Search

11.5.23

TÂM ĐẠI THIỆN

TÂM ĐẠI THIỆN


Có mặt ở đời thì người ta không làm việc này phải làm việc khác, không sống bằng tâm trạng này thì phải bằng tâm trạng khác, khi không hành động hay nói năng, suy nghĩ bằng sự tác động của tham, sân, si thì người ta chỉ còn một cách lựa chọn là tam nghiệp tịnh hảo. Đó là phép tu hành thiện trong Phật pháp. Trong một thiện tâm (nhân) càng có nhiều đức tánh đi kèm thì sức mạnh của thiện tâm đó càng mãnh liệt và phong phú hơn.
Các đức tánh ở đây là sự tự nguyện tự phát (vô trợ), là những hiểu biết phật pháp (hợp trí) và khả năng vui thú trong điều lành (thọ hỷ). Cộng cả 3 lại, ta sẽ có được loại tâm Đại thiện thọ hỷ hợp trí vô trợ.

Có 8 loại tâm Đại thiện (mahākusalacitta)


Tâm đại thiện thọ hỷ hợp trí vô trợ
(somanassasahagataṃ ñāṇasampayuttaṃ asaṅkhārikam)
Hình ảnh minh họa: Một phụ nữ có hiểu biết về nghiệp lý đem hoa cúng chùa bằng tất cả niềm hoan hỷ, không cần ai kêu gọi.
Tâm đại thiện thọ hỷ hợp trí hữu trợ
(somanassasahagataṃ ñāṇasampayuttaṃ sasaṅkhārikam)
Hình ảnh minh họa: Một cô gái có kiến thức về nghiệp lý được bạn rủ đi nghe một thời pháp thú vị.
Tâm đại thiện thọ hỷ ly trí vô trợ (somanassasahagataṃ ñāṇavippayuttaṃ asaṅkhārikam)
Hình ảnh minh họa: Một cậu bé nhiệt tình cho tiền một người ăn mày nhưng tự thâm tâm chưa từng biết gì về nghiệp lý.
Tâm đại thiện thọ hỷ ly trí hữu trợ
(somanassasahagataṃ ñāṇavippayuttaṃ sasaṅkhārikam)
Hình ảnh minh họa: Một người đàn ông được giao trách nhiệm đưa tiền đóng góp cho một ngôi trường, ông vui vẻ làm dù không biết gì về nhân quả theo Phật pháp.
Tâm đại thiện thọ xả hợp trí vô trợ
(upekkhāsahagataṃ ñāṇasampayuttaṃ asaṅkhārikam)
Hình ảnh minh họa: Một cô gái quét chùa như một công việc thường ngày nhưng cô là người có học Phật pháp để biết ý nghĩa của việc mình làm.
Tâm đại thiện thọ xả hợp trí hữu trợ
(upekkhāsahagataṃ ñāṇasampayuttaṃ sasaṅkhārikam)
Hình ảnh minh họa: Một anh thiện nam được chư tăng nhờ cậy chẻ củi giúp chùa, lòng anh không hào hứng lắm với công việc tẻ nhạt này nhưng anh biết rõ đó là một công đức.
Tâm đại thiện thọ xả ly trí vô trợ
(upekkhāsahagataṃ ñāṇavippayuttaṃ asaṅkhārikam)
Hình ảnh minh họa: Một bà cụ ngồi xem kinh, tự ý không cần ai khuyến khích nhưng không hiểu được lời kinh và xưa giờ cũng chưa từng biết qua nghiệp lý
Tâm đại thiện thọ xả ly trí hữu trợ
(upekkhāsahagataṃ ñāṇavippayuttaṃ sasaṅkhārikam)
Hình ảnh minh họa: Một cô gái được mẹ nhờ giặt dùm mấy bộ áo quần cô không hào hứng gì với công việc thường nhật này và bản thân cô cũng chưa từng học đạo ngày nào.

Có mặt ở đời thì người ta không làm việc này phải làm việc khác, không sống bằng tâm trạng này thì phải bằng tâm trạng khác, khi không hành động hay nói năng, suy nghĩ bằng sự tác động của tham, sân, si thì người ta chỉ còn một cách lựa chọn là tam nghiệp tịnh hảo. Đó là phép tu hành thiện trong Phật pháp. Trong một thiện tâm (nhân) càng có nhiều đức tánh đi kèm thì sức mạnh của thiện tâm đó càng mãnh liệt và phong phú hơn.


Nguồn: Giáo tài A Tỳ Ðàm
Hòa thượng Saddhammajotika
Tỳ kheo Giác Nguyên dịch Việt
Ghi chú: 17+123



Thống kê SÁCH đọc nhiều theo thời gian

10.5.23

KIÊU MẠN

KIÊU MẠN 
Kiêu mạn ở đây nghĩa là ỷ lại. Có ba thứ ỷ lại: 

(1) Ỷ lại vào tuổi trẻ. 
(2) Ỷ lại vào sức khỏe.
(3) Ỷ lại vào chuyện mình còn sống. 

Hễ mình còn sống là mình còn thấy mình hay. Khi nào mình thấy mình có dấu hiệu của cái chết thì mình mới sợ. Chưa thấy dấu hiệu của cái chết thì mình còn sung lắm dù cho mình đã tám mươi tuổi rồi. Khi nào mình đối diện với dấu hiệu của cái chết thì mình mới chùng, mới rũ xuống. Dù 80 tuổi, sức khỏe không như xưa, tuổi trẻ không còn nữa, nhưng hễ chưa thấy dấu hiệu của cái chết, bác sĩ chưa nói gì hết thì mình còn tiếp tục yêu đời một cách cuồng nhiệt. Đây được gọi là kiêu mạn của sự sống.
Kiêu mạn của tuổi trẻ là mình thấy mình sung sức, mình thấy mình khỏe mạnh, mình thấy mình nhớ giỏi, hiểu nhanh. Mình nghĩ rằng, nếu không có gì trục trặc thì cuộc đời mình còn dài dữ lắm, có gì đâu mà sợ, mình còn ngon lành quá mà. 

Ông Nasruddin của Hội Văn học Hồi Giáo nói thế này: “Ngày tôi hai mươi tuổi tôi muốn thay đổi cả thế giới. Ngày tôi bốn mươi tôi muốn thay đổi những người quanh tôi. Năm nay tôi đã 80, tôi chỉ muốn thay đổi mỗi mình tôi thôi.” Nghĩa là càng lớn tuổi thì cái nhìn của người ta khác đi. Một là chững chạc đi, hai là mất dần niềm tự tin, ba là với sự tích lũy kinh nghiệm đời họ nhận ra những sự thật mà hồi trẻ họ không thấy ra. Tình trạng sức khỏe, tình trạng tâm lý cộng lại cho người ta có cái nhìn khác đi về cuộc đời. Chứ còn thật ra 99.9% chúng sanh trong đời là mắc phải ba thứ ỷ lại này: “Tôi còn trẻ mà. Tôi còn khỏe mà. Chưa có chết đâu.” Đi đám tang, lúc nào mình cũng lén nghĩ như vậy, còn lâu lắm mới tới mình. Ông này ổng xui thôi, uống rượu lái xe thì chết phải rồi. Gây thù gây oán bị người ta chém là phải rồi. Ăn uống không cẩn thận thì chết là phải rồi, chứ còn mình đâu đến nỗi lọt vào ba tình huống đó. Cứ lén nghĩ như vậy, đó là sự ỷ lại hay là sự kiêu mạn. Bài kinh này sâu lắm. 

Khi chúng ta sống trong sự ỷ lại như vậy thì chúng ta khó mà tinh tấn, rất khó, nếu không muốn nói là không thể tinh tấn để hành thiện lánh ác được dầu mình cũng hiểu mơ hồ mọi thứ ở đời là khổ, sanh ở đâu cũng khổ, niềm vui nào cũng là khổ, thiện hay ác cũng đều là nhân sinh tử như nhau. Những người thường xuyên nghĩ về cái già, bịnh, chết thì ít ra họ cũng sống trong kiểm soát, trong chừng mực, không có cái hãnh tiến. Khi nhiệt huyết của tuổi trẻ còn nhiều, khi chúng ta thấy mình còn trẻ, còn khỏe, còn sống dai thì mới còn bận tâm nhiều chuyện tào lao, ví dụ như nghĩ đến chuyện hưởng thụ, gầy dựng sự nghiệp, gầy dựng tiếng tăm, kiếm tìm tình cảm, chiều theo thị hiếu thị dục, thỏa mãn những niềm đam mê tào lao không ích lợi cho mình cho người.  Chứ còn nếu thường xuyên suy niệm về già bệnh chết thì chúng ta không còn kiêu mạn trong sức khỏe, trong tuổi trẻ. Tự nhiên chúng ta sẽ chùn lại. 
Bài kinh này có nội dung liên quan bài kinh trước, Ngài kể,  ngay cả ta, một vị hoàng tử tuổi xanh phơi phới, tóc còn đen, da dẻ còn hồng hào láng mịn, sống trong nhung lụa đế vương mà cứ bị ám ảnh bởi cái già, bệnh, chết thì cái gì ta cũng buông hết. Khi nghĩ đến già, bệnh, chết thì ta không còn ba thứ kiêu mạn: tuổi trẻ, sức khỏe, quãng đời còn dài trước mặt mình. 

Mình thì không được như vậy, tuổi nào mình cũng có kiểu ỷ lại của tuổi đó. Tuổi trẻ thì ỷ lại kiểu tuổi trẻ, tuổi trung niên mình ỷ lại kiểu khác. “Tuổi mình bây giờ là tứ thập nhi lập, ngũ bất hoặc!” “Tuổi này mới là tuổi gây dựng sự nghiệp, thể lực còn ngon, kinh nghiệm đời đã vững vàng chín chắn, già dặn, lão luyện!” Đến tuổi lão sáu bảy chục mình lại nghĩ khác: “Bác sĩ nào cũng khen mình hết! Chỉ cần mình đừng bị trọng bịnh nguy hiểm.” Thường thì bác sĩ hay khen, mà mỗi câu khen của bác sĩ chỉ hại đời mình thôi. 

Chỉ cần mình đừng có bịnh nan y nguy hiểm thì bác sĩ nào cũng thích khen người già hết. Khen thì họ đâu có mất gì đâu, mà làm cho người ta vui. Nhưng khổ thay cái vui này chỉ hại đương sự thôi. Lẽ ra họ cần sống trong tư niệm về già, bịnh, chết để tinh tấn tu tập. Tư niệm về già, bịnh, chết để tu tập chứ không phải để sống trong sự sợ hãi. 

Tôi có biết một cụ ngoài 90 rất sợ đi ngủ. Chỉ ngủ khi nào kiệt sức không kềm được thôi, để giấc ngủ tự tìm đến chứ không dám dỗ giấc vì cụ sợ ngủ rồi thì đi luôn không thấy con cháu, không thấy nhà cửa. Cứ sống trong sự chập chờn như vậy, cuối cùng cũng không sống mãi được, cũng phải đi. Sống đến một lứa tuổi nào đó thì tự nhiên mình sợ chết. Tôi biết một cụ nữa cũng ở Mỹ, người Việt. Bác sĩ kêu mổ bà không dám mổ, vì bà nghe sơ sơ đâu đó là chứng bệnh của bà mà tuổi lớn rồi mổ thì nguy hiểm, có khả năng đi luôn. Chính vì vậy bà thà chịu đau chứ không chịu mổ. Bà mất rồi, cũng 10 năm rồi.  
Chúng ta có hai cách nghĩ về cái chết: nghĩ để buông hết để tinh tấn tu tập và nghĩ để đau đáu, lo âu, sống trong niềm bất an, như vậy là không nên. Đức Phật dạy mình nhớ nghĩ về cái chết không phải để mình sống trong niềm bất an, trong sự sợ hãi, trong tuổi già héo hắt u ám, mà phải nhớ để tinh tấn tu tập. 

KIÊU MẠN  Kiêu mạn ở đây nghĩa là ỷ lại. Có ba thứ ỷ lại:  (1) Ỷ lại vào tuổi trẻ.  (2) Ỷ lại vào sức khỏe. (3) Ỷ lại vào chuyện mình còn sống.


Sư Giác Nguyên (giảng)
Ghi chú: 35+123+153



Thống kê SÁCH đọc nhiều theo thời gian