Search

Hiển thị các bài đăng có nhãn thành lập công ty. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn thành lập công ty. Hiển thị tất cả bài đăng

14.2.10

Khi nào là thời điểm tốt nhất để thành lập công ty


hi nào là thời điểm tốt nhất để thành lập công ty, hoặc cần những yếu tố gì để có thể đảm bảo kinh doanh sẽ thành công.
Xin trả lời ngay là tui cũng không biết và không dám nói cái nào kinh doanh thì sẽ bảo đảm thành công (nếu biết chắc thì tui làm rồi :-D ) do đó tui không dám làm thầy dùi xúi dại. Có một điểm tui nghĩ là tui trả lời được phần nào, đó là khi nào thì thích hợp để mở công ty hoặc đâu là những yếu tố cần có khi quyết định mở công ty. Do đó bài này tui viết thêm tí về cái quan trọng này.

decor

Khi quyết định thành lập công ty nghĩa là ta quyết định tự làm chủ, tự kinh doanh, tự định đoạt đời mình… Đó là câu trả lời thường nhận được của đại đa số các “giám đốc” vừa thành lập công ty, nhưng sâu xa hơn mỗi người đều có mục đích riêng của mình. Sau khi vắt óc, tui chủ quan chia ra thành những nhóm sau:

  1. Nhóm thành lập công ty theo kiểu điếc không sợ súng, quá nhiều nhiệt huyết, quá nhiều mơ ước sẽ trở thành một Steve Jobs hay Bill Gates (nhưng lại thiếu kinh nghiệm).
  2. Nhóm thích có danh thiếp ghi là Giám Đốc nhưng nộp đơn vô vị trí này mãi không ai thuê nên quyết định thành lập công ty riêng để tự làm Giám Đốc.
  3. Nhóm thành lập công ty vì đã có sẵn đầu ra, có khách hàng, có dự án, họ mở công ty vì cần một tư cách pháp nhân của công ty để tiện làm việc.
  4. Nhóm thành lập công ty với hy vọng sẽ trở nên giàu có (nhóm này khác nhóm 3 là chưa biết sẽ làm gì để giàu, chỉ đơn giản nghĩ là làm giám đốc thì sẽ giàu).
  5. Nhóm đam mê kinh doanh, thích công việc kinh doanh, điều hành quản lý và có năng lực thực sự những việc đó.
  6. Nhóm nhìn ra được một cơ hội kinh doanh nào đó, có niềm tin là nó có thể kinh doanh và mang lại lợi nhuận và toàn tâm toàn ý muốn biến ý tưởng đó thành hiện thực.
Trong những nhóm trên, ta hãy cùng lướt qua nhóm nào nên thành lập công ty để ra làm riêng.
Nhóm 1: Nhiều người thường khuyên nhóm này không nên thành lập công ty, nhưng theo tui, nếu họ quá nhiều nhiệt huyết, quá nhiều đam mê thì tui nghĩ cũng nên lập công ty cho biết, 90% chúng ta sẽ gặt hái được một cái rất giá trị đó là… thất bại. Đừng nghĩ tôi châm biếm, vì thất bại xét theo một nghĩa nào đó rất có ích cho sức khỏe, nó giúp chúng ta về sau bớt điếc và bắt đầu biết sợ súng. 10% còn lại là bi kịch, đó là lỡ xui mà nhóm này thành công ngay từ những dự án đầu thì sẽ rất bi kịch, họ sẽ bắt đầu thăng hoa lên tầm mức hoang tưởng, nghĩ mình đang trên đường thành thiên tài bất khả chiến bại và từ đó sẽ dẫn họ đến những vấn đề trầm trọng hơn. Lúc này bệnh sẽ khó chữa hơn bình thường.
Nhóm 2: Nhóm này là nhóm không nên thành lập công ty nhất. Tuy nhiên, nếu quá thích cái danh thiếp và có dư chút đỉnh tiền (để thủ tục thành lập công ty, khoảng 5 triệu hoặc trên dưới đôi chút) + có một khoảng thu ổn định nào đó (để trả cho kế toán báo cáo thuế hàng tháng – đừng lo, báo cáo này thường không phức tạp vì tình hình kinh doanh đa phần là tất cả bằng không, không chi không thu). Và sau đó thật tuyệt vời!!! Bạn đã là Giám Đốc! Xin chúc mừng!
Nhóm 3 nên mở công ty, Bill Gates cũng thành lập Microsoft theo kiểu này (nhưng nhớ là Bill Gates không phải người thường). Nhóm này, khi mở công ty họ sẽ kinh doanh có lãi thời gian đầu, thậm chí có thể giàu… Nhưng trừ khi họ thật sự yêu công việc đó, giữ vững được đam mê, giữ vững được chất lượng dịch vụ/sản phẩm để có thể tiếp tục dự án hoặc công việc đang làm. Còn đa phần sau khi xong/hết dự án, công ty cũng sẽ đến giai đoạn khó khăn là không biết làm gì tiếp theo hoặc giải thể. Tóm lại là nhóm này có khả năng thu được lợi nhuận cao, nhưng để biến nó thành thành công lớn và mang tính lâu dài thì ta cần phải thêm nhiều yếu tố nữa.
Nhóm 4 – thích giàu :X Nhóm này nên mua vé số, đánh đề, cờ cá ngựa, cờ tướng, cờ vua gì đó… hoặc lấy chồng giàu (nếu là nữ và có nhan sắc) hoặc làm gì đó cũng được nhưng đừng mở công ty. Vì đa phần trường hợp cả một thời gian dài ban đầu bạn sẽ sống vô cùng khó khăn, tất cả vốn liến, nhà cửa, xe cộ… đều dồn vào công ty. Tiền lương nhân viên, chi phí hoạt động, văn phòng và hàng tỉ chi phí khác, tháng nào kết toán huề vốn hoặc dư ra được chút đỉnh là mừng hết lớn, và cái khoản dư ra chút đỉnh này thường chẳng thấm vào đâu nếu chúng ta đi làm thuê.
Nhóm 5 nghe có vẻ rất thích hợp để mở công ty riêng, nhưng cũng không nên. Vì nhóm này chỉ thích kinh doanh và kinh doanh giỏi. Nhóm này nên tiếp tục đi làm thuê vì đi làm thuê vẫn được thỏa mãn máu kinh doanh, quản lý của mình, được ở trong những môi trường chuyên nghiệp (giúp cho khả năng của mình ngày càng tốt hơn), được làm những dự án lớn, được tiếp xúc với những khách hàng tầm cỡ, được thu nhập ổn định… Nói chung là đi làm thuê thì nhóm này có tất cả những gì mà họ cần, thế hà cớ gì phải sân si? Đó là lý do tui vẫn đi làm thuê (tui giống nhóm này ở chỗ đang đi làm quản lý thuê, còn giỏi hay không thì phải đợi TGĐ của tui đánh giá).
Nhóm 6 nghe có vẻ như là nhóm thích hợp nhất để mở công ty. Nhóm này có tầm nhìn, có sự nhạy bén, có chuyên môn, có một ước mơ cháy bỏng về kinh doanh và khẳng định mình. Nhưng nhóm này vẫn chỉ mới có điều kiện cần chứ chưa có điều kiện đủ. Nhóm này nếu nhìn ra được mọi thứ nhưng không có khả năng biến những cái tầm nhìn ấy thành hiện thực (tố chất của nhóm 5) thì ngoại trừ trường hợp bỏ tiền về thuê nhóm (5) làm việc cho mình, còn không thì cũng rất khó thành công.
Đọc đến đây bạn sẽ hỏi: Này, cái nào cũng không, vậy khi nào thì mới đủ điều kiện để thành lập công ty?
Câu trả lời là khi có đủ tất cả những yếu tố trên (trừ cái số 2, cái đó không quan trọng).
Nghe có vẻ ba phải nhưng thật ra điều đó chính xác. Khi bạn thấy được một hướng kinh doanh mà bạn tin là sẽ hiệu quả (6), bạn có năng lực về quản lý, đam mê kinh doanh (5) bạn có một đầu ra căn bản ban đầu (3), bạn có ước mơ làm giàu chính đáng, tạo công ăn việc làm cho mình và những xung quanh (4), bạn có thật nhiều đam mê (với kinh doanh và với lĩnh vực mà mình kinh doanh) và bạn cũng có một chút máu liều (1). Khi tất cả những câu trả lời cho các câu hỏi trên đều là thì đó là thời điểm chúng ta sẵn sàng cho việc bắt đầu một doanh nghiệp riêng của mình.
Và hãy luôn luôn chuẩn bị tinh thần rằng đây không phải là con đường nhàn hạ, bạn sẽ cày mười mấy tiếng mỗi ngày, lảo đảo bước ra khỏi công ty bạn sẽ đi ăn vất vưởng đâu đó, trong lúc ăn bạn vẫn tiếp tục suy nghĩ về những việc còn dang dở, về nhà bạn tiếp tục làm việc và bạn đi ngủ với giấc ngủ chập chờn với những vấn đề về chi phí, khách hàng, dự án… Tất cả những điều đó để đổi lấy một thu nhập rẻ bèo hàng tháng (thường là thấp hơn nhiều so với khi ta làm tất cả những việc đó lúc đi làm thuê), tệ hơn bạn có thể chẳng có đồng thu nhập nào hoặc thậm chí phải vay mượn để bù vào chi phí.

Thế chúng ta được gì khi thành lập công ty?

Tất cả những cái “bị” bên trên cũng chính là cái chúng ta “được” và nếu chúng ta may mắn đứng về phía % những công ty vượt qua được thời gian khó khăn ban đầu, thì sẽ đến một ngày nào đó chúng ta xây dựng được một doanh nghiệp ổn định, thu nhập chúng ta dần cao lên, công việc chúng ta dần đi vào quỹ đạo. Và khi về già chúng ta tự hào kể với con cháu rằng chúng ta đã dám tách ra khỏi đám đông để bước đi con đường chông gai.
Đơn giản chỉ có thế, chúng ta sẽ mất rất nhiều để được những cái giản dị như vậy. Giàu có, danh vọng vẫn là những khái niệm không nên nằm trong kế hoạch của những cái “được”. Vì vậy một lần nữa, các bạn nhóm (2) thích danh thiếp: đừng thành lập công ty. Hoặc nếu có thì nhớ xác định rõ ràng: chi phí 5 triệu nhờ dịch vụ thành lập công ty + mỗi tháng một ít tiền để thuê kế toán + mỗi năm ít tiền để đóng vài loại thuế (nhớ đừng bán hóa đơn, cái đó phạm pháp). Các bạn nhóm (3) thích giàu: nên mua vé số hoặc lấy chồng (phải đẹp, nếu không đẹp thì cũng đừng tuyệt vọng, vẫn còn cơ hội lấy chồng nước ngoài vì đôi khi quan điểm thẩm mỹ của bọn Tây rất khác).
PS: Nếu bạn thắc mắc thế tui là kiểu gì: Tui có thời từng ở nhóm 1 (nhóm điếc không sợ súng) và thật may mắn và hạnh phúc cho tui, tui được thất bại. Thất bại đó giúp tui bây giờ biết sợ súng, lựu đạn và các loại bom mìn. Còn hiện tại thì tui vẫn đang tham tiền, nhát gan chưa dám bước chân vào chông gai, nên đến giờ tui vẫn đang chỉ đi làm thuê, kiếm tiền về cho tư bản.





Nguồn: http://blog.ngochieu.com/marketing/xay-dung-ke-hoach-kinh-doanh-p2-khi-nao/comment-page-1/




18.7.09

Sự khác biệt khi thành lập Cửa Hàng và Công Ty

Sự khác biệt khi thành lập Cửa Hàng và Công Ty Về những vấn đề bạn hỏi tôi đưa ra một vài tiêu chí so sánh chủ yếu theo bảng đối chiếu sau:

Sự khác biệt khi thành lập Cửa Hàng và Công Ty
Tiêu chí so sánh Cửa hàng (Hộ Kinh doanh ) Doanh nghiệp (CTY TNHH, CP)
Tư cách pháp lý Cá nhân ĐKKD, chịu trách nhiệm vô hạn về những khỏan nợ Có tư cách pháp nhân, chịu trách nhiệm trong phạm vi số vốn cam kết góp vào doanh nghiệp
Quy mô tổ chức Đơn giản, gọn nhẹ, không qúa 10 lao động, nếu muốn phát triển quy mô phải chuyển đổi thành DN . Quy định về thủ tục hành chính, sổ sách, báo cáo thuế đơn giản. Tổ chức quy mô, chặt chẽ, một số chức danh phải đáp ứng đủ điều kiện theo quy định PL. Quy định về thủ tục hành chính, sổ sách, báo cáo thuế phức tạp
Thủ tục thành lập Thủ tục thành lập đơn giản. Liên hệ Phòng Kinh tế, Chi cục thuế Quận, huyện Thủ tục thành lập phức tạp hơn. Liên hệ Sở KH & ĐT, Cục thuế Tỉnh
Uy tín kinh doanh Được xem là buôn bán nhỏ lẻ Hình thức DN được đánh gía cao hơn
Mỗi hình thức kinh doanh theo Cửa hàng hay Doanh nghiệp đều có những ưu khuyết điểm của nó. Bạn phải đối chiếu với khả năng, môi trường kinh doanh và mục đích kinh doanh của bạn để chọn lọai hình phù hợp. Nếu bạn chỉ kinh doanh ở một lĩnh vực nhỏ hoặc không có khả năng tổ chức, điều hành và có một số kiến thức cần thiết mà lại chọn lọai hình doanh nghiệp thì sự lựa chọn này chỉ đem lại gánh nặng cả về công việc và tài chính cho bạn. Ngược lại thì lọai hình cửa hàng sẽ hạn chế sự phát triển của bạn.
Khái niệm “hộ kinh doanh” hiện đang được dùng trong các văn bản pháp luật để chỉ hình thức đăng ký kinh doanh của một cá nhân, một số cá nhân hoặc một hộ gia đình làm chủ.
- Đối với "Hộ kinh doanh" do một cá nhân làm chủ thì cá nhân này phải chịu trách nhiệm vô hạn bằng tòan bộ tài sản của mình đối với mọi khỏan nợ.
- Đối với "Hộ kinh doanh" do một nhóm cá nhân làm chủ thì các cá nhân này có nghĩa vụ liên đới phải chịu trách nhiệm vô hạn bằng tòan bộ tài sản của mình đối với mọi khỏan nợ.
- Đối với "Hộ kinh doanh" do một hộ gia đình làm chủ thì Hộ gia đình chịu trách nhiệm vô hạn bằng tài sản chung của hộ; nếu tài sản chung không đủ để thực hiện nghĩa vụ chung của hộ thì các thành viên phải chịu trách nhiệm liên đới bằng tài sản riêng của mình. Khái niệm hộ gia đình ở đây không phải là những người có tên trong cùng một hộ khẩu, hộ khẩu chỉ mang tính hành chính. Khái niệm hộ gia đình theo định nghĩa của Điều 106 Luật Dân sự như sau: "Hộ gia đình mà các thành viên có tài sản chung, cùng đóng góp công sức để hoạt động kinh tế chung trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp hoặc một số lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác do pháp luật quy định là chủ thể khi tham gia quan hệ dân sự thuộc các lĩnh vực này".
- Trong trường hợp một cá nhân đăng ký kinh doanh riêng hoặc cùng đăng ký kinh doanh trong một nhóm cá nhân, nhưng cá nhân này là đại điện của hộ gia đình và việc kinh doanh này vì lợi ích chung của hộ gia đình. Thì hộ gia đình này phải chịu trách nhiệm dân sự về những khỏan nợ do cá nhân đại diện hộ gia đình xác lập theo quy định của Điều 110 Luật Dân sự
"Điều 110. Trách nhiệm dân sự của hộ gia đình
1. Hộ gia đình phải chịu trách nhiệm dân sự về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự do người đại diện của hộ gia đình xác lập, thực hiện nhân danh hộ gia đình.
2. Hộ gia đình chịu trách nhiệm dân sự bằng tài sản chung của hộ; nếu tài sản chung không đủ để thực hiện nghĩa vụ chung của hộ thì các thành viên phải chịu trách nhiệm liên đới bằng tài sản riêng của mình."

Tất cả cá nhân kinh doanh bắt buộc phải đăng ký kinh doanh trừ những họat động thương mại một cách độc lập thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh theo quy định tại Nghị định 39/2007/NĐ-CP ngày 16/03/2007.

Có rất nhiều quy định pháp luật liên quan đến họat động của hộ kinh doanh tôi chỉ nêu một vài văn bản để bạn tham khảo để bạn tham khảo:
+ Về đăng ký kinh doanh : Nghị định số 88/2006/NĐ-CP ngày 29/8/2006 của Chính phủ về đăng ký kinh doanh; Thông tư 01/2009/TT-BKH; Thông tư 03/2006/TT-BKH hướng dẫn Nghị định số 88/2006/NĐ-CP.
+Về họat động kinh doanh: Luật Thương mại số 36/2005/QH11
+ Về thuế : Luật Thuế thu nhập cá nhân số 04/2007/QH12 ngày 21/11/2007;Nghị định số 100/2008/NĐ-CP ngày 08/09/2008; Thông tư số 84/2008/TT-BTC ngày 30/09/2008; Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11
+ Về kế tóan : Luật kế tóan; Chế độ kế toán hộ kinh doanh ban hành theo Quyết định số 169/2000/QĐ-BTC ngày 25/10/2000 của Bộ trưởng Bộ Tài chính đã được sửa đổi bổ sung theo Quyết định số 131/2002/QĐ-BTC
Đối với loại hình kinh doanh và loại hàng hóa dịch vụ kinh doanh như trên, thì theo qui định pháp luật thuế hiện hành, hộ kinh doanh phải thực hiện các nghĩa vụ tài chính (thuế) đối với nhà nước trong quá trình kinh doanh, bao gồm các khoản thuế sau đây:
01- Thuế khoán thuế TNDN được tính trên cơ sở như sau :
= Doanh thu x Tỷ lệ khoán 30% thuế TNDN x thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp.
02- Thuế môn bài đối với lọai hình kinh doanh hộ kinh doanh cá thể được áp dụng theo hai mức tối thiểu là 550.000 đồng và tối đa là 1.000.000 đồng căn cứ vào số vốn đăng ký kinh doanh ban đầu.
03- Thuế khoán thuế GTGT được tính như sau:
= Doanh thu x Tỷ lệ khoán GTGT 55% x thuế suất thuế GTGT của từng loại hàng hóa.
Hộ kinh doanh có nghĩa vụ kê khai và thực hiện đấy đủ các nghĩa vụ nộp các khoản thuế trên đây đối với cơ quan thuế tại thời điểm kinh doanh.