn giả Gotama, khổ có phải do người khác làm ra?", Ngài trả lời: "Không phải vậy, này Kassapa". Ðược hỏi: "Tôn giả Gotama, khổ có phải do tự mình làm ra và do người khác làm ra?", Ngài trả lời: "Không phải vậy, này Kassapa". Ðược hỏi: "Tôn giả Gotama, có phải khổ không do tự mình làm ra và không do người khác làm ra, khổ do tự nhiên sanh?", Ngài trả lời: "Không phải vậy, này Kassapa". Ðược hỏi: "Tôn giả Gotama, có phải khổ không có?", Ngài trả lời: "Không phải khổ không có. Khổ có, này Kassapa". Ðược hỏi: "Như vậy Tôn giả Gotama, không biết, không thấy khổ?", Ngài trả lời: "Này Kassapa, không phải Ta không biết, không thấy khổ. Này Kassapa, Ta biết khổ, này Kassapa, Ta thấy khổ".
- Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy nói lên cho con về khổ, bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy thuyết cho con về khổ.
- Một người làm và chính người làm ấy cảm thọ (kết quả). Này Kassapa, như Ông gọi ban đầu "khổ do tự mình làm ra", như vậy có nghĩa là Thường Kiến.
Một người khác làm và một người khác cảm thọ. Này Kassapa, như vậy đối với người bị cảm thọ, được xảy ra như: "Khổ do người khác làm ra", như vậy có nghĩa là Đoạn Kiến.
Này Kassapa, từ bỏ hai cực đoan ấy, Như Lai thuyết pháp theo con đường trung đạo: Vô minh duyên hành, hành duyên thức... Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này tập khởi. Nhưng do ly tham và đoạn diệt hoàn toàn vô minh, các hành diệt. Do các hành diệt nên thức diệt... (như trên)... Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này đoạn diệt.
- Khi được nghe nói vậy, lõa thể Kassapa bạch Thế Tôn:
Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn!
Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn!
Bạch Thế Tôn, như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho kẻ lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc.
Cũng vậy, Chánh pháp đã được Thế Tôn dùng nhiều phương tiện trình bày, giải thích.
Và nay con xin quy y Thế Tôn, quy y Pháp, quy y chúng Tỷ-kheo. Bạch Thế Tôn, con xin xuất gia với Thế Tôn, con xin thọ đại giới.
Không bao lâu vị này chứng tri: "Sanh đã tận. Phạm hạnh đã thành, những gì nên làm đã làm, không còn trở lại trạng thái này nữa". Và Tôn giả Kassapa trở thành một vị A-la-hán nữa.
Nguồn: Shen tổng hợp
Nguồn ảnh: https://en.m.wikipedia.org/wiki/Digambara
Ghi chú: 138 

Sách đọc nhiều
Bài đọc nhiều