Search

15.2.24

GÓP PHẦN CHEN LẤN

GÓP PHẦN CHEN LẤN

...
Tôi nhắc lại: người có một lý tưởng sống ngon lành thì dứt khoát không có thời gian để tìm tới đám đông.
Kẻ nào còn thiết tha với đám đông là kẻ đó không có lý tưởng sống, không có cái khả năng sống một mình, đem lại sự an lạc cho riêng mình. Không có khả năng đó, họ phải nương đổ vào quần chúng. Một người còn chìm đắm trong đám đông thì không có tài nào có khả năng an lạc với riêng mình.
GÓP PHẦN CHEN LẤN



Chúng ta nên nhớ rằng: chúng ta vốn dĩ cô đơn từ vô thủy luân hồi. Mỗi người có một hạnh nghiệp riêng. Dầu chúng ta là cha mẹ, là chồng vợ, là con cái, là anh chị, là em, là cháu với nhau trong đời này, thì chắc gì đời sau chúng ta gặp lại? Đó là chuyện thứ nhất.
Thứ hai, cơ hội mang thân người và nhân thiên rất là khó. Cơ hội đó đã khó, cơ hội được gặp nhau càng khó hơn.
Cho nên, chúng ta vốn dĩ là cô đơn. Mà nói như vậy chúng ta cô đơn đã quen rồi. Chúng ta quen khổ một mình, quen vui một mình, quen ác một mình, quen thiện một mình.
Chẳng qua vì ảo giác, chúng ta thấy rằng: một chiều mưa biên giới, ngồi một mình hiu quạnh cô độc quá. Chúng ta thèm một bàn tay, một mái tóc, một ánh mắt, một tia nhìn để sưởi ấm lòng mình cho bớt cô quạnh. Mình tưởng đó là tri âm tri kỷ. Không có đâu, nó chỉ góp phần chen lấn thôi. Niềm cô đơn của chúng ta vẫn muôn đời nằm đó, không ai chia xẻ được cho mình. Tôi xin quí vị tin như vậy đi.
Cho nên một người tu hành mà còn tìm đến đám đông là người này không có khả năng quán chiếu, không có khả năng nội tĩnh.
Không có khả năng nội tĩnh, không có khả năng quán chiếu thì anh tu cái gì?
Anh hiểu rằng: công việc để anh làm đã không có thời gian rồi. Anh đi biết đi, ngồi biết ngồi, đứng biết đứng, vui biết vui, buồn biết buồn, thở ra thở vào biết rõ, thiện ác buồn vui biết rõ. Chỉ riêng chừng đó việc đã không có đủ thời gian, thì anh làm gì có thời gian cho đám đông?
Đừng có nói với tôi là chư Phật, chư Thánh ngày xưa đi hoằng pháp, người ta rần rần đó sao? Tôi xin các vị nhớ, các vị có phải Phật chưa? Đừng có đem so Ngài với mình. Mình có bằng cái hạt bụi dưới chân Ngài không mà cứ đem Thánh hiền ra so hoài. Ngài đi hoằng pháp chớ không phải là Ngài xáp vô đám đông.
Còn mình, mình cứ xáp vô đám đông. Mình nhân danh từ thiện, nhân danh hoằng pháp, nhân danh đủ thứ. Chúng ta đứng dưới tên của nhiều cái gọi là Mỹ Từ, núp dưới mỹ từ để rồi chúng ta cả đời không có khả năng sống một mình. Trong khi việc mà mình phải làm với mình, nó tới một tỷ lận.
Đức có một câu rất là hay: "Cái người mạnh nhất là người có khả năng sống một mình". Đại Hàn thì nói thế này: "Không phải đứa mạnh nhất là sống, mà đứa sống được mới là đứa mạnh nhất".
Chúng ta thấy: chính Đức Phật đã kêu gọi tinh thần độc cư. Không phải đạo Phật là đạo bi quan, bắt mình ăn rồi cứ nghĩ ba cái chuyện bất tịnh, rồi niệm chết, rồi sa đọa, đã vậy bắt sống một mình. Cái đạo gì buồn dữ trời? Nhưng không phải vậy, cái đạo này là đạo dành cho người trưởng thành, cái đạo này là đạo dành cho mấy người dám nhìn vào Sự Thật.
Hôm nay anh có thấy được sự thật thì mai này đối diện với nó, anh mới có thể tiếp tục ngon lành bảnh bao. Còn bình thường lúc vô sự, anh không có bản lãnh để thấy ra sự thật, anh chưa có khả năng để thấy, thì mai này nó ập vô mặt anh, anh làm sao chịu nổi?
Không có khả năng sống một mình bây giờ, thì mai này anh vào bệnh viện anh sống một mình. Anh nằm với ai? Anh nằm với con người của anh. Anh hấp hối với ai? Hấp hối với anh. Anh tắt thở rồi, anh đi về một phương trời miên viễn chiêm bao nào đó. Anh đi với ai? Anh đi một mình anh.
Anh đừng có nói với tôi là anh có vợ, có chồng, có con cái, có bạn bè, có tri kỷ tri âm. Tôi van anh đừng có nghĩ dại như thế. Anh mãi trước sau chỉ có một mình anh. Anh đã luân hồi vô số kiếp một mình anh. Anh có nghiệp thiện, nghiệp ác của một mình anh. Anh đi vào các cõi một mình anh.
...
-Sư Giác Nguyên giảng
Kalama xin tri ân bạn elteetee ghi chép.
Trích bài giảng ngày 05.06.2019 KTC.6.65 Vị Bất Lai.
Nguồn ảnh: Johnson Tsang
Ghi chú: 153 

12.2.24

BIỂN LỚN CHỈ CÓ MỘT VỊ MẶN PHÁP VÀ LUẬT CŨNG CHỈ CÓ MỘT VỊ LÀ VỊ GIẢI THOÁT

BIỂN LỚN CHỈ CÓ MỘT VỊ MẶN PHÁP VÀ LUẬT CŨNG CHỈ CÓ MỘT VỊ LÀ VỊ GIẢI THOÁT

Một thời, Thế Tôn trú ở Veranjà, dưới gốc cây Nalerupucimanda. Rồi vua A-tu-la Pahàràda đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn, rồi đứng một bên. Thế Tôn nói với vua A-tu-la Pahàràda đang đứng một bên:
—Này Pahàràda, có phải các A-tu-la thích thú biển lớn?
—Bạch Thế Tôn, các A-tu-la thích thú biển lớn.
—Này Paràhàda, có bao nhiêu sự vi diệu chưa từng có trong biển lớn mà do thấy chúng , các A-tu-la thích thú biển lớn?
—Bạch Thế Tôn, có tám vi diệu chưa từng có trong biển lớn mà do thấy chúng, các A-tu-la thích thú biển lớn. Thế nào là tám?
BIỂN LỚN CHỈ CÓ MỘT VỊ MẶN PHÁP VÀ LUẬT CŨNG CHỈ CÓ MỘT VỊ LÀ VỊ GIẢI THOÁT



Bạch Thế Tôn, biển lớn tuần tự thuận xuôi, tuần tự thuận hướng, tuần tự sâu dần, không có thình lình như một vực thẳm. Vì rằng bạch Thế Tôn, vì rằng biển lớn tuần tự thuận xuôi, tuần tự thuận hướng, tuần tự sâu dần, không có thình lình như một vực thẳm, nên bạch Thế Tôn, đây là vi diệu chưa từng có thứ nhất, do thấy vậy, thấy vậy, các A-tu-la thích thú biển lớn.
Lại nữa, bạch Thế Tôn, biển lớn đứng một chỗ, không có vượt qua bờ. Vì rằng bạch Thế Tôn, biển lớn đứng một chỗ, không có vượt qua bờ, bạch Thế Tôn, đây là vi diệu chưa từng có thứ hai, do thấy vậy, thấy vậy, các A-tu-la thích thú biển lớn.

Lại nữa, bạch Thế Tôn, biển lớn không có chấp chứa xác chết. Nếu có xác chết trong biển lớn, lập tức bị quăng lên bờ hay vất lên đất liền. Vì rằng bạch Thế Tôn, biển lớn không có chấp chứa xác chết. Nếu có xác chết trong biển lớn, lập tức bị quăng lên bờ hay vất lên đất liền. Nên bạch Thế Tôn đây là vi diệu chưa từng có thứ ba, do thấy vậy, thấy vậy, các A-tu-la thích thú biển lớn.
Lại nữa, bạch Thế Tôn, phàm có các con sông lớn nào, ví như sông Hằng, sông Yamunà, sông Aciravatì, sông Sarabhù, sông Mahì, các con sông ấy khi chảy đến biển, liền bỏ tên họ cũ trở thành biển lớn. Vì rằng, phàm có các con sông lớn nào, ví như sông Hằng … trở thành biển lớn, nên bạch Thế Tôn, đây là vi diệu chưa từng có thứ tư, do thấy vậy, thấy vậy, các A-tu-la thích thú biển lớn.
Lại nữa, bạch Thế Tôn, phàm có những dòng nước gì ở đời chảy vào biển lớn, phàm có những nước mưa từ trời rơi xuống, nhưng không vì vậy biển lớn được thấy có vơi có đầy. Bạch Thế Tôn, vì rằng, phàm có những dòng nước gì ở đời chảy vào biển lớn, phàm có những nước mưa từ trời rơi xuống, nhưng không vì vậy biển lớn được thấy có vơi có đầy, bạch Thế Tôn, đây là vi diệu chưa từng có thứ năm, do thấy vậy, thấy vậy, các A-tu-la thích thú biển lớn.
Lại nữa, bạch Thế Tôn, biển lớn chỉ có một vị là vị mặn. Vì rằng, bạch Thế Tôn, biển lớn chỉ có một vị là vị mặn, nên bạch Thế Tôn, đây là vi diệu chưa từng có thứ sáu, do thấy vậy, thấy vậy, các A-tu-la thích thú biển lớn.

Lại nữa, bạch Thế Tôn, biển lớn có nhiều châu báu, nhiều loại châu báu, ở đây có những châu báu này, như thân châu, ma-ni châu, lưu-ly, xa-cừ, ngọc bích, san hô, bạc, vàng, ngọc đỏ, mã não. Vì rằng, bạch Thế Tôn , biển lớn có nhiều châu báu, nhiều loại châu báu, ở đây có những châu báu này, như trân châu, ma-ni châu, lưu-ly, xa-cừ, ngọc bích, san hô, bạc, vàng, ngọc đỏ, mã não. Bạch Thế Tôn, đây là vi diệu chưa từng có thứ bảy, do thấy vậy, thấy vậy, các A-tu-la thích thú biển lớn.
Lại nữa, bạch Thế Tôn, biển lớn là trú xứ các loại chúng sanh lớn, tại đấy, có những chúng sanh như các con Timi, Timingalà, Timiramingalà, những loại Asurà (A-tu-la), các loại Nàgà, các loại Gandhabbà. Trong biển có những loài hữu tình có tự ngã dài một trăm do tuần, hai trăm, ba trăm, bốn trăm, năm trăm do tuần. Vì rằng, bạch Thế Tôn, biển lớn là trú xứ các loài chúng sanh lớn … năm trăm do tuần, nên bạch Thế Tôn, đây là vi diệu chưa từng có thứ tám, do thấy vậy, thấy vậy, các A-tu-la thích thú biển lớn. Nhưng bạch Thế Tôn, các Tỷ-kheo có thích thú trong Pháp và Luật này?
—Này Pahàràda, Tỷ-kheo có thích thú trong Pháp và Luật này.
—Bạch Thế Tôn, trong Pháp và Luật này có bao nhiêu pháp vi diệu chưa từng có mà do thấy chúng, thấy chúng, các Tỷ-kheo thích thú trong pháp và luật này?
—Này Pahàràda, có tám pháp vi diệu này chưa từng có trong Pháp và Luật mà do thấy chúng, thấy chúng, các Tỷ-kheo thích thú trong pháp và luật này. Thế nào là tám?
Ví như, này Pahàràda, biển lớn tuần tự thuận xuôi, tuần tự thuận hướng, tuần tự sâu dần, không có thình lình như một vực thẳm. Cũng vậy, này Pahàràda, trong Pháp và Luật này, các học pháp là tuần tự, các quả dị thục là tuần tự, các con đường là tuần tự, không có sự thể nhập chánh trí thình lình. Này Pahàràda, vì rằng trong pháp và luật này, các học pháp là tuần tự, các quả dị thục là tuần tự, các con đường là tuần tự, không có sự thể nhập chánh trí thình lình, nên này Pahàràda, đây là vi diệu chưa từng có thứ nhất mà do thấy vậy, thấy vậy, các Tỷ-kheo thích thú trong Pháp và Luật này.

Ví như, này Pahàràda, biển lớn đứng một chỗ, không có vượt qua bờ. Cũng vậy, này Pahàràda, khi các học pháp được Ta sửa soạn cho các đệ tử, các đệ tử của Ta, dầu cho vì nhân sinh mạng, cũng không vượt qua,. Vì rằng này Pahàràda các học pháp được Ta sửa soạn cho các đệ tử, các đệ tử của Ta, dầu cho vì nhân sinh mạng, cũng không vượt qua,. Nên này Pahàràda, trong Pháp và Luật này, đây là vi diệu chưa từng có thứ hai do mà do thấy vậy, thấy vậy, các Tỷ-kheo thích thú trong Pháp và Luật này.
Ví như, này Pahàràda, biển lớn không có chấp chứa xác chết. Nếu có xác chết trong biển lớn, lập tức bị quăng lên bờ hay vất lên đất liền. Cũng vậy, này Pahàràda, người nào là ác giới, theo ác pháp, sở hành bất tịnh đáng nghi ngờ, có những hành vi che đậy, không phải là Sa-môn, nhưng tự nhận là Sa-môn, không phải sống Phạm hạnh nhưng tự nhận có Phạm hạnh, nội tâm hôi hám, ứ đầy tham dục, tánh tình bất tịnh. Chúng Tăng không sống chung với người ấy, lập tức hội họp lại và đuổi người ấy ra khỏi. Dầu cho người ấy có ngồi giữa chúng Tỷ-kheo Tăng, nhưng người ấy sống xa chúng Tăng và chúng Tăng sống xa người ấy. Vì rằng, này Pahàràda, người ấy là ác giới, theo ác pháp, … tánh tình bất tịnh … và chúng Tăng sống xa vị ấy, nên này Pahàràda, trong pháp và luật này, đây là pháp vi diệu chưa từng có thứ ba mà do thấy vậy, thấy vậy, các Tỷ-kheo thích thú trong Pháp và Luật này.

Ví như, này Pahàràda, phàm có các con sông lớn nào, ví như sông Hằng, sông Yamunà, sông Aciravatì, sông Sarabhù, sông Mahì, các con sông ấy khi chảy đến biển, liền bỏ tên họ cũ trở thành biển lớn. Cũng vậy, này Pahàràda, có bốn giai cấp: Sát-đế-lỵ, Bà-la-môn, Phệ-xá, Thủ-đà, sau khi từ bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia trong Pháp và Luật được Như Lai tuyên bố, họ từ bỏ tên và họ của họ từ trước, và họ trở thành những Sa-môn Thích tử. Này Pahàràda, trong Pháp và Luật này, đây là pháp vi diệu chưa từng có thứ tư mà do thấy vậy, thấy vậy, các Tỷ-kheo thích thú trong Pháp và Luật này.

Ví như, này Pahàràda, phàm có những dòng nước gì ở đời chảy vào biển lớn, phàm có những nước mưa từ trời rơi xuống, nhưng không vì vậy biển lớn được thấy có vơi có đầy. Cũng vậy, này Pahàràda, nếu có nhiều Tỷ-kheo nhập vào Niết-bàn giới không có dư y, Niết-bàn giới cũng không vì vậy được thấy có vơi có đầy. Này Pahàràda, nếu có nhiều vị Tỷ-kheo nhập vào Niết-bàn giới không có dư y, Niết-bàn giới cũng không vì vậy được thấy có vơi có đầy. Này Pahàràda, trong Pháp và Luật này, đây là pháp vi diệu chưa từng có thứ năm mà do thấy vậy, thấy vậy, các Tỷ-kheo thích thú trong Pháp và Luật này.
Ví như, này Pahàràda, biển lớn chỉ có một vị mặn. Cũng vậy, này Pahàràda, Pháp và Luật cũng chỉ có một vị là vị giải thoát. Này Pahàràda, trong Pháp và Luật này, đây là pháp vi diệu chưa từng có thứ sáu mà do thấy vậy, thấy vậy, các Tỷ-kheo thích thú trong Pháp và Luật này.

Ví như, này Pahàràda, biển lớn có nhiều châu báu, có nhiều loại châu báu, ở đây có những châu báu này, như trân châu, ma-ni châu, lưu-ly, xa-cừ, ngọc bích, san hô, bạc, vàng, ngọc đỏ, mã não. Cũng vậy, này Pahàràda, Pháp và Luật này có nhiều châu báu, nhiều loại châu báu, ở đấy có những châu báu này, như Bốn niệm xứ, Bốn chánh cần, Bốn như ý túc, Năm căn, Năm lực, Bảy giác chi, Thánh đạo tám ngành. Này Pahàràda, vì rằng Pháp và Luật này có nhiều châu báu, nhiều loại châu báu, ở đấy có những châu báu này, như Bốn niệm xứ, Bốn chánh cần, Bốn như ý túc, Năm căn, Năm lực, Bảy giác chi, Thánh đạo tám ngành, nên này Pahàràdan, trong Pháp và Luật này, đây là pháp vi diệu chưa từng có thứ bảy mà do thấy vậy, thấy vậy, các Tỷ-kheo thích thú trong Pháp và Luật này.

Ví như, này Pahàràda, biển lớn là trú xứ các loại chúng sanh lớn, tại đấy, có những chúng sanh như các con Timi, Timingalà, Timiramingalà, những loại Asurà (A-tu-la), các loại Nàgà, các loại Gandhabbà. Trong biển có những loài hữu tình với tự ngã dài một trăm do tuần, hai trăm, ba trăm, bốn trăm, năm trăm do tuần. Cũng vậy, này Pahàràda, Pháp và Luật là trú xứ của các loài chúng sanh lớn. Ở đấy có những loại chúng sanh này: bậc Dự lưu, bậc đã hướng đến chứng ngộ Dự lưu quả, bậc Nhất Lai, bậc đã hướng đến chứng ngộ Nhất lai quả, bậc Bất lai, bậc đã hướng đến chứng ngộ Bất lai quả, bậc A-la-hán, bậc đã hướng đến chứng ngộ quả A-la-hán. Này Pahàràda, vì rằng Pháp và Luật này là trú xứ của các loại chúng sanh lớn. Ở đấy có những chúng sanh này … quả A-la-hán. Này Pahàràda, trong Pháp và Luật này, đây là pháp vi diệu chưa từng có thứ tám mà do thấy vậy, thấy vậy, các Tỷ-kheo thích thú trong Pháp và Luật này.

Này Pahàràda, đây là tám pháp vi diệu, chưa từng có trong pháp và luật và do thấy vậy, do thấy vậy, các Tỷ-kheo thích thú trong Pháp và Luật này.
nguồn: Aṅguttara Nikāya II. Phẩm Lớn 8.19. A-Tu-La Pahàràda
https://suttacentral.net/an8.19/vi/minh_chau
Nguồn ảnh: Được tạo bằng AI
ghi chú: 126 

Sách đọc nhiều
Bài đọc nhiều