Search

30.4.23

NĂNG ĐOẠN KIM CƯƠNG TÁC GIẢ GHESE MICHEAL ROACH

NĂNG ĐOẠN KIM CƯƠNG TÁC GIẢ GHESE MICHEAL ROACH

NĂNG ĐOẠN KIM CƯƠNG TÁC GIẢ GHESE MICHEAL ROACHNĂNG ĐOẠN KIM CƯƠNG TÁC GIẢ GHESE MICHEAL ROACH
Học tập trí tuệ của Phật để cuộc đời thành đạt
Lý thú và kỳ ảo, cuốn sách Năng đoạn kim cương là hành trình giữa thế giới tâm linh và câu chuyện kinh doanh, hé mở những điều ta chưa từng biết về “nghiệp” và “nhân- quả” trong kinh doanh.
Khi nói về nhân quả…
Bạn bị đối tác, nhân viên lừa dối? Vậy thì hẳn bạn đã từng nói dối vài người, kể cả những lời nói dối vô hại. Không thể độc lập được về tài chính? Hẳn bạn đã thường xuyên không tôn trọng không gian và tài sản của người khác hoặc đã tiêu xài lãng phí tài nguyên của họ. Những kế hoạch bạn giao cấp dưới ít khi được hoàn thành đúng ý bạn? Nếu thế thì chắc chắn bạn chưa bao giờ hào sảng giúp đỡ các phòng ban khác, cũng như chưa từng ủng hộ ai đó hết lòng mà không tính toán lợi ích. Hay việc bạn mãi không tìm được địa điểm thuê văn phòng mới thì là hậu quả của việc bạn chưa bao giờ cung cấp cho ai một chỗ ở hay chỗ ngủ qua đêm…
Khi nghe những lý giải này từ một kẻ tầm thường, đa số chúng ta sẽ bật cười và cho rằng thật vớ vẩn. Nhưng khi tất cả được nói bởi một người tốt nghiệp Đại học Princeton danh tiếng, nhận bằng Geshe (cao học Phật học từ Tây tạng) và làm giám đốc tập đoàn kim cương quốc tế lớn trong nhiều năm thì hẳn là chúng ta sẽ phải nghĩ khác.
Năng Đoạn Kim Cương là gì ?
Năng đoạn Kim cương là tên một kinh điển Phật giáo cổ xưa từ 2500 năm trước – “Năng Đoạn Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật Đa Kinh”. Năng đoạn nghĩa là có thể chặt đứt. Năng đoạn kim cương ngụ ý về trí tuệ có thể “chặt đứt” cả thứ cứng nhất trên thế gian – kim cương. Những lời trong kinh điển hàm chứa trí tuệ tối thượng đưa con người vượt thoát khổ đau sang bên bờ kia giải thoát. Những ai hiểu được và ứng dụng được trí tuệ Năng đoạn kim cương vào đời sống và kinh doanh cũng sẽ vượt thoát khổ đau của thất bại để cập bến thành công. 
Xuyên suốt cuốn sách là chuyến hành trình kỳ ảo đan xen giữa tôn giáo và kinh doanh vào ngành chế tác và buôn bán kim cương. Theo tác giả, bạn sẽ nhận được những chỉ dẫn về cách làm ra tiền, thọ hưởng tiền bạc, điều ngự thân tâm và gieo những “dấu ấn tâm linh” tích cực dẫn tới con đường thành đạt.
Ứng dụng trí tuệ Phật Giáo vào kinh doanh
Có một nhận thức thông thường rằng Phật Giáo thì xa lìa đời sống, nhất là hoạt động kinh tế. Nhưng tác giả lại nói: Đức Phật xuất thân từ một vị hoàng tử, những môn đệ Phật giáo thời xưa cũng phần đông là những hoàng tộc hoặc tầng lớp giàu có. Họ là những người có nỗ lực và tài năng để điều hành xứ sở, kinh tế – tương tự như cộng đồng doanh nhân phương Tây hiện nay. Những người làm chủ doanh nghiệp không chỉ cần nhạy cảm, kỹ lưỡng, kiên định, sáng suốt mà muốn luôn duy trì được những điều này không gì bằng một đời sống tâm linh lành mạnh và nuôi dưỡng trí tuệ. Nghĩa là đời sống phi vật chất (tâm linh) và đời sống vật chất (sản xuất kinh doanh) là hai mặt không thể tách rời. Một đời sống tâm linh mạnh mẽ và sáng suốt cũng sẽ dẫn tới đời sống kinh doanh thành đạt. Hẳn bạn biết tới nhiều doanh nhân có đời sống tâm linh mạnh mẽ, họ kinh doanh thành công và cũng thực hành về mặt tâm linh một cách nghiêm ngặt, bền bỉ. 
Tính không và nghiệp (karma)
Tác giả nói rằng, mọi thứ đều có “tính không” của nó, nghĩa là bản thân một việc thì không “tốt” cũng không “xấu”, cái xấu hay tốt chẳng qua tùy thuộc vào con mắt của người nhìn. Kẻ được lợi thì cho rằng tốt, người chịu thiệt thì nói rằng xấu. Giống như việc bạn định thuê một tòa cao ốc làm văn phòng mới, nhân viên phải đi làm xa hơn sẽ thấy đây là một việc “xấu”, còn những người ở gần thì ngược lại, chủ nợ thì nghĩ rằng: a, hẳn bạn đang ăn nên làm ra nên sẽ rầm rập kéo tới đòi, còn khách hàng thì cho rằng: thuê được văn phòng lớn như vậy, hẳn bạn là một doanh nghiệp làm ăn tốt và có uy tín. Trong khi thực tế bản thân việc thuê cao ốc tự nó chẳng có tính chất nào như vậy, nó chỉ đơn thuần là chính nó – việc thuê cao ốc. 
Bản chất sự việc cũng tương tự như bản thể trong suốt của kim cương tinh ròng. Một tấm kính làm bằng kim cương tốt nhất dù nhìn thẳng hay nhìn xiên, trên xuống hay dưới lên đều trong suốt. Bản thân mọi sự việc, sự vật đều mang “tính không”, chỉ có người nhìn sự việc ấy gắn cho chúng cái mác tốt, xấu dựa theo “nghiệp” (karma) của người ấy.
Việc hiểu rõ mối tương quan của các “dấu ấn tâm linh” sẽ giúp ta biết cách gieo trồng những dấu ấn tốt nhằm gặt hái những “trải nghiệm” như bạn mong muốn. Giống với việc muốn có cà thì gieo hạt cà, muốn có đậu thì gieo hạt đậu. Để thành công và phát đạt về tài chính, hãy gieo những dấu ấn của sự hào phóng. Để sống trong một thế giới hạnh phúc, hãy duy trì lối sống có đạo đức. Để hấp dẫn và khỏe mạnh về mặt thể chất, hãy học cách không bao giờ nổi giận. Để là một nhà lãnh đạo thành công, hãy khuyến khích những hành động có tính cách xây dựng và hữu ích. Hãy học tập những nguyên lý về khả năng tiềm ấn và những dấu ấn tâm linh. 
Vài nét về tác giả 
Micheal Roach là người đã được thọ giới Tỳ – kheo, nghĩa là có thể gọi ông là một nhà sư. Ông nhận được bằng cao học Phật học (Ghese) từ tu viện Tây Tạng; thông thạo Phạn ngữ, Tạng ngữ và Nga ngữ; là giám đốc công ty kim cương quốc tế Adin International trong nhiều năm, đồng thời cùng là người sáng lập Viện cổ học Châu Á và nhiều tổ chức về cổ học khác. 
Tuy nhiên, ông để tóc dài, tham gia hoạt động kinh doanh, thực hiện nhiều việc khiến ông không còn được chào đón ở Tây Tạng và cuốn sách này của ông bị những người theo Mật giáo liệt vào blacklist (danh sách cấm)
Bất chấp những thông tin mâu thuẫn xung quanh tác giả, Năng đoạn Kim cương của Ghese Micheal Roach kể từ khi xuất bản đầu tiên năm 2000 (tên tiếng anh là The Diamond Cutter) đến nay vẫn là 1 tiếng vang trong cộng đồng doanh nhân và những người đi tìm thành công, Trên 3 triệu bản in đã bán ra tại 35 nước và trên 20 ngôn ngữ được dịch ra. 
Chừng nào con người còn khổ đau vì những thất bại, còn mê mải đi tìm mộng ảo thành công thì chừng đó cuốn Năng đoạn Kim cương này vẫn còn phát huy sức sống mãnh liệt của nó. 

Nguồn: Hoang Lao Hac reviewsach.net
Ghi chú: 140

Một cuốn sách cực kỳ nguy hiểm cho chánh pháp. Dậy các "doanh nhân" cách ăn muối mà không thấy mặn.




Thống kê SÁCH đọc nhiều theo thời gian

26.4.23

EKĀYANO MAGGO

EKĀYANO MAGGO Con đường duy nhất đến Niết Bàn?

EKĀYANO MAGGO Con đường duy nhất đến Niết Bàn?1) Con đường trực tiếp hay con đường thẳng, là vì nó đưa thẳng đến mục tiêu; 2) Con đường phải đi một mình; 3) Con đường vạch ra bởi “Một Đấng” (ám chỉ Đức Phật); 4) Con đường duy nhất trong Đạo Phật; và 5) Con đường đưa đến một mục tiêu (đó là Niết Bàn).

Trong đoạn đầu của bài kinh Niệm Xứ (Satipatthana Sutta, Trung Bộ 10, Trường Bộ 22)
Chúng ta thường đọc là:
Đây là con đường độc nhất đưa đến thanh tịnh cho chúng sanh, vượt khỏi sầu não, diệt trừ khổ ưu, thành tựu chánh trí, chứng ngộ Niết-bàn. Đó là Bốn Niệm xứ (Hòa thượng Minh Châu dịch).
Hay:
Đây là con đường duy nhất để thanh lọc tâm chúng sanh, chấm dứt lo âu phiền muộn, uất ức than khóc, diệt khổ thân và khổ tâm, đạt Thánh Đạo và chứng ngộ Niết Bàn. Đó là Tứ Niệm Xứ (Tỳ khưu Khánh Hỷ dịch).
Đây là bài kinh quan trọng, thường được xem là bài kinh cẩm nang cho nhiều hành giả thực hành pháp thiền Minh Quán (Vipassana Bhavana). Các vị thiền sinh đó thường cho rằng pháp hành của mình là “con đường duy nhất” hay “con đường độc nhất” — nghĩa là không có con đường nào khác — để chứng ngộ Niết Bàn. Hiểu như thế, từ chữ “ekayano-maggo“, có đúng theo tinh thần bài kinh không?
Mặc dù có nhiều dịch giả dùng cụm từ “con đường duy nhất / độc nhất” (the only way, the sole way) để dịch chữ “ekayano-maggo“, nhưng cũng có những dịch giả khác không đồng ý như thế.
Giáo sư M. Walshe, dịch giả bản Anh ngữ Trường Bộ (The Long Discourses of the Buddha), dịch chữ ekayano-maggo là “this one way” (đây là một con đường) trong bài Đại Kinh Niệm Xứ (Trường Bộ 22).
Trong bản dịch đầu tiên của bài kinh Niệm Xứ (Trung Bộ 10), Tỳ khưu Nanamoli dịch là “a path that goes one way only” (con đường chỉ đi theo một hướng). Tuy nhiên, trong bản hiệu đính, Tỳ khưu Bodhi sửa lại là “the direct path” (con đường trực tiếp, hay con đường thẳng). Các dịch giả này đều cho rằng nếu dịch là “the only way, the sole way” (con đường duy nhất) thì nó có hàm ý là độc nhất, loại trừ các con đường khác, và như thế là không hoàn toàn chính xác (xem “The Middle Length Discourses of the Buddha”).
Theo Tỳ khưu Bodhi, Chú giải Trung Bộ bình luận rằng chữ “ekayano-maggo” có thể hiểu như là con đường đơn thuần, không có ngã rẽ; như là con đường mà hành giả phải tiến bước một mình, không bạn bè; và như là con đường đưa đến một mục tiêu, Niết Bàn. Ngài chọn dịch “the direct path” (con đường trực tiếp) với hàm ý để phân biệt Satipatthana với pháp tu tiến qua các tầng thiền-na (jhanas) hoặc qua tứ vô lượng tâm (tứ phạm trú, brahmaviharas). Mặc dù pháp tu tiến này có thể đưa đến Niết Bàn nhưng chúng cũng có thể rẽ qua ngõ khác, trong khi Satipatthana là đưa thẳng đến mục đích tối hậu.
Trong quyển “Satipatthana – The Direct Path to Realization” (Buddhist Publication Society, Sri Lanka, 2003), Tỳ khưu Analayo cũng có quan niệm tương tự, và dịch chữ “ekayano-maggo” là “the direct path” (con đường trực tiếp). Ngài giải thích chữ ekayano-maggo gồm có những từ eka (một), ayana (đi) và maggo (đường), dịch sát nghĩa là “một con đường đi“. Truyền thống chú giải thường đề cập đến 5 ý nghĩa của chữ này:

1) Con đường trực tiếp hay con đường thẳng, là vì nó đưa thẳng đến mục tiêu;
2) Con đường phải đi một mình;
3) Con đường vạch ra bởi “Một Đấng” (ám chỉ Đức Phật);
4) Con đường duy nhất trong Đạo Phật; và
5) Con đường đưa đến một mục tiêu (đó là Niết Bàn).


Đa số các dịch giả đều chọn cách dịch thứ tư nêu trên, nhưng Tỳ khưu Analayo chọn cách dịch thứ nhất.
Ngài cho rằng muốn tìm hiểu rõ ràng ý nghĩa của một thuật ngữ Pāli, chúng ta cũng cần xem thuật ngữ đó được dùng trong các bài kinh khác như thế nào, để đối chiếu. Trong Đại kinh Sư tử hống (Maha-sihanada Sutta, Trung Bộ 12), chữ ekayano dùng để chỉ con đường mà một người đi theo sẽ đi thẳng xuống hố, mang ý nghĩa là “thẳng tiến, trực tiếp”, không phải là “độc nhất, duy nhất”. Trái lại, trong bài kinh Tam Minh (Tevijja Sutta, Trường Bộ 13), khi hai người Bà-la-môn tranh cãi về con đường nào là “con đường duy nhất” để đưa đến sự hòa nhập với Phạm thiên thì lại không thấy dùng chữ “ekayano“. Rõ ràng hơn hết là trong câu kệ 274 của kinh Pháp Cú, ý nghĩa “con đường duy nhất” – là Bát Chánh Đạo – đã được nói đến, nhưng chữ “ekayano” lại không thấy xuất hiện. Vì thế, Tỳ khưu Analayo cho rằng cách dịch thứ tư của chữ “ekayano” (con đường duy nhất) là không thích hợp.
Ngoài ra, Giáo sư R. Gethin (“A Buddhist Path to Awakening: A Study of the Bodhi-Pakkhiya Dhamma”, Oxford, 2001) có cùng quan điểm dịch chữ “ekayano-maggo” là con đường thẳng tiến (the direct path) trong bài kinh Niệm Xứ, vì ông cho rằng: “căn bản những gì muốn nói ở đoạn này trong bài kinh là bốn pháp quán niệm (satipatthana) biểu trưng cho một con đường trực tiếp và thẳng tiến đến mục đích tối hậu”. Tỳ khưu Thanissaro cũng dùng chữ “the direct path” trong bản dịch Đại Kinh Niệm Xứ (Trường Bộ 22, xem http://www.accesstoinsight.org) từ bản Pāli-Thái.
Xin ghi nhận ở đây là trong bộ A-hàm thuộc Hán tạng, hai bài kinh tương đương với kinh Satipatthana Sutta là kinh Niệm Xứ (kinh 98, Trung A-hàm) và kinh Nhất Nhập Đạo (Tăng Nhất A-hàm, XII). Trong bài kinh Niệm Xứ của bộ Trung A-hàm, đoạn kinh tương ứng là:
“Có một con đường tịnh hóa chúng sanh, vượt qua lo sợ, diệt trừ khổ não, chấm dứt kêu khóc, chứng đắc Chánh pháp. Đó là Bốn niệm xứ” (Thượng tọa Tuệ Sỹ dịch).
“Một con đường” là dịch từ chữ “nhất đạo”, hoàn toàn không có ý nghĩa “duy nhất, độc nhất”, loại trừ các con đường khác.
Đặc biệt hơn nữa, trong kinh Nhất Nhập Đạo thuộc Tăng Nhất A-hàm, bốn niệm xứ chỉ là một lối vào đạo, và “đạo” ở đây là Bát Chánh Đạo:
“Có một lối vào đạo làm trong sạch hạnh của chúng sanh, trừ bỏ sầu lo, không có các não, được đại trí tuệ, thành tựu chứng quả Niết-bàn. Đó là nên diệt Ngũ cái, tư duy Tứ ý chỉ (Tứ niệm xứ). Thế nào là một lối vào? Nghĩa là chuyên nhất tâm. Đó là một lối vào. Thế nào là đạo? Nghĩa là con đường tám phẩm của Hiền Thánh: Chánh kiến, Chánh chí (tư duy), Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh phương tiện (tinh tấn), Chánh ngữ, Chánh niệm, Chánh định” (Hòa thượng Thanh Từ và Hòa thượng Thiện Siêu dịch).
Trong bài kinh trên, không thấy đoạn nào nói rằng tứ niệm xứ là “con đường duy nhất”. 

Nguồn: Buddha Sasana – A Buddhist Page by Binh Anson
Nguồn ảnh: Osho Meditation Resort.
Ghi chú:135



Thống kê SÁCH đọc nhiều theo thời gian