Search

10.10.22

TIỀN NGHIỆP, KHUYNH HƯỚNG TÂM LÍ VÀ MÔI TRƯỜNG SỐNG

Trong kinh Đức Phật dạy như thế này: Một tâm thức càng cao cấp chừng nào thì càng ít lệ thuộc vào sáu trần chừng ấy. Tức là họ không có dư thì giờ kiếm cái nhìn, kiếm cái nghe, kiếm cái ăn, kiếm cái ngửi. Một tâm thức cao cấp thì họ hạn chế sự lệ thuộc vào sáu trần.


TIỀN NGHIỆP, KHUYNH HƯỚNG TÂM LÍ VÀ MÔI TRƯỜNG SỐNG


Khi mà chúng ta không lệ thuộc vào vật chất thì đời sống tâm linh của chúng ta sẽ đi xa và lên cao hơn nhiều lắm. 
Tôi chứng minh rõ ràng luôn: khi ta không mất thời gian cho cái ăn, cái mặc, những thứ trang sức, không mất thời gian nhiều cho đời sống vật chất thì đương nhiên là ta rảnh về thời gian và rãnh về cái đầu nữa. Tôi không hề kêu gọi bà con sống khổ hạnh, sống khắc kĩ, sống mà khổ như điên để tu, tôi không có kêu kì cục vậy. Cứ sống thanh thản thoải mái nhưng cứ nhớ canh cánh trong lòng rằng khi mình còn bận tâm quá nhiều về vật chất, mình sẽ không còn thời gian cho tâm linh nữa. 
"Bây giờ tôi muốn sống đời sống tâm linh, tôi phải làm sao?". 
- Đức Phật dạy như thế này: Phải có giáo lý (Pali), phải học giáo lý căn bản, xong rồi sống Chánh Niệm. Đức Phật không có kêu mình làm việc thứ ba. Tôi chịu trách nhiệm câu nói này. Người Phật Tử hay người Xuất Gia chỉ làm hai việc đó thôi, học giáo lý rồi sống Chánh Niệm. Học giáo lý là như quý vị đang làm đó. 
- Còn sống Chánh Niệm là gì? kể từ khi ra khỏi cái nhà làm cái gì biết cái đó, tôi không có kêu các vị làm thêm, lần chuỗi, trì chú, chuông mỏ, tôi không có kêu. Các vị cứ tiếp tục sống y chang như cũ vậy nhưng mà luôn luôn trong Chánh Niệm, làm gì biết nấy. Mà nếu các vị tập trung làm như vậy trong vòng một ngày các vị thấy nó kì cục lắm, nó lạ lắm. Hỏng lẽ một ngày làm không nổi, đâu có kêu mình trồng chuối, đi bằng đầu gối đâu. Chỉ kêu mình một chuyện là cứ sống như cũ thôi, cứ rửa mặt, đánh răng, quét nhà, hút bụi, cứ y như cũ không thêm bớt gì hết nhưng một điều là làm gì cũng có Chánh Niệm. Tin tôi đi, làm trong một ngày đi, nó lạ lùng lắm, nó rất là lạ, nó lạ là nó an lạc hơn. Mà cái này mới ghê nè, mình lấy mắt mình nhìn thì chung quanh là tường, bước ra đường chung quanh mình là nhà cửa xe cộ và mình cứ tưởng đó là thế giới. Sai! Cái đó là thế giới của người không có Đạo họ hiểu như vậy đó. Có nghĩa là quý vị không học giáo lý, không nghe tôi giảng, quý vị nghĩ tôi ở trong một căn nhà, trên là trần, dưới là nền, chung quanh là vách, bên trái tôi là bàn Phật, lò sưởi, bên phải tôi là cây thông. Đó là người không biết Đạo, họ hiểu như vậy. Cái ghê là người biết giáo lý và còn sống Chánh Niệm thì lúc này những cái đó nó không có tồn tại nữa. Mà nó chỉ tồn tại có sáu thứ thôi: tôi đang thấy, tôi đang nghe, tôi đang ngửi, chứ không còn là tường, vách, trần, nền nữa, cảm giác rất là lạ. 

Trong Tứ Niệm Xứ, bốn cái: Thân, Thọ, Tâm, Pháp. Tôi nói thiệt là chậm "Muốn thành thánh nhân phải sống với Chánh Niệm. Muốn thoát cái khổ trước mắt phải sống với Chánh Niệm. Muốn chấm dứt sanh tử luân hồi, không bị sa đọa nữa phải sống với Chánh Niệm. Và khi thành A La Hán rồi, thành Phật rồi cũng phải sống với Chánh Niệm. Điều đó cho thấy Chánh Niệm rất là quan trọng. Nhưng mà tại sao có bốn cái Thân, Thọ, Tâm, Pháp? Là bởi vì mỗi người có ba thứ hành trang không giống nhau. 
Ba thứ đó là gì? Tiền nghiệp, khuynh hướng tâm lí và môi trường sống, ba cái này không giống nhau. Chính vì ba cái này không giống nhau cho nên cách làm việc của mỗi người với sáu căn nó không giống nhau. Ai cũng cần phải ăn cơm nhưng do điều kiện hoàn cảnh khác nhau nên mâm cơm của chúng ta không giống nhau. Ở đây cũng vậy, ai cũng phải sống Chánh Niệm, ai cũng phải kiểm soát được sáu căn nhưng vì cái khuynh hướng tâm lí, tiền nghiệp, môi trường hiện tại, trình độ kiến thức của mình không giống nhau. 

Đức Phật xét thấy chính vì chúng sanh quá nhiều khác biệt cho nên Ngài mới đưa ra bốn cái phương pháp này. Mà không phải mình Ngài, tất cả Chư Phật ba đời mười phương đều có bốn cái pháp này giống nhau, không thêm một mà cũng không giảm một, đúng bốn cái thôi Thân, Thọ, Tâm, Pháp. 
...
Sư Giác Nguyên giảng



Thống kê SÁCH đọc nhiều theo thời gian

4.10.22

KINH NGƯỜI BẮT RẮN

Đây là những điều tôi được nghe hồi Bụt còn du hành ở Xá Vệ trong vườn Cấp Cô Độc và rừng cây Kỳ Đà. 


Dạo ấy, khất sĩ A Lê Sá, vốn xưa là người huấn luyện chim ưng, có tà kiến như sau: 
“Theo sự hiểu biết của tôi về điều Bụt dạy, hưởng thụ dục lạc không phải là chướng ngại cho sự tu tập.” Nghe đồn như thế, nhiều vị khất sĩ tìm tới A Lê Sá và hỏi: 
“A Lê Sá, sư huynh đã nói rằng theo sự hiểu biết của sư huynh về lời Bụt dạy thì hưởng thụ dục lạc không có chướng ngại gì cho sự tu tập, có phải thế không?” Khất sĩ A Lê Sá trả lời:
“Các hiền hữu, quả là như thế. Tôi nghĩ rằng Bụt không cho sự hưởng thụ dục lạc là chướng ngại cho sự tu tập.” Các vị khất sĩ bảo: 
“Này sư huynh A Lê Sá, sư huynh đừng nói như thế, đừng bài báng và vu khống đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn không hề nói như vậy; bài báng và vu khống đức Thế Tôn là không tốt. Sư huynh A Lê Sá,  dục lạc là chướng ngại cho sự tu tập. Thế Tôn đã dùng rất nhiều ví dụ để nói với chúng ta điều đó. Sư huynh nên từ bỏ tà kiến ấy đi.” Tuy đã được các vị khất sĩ chỉ bảo cho như thế nhưng khất sĩ A Lê Sá vẫn không nghe, vẫn cố thủ tà kiến của mình, vẫn một mực nói rằng điều ông ta nghĩ là sự thực, ngoài ra các ý kiến khác đều sai lầm.

Can thiệp như vậy đến ba lần mà không có hiệu quả, các vị khất sĩ mới đứng dậy bỏ đi. Họ tìm tới Bụt. Sau khi đảnh lễ dưới chân Người, các vị ngồi lại một bên và bạch lại tự sự với Bụt. Bụt cho gọi khất sĩ A Lê Sá, quở trách thầy, và dạy các vị khất sĩ:

“Những giáo pháp tôi nói, các thầy phải tìm hiểu nghĩa lý một cách thật tường tận và đúng mức rồi mới nên đem ra hành trì. Nếu chưa tìm hiểu được nghĩa lý một cách tường tận và đúng mức thì trước hết hãy nên hỏi lại chính tôi hoặc hỏi lại các bậc trí giả và các bậc phạm hạnh đã. Tại sao? Có những người thiếu trí tuệ, vì có nhận thức sai lạc về văn và về nghĩa, đã hiểu ngược những điều đề cập đến trong các thể tài kinh điển như chánh kinh, ca vịnh, ký thuyết, kệ tụng, nhân duyên, soạn lục, bản khởi, thử thuyết, sinh xứ, quảng giải, vị tằng hữu pháp và thuyết nghị. 
Những người ấy đã học với chủ ý tranh luận hơn thua mà không học vì mục đích tu tập giải thoát nên đã bị kẹt vào sự tướng mà không tiếp nhận được chân nghĩa của kinh. Họ trải qua nhiều gian nan cực khổ mà không có lợi ích gì, rốt cùng chỉ thêm mệt mỏi. 
Cũng giống như người đi bắt rắn ở miền hoang dã, thấy rắn lớn liền lấy tay chụp vào mình nó cho nên bị rắn quay đầu lại mổ vào tay, vào chân hoặc vào một bộ phận khác của cơ thể. Bắt rắn như vậy thì không có ích lợi gì mà lại mang họa vào thân. Lý do là tại người ấy không biết thủ thuật bắt rắn. Người học kinh không thông minh cũng vậy: vì không biết cách học hỏi nên đã hiểu nghĩa kinh một cách trái ngược. Những kẻ khôn ngoan sẽ biết khéo léo tiếp nhận văn kinh và nghĩa kinh, do đó không có những kiến giải đảo lộn. 
Họ không học vì mục đích khoe khoang và tranh cãi. Họ học với mục đích tìm đường giải thoát. Vì vậy họ không hề cực khổ và lao nhọc. Họ cũng giống như người đi bắt rắn mà biết sử dụng một khúc cây có nạng sắt: khi đi đến vùng hoang dã, thấy rắn lớn, họ ấn nạng ngay xuống cổ rắn và lấy tay bắt ngay đầu rắn. Rắn kia tuy có thể quẫy đuôi, quấn tay, quấn chân hoặc một bộ phận khác của cơ thể người bắt rắn, nhưng không thể nào mổ người ấy được. Bắt rắn như vậy không cực khổ mà cũng không lao nhọc, chỉ vì người ấy biết rõ thủ thuật bắt rắn. Người con trai hoặc con gái nhà lành khi học hỏi kinh điển cũng phải khéo léo tiếp nhận văn và nghĩa kinh một cách không đảo lộn thì mới nắm được chánh pháp. Họ không học hỏi với mục đích ba hoa tranh cãi mà chỉ học với mục đích tìm cầu giải thoát. Họ không cần trải qua những cực khổ và nhọc nhằn. 
...

Trích sách: Im Lặng Sấm Sét của thiền sư Nhất Hạnh.

https://langmai.org/tang-kinh-cac/kinh-van/kinh-van/kinh-nguoi-bat-ran/

KINH NGƯỜI BẮT RẮN




Thống kê SÁCH đọc nhiều theo thời gian