Search

2.12.21

XUÂN HẠ THU ĐÔNG… RỒI LẠI XUÂN

XUÂN HẠ THU ĐÔNG… RỒI LẠI XUÂN


Hắn không nhận ai là thầy, cũng chẳng ma nào chịu làm đệ tử của hắn. Không ít kẻ vẫn bảo hắn có tài lạ, nhưng chưa ai gọi đó là kỳ tài. Không ai có thể chịu nổi hắn quá ba ngày, dù có người bái phục gọi hắn là kho sách của thiên hạ. Nhận xét đó cũng không quá đáng vì nghe đâu hắn từng bỏ ra một nửa gia tài có được để cúng dường các tiệm sách từ trong nước ra hải ngoại và đã có không dưới mười năm đóng cửa nằm đọc sách như mọt ăn gỗ. Ngày xuất quan, người gầy nhom xám ngắt như xác ướp. Kẻ nghiện truyện võ hiệp thì gọi hắn là Ngũ Độc Tôn Giả.

Tâm đắc hết mình với câu Thiên Thượng Thiên Hạ-Duy Ngã Độc Tôn của hoàng tử Tất Đạt buổi sơ sinh, hắn xem đó như câu thần chú để hành xử ở đời với cốt cách coi trời bằng vung và hình như chưa một lần cúi đầu trước bất cứ ai. Một phần cũng vì câu kinh học lóm được từ đâu đó là Nhất Thiết Chúng Sinh Giai Hữu Phật Tính. Ai cũng có Phật Tính như nhau thì cần gì có chuyện tôn ti cho thêm phiền. Đã vậy, phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng mà lị, mọi hình thức bái lạy hay chào hỏi cũng đều là mù sương cả. Và cũng từ kinh điển thượng thừa mà hắn đã đọc được, thánh hiền đã chẳng từng lý luận không bái lạy ấy mới chính là bái lạy đó sao!
Dọc ngang khắp nẻo các bí kiếp ẩn mật của phái Ma Ha Diễn, một đêm kia thấy buồn chán rồi sinh tò mò, hắn đột nhập tàng kinh các của Trưởng Lão Giáo tham cứu tứ tung ngũ hoành và vỗ đùi cười lớn một mình giữa khuya. Trước mắt hắn là bài kinh Ca-La-Ma gì đó hay tuyệt, cứ như một hẹn hò từ tiền kiếp. Bài kinh không ngắn không dài, có điều thông tuệ như hắn thì đâu cần phải đọc hết, một nửa cũng đã xong. Đừng tin bất cứ điều gì chỉ vì nó được ghi chép trong sách vở, hay chỉ vì được truyền tụng lâu đời, hoặc được gán ghép cho một tiền nhân lẫy lừng nào đó. Bài kinh thực ra vẫn chưa hết, nhưng hắn đã thấy sướng tít, không thiết đọc thêm nữa. Đó cũng là nghề riêng của hắn: Gì cũng một nửa. Đến bài kệ bốn câu của hoàng tử Tất Đạt hắn cũng chỉ nhớ được hai câu đầu. Thế cũng quá đủ. Thầy tổ hay kinh thư cũng đều là phù vân. Trong các tổ sư gia của Ma Ha Diễn dường cũng có vị từng chủ trương Bất Lập Văn Tự ấy mà. Chữ nghĩa mà chi. Đến Nhan Súc bên Tàu xưa không phải Phật tử còn biết nói sách vở là cặn bã của thánh nhân. Ông đây thì dẹp hết. Làm theo lời thánh đó chứ.
Bức hình Phật duy nhất trong phòng hắn ngay sau đó đã được tháo xuống và nằm chung một bếp lò với mấy chục pho sách mà hắn đã nghiện ngập từ mươi năm trước. Hắn đốt sách, đốt hình Phật mà miệng cứ mỉm cười vì chập chờn trong đám khói mịt mù kia là hình ảnh một thiền sư Đan Hà đốt tượng, một Nam Tuyền chém mèo. Một đêm thôi, ông đây đã đại ngộ, đã đường hoàng sánh vai những cổ nhân mà một thời mình vẫn cho là cực kỳ ghê gớm.
Rồi mùa hè cũng qua, mùa đông lại về. Sau bao năm tháng ta bà khắp thiên hạ theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, ngoài những lúc quá khích hay mỏi nhừ, hắn vẫn cứ phải đối diện thiệt thà với những dằn vặt của chính mình. Ta về nghe nhớ muôn phương. Ta đi lại nhớ cuối đường trăng treo. Hắn từng ngắm trăng treo ở đỉnh Linh Thứu Sơn vằng vặc một niềm Cổ Ấn, từng ngồi ngóng mưa chiều ở Trùng Khánh, Nam Kinh váng vất một cõi nhớ Đường Tống mịt mù. Đi chán, hắn soi gương đếm tóc bạc trên đầu và chạnh lòng với nghiệp tu vẫn đang dang dở. Ấy vậy rồi hắn lặng lẽ quay về cái am nhỏ xíu và bẩn như tổ cú ở một góc trời. Từ đó thay vì một cõi đi về như cha nghệ sĩ nào đó đã nói, thì với hắn lại là một cõi đi với một cõi về. Trong những lần đại ngộ đột xuất kiểu đó, hắn vất túi hành lý xuống gầm giường rồi tự thề không lang bạt nữa. Hắn dọn dẹp chiếu chăn rồi nhắm mắt thiền định theo cách trích diễm và tổng hợp: Ngũ Cầm Hí, Dịch Cân Kinh, Bát Đoạn Cẩm, rồi Du-Già của Ấn, khí công của Tàu, phép bế tinh của Tây Tạng và thiền Sổ Tức của Phật gia. Tất thảy đều đề huề như trong cùng một ly Cocktail. Chưa hề nghe thấy qua kiểu pha chế cầu kỳ này, nhưng mỗi lần tu luyện thập cẩm kiểu đó hắn cứ như khoẻ ra. Có người thấy lạ, đã hỏi hắn tu theo pháp môn nào, hắn phì cười nhắc lại câu nói của ông thánh nào đó bên Tàu xưa: Tận Tín Thư Bất Như Vô Thư, quá tin sách thà đừng đọc sách. Học hỏi cái cũ chỉ là để sáng tạo cái mới theo tinh thần kế thừa có phê phán và chọn lọc. Hắn mở miệng là trích dẫn. Chẳng hiểu thánh hiền đông tây đã nhập vào hắn từ bao giờ để mỗi lần hắn mở miệng là lại thấy ngay một ngài ngự ra ngồi đó !

XUÂN HẠ THU ĐÔNG… RỒI LẠI XUÂN


Và đến hẹn lại lên, khi cơn đại ngộ bất chợt qua đi, hắn lại thèm được đi. Thèm ghê gớm, nhớ viễn phương như đau đáu một người tình đang réo gọi trên đường. Những khi đó, để trả lời những người từng nghe hắn thề suốt đời nhập thất, hắn lại mượn lời xưa: Ưng Vô Sở Trụ Nhi Sinh Kỳ Tâm. Và hắn giải thích rành rọt là không ở một nơi cố định thì mới có hi vọng thành tựu những sở chứng kỳ diệu vốn không có được ở kẻ thường trụ một chỗ !
Hắn lại lên đường và tiếp tục đọc sách như điên trên những dặm trường để tiếp tục rước thêm hiền thánh vào lòng và tiếp tục biến chế, suy diễn sao cho thuận tai người và hợp ý hắn.
Nam nhi tự hữu xung thiên chí, hưu hướng Như Lai hành xứ hành. Hắn viết hai câu thơ của ngài Quảng Nghiêm nào đó vào chiếc va-li với một kiểu thư pháp như ký họa và xem như một lời trấn an mỗi khi bất chợt thấy mình chẳng giống ai. Và phải là bậc kỳ tài khi hắn có thể đọc vanh vách hàng trăm câu nói phá cách trong các sách ngữ lục của Thiền Tông chỉ với mục đích giải thích về hành tung của chính mình. Và về khoản này hẳn ai cũng phải nhận rằng ngữ khí của các thiền sư Ma Ha Diễn đúng là cực kỳ đắc dụng. Bởi ngôn ngữ thiền hiểu sao cũng xong và xưa nay đâu đã có ai dám đưa ra một định nghĩa nào cho những câu nói mù mịt đó. Hú vía!
Hắn có nhiều tài vặt. Không một món nào tới nơi tới chốn, nhưng hầu như gì cũng biết, đủ để bỏ túi đi ăn giỗ. Thấy nhiều người không ưa kiểu ôm đồm của mình, hắn giải thích nghe cũng xuôi tai mà dễ ghét. Người có hạnh lớn phải biết khắp chuyện đời để cưu mang thiên hạ, Bồ-tát phải đủ sức làm thầy chúng sinh. Hoa kiểng, thư hoạ hắn đều biết ít nhiều, nhưng giỏi nhất là chuyện uống trà. Hắn có vẻ là một trà tượng thâm hậu, có thể nói trăm chuyện về trà. Có điều hắn láo không ai chịu được. Cứ mỗi bận rót trà ra chén cho mình hay mời khách, hắn lại trầm giọng ngậm ngùi nhắc lại mỗi một câu: Nước mắt chúng sinh. Và hắn chỉ uống toàn thứ trà trăm mỹ kim một lạng. Đắt đỏ thay những giọt lệ đời !
Hắn sở hữu cả trăm bộ ấm chén thuộc loại quý hiếm đắt tiền đủ làm khiếp vía những tay uống trà thâm niên nhất và hàng chục bức tượng cổ mà giá trị có thể tính bằng trọng lượng vàng ròng tương đương. Để giải thích cái sự sản ấy, hắn xuề xòa : Tác hữu trần sa hữu, vi không nhất thiết không. Có thì có tự mảy may, không thì cả thế gian này cũng không. Gì cũng là bóng nguyệt lòng sông cả. Có điều là hắn đã giữ riêng cho mình quá nhiều cái gọi là bóng nguyệt ấy!

Từ sau ngày đốt bỏ bức hình Phật duy nhất vẫn treo trên vách, hắn bỗng thấy căn phòng trở nên phàm tục không chịu được. Hắn lại một lần nữa tham chiếu tư tưởng thánh hiền ba đời để vận dụng phương tiện thiện xảo rồi lang thang đâu đó mươi ngày tậu về gần chục bức hoạ Quán Âm Bồ Tát theo cả phong cách Đôn Hoàng lẫn Vân Nam, cực kỳ nữ tính và gợi cảm khôn tả. Nếu không có cái hoa sen đỡ chân và vầng hào quang quanh người, đố ai dám treo mấy bức hoạ đó lên mà thờ lạy. Tôn giáo nhiều lúc cũng là cái giá treo hữu hiệu cho thật nhiều thứ. Và Phật giáo hậu thời xem ra càng độ lượng trong cái khoản cưu mang và bao dung ấy. Người quen ghé thăm, thấy mấy bức tranh kém vẻ thánh bèn hỏi. Hắn nhẹ nhàng khoát tay:
-Phương tiện giả nhất thời chi dụng ấy mà. Nghệ thuật không sao tách rời tính thời đại. Phật giáo vào đời phải chấp nhận mọi thứ để nhập thế chứ. Phật pháp bất ly thế gian pháp. Cầu đạo mà tách rời nhân gian là đi tìm lông rùa sừng thỏ bác ạ!

Có người hỏi sao mua chi quá nhiều những thứ nhảm nhí để chưng bày trong chỗ riêng tư mà không xây dựng một đạo tràng hay Phật điện cho lớn rộng, hắn bật cười vào mũi kẻ vô tri:
-Trúc ly mao xá phong quang hảo, đạo viện tăng phòng tổng bất như. Chùa đất mà Phật vàng vẫn quý hơn đình viện mênh mông mà không có nội dung ông ạ. Vả chăng am đây tuy hẹp mà giá trị nội tại tuyệt không phải nhỏ, ứng dụng đúng như lời cổ đức: Càn khôn tận thị mao đầu thượng, nhật nguyệt bao hàm giới tử trung. Mọi thứ ở đây bảo đảm với ông đều là giá trị đến tóc tơ. Ông lại thắc mắc sao chốn thanh tu mà có quá nhiều tài sản tư hữu à? Ông lại quên rồi, ninh chấp hữu như Tu-di sơn, mạc chấp vô như giới tử. Thà tài sản tư hữu chất đống như núi Tu-Di vẫn tốt hơn là nghèo khổ đến mức gì cũng ít oi như hạt cải. Lại cũng lời thánh hiền đó chứ. Vấn đề là ta có đủ huệ căn để nhận thức và thực hiện hay không mà thôi. Hiểu ra được thâm ý cổ đức thì mọi sự càng thoải mái ông ạ!
Ông khách tóc bạc kia tuổi đã cao, đi đứng cũng nhiều, tham vấn không ít, nay nghe được những diệu lý huyền cơ kia xem chừng cũng một dịp được khai thị. Ông gật gù tán thưởng, dù tự thâm tâm vẫn có chút tồn nghi nhưng không dám nói ra vì ngại bị mắng là thứ tiêu nha bại chủng thì nguy. Ông khúm núm bên thềm xá dài, hắn đỡ tay ông và mời ra vườn sau thưởng trà, dĩ nhiên vẫn là thứ trà mỗi lạng trăm mỹ kim. Đang lúc cao hứng, hắn nói muốn tặng ông một bức tượng để thờ làm kỷ niệm rồi lấy ra một bức Lão Tử cỡi trâu bằng gỗ chạm khắc sắc sảo. Ông khách há hốc:
-Kính thầy, tôi... tôi làm sao lại đi thờ loại tượng này ạ?
Hắn nheo mắt nhìn ông một lát rồi lắc đầu như thương hại:
-Cái nguy nằm ở chỗ đó ông ạ. Học Phật mà không nghiên cứu sâu xa thì làm sao được. Này nhé, ông là Phật tử Nam Tông. Phái Nam Tông vẫn tự gọi mình là Theravàda phải không ? Thera là trưởng lão, là ông già. Vàda nôm na là học thuyết hay giáo nghĩa đúng không? Vậy dịch gọn chữ Theravàda có phải là Lão Giáo không ? Bức tượng Lão Tử này là một biểu tượng về ý nghĩa đó.
Nghe giảng đến đó, ông lão giật mình nhìn hắn ngưỡng mộ. Thì ra ông vẫn còn nhiều chỗ bất thông ngay trong chính nguồn cội của mình. May nhờ cao nhân chỉ điểm. Thấy ông có vẻ lý hội ít nhiều, hắn hoan hỷ tiếp tục:
- Tại sao Phật giáo không phát triển mạnh mẽ như Cơ Đốc Giáo hay Ấn Giáo ? Chỉ vì thái độ câu chấp những tiểu tiết của một số người trong chúng ta. Cái gì tải đạo được thì tận dụng hết ông ạ. Ông xem, người Việt mình bây giờ thực tế lắm. Nói chuyện với họ, chúng ta nên tránh những chữ mắc mỏ tối nghĩa. chẳng hạn thay vì Ba-La-Mật hay Đáo-Bỉ-Ngạn tôi vẫn thích nói là Pháp môn Tu Tới Bến. Tới Bến ở đây rõ ràng dễ hiểu hơn hai chữ kia nhiều. Thậm chí khi ông dịch chữ Savaka là Thanh Văn sẽ khiến bà con bối rối, thay vì chữ Thính Giả nghe xong ai cũng hiểu ngay…Còn nhiều và nhiều lắm, những sáng kiến mà tôi luôn mong có dịp để thực hiện, làm một cuộc cách mạng…
Ông khách càng lúc càng thấy khó thở, không biết do mấy chén trà đậm hắn mời hay vì sắp sửa tẩu hỏa nhập ma với những lý lẽ đặc dị của hắn. Ông lễ phép cáo từ và hắn lại ấn mạnh vào tay ông bức tượng Lão Tử như sợ ông bỏ quên.
Ba năm sau, nhân dịp về thăm con cháu, ông khách già năm xưa từ một tiểu bang xa xôi ở miền Bắc bay về thành phố nhỏ xíu heo hút này và cũng ráng dành một buổi đến viếng hắn. Tìm mãi vẫn không thấy căn nhà nhỏ ngày trước của hắn, ông ghé vào hỏi thăm một người Mỹ cạnh đó và rồi quay xe trở ra phố. Trên con đường sầm uất kia có một căn tiệm rộng rãi đường bệ với tấm biển lớn treo phía trước Oriental Imports Corp. Mặc ngoài một cái Jacket đỏ sẫm, hắn đang đứng điều động mấy anh phụ việc người Mễ xê dịch mấy két gỗ to đùng mà ông đoán là hàng hóa nhập cảng từ Á Châu. Gặp ông, hắn ngờ ngợ một lát rồi phá lên cười:
- Thật quý hóa, tôi không ngờ gặp lại ông ở đây. Ông vẫn khoẻ luôn chứ ạ?
Ông khách thấy tóc tai của hắn giờ đã để dài nên không biết xưng hô ra sao, chỉ biết mỉm cười gượng gạo. Có lẽ hiểu được ý ông, hắn tỉnh bơ:
- Gì cũng nhân duyên ông ạ. Duyên tụ duyên tán…
Cúi nhìn xuống đất trong một giây, hắn lại cười với ông:
- Ông cũng nhớ mà, tà pháp phải bỏ đã đành, đến chánh pháp cũng phải bỏ luôn. Gì cũng là bè cỏ qua sông !
Đến tận lúc này, chữ nghĩa thánh hiền vẫn tiếp tục nằm sẵn trên môi hắn, như những ngày xưa…thân ái!
Ông cụ lên xe một lúc rồi vỗ trán nói một mình: Hình như ông thầy đảo ngược câu kinh thì phải. Về xem lại thôi. Mình già rồi, lẩm cẩm thiệt!

Toại Khanh - truyện phím thầy tu.
Nguồn ảnh: phim Xuân, hạ, thu, đông rồi lại xuân.







Thống kê bài đọc nhiều theo thời gian

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Vui lòng viết Tiếng Việt. Có dấu.
Nhận xét luôn luôn được kiểm tra trước khi xuất bản. :). Vì vậy bạn đừng cố SPAM
Cảm ơn bạn