Search

26.11.22

BỘC LƯU

Chúng ta bất ngờ hiểu biết: Trong dòng sống vô thường, đứng lại sẽ bị chìm xuống và bước tới sẽ bị cuốn trôi. Chúng ta bắt đầu không đứng lại mà cũng không bước tới nữa. 

Nguồn: Nhuận Đạt.
https://www.facebook.com/100009048631810/posts/3098484540463137/
---

Chương 1: Tương Ưng Chư Thiên I: Phẩm Cây Lau


1.1. Bộc Lưu


Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn ở Sāvatthi (Xá-vệ), Jetavana (Thắng Lâm), tại vườn ông Anāthapiṇḍika (Cấp Cô Ðộc).
Rồi một vị Thiên, khi đêm đã gần tàn, với nhan sắc thù thắng chói sáng toàn vùng Jetavana, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên. Ðứng một bên, vị Thiên ấy bạch Thế Tôn:
—Thưa Tôn giả, làm sao Ngài vượt khỏi bộc lưu?
—Này Hiền giả, không đứng lại, không bước tới, Ta vượt khỏi bộc lưu.
—Thưa Tôn giả, làm sao không đứng lại, không bước tới, Ngài vượt khỏi bộc lưu?
—Này Hiền giả, khi Ta đứng lại, thời Ta chìm xuống. Này Hiền giả, khi Ta bước tới, thời Ta trôi giạt; do vậy, này Hiền giả, không đứng lại, không bước tới, Ta vượt khỏi bộc lưu.
(Vị Thiên):
Từ lâu, tôi mới thấy
Bà-la-môn tịch tịnh.
Không đứng, không bước tới,
Vượt chấp trước ở đời.
Vị Thiên ấy nói như vậy và bậc Ðạo Sư chấp nhận. Vị Thiên ấy biết được: “Thế Tôn đã chấp nhận ta”. Vị ấy đảnh lễ Thế Tôn, thân phía hữu hướng về Ngài, rồi biến mất tại chỗ.


Oghataraṇasutta—Thích Minh Châu

BỘC LƯU




Thống kê SÁCH đọc nhiều theo thời gian

23.11.22

VỊ NGỌT, SỰ NGUY HIỂM, SỰ VƯỢT THOÁT

(1) Trước Khi Ta Giác Ngộ - Này các Tỷ-kheo, trước khi ta giác ngộ, khi ta còn là một Bồ-tát, ta suy nghĩ như sau : “Cái gì là vị ngọt của thế gian, cái gì là sự nguy hại, và cái gì là sự vượt thoát thế gian?”.


Rồi ý tưởng này khởi lên trong ta: 
- “Bất cứ những gì mang lại vui thích khoái lạc ở thế gian là vị ngọt của thế gian. 
- Thế gian là vô thường, bị ràng buộc với khổ đau, và phải chịu biến hoại, đó là sự nguy hại của thế gian;
- Đoạn trừ, từ bỏ mọi ham muốn dục vọng của thế gian chính là sự vượt thoát thế gian”.
Này các Tỷ-kheo, bao lâu ta chưa trực tiếp biết được như thật vị ngọt của thế gian là vị ngọt, sự nguy hại của thế gian là nguy hại, và sự vượt thoát thế gian là vượt thoát, cho đến lúc ấy, ta chưa tuyên bố là đã giác tri được vô thượng Chánh Đẳng Giác trong thế giới với chư thiên, Ác-ma và Phạm Thiên, trong quần chúng này với Sa môn và Bà-la-môn, chư thiên và loài người.
Nhưng khi ta đã trực tiếp biết được như thật  tất cả các pháp này, ta mới tuyên bố là là đã giác tri được vô thượng Chánh Đẳng Giác trong thế giới với chư thiên, Ác-ma, và Phạm thiên, trong quần chúng này với Sa môn và Bà-la-môn, chư thiên và loài người. Tri kiến này đã khởi lên trong ta: ”Tâm giải thoát của ta là bất động; đây là đời sống cuối cùng; nay sẽ không còn tái sinh nữa”.
/(Tăng Chi BK I, tr. 468-469- XI. Phẩm Chánh Giác).

(2) Ta Lên Đường Tìm Cầu


Này các Tỷ-kheo, ta lên đường tìm cầu vị ngọt của thế gian. Ta đã tìm thấy bất cứ vị ngọt nào có mặt ở thế gian. Ta đã thấy rõ ràng với trí tuệ  vị ngọt trải rộng đến mức độ nào trong thế gian này.
Ta lên đường tìm cầu sự nguy hại của thế gian. Ta đã tìm thấy bất cứ sự nguy hiểm  nào có mặt ở thế gian. Ta đã thấy rõ ràng với trí tuệ sự nguy hại trải rộng đến mức độ nào trong thế gian này.
Ta lên đường tìm cầu sự vượt thoát thế gian. Ta đã tìm thấy bất cứ sự vượt thoát nào có mặt ở thế gian. Ta đã thấy rõ ràng với trí tuệ  sự vượt thoát trải rộng đến mức độ nào.
/(Tăng Chi BK I, tr. 469- XI. Phẩm Chánh Giác).

(3) Nếu Không Có Vị Ngọt


Này các Tỷ-kheo, nếu không có vị ngọt ở thế gian, thì chúng sinh đã không tham đắm thế gian này. Nhưng bởi vì có vị ngọt ở thế gian, nên chúng sinh tham đắm thế gian này.
Nếu không có sự nguy hại ở thế gian, thì chúng sinh đã không nhàm chán thế gian này. Nhưng bởi vì có sự nguy hại  ở thế gian, nên chúng sinh nhàm chán thế gian này.
Nếu không có sự vượt thoát thế gian, thì chúng sinh đã không thể vượt thoát thế gian này. Nhưng bởi vì có sự vượt thoát thế gian, nên chúng sinh có thể vượt thoát thế gian này. 
VỊ NGỌT, SỰ NGUY HIỂM, SỰ VƯỢT THOÁT



Nguồn: Kinh Tăng Chi Bộ I, tr. 470-71 - XI. Phẩm Chánh Giác.
Nguồn ảnh: https://greenpalmgallery.com



Thống kê SÁCH đọc nhiều theo thời gian