Search

16.1.22

ĐẠI KIẾP (MAHA-KAPPA)

ĐẠI KIẾP (MAHA-KAPPA)

Nếu phải đặt niềm tin vào một thứ thường hằng, bất biến thì thà tin vào Vô thường, Dukkha, Vô ngã còn hơn là tin vào cái thân và cái tâm này.


ĐẠI KIẾP (MAHA-KAPPA)
Một Đại Kiếp (maha-kappa) nói chung có nghĩa là một chu kỳ tạo lập và tan rã của thế giới. Vậy một chu kỳ tạo lập, tồn tại, và tan rã của một thế giới là bao nhiêu lâu?
Trong “Bộ Kinh Liên Kết” (Tương Ưng Kinh Bộ, Chương 15), Đức Phật đã dùng một ví dụ núi đá hay số lượng hạt cải để mô tả về định nghĩa của “đại kiếp”, với đại ý như sau: 
“Giả sử có một khối núi đá cứng, chiều dài một yojana*, rộng một yojana và cao một yojana và cứ mỗi 100 năm, một người đến lau chùi bằng miếng vải lụa Kasika. Cho đến khi khối núi đá này được chùi mòn hết, thì khoảng thời gian không thể tưởng tượng đó vẫn còn ngắn hơn một đại kiếp (maha-kappa)”.
“Hay giả sử có một khu được bao bọc bởi tường thành bằng sắt, chiều dài một yojana, rộng một yojana và cao một yojana và được đổ đầy hạt cải bên trong lên hết chiều cao tường thành và cứ 100 năm, một người đến lấy một hạt cải. Cho đến khi không còn hạt cải nào ở đó, thì khoảng thời gian không thể tưởng tượng đó cũng chưa bằng một đại kiếp (maha-kappa).” **
* (Một yojana còn được gọi là một do-tuần (HV) = 8 dặm
Anh = khoảng 12.875 Km).
**Những ví dụ trên đây là đại ý trong bài Kinh nói trên, chứ không phải trích nguyên lời kinh Đức Phật đã nói. Để đọc đầy đủ, coi các kinh SN 15:05 và 06 (Quyển 2). Chu kỳ thế giới khi những vị Phật xuất hiện 
Vậy bao nhiêu đại kiếp đã nối tiếp nhau trôi qua trong quá khứ rồi?
Theo lời Đức Phật trong các kinh nói trên:
“Này Tỳ kheo, một đại kiếp là rất dài. Và với những đại kiếp dài vô vàn như vậy, chúng ta đã lang thang trôi giạt suốt nhiều đại kiếp, rất nhiều trăm đại kiếp, rất nhiều ngàn đại kiếp, rất nhiều trăm ngàn đại kiếp. Bởi vì sao? Bởi vì, này các Tỳ kheo, vòng luân hồi sinh tử này là không có điểm khởi đầu có thể nhận biết được .... (Điều này là quá đủ … để (chúng ta) trở nên chán bỏ đối với chúng, quá đủ để (chúng ta tìm cách) giải-thoát khỏi chúng).”
“Này các Tỳ kheo, vòng luân hồi sinh tử [saṃsāra] này là không có điểm khởi đầu có thể nhận biết được. Một thời điểm khởi đầu (của nó), từ lúc chúng sinh lang thang và trôi giạt (trong đó) do bị chướng ngại bởi vô-minh và bị trói buộc bởi dục-vọng, là không thể nhận biết được.”

Nếu phải đặt niềm tin vào một thứ thường hằng, bất biến thì thà tin vào Vô thường, Dukkha, Vô ngã còn hơn là tin vào cái thân và cái tâm này.



nguồn: http://daophatnguyenthuy.com 
nguồn ảnh: https://commons.wikimedia.org 



Thống kê SÁCH đọc nhiều theo thời gian

15.1.22

KINH NGƯỜI BIẾT SỐNG MỘT MÌNH

KINH NGƯỜI BIẾT SỐNG MỘT MÌNH

Đức Thế Tôn dạy:
Đừng tìm về quá khứ
Đừng tưởng tới tương lai
Quá khứ đã không còn
Tương lai thì chưa tới
Hãy quán chiếu sự sống
Trong giờ phút hiện tại
Kẻ thức giả an trú
Vững chãi và thảnh thơi.
Phải tinh tiến hôm nay
Kẻo ngày mai không kịp
Cái chết đến bất ngờ
Không thể nào mặc cả.
Người nào biết an trú
Đêm ngày trong chánh niệm
Thì Mâu Ni gọi là
Người Biết Sống Một Mình.

KINH NGƯỜI BIẾT SỐNG MỘT MÌNH



Đây là những điều tôi nghe hồi Bụt còn ở tại tu viện Cấp Cô Độc trong vườn cây Kỳ Đà ở thành Vương Xá. Lúc đó có một vị khất sĩ tên là Thượng Tọa (Thera) chỉ ưa ở một mình một chỗ, vị này thường ca ngợi hạnh sống một mình, đi khất thực một mình, thọ trai xong đi về một mình và ngồi thiền một mình. Bấy giờ có một số các vị khất sĩ tới nơi Bụt ở, làm lễ dưới chân Bụt, lui về một bên ngồi, và bạch với Người:
– Thế Tôn, có một vị tôn giả tên Thượng Tọa, vị này ưa ở một mình, ưa ca ngợi hạnh sống một mình, một mình vào xóm làng khất thực, một mình từ xóm làng đi về trú xứ, một mình tọa thiền.
Đức Thế Tôn bèn bảo một vị khất sĩ:
– Thầy hãy tới chỗ mà khất sĩ Thượng Tọa cư trú và bảo với thầy ấy là tôi muốn gặp.
Vị khất sĩ vâng mệnh. Lúc ấy vị khất sĩ Thượng Tọa liền đến chỗ Bụt ở, làm lễ dưới chân Bụt, lui về một bên mà ngồi. Lúc ấy đức Thế Tôn hỏi khất sĩ Thượng Tọa:
– Có phải là thầy ưa ở một mình, ca ngợi hạnh sống một mình, một mình đi khất thực, một mình ra khỏi xóm làng, một mình ngồi thiền phải không?
Khất sĩ Thượng Tọa đáp:
– Thưa Thế Tôn, đúng vậy.
Bụt bảo khất sĩ Thượng Tọa:
– Thầy sống một mình như thế nào?
Khất sĩ Thượng Tọa đáp:
– Bạch Thế Tôn, con chỉ sống một mình một nơi, ca ngợi hạnh sống một mình, một mình đi khất thực, một mình ra khỏi xóm làng, một mình ngồi thiền, thế thôi.
Bụt dạy:
– Thầy đúng là người ưa sống một mình, tôi không nói là không phải. Nhưng tôi biết có một cách sống một mình thật sự mầu nhiệm. Đó là quán chiếu để thấy rằng quá khứ đã không còn mà tương lai thì chưa tới, an nhiên sống trong hiện tại mà không bị vướng mắc vào tham dục. Kẻ thức giả sống như thế, tâm không do dự, bỏ hết mọi lo âu, mọi hối hận, xa lìa hết mọi tham dục ở đời, cắt đứt tất cả những sợi dây ràng buộc và sai sử mình. Đó gọi là thật sự sống một mình. Không có cách nào sống một mình mà mầu nhiệm hơn thế.
Rồi đức Thế Tôn nói bài kệ sau đây:
Quán chiếu vào cuộc đời
Thấy rõ được vạn pháp
Không kẹt vào pháp nào
Lìa xa mọi ái nhiễm
Sống an lạc như thế
Tức là sống một mình.
Bụt nói xong, tôn giả Thượng Tọa lấy làm vui mừng sung sướng, cung kính làm lễ Bụt và rút lui.
 (CCC)

Thích Nhất Hạnh dịch, (Tạp A Hàm, kinh số 1071, tạng Kinh Đại Chánh)


Kinh Người Biết Sống Một Mình: Kinh này được dịch từ tạng Pali, kinh Bhaddekaratta Sutta của Trung Bộ (Majjhima Nikàya 131). Kinh này dạy ta cách an trú chính niệm trong giây phút hiện tại để sống sâu sắc từng giây phút của đời sống hàng ngày, quán chiếu những gì đang xảy ra trong giây phút ấy để đạt tới tuệ giác và tự do, không bị quá khứ, tương lai và các tâm hành bất thiện lôi kéo. Trong Trung Bộ còn có nhiều kinh khác cũng cùng một đề tài, đó là các kinh 132, 133, 134. Trong tạng Hán, có các kinh A Nan Thuyết, Ôn Tuyền Lâm Thiên, Thích Trung Thiền Thất cũng cùng một đề tài và nội dung. Ba kinh này là các kinh số 167, 165 và số 166 của Trung Bộ. Ngoài ra còn có kinh Tôn Thượng (77, tạng kinh Ðại Chính) do thầy Pháp Hộ dịch, cũng có cùng một đề tài.
Kinh này là văn kiện xưa nhất của lịch sử văn học loài người dạy về nghệ thuật sống trong hiện tại, vững chãi và thảnh thơi. Xin tham khảo sách Kinh Người Biết Sống Một Mình của thiền sư Nhất Hạnh, trong ấy tác giả đã đưa ra nhiều phương pháp hành trì kinh rất cụ thể.

nguồn bài viết: https://langmai.org/.../kinh-nguoi-biet-song-mot-minh/
nguồn ảnh: https://tricycle.org/magazine/brief-teachings-summer-2015/



Thống kê SÁCH đọc nhiều theo thời gian